Nỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm
Thực ra, viết về cố thi sĩ Bùi Giáng, người ta đã viết quá nhiều, kể cả người viết bài này, cứ mỗi dịp Tết về, người ta lại… nhớ Bùi Thi Sĩ! Nỗi nhớ cũng có chu kì, đúng với chu kì báo Tết! Tôi đã từng nghĩ sẽ không bao giờ dám mạo phạm đến ông nữa. Nhưng rồi… Ngoại tôi qua đời! Hai vấn đề viết về cố thi sĩ Bùi Giáng và bà tôi qua đời chẳng có liên hệ gì với nhau. Nhưng với tôi thì khác, giữa bà và cố thi sĩ có những nét rất giống nhau, đặc biệt lúc bà sắp ra đi, tôi không dám tin người đang trăn trối với tôi là thi sĩ họ Bùi hay là Bà Ngoại của tôi nữa, hai gương mặt giống nhau như hai giọt nước. Nhớ ngoại, tôi lại nhớ đến ông. Và những địa danh trong thơ ông cũng là nơi lúc sinh thời, bà ngoại đi tản cư, đi buôn khoai lang, khi nói lảng, bà lại đọc ca dao toàn những địa danh này! Đây Mường Rạnh, kia Khe Rinh, nọ Dùi Chiêng, Tí Sé… Nỗi lòng Tô Vũ của ông mang mang âm hưởng đất trời Trung Việt, mỗi địa danh khảm vào tâm thức mơ hồ một vệt sáng ký ức miên viễn…
Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng
Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình
Những bận nào Quế Sơn Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ xuống phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng
(Trích Nỗi lòng Tô Vũ – Mưa Nguồn – Bùi Giáng)
Thi ca, đứng trên một chừng mực và góc độ nào đó, có thể là sự cứu rỗi. Tính cứu rỗi đến từ hai hướng: Người tạo tác và người cảm thụ. Nếu như người tạo tác lấy thi ca làm lẽ sống, làm chất dầu xoa dịu những vết đau tâm hồn để tiếp tục sống và dong ruổi bước chân trên khắp nẻo heo hút bất định, rừng rú của đời sống và số phận, thì với người cảm thụ, đôi khi thi ca như một lời nói hộ, một biện sư giúp cho mình giải thoát được những ngôn ngữ vốn dĩ đóng băng chốn tâm linh. Tôi vẫn chưa hết cảm giác bàng hoàng buồn mỗi khi nhớ lại hình ảnh bà tôi la hét trong cơn lãng. Từ dáng bộ cho đến cách nhấn nhá của bà có nét gì đó rất giống với Bùi Thi Sĩ lúc tại thế.
Thời sinh viên, có đôi lần đi xe buýt từ làng đại học Thủ Đức xuôi về Sài Gòn, tôi nhìn thấy Bùi Thi Sĩ đứng múa may quay cuồng giữa đường, trên người đeo lủng lẳng đủ các loại cây, lá. Nhưng mỗi lần nhìn thấy như vậy, với lối suy nghĩ con nít thời đó, tôi chỉ thấy ông tội nghiệp, có vẻ điên loạn. Đương nhiên, xét về tâm thần học, những hành xử của Bùi Thi Sĩ sẽ bị xếp ngay vào vùng tâm thần phân liệt. Nhưng đứng trên góc độ triết học, Lão Tử, Hepocrace, Dionzen cũng từng có đời sống tương tự và họ được phong thánh của phương Đông cũng như phương Tây. Bởi vì cõi giới của họ không thuộc về cõi giới của người bình thường.
Sở dĩ tôi nói vậy vì tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bà ngoại tôi bị tâm thần hoặc thần kinh bà có vấn đề. Mặc dù những trận lãng của bà có thể kéo dài cả tuần lễ với việc la hét và mắng nhiếc một kẻ nào đó thuộc về quá khứ. Những lúc như thế tôi cho rằng dây đàn ký ức đã quá căng mà lại đánh toàn những hợp âm thăng nên nguy cơ đứt dây có thể xảy ra bất kì giờ nào. Mỗi khi bà lãng, bà hay kêu tên những địa danh như Dùi Chiêng, Tí Sé, Mường Rạnh, Khe Rinh, Trà Linh… Ban đầu tôi không để ý. Nhưng sau này tôi để ý thì mọi chuyện lại khác. Cứ mỗi lần bà la hét đến những địa danh này, tôi cầm tập Mưa Nguồn và đọc to bài Nỗi lòng Tô Vũ. Bà hét càng to tôi đọc càng to hơn, miễn sao át tiếng của bà. Một lúc sau bà ngưng la hét và ngồi gật gù nghe tôi đọc thơ… Dần thành quen, cứ thấy bà có dấu hiệu la hét là tôi mang tập Mưa Nguồn ra đọc. Không biết giữa cái mênh mông, tịch mịch của tâm thức tuổi già, bà có cảm nhận được gì từ những câu thơ đầy ma lực chữ nghĩa kia không, còn tôi thì dần thuộc lòng thơ Bùi Thi Sĩ!
Có thể nói, trong hàng ngàn tác phẩm thơ mà ở đâu cũng bắt gặp bàng bạc nỗi nhớ quê của Bùi Thi Sĩ, bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ là tác phẩm chứa nhiều địa danh nhất. Những địa danh cụ thể được viết qua lăng kính nửa siêu thực nửa lãng mạn pha chút hơi hướm thượng thiên khí của ông đã khiến cho mỗi cái tên vùng đất trở thành một thứ ấn chứng tâm linh, khắc sâu vào ký ức, nỗi buồn, lòng bi mẫn hay hoài niệm… Điều này thật khó mà nói cho trọn vẹn. Có cố gắng chiêu dẫn tâm thức vào sâu trong chữ nghĩa của ông thì cũng chỉ nhận được sự bất lực. Càng dấn sâu vào chỗ “hiểu” thơ Bùi Giáng, người ta càng sớm bắt gặp sự hữu hạn của bản thân. Chỉ có một điều có thể dễ dàng nhận thấy là trong một khoảnh khắc nào đó, thơ Bùi Giáng như một bài kệ ngắn mà ở đó, độc giả đóng vai trò một tu sĩ, ngồi nhâm nhi, nhấn nhá những lời kệ như một sự cứu rỗi.
Em nhớ hay không? Hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa
Nhưng từ nay Giáp Nam anh đóng trại
Cố định rồi - em khỏi ngại ngày đêm
Dưới nắng mưa tha phương du mục mãi
Cay đắng từng, bùi ngọt mặn mà thêm
Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện
Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi
Khoanh mấy vòng tay anh thoăn thoắt bện
Vòng cho em từng chiếc sắp xong rồi
Chiều đã xuống em đà no nê chắc
Huýt tù và! em xúm xít lại anh đeo cho
Mỗi chúng em mỗi vòng mây mỗi sắc
Lại mau đây! to nhỏ cổ anh so
Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này em Hoa Cà hỡi! chiếc nâu
Ngẩng đầu lên! dê ơi anh thong thả
Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên
Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi
Vòng em xong, vòng anh dành riêng chiếc
Dành riêng mình - dê hỡi hiểu vì sao?
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao
Nhìn anh đây các em Vàng Đen Trắng
Tía Hoa Cà lổ đổ thấu lòng chưa?
Từ từ đưa chiếc vòng lên thủng thẳng
Anh từ từ đưa xuống cổ đong đưa
Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha
(Trích Nỗi lòng Tô Vũ – Mưa Nguồn – Bùi Giáng)
Và bây giờ, bà cũng đã đi về cõi vĩnh hằng, Bùi Thi Sĩ đã ra đi gần mười lăm năm. Nhưng không hiểu sao những địa danh Mường Rạnh, Khe Rinh, Trà Linh, Tí Sé, Dùi Chiêng, Quế Sơn Rù Rì con suối nhỏ… Vẫn còn ám nhớ. Đứng trước bàn thờ bà ngoại, tôi lại nhớ đến những ngày tôi mãi miết đọc Nỗi lòng Tô Vũ cho bà dần tỉnh lại, ngồi lim dim nghe tôi đọc, sau đó gật gù, mắt nhìn xa ngái. Tôi cũng xin nói thêm, lúc còn tỉnh, bà ngoại tôi không biết gì về thi sĩ Bùi Giáng, cái tên thi sĩ quá xa lạ đối với một người phụ nữ quê như bà. Nhưng có một điểm đặc biệt là bà rất ưa nghe hát dân ca và bà hát dân ca cũng khá hay, ưa nghe mẹ tôi ngâm Truyện Kiều và tôi đọc thơ Bùi Giáng. Có thể nói là tính nghệ sĩ của bà rất cao, có lẽ đó là mối đồng điệu duy nhất giữa một người không cần hiểu gì về thơ với một bài thơ (và nhiều bài thơ khác) không cần người ta hiểu gì của Bùi Thi Sĩ! Đã khiến cho bà tôi tĩnh tâm mỗi khi nghe bài kệ bằng thơ có tên Nỗi lòng Tô Vũ.
Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút giòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi vọng be be …
(Trích Nỗi lòng Tô Vũ – Mưa Nguồn – Bùi Giáng)
Mùa Xuân lại về, núi đồi Trung Việt miên man, rừng sim tím bên triền đồi Duy Trinh, cố quận thuở nào trổ bông tím ngát. Những câu thơ như một lời kinh nguyện hồn ai. Tháng Chạp lại về với khói sương bảng lãng, những cô tóc dài Mã Châu mang hồn lụa vào Nam ra Bắc. Đâu đó giữa Mường Rạnh, Khe Rinh, Trà Linh, Quế Sơn, Rù Rì con suối nhỏ, câu thơ cất lên từ những viên sỏi nhỏ, ngân nga âm chim trời cất tiếng hát. Tiếng hát của những linh hồn mùa xuân tìm về cố quận! Bài viết này, xin xem như một nén nhang thắp viếng anh hồn thi sĩ, thắp viếng hương linh bà tôi và thắp ấm những câu thơ như một bài kệ lạnh bên kia trời quên lãng!
T.T