Nghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần Hồng

04.02.2015

Nghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần Hồng

Bài chòi là một giá trị văn hóa độc đáo của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận... Hiện nay, ở Khánh Hòa, Quảng Nam và Bình Định vẫn cón có các đoàn nghệ thuật sân khấu ca kịch bài chòi, riêng ở Bình Định, ngoài Đoàn Ca kịch Bài chòi chuyên nghiệp còn có Câu lạc bộ Bài chòi cổ; và tại các làng xã ở khắp nơi trong tỉnh Bình Định, bài chòi vẫn tồn tại mạnh mẽ và phát triển sâu rộng.

Ngày xưa, cứ đến Tết Nguyên đán, người ta thường tổ chức các hội bài chòi và các hội vui khác để vui chơi trong ba ngày Tết. Bài chòi đã ra đời vào lúc nào, ở đâu? Đã có nhiều người trong nước, kể cả người nước ngoài đã có công sưu tầm, nghiên cứu, tìm tư liệu để chứng minh nguồn gốc bài chòi, nhưng chỉ là các giả định chưa được công nhận sự ra đời cũng như cái nôi đã sinh ra nó.

Bài chòi đã có ở Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh phía nam miền Trung hơn 100 năm qua và đã phát triển sâu rộng trong các làng xã, từ trẻ con cho đến người lớn đều hát bài chòi thành thạo. Được biết Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước quê ở Hậu Giang, Giáo sư Trần Văn Khê quê ở Tiền Giang, lúc nhỏ các ông thường xuyên xuống bến sông nghe hát bài chòi do các thuyền buôn từ miền Trung vào buôn bán, ban đêm các ông thường hát dân ca và bài chòi. Giáo sư Hoàng Châu Ký, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Văn Phước Khôi... sinh ra ở Quảng Nam vào các năm đầu của thế kỷ XX đã chia sẻ: ngay từ nhỏ các cụ đã theo cha mẹ ngồi trên chòi để vui chơi hội bài chòi ở các đình chợ, đình làng từ các năm ấy cho đến ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Các nhà nghiên cứu âm nhạc người Pháp như G.I.Bouvier, P. Huard, M. Durand và G.L Bouvier người Ba Lan gốc Pháp đã đến Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cũng rất quan tâm đến nghệ thuật hát Bài chòi. Trong tập sách La Rousse Musicale, có dành 1 chương nói về bài chòi, ông cho rằng, bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức là sau năm 1470. Các ông cũng nói rằng, bài chòi phát xuất từ các chòi giữ thú rừng, các trò chơi giải trí trên chòi, rồi bày ra hội chơi bài chòi.

Ông Phan Đình Lang (tức Bốn Trang còn gọi là Bốn Que) sinh năm 1910 ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định nói: “Hồi còn nhỏ ông đã nghe ông nội và các ông già trong xã kể là bài chòi do ông Đào Duy Từ (1571 - 1634) ở ngoài Bắc vào Bình Định khai khẩn đất hoang, sinh cơ lập nghiệp, xây làng lập ấp. Ông lập gánh hát bội, dạy hát, múa tuồng, để chơi vui trong các ngày lễ, ngày Tết. Từ việc làm các chòi cao để giữ hoa màu khỏi bị heo, nai, thú rừng ăn phá, khi có thú về họ gõ mõ, gõ thùng, gõ các dụng cụ để xua đuổi, các chòi làm quanh nhau để hỗ trợ, canh gác từ đầu rẫy, họ căng dây nối vào hai ống tre ngắn, có bịt da ếch, nói vào ống, người phía đầu ống ở chòi bên kia để tai vào ống nghe rõ tiếng nói tâm tình, tiếng hát từ đầu ống bên kia. Từ đó ông Đào Duy Từ mới sáng kiến bày ra trò chơi bài chòi trong các ngày Tết được tồn tại đến ngày nay”. Điều này rất phù hợp với nhận định của các nhà nghiên cứu âm nhạc học người Pháp đã công bố trong sách La Rousse Musicale xuất bản tại Paris năm 1928 đã chứng minh: “Bài chòi xuất phát từ Bình Định, là cái nôi của nghệ thuật dân gian này”.

Trong bài viết “Cái nôi của nghệ thuật bài chòi” Giáo sư Hoàng Chương cho biết: “Hiện nay, riêng Bình Định đã có tới mười đoàn bài chòi không chuyên, nhưng diễn hay như chuyên nghiệp và hàng trăm câu lạc bộ bài chòi ở khắp làng, xã. Đây cũng là nơi còn tồn tại hội đánh bài chòi cổ thường xuyên được tổ chức rất sôi nổi ở thành phố Quy Nhơn và các huyện phụ cận”.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi đã có chính quyền cách mạng, toàn dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực Pháp ngành Văn hóa Thông tin các tỉnh đã thành lập các Đội Văn nghệ xung kích dùng đã dân ca, bài chòi để phục vụ nhân dân các tỉnh ở miền Trung. Ở vùng bị chiếm Quảng Nam có Đội Văn công xung kích gồm các anh Văn Cận, Nguyệt Chiếu, Nguyễn Tồn, Liên Nguyễn, Huỳnh Thủ... Họ đã tự biên, tự diễn và nói chuyện thời sự. Trong chương trình biểu diễn có hô bài chòi, nói vè Quảng Em Đằng anh dũng của Liên Nguyễn; Tây cướp thịt heo, Sản xuất tăng gia của Văn Cận; Ca kịch bài chòi ngắn một màn như Tiễn anh lên đường, Bắn máy bay bà già… tuyên truyền công tác bình dân học vụ, nộp thuế nông nghiệp phục vụ dân công và bộ đội trong các chiến dịch, đánh đồn Tây... Bài chòi là một vũ khí, sáng tác kịp thời rất hiệu quả để phục vụ nhiệm vụ văn hóa và chính trị rất đắc lực trong kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

Thời kỳ chống Mỹ ở miền Nam, được sự chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng, các tỉnh đã thành lập các đoàn văn công giải phóng phục vụ ở chiến trường đánh Mỹ. Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Quảng Đà được Ban Tuyên huấn tỉnh thành lập ngày 24.12.1963 tại sông A Vương, vùng chiến khu phía Tây huyện Đại Lộc.

Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam do Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy quyết định thành lập ngày 10.8.1964 tại Đồng Linh, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình. Mỗi đoàn của tỉnh có gần 30 diễn viên ca, múa, kịch dân ca bài chòi là chủ yếu. Các tiết mục: Trận đánh Núi Thành, Con quạ hòa bình, Trở về làng cũ (tấu); Quảng Nam quê tôi, Tam Kỳ quật khởi (bài chòi); Thanh niên tòng quân, Gươm kề cổ (kịch)... được diễn nhiều lân phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Năm 1967, các anh Khánh Cao, Hoàng Lê, Ngọc Anh, Liêu Châu, Đoàn Phận từ Ban Văn nghệ khu V về tập huấn và dàn dựng các vở kịch dân ca bài chòi như: Một mạng người, Lá cờ, Bảy dũng sĩ Điện Ngọc, Bà mẹ Gò Nổi, Quảng Đà quê tôi, Đội kịch Chim chèo bo, Hai cha con... và các độc tấu bài chòi, các tiết mục ca, múa, hát hò khoan nói vè... phục vụ chiến dịch Xuân Hè năm 1967. Các tác phẩm dân ca bài chòi tiếp tục phục vụ chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, tổng công kích và nổi dậy khắp chiến trường miềnNam.

Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Quảng Đà lúc bấy giờ đóng quân tại thôn Vân Ly, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn (nay là xã Điện Quang, vùng Gò Nổi). Bất ngờ 8 giờ sáng ngày 24.01.1968, khi đoàn đang tập trung tại nhà bác Huyên để nghe lãnh đạo đoàn phổ biến kế hoạch công tác mới thì một loạt bom tọa độ của Mỹ thả trúng ngay ngôi nhà đoàn đang họp làm 10 cán bộ, diễn viên và NS Văn Cận hy sinh tại chỗ. Con số diễn viên và cán bộ, nhân viên của hai đoàn Quảng Nam và Quảng Đà đã hi sinh trong chiến tranh là 57 đồng chí rất đau thương!

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Ty Thông tin Văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng nhập hai đoàn Quảng Nam và Quảng Đà thành một đoàn. Quyết định chính thức được thành lập ngày 20.10.1975, thì đoàn có tên gọi: Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng do đồng chí Nguyễn Trường Hoàng làm Trưởng đoàn kiêm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Tú Mỹ làm Phó trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật. Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng đã tích cực hoạt động, xây dựng nhiều tiết mục phục vụ chính trị, phục vụ nhân dân khắp nơi trong tỉnh, đoàn đi đến đâu đều mở lớp dạy hát bài chòi và dân ca, phổ biến và phát triển sâu rộng trong thôn xóm, trong cộng đồng xã hội, xây dựng các nhóm, đội văn nghệ quần chúng. Tết Nguyên đán, nhiều làng, xã, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức hội bài chòi rất vui vẻ, đón chào một cái Tết mà non sông được thống nhất, gia đình được đoàn tụ sau những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Đoàn ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng hoạt động từ năm 1975, đến năm 1997 thì có quyết định chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng được chuyển vào tỉnh Quảng Nam thành Đoàn Ca kịch tỉnh Quảng Nam từ đó đến nay đã 17 năm qua.

Quảng Nam - Đà Nẵng là mảnh đất hát dân ca dân gian, hát bội và bài chòi ngày xưa đã phát triển mạnh mẽ từ nông thôn đến thành thị. Đội văn nghệ quần chúng ở Hội An, Hòa Vang, Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu (Đà Nẵng), Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Tam Kỳ, Quế Sơn (Quảng Nam)... đều có các diễn viên quần chúng và các nghệ nhân cao tuổi hát hò khoan, hò vè, lý và hô bài chòi rất hay.

Mong rằng bài chòi sẽ được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhằm gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc, phục hồi và phát huy hơn nữa trong đời sống văn hóa xứ Quảng. Nghệ thuật bài chòi xứ Quảng cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam” trình UNESCO xét duyệt, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

T.H

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan