Bốn Chỉnh – Vũ Đức Sao Biển

04.02.2015

Bốn Chỉnh – Vũ Đức Sao Biển

Với người QuảngNam, người con thứ tư trong gia đình được gọi là bốn. Ông Bốn Chỉnh có lẽ là con thứ tư nên được gọi là Bốn Chỉnh. Tôi gặp ông khi tôi mới tám tuổi. Ông khoảng ngoài ba mươi, đã cụt một chân, làm nghề đưa đò qua bến sông Thu. Đoạn sông Thu chảy qua làng tôi ra đến cửa biển  được gọi là sông Cái.

Nghe nói ông Bốn Chỉnh là con một gia đình nghèo. Làng tôi thời thuộc Pháp gia đình nào cũng nghèo chứ không riêng gì gia đình ông Bốn Chỉnh. Thế nhưng có lẽ gia đình ông Bốn Chỉnh nghèo nhất bởi mỗi người trong nhà ông đều phải lưu lạc một nơi kiếm sống. Hai mươi tuổi, ông Bốn Chỉnh tình nguyện tham gia đi kháng chiến. Với người thanh niên nghèo ngày ấy, được đứng trong đội ngũ cầm súng đánh Tây là một vinh dự.

Có một lần, người Pháp đánh bom ác liệt vùng núi rừng nơi ông Bốn Chỉnh đóng quân. Hầm sập đè nát chân của ông. Ông được đồng đội khiêng ra y viện giữa rừng. Để cứu ông, các thầy thuốc chỉ còn cách cưa bỏ chiếc chân gãy. Chàng trai Bốn Chỉnh về quê; một chân cụt quá đầu gối, chân kia teo lại dường như bất khiển dụng.

Những năm đầu sau Hiệp định Genève, chính quyền chế độ cũ thường gọi hỏi Bốn Chỉnh về thời gian đi Việt Minh. Bốn Chỉnh nói: “Tui bị thương ra ri đây, chừ các ông còn muốn cái chi nữa? Các ông muốn bắt tui thì bắt đi”. Bắt Bốn Chỉnh thì chỉ có nước nuôi tốn cơm. Quận trưởng Hồ Ngọc Tuấn cũng nản, thôi gọi hỏi ông, cũng không bắt ông viết lời phản tỉnh nữa.

Lời hát của Phạm Duy mô tả người thương binh “Ngày trở về/ Anh bước lê/ Trên quãng đường đê đến bên lũy tre”. Người thương binh ấy còn khá, chỉ bị thương nên vẫn bước lê được. Ông Bốn Chỉnh của tôi thì không được hạnh phúc như thế. Một chân cụt, một chân teo thì chỉ còn bò lê bò toài chứ bước làm sao được. Tôi biết ông Bốn Chỉnh đau nỗi đau của một con người tàn phế. Càng lớn lên, tôi càng cảm nhận ra niềm đau âm ỷ trong tâm hồn ông. Chẳng ai thương yêu ông, chẳng ai muốn lấy ông. Người thanh niên đủ ăn, còn đủ chân tay mạnh khỏe mà đã khó lấy vợ huống chi một người nghèo tàn phế như Bốn Chỉnh.

Nghèo thì nghèo nhưng cái miệng cũng phải ăn chứ. Biết làm cái chi bây chừ? Bốn Chỉnh chống hai chiếc ghế nhỏ làm “đôi chân”, ra hào tre đốn mấy cây tre thật thẳng. Trời làm chân ông cụt lại cho đôi tay ông khỏe ra và khéo léo hẳn lên. Ông vót nan tre rồi nhờ vài thanh niên trong xóm phụ đan cái thuyền nan. Mua dầu rái trộn với cứt trâu trét các khe nan hở và đánh bóng xong, ông đã có một cái thuyền nan hoàn chỉnh.

Ông thuận tay mặt, đặt quai chèo bên tay trái. Bao giờ cũng vậy, ông ngồi một chỗ sau đuôi thuyền để làm lái. Phía trước thuyền, ông đặt thêm một cây dầm cho người ta phụ bơi. Giữa lòng thuyền, ông chằm một mo cau làm cái mo đài tát nước. Vậy là ông đã có một con đò ngang đưa đón người qua sông Thu.

Sông Thu đoạn qua làng tôi không rộng lắm, chiều ngang khoảng trên một trăm thước. Nước sông xanh trong, hiền hòa quanh năm; trừ mùa đông chảy xiết, rất hung hãn. Những năm 1955, người làng tôi qua lại sông Thu trên đò ngang không nhiều, căn bản có thể đếm trên đầu ngón tay. Phần đông người ta đi mình không, chỉ có một vài người qua đò với chiếc xe đạp.

Thời ấy, làng tôi chưa có trường. Một người ở làng tên là ông Thiệu thương con em chưa được đi học, mượn một căn nhà cũ bên kia sông mở lớp dạy giúp. Tôi là lứa học sinh đầu tiên của ông Thiệu; nhờ ông mà tôi biết chữ. Mỗi ngày hai lần, chúng tôi qua sông Thu trên đò ngang của ông Bốn Chỉnh đi học. Tôi biết ông Bốn Chỉnh từ đó.

Ai qua đò của ông Bốn Chỉnh phải trả năm cắc; học sinh đi học thì khỏi phải đưa tiền. Ông Bốn Chỉnh nhớ mặt từng đứa. Thí dụ như tôi thì ông nói: “Mi là thằng Hợi, con ông Tư Ân, cháu ông hương bộ Tới”. Làng tôi rất lạ, hình như mọi người đều biết nhau và biết rất rõ gốc gác từng người. Nói về một người nào đó thì người ta phải khai huỵch toẹt ra là con ai cháu ai, thậm chí chồng ai vợ ai… Tôi thương ông Bốn Chỉnh nên mỗi khi bước lên đò thường cầm cái mo đài tát nước giúp ông. Ông Bốn Chỉnh không khuyến khích cũng không cấm đoán. Khi vui lắm, ông chỉ nhoẻn một nụ cười nửa miệng. Ông chỉ im lặng ngồi phía sau đò, đợi khách lên tương đối đủ một chuyến để ông chèo đi.

Về hai phương diện đàng hoàng cũng như tục tĩu, ông Bốn Chỉnh đều là bậc thầy của tôi. Trong khi chờ đợi khách ra bến xuống đò, ông Bốn Chỉnh thường cất tiếng hát. Phải nói thế nào về tiếng hát của ông Bốn Chỉnh nhỉ? Ngày đó, tôi chưa biết gì về âm nhạc, nghe ông cất tiếng hát mộc mạc mà lòng cảm xúc lạ lùng. Tiếng hát tự nhiên của ông như từ trong lòng phát ra, mang theo bao nỗi xót xa chìm đắm của kiếp người. Ông hát không phải bằng hơi thở mà bằng chính niềm đau của trái tim. Tiếng hát như sợi tơ rút ra từ trong ruột con tằm quằn quại, cứ vàng óng ánh và nóng hôi hổi nỗi đau thương. Sau mỗi câu hát, hình như có một giọt nước mắt của ông Bốn Chỉnh rơi xuống làm đầy thêm dòng nước vốn đã đầy của sông Thu.

Sau này, khi được đi học chữ Hán, tôi vẫn thích bài thơ cổ Sắc lặc ca. Bài thơ như vầy:

Tương tống Lao Lao chử.

Trường Giang bất ưng mãn.

Thị nùng lệ thành hử.

(Đưa nhau qua bến Lao Lao.

Trường Giang đáng lẽ không bao giờ đầy.

Lệ ai rơi xuống sông này.

Khiến dòng sông nước dâng dài mênh mang).

Tiếng hát say đắm, thật buồn mà khuôn mặt của ông Bốn Chỉnh vẫn cứ tỉnh khô. Hình như ông giấu kín những đau thương vào trong lòng, không biểu lộ một trạng thái buồn vui nào khi hát. Thế nhưng, tiếng hát ông như những mũi tên xuyên vào tim người nghe. Nó buồn thảm một cách ma quái, đau thương một cách dị kỳ.

Năm lên mười tuổi, có một lần tôi qua đò về nhà. Chiều thu, trời đất QuảngNamthật thanh bình, xa vắng. Sương khói miền hạ du cứ khiến người ta ngỡ như đang lạc vào trong giấc mơ. Tôi lên đò. Ông Bốn Chỉnh ngồi đó, dường như không trông thấy tôi hoặc giả bộ không muốn thấy tôi. Ngồi đợi một lúc thật lâu, đường quê vẫn không có thêm khách nào ra bến. Bỗng nhiên, ông Bốn Chỉnh cất tiếng hát:

Em có hay chăng anh về?

Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê.

Ai dám mong chi xuân về.

Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề.

Em ơi em ơi anh trở về đây rồi.

Nhớ tới nhớ tới những duyên và số nghèo.

Trời làm cơn dông bão.

Tình người như tơ liễu.

Buồn vì ai đó khóc ai trong chiều.

Tiếng hát gợi buồn mênh mông giữa không gian mùa thu yên vắng. Tôi nghe ông hát mà lòng đau thương, ngỡ như ai đánh một chùy thật nặng vào trái tim mình. Tôi hỏi:

- Nhạc ai rứa, chú Bốn?

- Nhạc Phạm Duy đó mi.

Con ơi con ơi cha trở về đây rồi.

Nhớ tới nhớ tới những năm buồn vắng nhà.

Ngoài đường trời đông giá.

Một đàn chim nhỏ bé.

Gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà.

Đêm đó về nhà, nhớ lại câu hát và hát theo câu hát của ông Bốn Chỉnh, bỗng dưng tôi đổ nước mắt. Tôi không hiểu sao mình lại khóc khi nghe một bài hát. Rồi tôi nghiệm ra tôi thương ông Bốn Chỉnh. Bạn có tin không, chính tiếng hát của Bốn Chỉnh đưa tâm hồn tôi đến với âm nhạc, giúp tôi trở thành nhạc sĩ mười năm sau đó.

Chắc chắn, ông Bốn Chỉnh rất mơ ước có một người vợ, một đứa con. Ông mơ ước được có một cái duyên và số nghèo như tác giả nói trong lời hát mà ngay ông cũng hiểu mình chẳng bao giờ đạt được. Ông Bốn Chỉnh thật đáng thương, đã gợi lên những xúc động rất nhân văn, nhân hậu trong lòng một thằng bé như tôi.

Năm lên lớp nhì, tôi bắt đầu được học tiếng Pháp. Như các bạn biết đấy, tiếng Pháp mà đọc đúng âm vị QuảngNamthì xin lỗi, người giỏi tiếng Pháp như tướng De Gaulle nghe cũng không hiểu. Thế nhưng với tôi, được học tiếng Pháp đã là thú vị rồi. Một hôm, Bốn Chỉnh hỏi tôi:

- Mi có học xa xơ chị nó mu mềm lông dài chưa?

- Thôi, chú đừng nói bậy.

- Bậy răng được mà bậy? Thầy mi dạy còn thua tau.

Sau này học lên trung học, tôi mới hiểu sa seour là chị nó, moux là mềm, longue là dài. Bốn Chỉnh không nói tục. Ông chỉ đọc tiếng Pháp theo giọng QuảngNam mà thôi. Chính tôi mới là thằng nghĩ ra điều bậy bạ.

Có một lần, tôi sắp đi thi trung học, qua đò một mình. Bến vắng hoe, đò chỉ có tôi với Bốn Chỉnh. Bốn Chỉnh hỏi tôi:

- Tau nghe tụi hắn nói mi hoang lắm phải không?

Chữ “hoang” trong tiếng QuảngNamcó nghĩa là nghịch ngợm, rắn mắt, thậm chí là hư hỏng sớm.

- Không có mô. Đứa mô nói với chú rứa?

- Tại là tau thấy con chi đó hay đi học chung với mi. Mi nói thiệt đi: Mi rờ đít hắn chưa?

- Trời ơi, chú đừng nói bậy mà. Tôi chưa rờ hồi mô hết.Taychưn hắn tôi cũng chưa nắm. Hắn nghe chú nói rứa, hắn chửi chết.

- Tưởng mi hoang chớ. Hóa ra mi hoang không bằng tau.

Rồi Bốn Chỉnh giảng cho tôi nghe một bài tràng giang đại hải về nghệ thuật ve gái. “Nhứt đốn tre, nhì ve gái” – tục ngữ QuảngNam dạy vậy. Theo Bốn Chỉnh, ve gái còn khó hơn cả đốn tre, chẳng qua ông bà mình nói cho có vần có điệu vậy thôi. Mấy cây gai tre mà có nhằm nhò gì để chuyện đốn tre được đưa lên hạng nhứt? Ve gái mới khó dị kỳ toi. Ve gái mà không trúng bài bản, nhẹ thì họ chửi, nặng thì họ đánh. Tôi rùng mình, lặng yên thẩm thấu từng lời của “thầy” dạy. Về sau lớn lên, xin lỗi, tôi mới biết những bài bản của “thầy” trật lất. Nghe Bốn Chỉnh dạy cách ve gái có nước bán lúa giống mà ăn.

Bốn Chỉnh không bao giờ đứng được. Ông chỉ ngồi để chèo đò. Những ngày mùa đông trời có mưa bão, nước sông Thu chảy xiết, Bốn Chỉnh thường nhờ một người bơi mũi giúp ông. Ngày nào nước lụt lên, ông treo “miễn chiến bài”, không dám đưa khách. Những ngày êm ả, thanh bình, ai lỡ độ đường đi khuya về tối, đứng bên tê sông hú một tiếng là Bốn Chỉnh xuống đò ngay. Trên con đò đêm, có thêm một ngọn đèn hột vịt thắp bằng dầu lửa leo lét.

Ai đưa cho Bốn Chỉnh bao nhiêu cũng được. Có người đưa ông năm cắc, có người thơm thảo đưa luôn một đồng, lại có người quên đưa đi luôn. Bốn Chỉnh ít khi nhớ những điều lặt vặt ấy. Ông thường nói một câu rất ngộ: “Tiền tài là nhơn ngãi tiệc”. Sau này, đi học tôi mới biết câu đó nửa Hán nửa Nôm nhưng ý nghĩa chuẩn xác của nó là gì thì tôi chịu.

Bốn Chỉnh “đi” rất lạ: Hai tay cầm hai chiếc ghế nhỏ, ông nâng cả thân hình lên và hai chiếc ghế “bước” tới. Ông lên cao hay xuống thấp, nâng mình đặt vào lòng thuyền hay ra khỏi lòng thuyền vẫn chỉ nhờ vào đôi tay khéo léo. Hai cánh tay của ông rất khỏe bởi chúng còn làm thêm việc của đôi chân. Tức cười nhất là khi ông ngồi tè. Không một giọt nào rơi vào trong thuyền. Ông thường khoe với tôi:

- Rơi một giọt vào thuyền thì không phải là Bốn Chỉnh đái.

Tôi làm thử một vài lần và phải công nhận là thua xa ông. Cách chi cũng rơi vài giọt vào thuyền. Ấy là tôi tè đứng. Nếu tè ngồi như Bốn Chỉnh, tình hình ô nhiễm dứt khoát sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Năm 1965, chiến tranh nổ ra dữ dội. Tôi không còn qua sông Thu về làng quê nữa, phải xa ông Bốn Chỉnh. Sau hòa bình, tôi về làng cũ, nghe tin ông qua đời. Ông ra đi, mang tiếng hát thấm đượm nỗi đau đời chôn luôn vào lòng đất. Trong một cuốn sách mới in năm 2010, tôi gọi ông Bốn Chỉnh là thần tượng của tôi. Đó là một ý tưởng thật sự nghiêm túc. Ngay cách tè ngồi, Bốn Chỉnh đã xứng đáng đạt giải quán quân thiên hạ. Không rơi một giọt vào lòng thuyền!

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan