Nét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân Trình

04.02.2015

Nét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân Trình

Ca xuân sắc bùa là một sinh hoạt đón Tết có từ bao đời ở  đất Quảng: “Sắc bùa là sắc bùa âu,/ Mong cho năm mới ăn xôi với chè/ Sắc bùa là sắc bùa hòe,/ Mong cho năm mới ăn chè với xôi”. Điều đáng nói ở đây là nó mang đậm nét giao thoa văn hóa Việt - Mường.     

Cũng xin được thông tin đôi điều về dân tộc Mường. Đây là dân tộc có chừng 60 vạn người, cư trú rải rác ở các vùng phía Bắc từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá đến Vĩnh  Phúc, Hà Tuyên  nhưng sống tập trung nhiều nhất ở Hoà Bình. Hát  sắc bùa (còn gọi là xéc bùa, tức xách cồng) là hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Mường vào đầu dịp năm mới, đón Xuân về.

Nét tương đồng dễ thấy nhất là tính chuyên nghiệp và có tổ chức của ca xuân sắc bùa. Ở đất Quảng, đội ca xuân sắc bùa chừng 10 người - bao gồm các nghệ nhân (hầu hết là nam giới). Họ mặc lễ phục thông thường: áo dài đen, khăn đóng, quần trắng. Dẫn đầu đội là hai người xách lồng đèn; sau đó là người mang trống bồng (dài độ  6 - 7 tấc, một  mặt trống bịt da trăn, mặt kia bằng da kỳ đà); hai người sử dụng cặp sanh tiền, những người còn lại là người hát. Có nơi đội sắc bùa có thêm một cặp chụp choả để đánh nhịp. Tất cả việc diễn xướng của đội do một người cái phụ trách.

Còn ở bản Mường, hát sắc bùa do phường bùa tiến hành. Phường bùa có khoảng từ 15 đến 20 người (bao gồm cả nam và nữ), thâu nạp những người biết hát, biết đánh cồng tham gia. Trong số này, chọn ra một người đàn ông có giọng hát hay, có tài ứng tác đảm nhận việc thường, gọi là thầy thường. Đội hình đi hát sắc bùa xếp thành một hàng, ăn mặc đẹp. Dẫn đầu là người phụ trách chiêng boòng beng, rồi đến những người mang chiêng đủm, chiêng khộ, chiêng dàm. Đội vừa đi vừa đánh cồng những bài hát dân gian cổ truyền như: Đi đường, Leo dốc...

Thông thường, các đội hát sắc bùa ở cả đất Quảng và bản Mường có  điểm chung: đến hát ở những nhà có hẹn trước  hoặc có lời  mời trước Tết. Cũng có nơi, đội đang đi thì gia đình chạy ra đón đàng để rước vào hát cho nhà mình.

Khi đến nhà đã hẹn trước để hát sắc bùa, phường bùa ở bản Mường đánh bài cồng hiệu, người đứng đầu phường bùa hát bài "khoá rác" (mở cửa):

 “...Bình bong chiêng núm vàng

Phường bùa chúng tôi ở tỉnh rậm sông bờ

Phường bùa chúng tôi đi theo con rồng áng

Đi cho sáng rạng đất binh đất Mường...”

Chủ nhà ra mở cửa chào đón (trước đó theo tục lệ, cổng ngoài vẫn đóng kín mặc dầu chủ nhà tập trung họ hàng rất đông để chờ đón). Phường bùa tiến vào sân, vừa đi vừa đánh cồng. Tiếng cồng âm vang náo nức, lời ca đằm thắm ngọt ngào. Tất cả như đọng mãi ở núi rừng hùng vỹ. Cả người hát lẫn người nghe đều say sưa, ngây ngất. Khi thủ tục sắc bùa sắp hết, người đứng đầu phường bùa cất lời ca gợi ý mời gọi mọi người chuyển sang phần hát đối đáp. Nếu như chủ nhà đồng ý, phần hát "thường rang bộ mẹng" (tiếng thương tiếng hát) sẽ bắt đầu với bài dân ca ví von, bóng bẩy, đối đáp sắc sảo, tình ý đậm đà diễn ra trong cảnh uống rượu cần. Men rượu hoà cùng hương vị ngày Tết càng làm thắm đượm tình người, tình xuân. Trong niềm hân hoan, cuộc thi thố tài năng trở nên lôi cuốn, hấp dẫn bởi bên nào cũng thể hiện những làn điệu dân ca Mường một cách trong trẻo, ngọt ngào. Sau mỗi đoạn, tất cả mọi người lại reo lên, hồ hởi chúc nhau năm mới an khang. Dẫu không muốn rời nhưng phường bùa cũng phải hát lời cảm tạ và tiếp tục đến chúc nhiều gia đình khác nữa trong bản. Trước khi nói lời chia tay, gia chủ đem gạo, bánh đem tặng cho phường bùa để cảm ơn.

Cũng với mô- típ như vậy, ở đất Quảng, khi đến ngõ, người cái xướng bài "khai môn":

Nhà ai bên đó

Ngõ ai bên đàng

Đánh trống kiểng vang

Tứ bề gài chặt

Đông phương, Tây phương: Bính, Đinh

Bắc phương: Mậu, Kỷ

Tả tường: ất sĩ

Hữu tường: đầu xà

Hoạ chữ tứ trung

Khai môn mở ngõ

Những người còn lại hát xô (con xô):

Mở ngõ  đã rồi

Mở ngõ đã đoan

Anh em chúng bạn

Bước đến vào nhà

Bình yên năm mới

Sang giàu phú quới

Thật là sang giàu sang!

Dứt bài "khai môn", người cái vỗ trống bước dẫn vào sân rồi  dừng lại vỗ liền 3 tiếng nữa, mới bước vào nhà. Họ vào hát bài mừng tuổi ông bà. Chủ nhà trải chiếu  ra mời mọi người, ông bà, tổ tiên gia chủ. Sau đó, chủ nhà bày bánh trái, trà rượu ra đãi. Đội sắc bùa ăn uống cùng gia đình, sau đó tuỳ theo nghề nghiệp chủ nhà mà hát chúc tụng. Chúc xong, đội  thực hiện một nghi thức có tính chất phù chú: Dán một lá bùa ở cửa nhà. (Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nếu sắc bùa ở bản Mường có nghĩa là xách cồng thì ở miền Trung và miền Nam lại có nghĩa là dán bùa).

Nhìn chung, ca xuân sắc bùa là một hình thức diễn xướng nghi lễ - phong tục có nguồn gốc là lễ nghi nông nghiệp. Chủ đề chính của bài ca Xuân nói lên mơ ước của người lao động và chứa đựng những nhân tố thẩm mỹ lành mạnh của người lao động trong điều kiện khả năng làm chủ thiên nhiên và trình độ nhận thức còn hạn chế. Chẳng hạn ở bản Mường, hát sắc bùa ca ngợi chủ nhà với nội dung:

Đám sắc bùa chúng tôi đến nhà ông,

Thấy rặng phía trong,

Cột nhà bằng trai,

Thấy rặng phía ngoài,

Cột nhà bằng trâm,

Trâu bò nhà ông nhốt buộc đầy sân

Có hàng buộc trâu có hàng buộc bò

Đụn lúa nếp nhà ăn đến tháng năm

Đụn lúa chăm nhà ăn hết tháng mười...

Còn ở QuảngNam, nội dung ca ngợi cũng không có gì khác biệt:

Kính chúc ông bà

Khoẻ mạnh đẹp lòng

An khang trường thọ

Làm ăn đắt đỏ

...............................

Hoa màu chồng chất,

Lúa bắp tràn trề

Đầy bồ đầy ví

Đầy vườn bầu bí

Gà vịt đầy sân

Trâu bò từng đàn

Đều to béo bự

Ông bà thảnh  thơi biết bao

Sớm trà, chiều rượu dồi dào vui tươi.

....................

Sắc bùa ở bản Mường và ở đất Quảng là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian ngày Tết mang tính quần chúng rõ nét, có cùng nội dung cầu chúc mừng năm mới và hình thức thể hiện về cơ bản như nhau. Dù cách xa về không gian, song nét giao thoa văn hóa Việt - Mường vẫn thể hiện khá đậm nét. Phải chăng điều đó càng chứng tỏ các dân tộc trên đất nước Việt Namđều có chung một cội nguồn văn hóa. Đấy là sức mạnh vô địch gắn kết vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc ViệtNam, không chỉ trong chống giặc ngoại xâm mà cả trong  hoà bình, xây dựng!
                                                                                                                                                             VT 

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan