Những cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công Minh

04.02.2015

Những cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công Minh

Chúng tôi cứ ngồi lặng yên như thế, một buổi sáng cuối xuân đầu hạ, trong quán cà-phê nhỏ ngay bên đầu cầu treo Trà Đốc bắc qua sông Tranh, đoạn chảy qua xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My của Quảng Nam. Dễ gì có được phút giây này! Nơi đây cách thành phố Đà Nẵng hơn trăm cây số, nếu tính theo độ dài của tuyến đường Nam QuảngNam, từ Tam Thanh lên đến tận mép ranh giới với Kon Tum. Như một cơ duyên, sau bao nhiêu năm chôn chân nơi thành phố, hôm nay bốn chúng tôi lại có dịp ngồi dưới tán lá mát rợi của cây rừng Trà My trong một chuyến du hành không hẹn trước. Đâu phải ai và lúc nào cũng có dịp lên đến nơi này, lại đi bằng những chiếc xe máy cà tàng, không lệ thuộc vào ô tô và bác tài, tự mình dừng đâu cũng được, nghỉ chân hút một điếu thuốc, ngồi lại nơi quán nhỏ bên bờ suối, nhâm nhi một ngụm cà phê...

Chiến tranh đi qua đã lâu. Bốn mươi năm “một thời đạn bom” đã lùi xa, và giờ đây đã là bốn mươi năm của “một thời hòa bình”.

Tất cả những địa danh từ thời kháng chiến chống Pháp qua thời chống Mỹ như những âm thanh ngân vang suốt dặm đường đi, hoà quyện với âm hưởng của gió, của núi, của tiếng thác xa vọng về, của tiếng nhạc ve râm ran... Rừng Trà My Quảng Nam, cũng như mọi cánh rừng xưa tôi đã sống, đã đi qua, những rừng cọ bạt ngàn Phú Thọ, Tuyên Quang, những rừng nứa, rừng vầu của Đại Từ, Phú Lương Thái Nguyên, những cánh rừng Tam Lộng Vĩnh Phú, những dải rừng bên đường số 4 từ Lạng Sơn đi Thất Khê; và mới đây, dưới tán rừng quốc gia trên đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, mạn Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Cạn... dường như rừng luôn cho ta cảm giác: đã đến với rừng, tự nhiên con người mang một tâm thế khác lạ, vừa như già đi bởi những suy ngẫm về một chốn thâm nghiêm kỳ bí, lại vừa trẻ trung ra trước những nhành lá non mơn và tiếng nhạc sôi động của rừng.

Nhà thơ Thanh Quế trở nên ít nói trong buổi sáng đầu tiên của chuyến đi này. Không phải là người đi du lịch mà anh đang trở về với quá khứ hơn bốn mươi năm trước. Anh háo hức như trẻ thơ khi chuyến đi đã được xác định. Bởi thế, ông nhà thơ ngót nghét Bảy Mươi này sốt ruột đến mức không thể ngủ thêm một đêm nữa ở ngôi nhà yên ấm của mình tại Đà Nẵng, mà ngay chiều hôm trước đã bàn với nhà văn Nguyễn Bá Thâm xuôi quốc lộ 1 vào ngủ lại Tam Kỳ, có cả Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật thành phố Tam Kỳ Phạm Đông, để sáng mai ngược rừng sớm hơn, để được gần lại với rừng hơn.

Và bây giờ chúng tôi đang ngồi ở đây, trên triền dốc đứng, nhìn xuống dưới kia con sông Tranh chảy từ núi Ngọc Linh đang mùa nước cạn, hai bên bờ ngổn ngang tầng tầng lớp lớp những tảng đá, phiến đá to nhỏ nhấp nhô. Sông Tranh nơi thượng nguồn này thực ra là giao thủy của những con suối nhỏ, len lỏi giữa các tảng đá. Nước như được lọc qua các phiến đá, trong vắt, tụ về đây để chuẩn bị dồn về dòng Thu Bồn dưới xuôi.

Đích đến của chúng tôi trong chuyến đi này là Nam Trà My. Từ ngày chia tách tỉnh, rồi chia tách huyện, tôi chưa có dịp trở lại với vùng đất này, vốn là 6 xã vùng cao của Trà My cũ. Từ đây về cơ quan huyện không còn xa nữa. Chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ xe máy. Đã hơn 12 giờ trưa, nắng vẫn trên đỉnh đầu. 4 ông lão văn nghệ sĩ già U70 ham vui vẫn thả sức lạng lách nơi đường vắng. Được cái đoạn Bắc Trà My về Nam Trà My đường tốt, không như đoạn Tiên Phước lên Bắc Trà My. Với lại, gió mát, cây rừng phả hơi thiên nhiên, cảm giác thật dễ chịu.

Bữa cơm trưa muộn được mời ở nhà ăn tập thể Ủy ban Huyện. Phó Chủ tịch Lê Ngọc Kích tiếp chúng tôi. Một lát sau, Chủ tịch huyện Hồ Văn Ny vừa tiếp xong một đợt khách ở tỉnh lên, cùng ngồi vào trò chuyện. Chúng tôi nói với Kích, thế là đã thực hiện được lời hứa lên thăm Nam Trà My sau ngày chia tách. Ngày trước, cứ nhắc mãi, viết mãi về việc hoàn thành tuyến đường nhựa đoạn Trà My - Tắc Pỏ nhưng chưa bao giờ đi đến đó. Bây giờ thì toại nguyện.

Trưa ngả lưng nghỉ tạm ở nhà khách ủy ban nhưng không ai chợp mắt được. Đầu giờ chiều, chúng tôi tranh thủ gặp gỡ nghe thông báo tình hình và vội vàng đi “thực điạ” ngay. Phó Chủ tịch Lê Ngọc Kích tạm rời bàn giấy “đi với mấy anh cho vui”; mọi công việc chỉ đạo qua điện thoại.

Ở rừng, chiều thường đến sớm. Thoáng cái đã có cảm giác âm u. Vẫn trên những chiếc xe máy, chúng tôi đi lòng vòng chung quanh khu vực cơ quan huyện. Ở đây phố và rừng xen lẫn. Thị trấn được bao bọc giữa những dải rừng già. Anh Kích đưa chúng tôi đến một cánh rừng lớn, hầu hết là chò, loại chò chỉ quý hiếm, xen lẫn một số loại gỗ quý của rừng Quảng Nam. Dừng xe, ngước lên cao, ngút mắt một dải rừng rậm chót vót. Lê Ngọc Kích bảo đây là khu vực di tích căn cứ Nước Là, đã được Bộ Văn hóa công nhận di tích cấp quốc gia, nằm trong cụm căn cứ Tắc Pỏ-Nước Là-NgokLa, còn gọi là Mật khu Đỗ Xá trong chiến tranh. Quả thật không thể hình dung nổi. Nhưng chỉ biết rằng hơn 40 năm trước, đây là một vùng rừng sôi động của chiến khu Nước Là - được mệnh danh là Việt Bắc của Khu 5. Nó như một quả tim đập rộn ràng, chuyển sức mạnh của cơ quan đầu não đi các nơi, chuẩn bị cho những trận đánh quyết định đi đến ngày toàn thắng giải phóng quê hương. Rất nhiều đề án của tỉnh, của huyện nhằm khoanh vùng bảo vệ cả một diện tích rộng tới 27 hec-ta không cho mọi công trình xâm phạm; một mặt phải có giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên rất quý giá này; mặt khác, từng bước  phục dựng các hạng mục công trình quan trọng như nhà đồng chí Võ Chí Công, Bí thư khu ủy, nhà làm việc của Ban quân sự Khu ủy, Văn phòng khu ủy, hội trường...Song song với đó là dựng bia tưởng niệm, xây nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại căn cứ này qua các thời kỳ.  

Sáng hôm sau mấy anh em dậy sớm. Không gian thật thoáng đãng. Uỷ ban huyện đóng trên đồi, nhìn xuống là con đường lớn mới mở, thảm nhựa rộng rãi. Bên kia đường là suối nước Là, một nhánh của sông Tranh. Tiếng suối đổ ầm ào, dù đang mùa nước cạn, thật gợi nhớ những miền rừng núi đã qua, từ những thưở rất xa của quãng đời tuổi trẻ. Huyện bố trí ô tô để mấy anh em chúng tôi đi xa hơn, khoảng 40 cây số nữa, về phía Tu-mơ-rông giáp ranh với Kon –Tum. Đây là tuyến đường mới, mọi người quen gọi là đường Nam QuảngNam. Cậu lái xe tên Thành, trạc 30, trắng trẻo dễ mến, quê Trà Dương, lên đây lái xe cho Ủy ban đã 10 năm. Thành như một hướng dẫn viên, vừa đi vừa giới thiệu các địa danh bên đường, thuộc làu hết các tên thôn nóc, sông suối, quen với những khúc cua ngoặt và những đoạn lên dốc xuống khe. Chúng tôi đi dọc triền Đông của dãy Ngọc Linh, men Sông Tranh thuộc địa phận các xã Trà Don, TràNam, Trà Cang. Khu vực này trong chiến tranh là khu hậu cần cho cả vùng khu 5. Đường ở đây được trải nhựa, có nơi bê tông, thỉnh thoảng có những bãi đất rộng, nhưng chủ yếu là đường hẹp, có nơi cây dại mọc lan ra cả hai bên mép đường. Có đoạn công nhân đang thi công làm đường, những tảng đá lớn chặn ngang, xe phải vòng ra những lối nhỏ. Ven đường, lác đác vài quán bán tạp hoá, nước giải khát bình dân của người Kinh lên đây sinh sống. Thỉnh thoảng nhìn lên cao lại gặp một buôn nhỏ của đồng bào dân tộc ở xa xa trên sườn núi cheo leo.

 Tháng ba là mùa hoa gỗ chò nở rộ, bông trắng ngà xen những rừng cây lá đỏ. Điều khá đặc biệt là cây rừng ở đây rất đẹp, giống như những cây bon-sai khổng lồ mọc giữa chậu cảnh của thiên nhiên. Mỗi cây một dáng, như có người thợ tài hoa vô hình hàng ngày gọt tỉa.

Đi trong miên man rừng, dằng dặc những dặm xanh cùng rừng, hồi tưởng những trang sử hào hùng của một thời chiến tranh vẫn vẹn nguyên trong ký ức, bỗng nhận ra một điều rằng, thiên nhiên xứ mình thật lạ. Cũng cây, cũng rừng như thế, cũng một màu xanh bạt ngàn của non cao, nhưng sao nhìn vào mỗi cánh rừng, có thể thấy cả một lịch sử đang chuyển động, thấy cả một rừng người đang dịch chuyển, người trỉa bắp trồng khoai, người hái rau dớn ven suối, người gùi gạo, người tiễn nhau về đồng bằng, vào vùng tranh chấp, vùng tạm chiếm để âm thầm chiến đấu trong lòng địch, giữa sào huyệt kẻ thù...Cuộc chiến đấu của chúng ta thật kỳ lạ. Nó làm cho những cánh rừng âm u, thâm nghiêm bỗng trở nên sinh động, đầy sức sống, và chính cuộc chiến đấu và những ký ức về nó đã làm sống lại những vùng rừng, khiến rừng trở nên bất tử. Phạm tiến Duật, người đã từng lăn lộn trên những tuyến đường mòn phía Tây Trường Sơn có lần đã nói tới “những vùng rừng không dân”, nơi những người lính của chúng ta đã mang hơi ấm con người đến tận chốn thâm sơn cùng cốc : Cũng vương tóc rối chân gà - Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây - Cũng quần áo ướt phơi dây - Cũng gầu múc nước, ô hay, cũng làng! Những nhà nghiên cứu về rừng có thể khảo sát, đo đếm bao nhiêu thông số về rừng, bao nhiêu ích lợi do rừng mang lại, nhưng đã có ai thống kê bao nhiêu cây rừng đã mọc song song từng đôi cho người lính mắc võng, đã nâng giấc ngủ cho người chiến sĩ trên đường hành quân. Cũng không ai biết được bao nhiêu cây rừng đã thành tấm bia mộ bởi người nằm trên chiếc võng mắc vào cây đã lặng lẽ hy sinh trong đêm, một mình, bởi cơn sốt ác tính. Rừng của chúng ta là vậy. Trên đường đi, chúng tôi đã phải mấy lần dừng xe, rẽ vào những lối mòn nhỏ. Thanh Quế nghiêm trang lần hồi trong trí nhớ, cố đoán tìm ra chỗ này chỗ khác là nơi mình đã ở, đã viết, đã làm rẫy...những ngày ở rừng. Anh kể những ngày đầu từ Bắc về khu V, tại đây anh đã bắt đầu nhập cuộc với việc tham gia phát rẫy và trồng sắn suốt 3 tháng ròng. Từ căn cứ này, anh đã cùng anh em xuống vùng giáp ranh để cõng gạo, muối được cấp, hoặc có lúc ngược lên Kon Tum, dùng muối, mì chính đổi sắn bắp của đồng bào dân tộc. Và cũng từ đây, anh bắt đầu những sáng tác đầu tiên về cuộc chiến đấu trên quê hương. Cũng chính tại nơi này, Nguyễn Mỹ - nhà thơ của những “Cuộc chia ly màu đỏ” đã trực tiếp sản xuất và tiếp tục sáng tác, kể cả những thể tài bình dân như ca dao vận động sản xuất hoặc kêu gọi anh em binh lính địch bỏ súng quay về với cách mạng. Nguyễn Mỹ hy sinh vào một ngày mùa hạ năm 1971. Đồng đội chôn cất anh bên sườn đồi cạnh suối Nước Ta. Sau này, với bao nhiêu nỗ lực tìm kiếm của đồng đội và đồng bào cán bộ địa phương, nhà thơ của chúng ta đã được đưa về an táng tại nghĩa trang huyện. Trên đường về, trước khi đi lên chiếc cầu xi măng vững chãi mới bắc qua sông Tranh, chúng tôi đi vòng theo lối cầu dây võng cũ để rẽ vào Thôn Nước Ta xã Trà Đốc. Thanh Quế, Nguyễn Bá Thâm chỉ tay vào cánh rừng phía xa, bảo đấy là nơi Nguyễn Mỹ chia tay người yêu và rồi sau lần đó anh đi không về nữa, mãi mãi...Chúng tôi lặng im khấn vái hương hồn anh và những người đã hy sinh trên đất này.

Tất cả những sự kiện, những nhân vật như vậy của quá khứ, bây giờ  chỉ còn là những mảng xanh rậm rịt của rừng, nào thấy gì đâu ngoài cây lá. Có thật như vậy không? Có phải tất cả đều đã mất đi chăng, chỉ còn cây rừng rậm rịt ? Buổi tối trước hôm chúng tôi rời Tắc Pỏ, mấy anh em quen biết từ hồi còn công tác ngồi lại với nhau bên chén rượu chia tay. Câu chuyện dẫn dắt thế nào, lại quay về với rừng. Có người nói, bà con ở đây bảo có những khu rừng “ma”, ấy là những cánh rừng có người ngã xuống ở đấy, bởi nhiều lý do khác nhau. Những khu rừng như vậy, hầu như rất ít người vào. Không phải chỉ vì sợ. Có thể sợ cũng là một lý do. Nhưng hình như, có những lý lẽ khác, thuộc về sự huyền bí của rừng không giải thích được. Sự huyền bí của rừng như thể mang trong mình nó những triết lý thiêng liêng của đất và trời, của thần và người. Những người dân quanh đây không muốn lay động sự tĩnh lặng của rừng, muốn giữ sự yên tĩnh đời đời cho những người đã  nằm lại vĩnh viễn. Rừng không còn là thiên nhiên thuần tuý, là nơi sinh sống của các loài cỏ cây và muông thú, mà nó còn là nơi ấp ủ, che chở con người từng làm lụng, vật lộn với miếng cơm manh áo, từng chiến đấu chống kẻ thù, và một phần trong số họ đã mãi mãi nằm lại nơi những cánh rừng. Họ đã trở thành linh hồn của rừng.

 

Nhà văn Nguyên Ngọc, một người gắn bó với rừng, với Tây Nguyên suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đã có lần kể rằng đồng bào Tây Nguyên có một tập tục là sau khi chôn cất người thân một thời gian, họ “bỏ mả”, không chăm nom gì nữa, họ trang trọng làm lễ giao người thân của mình cho rừng, trả người thân lại cho rừng. Đó không phải là thái độ vô trách nhiệm, mà trong đó ẩn chứa một triết lý: con người sinh ra từ rừng thì hãy trả lại cái phần sinh thể tự nhiên ấy cho rừng, Con người sẽ hòa lẫn mình trong tự nhiên. Bởi rừng – cũng theo diễn giải của nhà văn – đó là hiện thân của sự vĩnh hằng, là cõi vô cùng vô tận; nơi thăm thẳm mà con người từ đó ra đi và cũng là nơi hun hút con người  biến mất vào, biệt vô tăm tích. Nhưng như thế không có nghĩa là họ không tồn tại. Họ sẽ thành giọt sương mai trên lá cây rừng, là tia nắng chiếu vào đáy sâu huyền bí của vực thẳm, thành ngọn gió lành thổi qua thung lũng, thành dòng nước mát lành lọc qua các ghềnh đá...

Chúng tôi lại rong ruổi trên đường trở về, qua những con đường dốc uốn lượn ven sông Tranh đang mùa nước cạn, và vẫn cứ tin rằng, trong những cánh rừng kia, các anh vẫn còn đó, những người cầm súng, phát rẫy, cõng gạo, cáng thương, viết văn và làm thơ, vẽ tranh và tạc tượng, cùng với biết bao nhiêu người vô danh khác. Chính các anh đã làm sống lại những vùng rừng, để cho hôm nay, màu xanh vẫn bạt ngàn nơi đầu nguồn, và những vùng rừng ấy mãi mãi là phần không thể thiếu trong những trang sử oai hùng của dân tộc. 

                                                                                                               1/2015

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan