“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ Nguyên
Là tác giả của 2 tập thơ (Chân trời, Nxb Đà Nẵng, 2002; Thiên di, Nxb Hội Nhà văn, 2014), 2 cuốn tiểu luận phê bình (Văn chương nhìn từ góc sân trường, Nxb Văn học, 2003; Cảm nhận văn chương-Ngôi thứ tư số ít, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Minh Hùng là gương mặt quen thuộc của giới văn nghệ sĩ, giáo viên và nhiều bạn đọc ở những bài viết, sáng tác có phong cách riêng.
Thiên di là tập thơ thứ hai của Nguyễn Minh Hùng nối tiếp Chân trời "theo logic hình thức lẫn hàm nghĩa ngôn từ” (Lời tác giả - trang bìa 3) do Hội Nhà văn xuất bản. Chân trời là nơi có thật trong tưởng tượng (Chân trời). Nơi đó, thiên di là không ngủ, ôm giấc mơ nghìn trùng, vẫy vùng trong mông lung (Lời ru thiên di); ngóng trời rộng thênh để được là phận thiên di hóa kiếp (Cánh thiên di)!...
Đến với Chân trời và Thiên di, chúng ta bắt gặp một phương thức biểu hiện mới lạ, giàu chất tạo nghĩa và cấu trúc hình tượng đầy tính triết lý. Trước hết, trong sáng tạo nghệ thuật, không gian và thời gian nghệ thuật được sử dụng như một quan niệm riêng để thể hiện mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình và hoàn cảnh. Đây là hai phạm trù có liên quan mật thiết với nhau, về mặt khách quan, chúng đều là vô tận – thông qua trạng thái tình cảm và các phương thức biểu hiện của ngôn ngữ.
Khác với cách tiếp cận thường thấy của xu hướng hậu hiện đại trong văn học gần đây là chọn không gian hẹp, có giới hạn, Nguyễn Minh Hùng đã chọn cho thơ mình một không gian rộng, đa chiều. Thống nhất với Chân trời, chúng ta gặp ở Thiên di là những tầng mây trắng, những khoảng trời diệu vợi (Bay), những mùa Xuân (Trái tim chim yến), mùa Thu, mùa Đông (Tin nhắn mùa đông), những phương Bắc (Bay ngược), phương Nam (Lời ru thiên di)... Trong không gian rộng đó, khát vọng thiên di tha hồ vẫy vùng để rồi đốn ngộ...
Sự chín chắn của câu chữ và công năng sáng tạo nghệ thuật như đã tạo ra trong Chân trời cũng như Thiên di nhiều không gian hoài vãng, siêu thực, được khai thác ở chiều kích đa phương hướng. Từ một không gian hẹp (rất ít xuất hiện) đến một không gian rộng: Tiếng dế gọi bạn dưới chân giường suốt đêm/ cánh đồng ếch nhái uôm uôm tiễn đưa năm cũ (Cơn mơ); từ không gian cõi âm đến không gian cõi dương: Cúi tìm nhặt dấu chân Kiều/ nghiêng trên bóng mộ xiêu xiêu bóng mình (Thăm mộ Nguyễn Du); từ không gian thực đến không gian ảo: Nằm trên chỗ mẹ anh chôn vội nhúm nhau/ rồi ươm lâu dài vào đấy giấc mơ khôn lớn (Cơn mơ); từ không gian văn hóa bị lãng quên đến không gian hiện về trong suy tư của tác giả: Có người lớn ngồi bên khung cửa/ ngỡ với tay chạm phải ấu thơ mình/ vắt vẻo lưng bò, lăn tròn trên vạt cỏ/ rồi nhảy nhập vào bóng nước lung linh... (Bên khung cửa). Đây phải chăng là lẽ đời, lẽ nghĩ suy, lẽ sống mà tác giả hội đọng trong những uyển ngữ nhiều ấn tượng.
Cùng với không gian, tác giả Chân trời và Thiên di luôn cảm nhận thời gian một cách chủ quan và mạnh mẽ. Nếu ngày trước “Xuân Diệu nhìn đời bằng con - mắt - thời - gian” (Đỗ Lai Thúy), “Chế Lan Viên nhìn đời bằng lý - lẽ và trái – tim - thời - gian” (Hồ Thế Hà), thì nay Nguyễn Minh Hùng thiên di bằng bước – đi - thời - gian: Đêm bằng mười năm/ năm như một ngày/ ngày tựa một đời (Những gốc rạ). Thật cảm động khi Ngày 28 tháng 9 -Dẫm vào ngày anh có mặt để rồi mãi ngửa tay đếm từng tuổi rớt nhưng Bốn mươi năm vẫn mùi hoa cải ấy, Thử úp mặt vào lòng, mùi trầu cau ấy-mùi mẹ đó-không khác... Trong khoảng thời gian hạn định và vô định đó, có Một ngày - chiều vừa vỡ vừa đi trong chầm chậm/ một chân trời hư thoảng hiện ra; rồi Ngày vắng - câu thơ đứng ngồi ngày vắng/ gánh gồng hết một đơn côi...; đến Đêm cuối đông - Suốt một mùa cây thao thức/ chồi xanh nằm lắng khúc mưa; và một sáng mai Thức dậy - anh chạy giữa tháng - năm – con - người nôn nao cơn khát/ mưa thủng thỉnh rơi sông suối nhọc lòng... Chảy trong nguồn mạch của thời gian là Cánh thiên di - Chở cả mười phương chín hướng/ mang theo trăm cuộc phân ly/ chất lên ngàn cơn mộng tưởng... Trong Faust, Goethe nói Thời gian ơi! Người đẹp lắm đừng trôi. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng từng thổn thức Thời gian sao mà xuẩn ngốc/ Mới thôi đã một đời người. Có lẽ ý thức điều đó nên Nguyễn Minh Hùng luôn thao thức: Thiên di là không ngủ/ đường bay sẽ rất dài (Lời ru thiên di) và tạc dấu chân trần lội ngược nẻo nhân gian (Dấu chân)...
Chọn không gian rộng, đa chiều kích; chọn thời gian của cuộc hành trình thiên di bất định, Nguyễn Minh Hùng biểu đạt ở đó hình ảnh của con người Hai tay chín móng bám vào đời (Xuân Diệu). Bài thơ mở đầu tập Thiên di có lẽ là sự giãi bày thế cách sống của một con người: Em ơi/ đã bay là rét mướt/ là có thể/ rớt/ hãy xếp thành một mũi tên/ Mũi Tên nở hoa nếu Mùa Xuân vừa kịp tới/ mũi tên nhỡ không may/ rụng xuống quê nhà/ hóa cỏ biếc Thanh Minh.
Khác với những cánh thiên di trước đây thường là sự mỏi mệt, ngưng nghỉ: Chim bay về núi tối rồi (Ca dao), Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa (Huy Cận), thiên di của Nguyễn Minh Hùng là Bay, Bay ngược, bay đi, đi miết không về, bay như mũi tên đi tìm nắng mai (Bay). Cũng có lần Cánh chim buồn bực nhưng không phải là buồn bực của sự rã cánh mà tiếc cho đôi cánh -thôi thì hành phương khác/ Chân trời mặc sức đi...
Bay đi từ chốn quê, thơ Nguyễn Minh Hùng luôn nặng nợ với nơi chôn nhau cắt rốn. Trong Chân trời và Thiên di, hình tượng bản sắc văn hóa làng quê xuất hiện với tần số khá cao. Đó là mùi đồng đất, mùi rơm rạ, mùi phân ải; đó là đường làng, bến quê, những mùi hoa cải thơm nồng, những đường làng ngọt ngào hoa cau sóng sánh trăng vàng, những bờ tre tỏa hương dịu nhẹ... Và nhất là hình ảnh của Mẹ, của Chị, của Em: Ngày đi trốn những sấm sét tự trên cao/ bóng mẹ nghiêng xuống vạt đồng chiều/ các chị đỏ mắt đứng trông theo/ không đoán nổi phương trôi dạt...(Tiếng nổ). Người mẹ, người chị xuất hiện đồng nghĩa với quê hương, với những gì gắn bó thân thiết khó lòng dứt được của người đi ra. Họ tượng trưng cho sự lam lũ nhọc nhằn, vị tha, giàu đức hi sinh. Người trai kia dẫu có phiêu bạt tận góc trời nào chắc hẳn không bao giờ quên được đôi mắt đăm đắm dõi theo nơi lũy tre làng: Cứ ngước mặt về trời quê cao rộng/ Cố hương bao giờ cũng biết sẻ chia... (Tiễn con). Mảng thơ này của Nguyễn Minh Hùng giản dị mà sâu sắc đưa chúng ta hát tiếp khúc hát dòng thơ làng Việt trong Thơ mới 1932-1945 của Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ. Những gốc rạ, Trừ tịch quê nhà, Chị ơi hạt nắng, Năm người đàn bà, Lửa, Trở lại dòng sông, Chia tay dòng sông, Cơn mơ, Tìm hương... như những “bảo tàng” gốc quê hồn Việt trong tâm hồn thương nhớ ấy. Tình cảm đối với quê hương cao đẹp thế, tha thiết thế nên tấm lòng với non nước còn thể hiện trong cả cảm quan về không gian tồn tại của đất nước. Như một logic hình tượng, trong những cánh chim thiên di; ta trân trọng gặp Cánh chim Lạc gieo xuống đây hơn trăm quả trứng/ chọn trùng dương làm cuộc sinh tồn; và rồi, bỗng âm vang khi những ngày Biển Đông dậy sóng: đảo bao dung thương cả phận thiên di/ tình yêu nào ở đây cũng hóa thành tình yêu Tổ quốc/ tự ngàn xưa chiếc thuyền lá ra đi (Những quả trứng nở ra). Nguyễn Minh Hùng không những nhớ mà còn nhớ sâu, sống đậm: Thảng thốt nếu không từng một lần sống và không từng một lần tìm lại nỗi hương xưa...- đây cũng là một thông điệp kép gửi đến nhiều người.
Bạn đọc chắc sẽ được đón nhận tiếp những “chân trời” mới, những “cánh thiên di” mới của Nguyễn Minh Hùng trong cuộc sống cũng như trong phê bình văn học và sáng tác văn chương:
Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết
rơi xuống đâu cũng âm vang sự sống của màu. (Bay ngược)
H.S.N