Chùm truyện nhỏ cho các em của Thanh Quế

04.02.2015

Chùm truyện nhỏ cho các em của Thanh Quế

Chú dê con

 

Chú ta có tính hay làm nũng. Cứ chốc chốc chú ta lại “be he” (mẹ ơi). Mẹ chú dù đang rúc vào bụi cây kiếm lá ăn để có sữa cho chú bú hay đứng nghỉ ngơi cũng phải “be he” (con ơi) chạy đến với chú. Thấy mẹ là chú ta xông vô vú mẹ, chú bú chú cọ đầu, chú chạy qua bên này, chạy lại bên kia, lăng xăng xí xọ. Bú no nê chú ta nằm xuống bãi cỏ, lăn mình qua bên trái rồi lại lăn qua bên phải. lăn chán, chú vùng dậy, phóng tới bên mẹ “be he, be he” (mẹ ơi, mẹ ơi) nũng nịu. Đó là chú dê con, có lông vàng óng, tinh nghịch như quỷ sứ, con của con dê cái mà nhà tôi mua từ Quán Cau về. Tôi thích chú lắm. Hằng ngày, cứ đi học thì thôi, chứ về tới nhà là tôi ôm chú vào lòng, cầm hai chân trước, bắt chú đi bằng hai chân sau y như một chú Cún con vậy. Chú ta quen hơi tôi, nên nhiều khi tôi học bài hay đang chơi bi, đáo với các bạn, chú cũng đến cọ cọ đầu vào lưng tôi y như một con chó. Nhiều lần, tôi trải chiếu ngoài sân chơi trăng với các bạn rồi ngủ quên, khi tỉnh dậy thấy chú nằm bên cạnh. Tôi thương chú lắm, hễ hôm nào anh Quý tôi dẫn mẹ con chú đi ăn xa, từ sáng đến tối, buổi trưa tôi đã thấy nhớ chú.

Một hôm, tôi đang ngồi làm bài, chú ta bỗng xộc đến. Chú có gì vui trong lòng không tôi chẳng biết nhưng sau khi cọ vào lưng tôi, chú đưa đầu húc lên bàn. Bình mực tím của tôi bị đổ, chảy tràn vô quyển vở, đổ xuống cả quần áo tôi. Tôi tức quá, cứ hai tay mà tát chú. Chú ta lúc đầu tưởng tôi giỡn nên cứ “be he, be he”, đứng ngây thơ nhìn tôi. Nhưng khi đã tức tôi nào để ý, cứ tát đã rồi lấy thước đánh vào đầu chú. Có lẽ tới lúc ấy, nhận ra cơn tức của tôi, chú dê con “be he, be he” rồi vùng bỏ chạy.

Từ đó, như một đứa trẻ con sợ một ông người lớn hung dữ, chú không dám đến bên tôi, dù tôi cố xoa đầu vuốt lưng lấy lòng chú. Những lúc ấy, chú chỉ “be he, be he” rồi chạy biến.

Một hôm, tôi đi học về thì không còn thấy chú dê con nữa. Má tôi nói ba tôi đã tặng chú cho một người bạn rồi.

 

 

Con chó hoang

 

 

Không rõ nó từ đâu đến. Chỉ biết vào lúc chạng vạng tối, nó từ ngoài đường làng, lẻn vào nhà thằng Hà (có lẽ nó đánh hơi thấy mùi thức ăn), xuống tận bếp đớp luôn con cá rán mà mẹ thằng Hà đã nhọc công xuống tận biển để mua về đãi khách. Bà chủ nhà tức giận cầm đũa bếp vừa đuổi theo vừa la hét ầm ĩ khắp làng.  Bọn trẻ chúng tôi đang chơi đáo trên đường làng cũng la lên, ùa đuổi theo “kẻ trộm”. Con chó này trơ xương, lông rụng từng đám, ghẻ lở khắp người. Rõ ràng đó là con chó hoang, chẳng ai biết, vật vờ đi từ đâu đến làng Phú Thạnh này. Thấy chúng tôi đuổi, miệng nó ngậm chặt con cá, cố chạy lên phía trước. Nhưng có lẽ do bị đói lâu ngày nên khuyển ta không thể chạy nhanh được. Thế là một trận mưa đá và đất cục của chúng tôi trút xuống người nó. Ban đầu, nó è ạch chạy, nhưng vẫn cố ngậm theo con cá. Nhưng dần dần thấy chúng tôi đuổi riết quá nên nó đành “bỏ của chạy lấy người”. Con cá rán được bỏ lại dính đầy nước miếng của nó và đất cát, chẳng thể nào ăn được, nên mọi người, nhất là mẹ thằng Hà càng bực thêm. Vì thế, khuyển ta lại tiếp tục bị “truy kích”. Có lẽ do đuối sức quá, hết chạy nổi, khuyển ta mới đành liều quay đầu lại xông vào cắn chúng tôi. Cả bọn sợ quá, chạy quay lui. Nhưng thằng Hà la lên:

- Đừng sợ, Nó yếu lắm. Nó đớp cẳng tao mà chẳng đau gì hết. Cứ ném đá cho nó chết đi.

Chúng tôi lại quay lại hò hét đuổi theo con chó. Bây giờ, khuyển ta lè lưỡi thở nặng nhọc, đi từng bước một. Lập tức những hòn đá, những khúc cây giáng xuống mình nó…Nó ăng ẳng kêu rồi nằm quay lơ…

Sáng hôm sau, ai đi trên con đường làng Phú Thạnh cũng thấy xác một con chó hoang. Người nó thâm tím, máu đọng từng cục ở miệng… Nhiều người bịt mũi đi qua rồi nói:

- Đồ chó hoang, cho nó chết.

Nhưng cũng có người mủi lòng thương, nói:

- Tội nghiệp. Con chó đói quá, chỉ “ăn trộm” có một con cá mà đến nỗi bị đánh chết. Khổ cho loài chó.

 

SUỐI TRE

 

 

Ở phía tây làng Phú Thạnh của tôi có một con suối nhỏ, tên là suối Tre, vì nó chảy  ngoằn ngoèo dưới những hàng tre đổ ra bàu Ngòi. Mùa hè, nước trong vắt, có thể nhìn thấy những hòn cuội dưới đáy, những chú  cá đen trắng bơi tung tăng. Chúng tôi thường đến đây ngụp lặn rồi bắt những chú cá con đem về nuôi. Mùa đông, nước đục ngầu, trào ra khỏi bờ suối, chảy băng băng. Con suối hiền bỗng dữ tợn la thét. Có lần, thằng Bá bạn tôi đi chăn bò về, lội qua suối, bị nó cuốn... May nhờ có chú Nguyên đi ngang qua vớt kịp...

Chúng tôi thường theo các anh lớn ra suối câu cá. Suối có nhiều cá tràu, cá ngạnh, cá nhét...Chúng tôi yêu con suối này lắm. Không có nó thì tôi không biết mình sẽ buồn thế nào...

Một bữa, anh Tiến, anh họ tôi, đi xa về, mang theo một tấm bản đồ ViệtNam. Chúng tôi lần theo những nét xanh xanh để tìm con suối làng mình.

- Ủa, sao con suối Tre làng mình không có trên bản đồ, anh Tiến ? Tôi thắc mắc.

Anh tôi cười :

- Nó nhỏ quá ai thèm ghi vô bản đồ.

Tôi tự ái:

- Thế sông Hồng, sông Cửu Long to bao nhiêu mà được ghi ?

Anh tôi cười, giải thích :

- Nó to, to lắm. Có thể nó còn rộng hơn cả làng mình đó.

Tôi nhất định không chịu nghe theo lời giải thích của anh. Tôi bảo với anh cùng các bạn rằng, lớn lên tôi sẽ làm nghề vẽ bản đồ và sẽ vẽ con suối Tre của tôi vào bản đồ ViệtNam.

Năm tháng trôi qua, tôi lớn lên, được đi nhiều, thấy nhiều con sông rộng, suối dài, hiểu ra nhiều điều mà tuổi nhỏ tôi chưa hiểu. Tôi trở về làng và thấy con suối Tre của tôi như càng nhỏ lại, nhỏ như thể có thể đựng vào bao ni-lông cho vào túi áo đem theo bên mình cũng được. Tôi hiểu điều anh tôi nói ngày xưa là có lý. Nhưng sao tôi vẫn buồn, buồn lắm. Bởi lẽ, tất cả những nơi tôi đã đi qua, dòng sông nào, con suối nào cũng gợi tôi nhớ da diết con suối nhỏ của tôi...

 

 

 

 

 

Những động cát

 

 

Ở phía đông làng Phú Thạnh là những động cát, chúng nằm từ gốc cây đa làng  kéo choài ra tới mép biển. Người làng tôi bảo rằng, những động cát này có được là do gió thổi cát ven bờ biển mà vun thành đống. Những động cát trắng nối liền nhau chập chùng như những quả đồi cao thấp ở miền thảo nguyên mà sau này tôi đã đi qua.

Hàng ngày, cứ chiều chiều, khi mặt trời khuất sau dãy núi phía tây, lũ trẻ chúng tôi lại rủ nhau chạy thi trên những động cát ra mép biển thử ai nhanh hơn. Cát lún chân nên rất khó chạy. Thi chạy xong, chúng tôi ngồi bệt xuống cát, lấy vỏ ốc vỏ sò múc cát giả làm gạo bán. Tiền là những chiếc lá mít chúng tôi đem từ nhà đến. Trên động còn có những con ốc "Lu Lem", chúng tôi cứ theo dấu chân chúng bò mà tóm chúng. Loại ốc này rất lạ, khi bắt chúng xong ta kéo thân chúng ra khỏi vỏ rồi để vỏ cạnh đấy thế là chúng lại lò mò tìm ra vỏ để chui thân mình chúng vô. Sau khi chơi giỡn đã đời trên động cát, chúng tôi lao ùm xuống biển tắm, vật nhau, kéo chân nhau, khoát nước vào nhau. Một lúc sau, chúng tôi chạy vù lên động cát nằm dài, vốc cát ném nhau rồi : một, hai, ba...lại ùa xuống biển tắm. Tắm xong, chúng tôi lại lên động cát bứt những cộng rau muống biển đem về cho thỏ ăn. Thỏ thích loại rau này lắm.

Vào những ngày biển động, sóng ầm ầm vỗ vào bờ, những con gió xoáy chạy trên những động cát cuốn cát bay xào xạc. Bạn đừng bao giờ đi qua động cát lúc ấy. Cát sẽ bay vào mắt, làm cho bạn dễ bị đau mắt hột. Người dân biển quê tôi hầu như ai cũng bị đau mắt hột. Ngày nhỏ, tôi cứ mơ ước khi lớn lên sẽ làm ông bác sĩ để chữa mắt cho bà con quê tôi...

Những động cát nối liền những động cát kéo dài suốt dọc ven biển miền Trung quê tôi. Cát, chỉ là cát khô khốc thôi, sao lâu ngày không nhìn thấy chúng, tôi nhớ lắm, nhớ như nhớ người thân vậy...

 

                                                                                                                                                               T.Q

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan