Dê Thần - Trần Văn

04.02.2015

Dê Thần - Trần Văn

“Tại sao dê cứ phải ăn cây sâm giới mới gọi là dê nhỉ?” – Nàng nhìn Mi, mắt trong và xanh, hỏi bâng quơ trong lúc mi đang dứ dứ củ sâm ngọc linh trước miệng dê thần.

Mi không trả lời câu hỏi của nàng. Đôi khi Mi nghĩ nàng có chút nhảm nhí và trẻ con. Nàng có cách đặt câu hỏi của một người chưa trưởng thành. Và hình như Mi cũng hơi quá đáng khi nghĩ rằng đàn bà vốn là trẻ con nhưng ưa đẻ ra người lớn. Mà nghiệt nỗi người lớn lại ứng vào đàn ông vì chỉ có đàn ông mới ưa cá độ bóng đá và ưa khám phá đàn bà bằng mọi giá, nếu lỡ đàn bà mang cái kiểu ưa của đàn ông trong người thì Mi chẳng ngại ngùng gì mà không xếp họ vào nhóm đàn ông của bọn Mi. Sao vậy nhỉ?

“Tại sao dê cứ phải ăn sâm giới mới gọi là…?” – Nàng không buông tha.

Mi im lặng, nhìn nàng, nàng đang nhìn vào khoảng không trước mặt. Từ đôi mắt láy đen có một sợi ánh sáng chạy xuyên vào không gian. Không gian thì dày đặc bóng tối và tiếng kêu gào của đám mèo rừng và bọn dê núi lẻ bầy. Mi nhìn nghiêng một góc bốn mươi lăm độ, sống mũi nàng cao, cánh mũi phập phồng, đánh nhịp… Dường như có một thứ ngôn ngữ chưng cất nào đó cô đặc không thể nhấc ra khỏi hốc mũi nàng.

Một thứ ngôn ngữ đã ẩm mốc nằm ngủ quên trong kho nhà thờ, dưới góc lầu chuông, nơi có chiếc đồng hồ treo tường còn chỉ duy nhất chiếc vỏ hộp và cuộn dây cốt mất công năng. Hơn nữa, nó – cuộn dây cốt – đang chơi trò đánh đố với chiếc kim lùn đang cố gượng mình lao về phía con số mười hai. Nó – chiếc kim lùn đang nằm bất lực ở vị trí mười một giờ bốn mươi lăm. Nó có thể đứng đó vĩnh viễn. Trong lúc này, ý nghĩa con số mười hai đối với chiếc kim lùn có thể là tấm kính nhà tù, cũng có thể là bờ bên kia đại dương trong mắt người say rượu. Và cũng có thể là một phép màu gợi nhắc câu chuyện Chúa hài đồng và mẹ đồng trinh, nói chung là có thể bất kì cái gì có thể…

“Tại sao dê cứ phải ăn sâm giới mới là dê…?” – Nàng hỏi tiếp, lần này trong mắt nàng thoáng một tia nhìn buồn bã.

 

Mi không dám nhìn thẳng vào mắt nàng. Mi nhìn vào không gian trước mặt, một khoảng tối mơ hồ chứa những viên bi thủy tinh. Trong mỗi viên bi lại chứa một mặt trời, và mỗi mặt trời lại nhão chảy nụ cười của những vị nữ tu trong câu chuyện nàng kể cho Mi nghe lúc mới gặp. Lúc ấy là bao giờ nhỉ? Hình như là không quá lâu và cũng không quá ngắn kể từ lúc đó cho đến lúc những viên bi mặt trời vây quanh Mi.

*

Có tiếng mèo kêu gào bạn tình, những con dê núi cũng đang nhớ bạn. Nàng thút thít, Mi giật mình, suýt nữa là Mi thốt lên. Nhưng Mi kịp ngậm miệng và tiếp tục theo dõi những bàn chân bé xíu đang chạy nhảy qua nước mắt nàng. Đúng, chúng bé tẹo, và dường như chúng đến từ một tinh cầu xa xôi nào đó. Những bàn chân lớn dần theo tiếng nấc của nàng và cứ như thể chúng mọc ra những rễ cây, tán lá, vươn mình vạm vỡ trong chốc lát. Và chúng bắt đầu vi vu điệu hát lạ lẫm, những bài hát Mi chưa từng được nghe trong đời. Giọng hát cũng có chút gì đó liêu trai và cổ quái, vừa rì rầm như người đọc kinh mà cũng vừa thì thào như lời sám hối của kẻ tử tội trước lúc ra pháp trường…

Nhưng hình như lấn át hơn hết là giọng thổn thức của người đang yêu thèm một bàn tay lạ, thèm một đôi môi và thèm một hơi thở khác đắp lên thân thể, phả len lỏi qua những vùng da mềm, qua những cọng lông măng và đi dần, lậm dần vào bên trong. Những tiếng hát của đám mây đã nín thở, đã chờ đợi cả triệu năm trên sa mạc khát mưa. 

*

“Tại sao dê phải ăn sâm giới mới là…?” – Câu hỏi của nàng đứt nghẹn.

Mi nhìn vào đôi mắt đẫm nước của nàng và ghé môi lên mắt nàng. Những hạt muối của biển nhảy múa trên ngọn núi phía sau nhà. Mi nhắm mắt và nghe vị mặn của nó đi qua trận gió đang tung tẩy trong lồng ngực. Nàng lạnh, nàng rất lạnh, Mi ôm nàng vào lòng, ngực nàng rung lên. Đôi nhũ hoa của nàng tròn và nhỏ xíu như hai trái cam non. Mi hít một hơi thật sâu, dường như đâu đó trong khí trời tháng chạp, trong sương mù lảo đảo có mùi hương của tiếng chuông, những tiếng chuông phát ra từ cành lá mấy cây quýt trước nhà.

Và, khi tiếng chuông tụ lại trên những trái non, Mi thấy từ vòm ngực nàng mọc lên một ngôi chùa cổ, những chú tiểu để chỏm dắt nhau đi dọc theo con đường chè tàu xanh ngút mắt, và họ chắp tay trước ngực. Mi cố gắng nhấc ngôn ngữ ra khỏi miệng để chào họ nhưng không tài nào được. Họ cứ đi từng đoàn về phía ngọn núi trước chùa. Dường như họ đang chiêm bái một linh vật. Mi nghĩ vậy!

“Tại sao dê phải ăn sâm…” – Nàng vẫn không buông bỏ câu hỏi.

Mi giữ im lặng, quyết không trả lời nàng. Nàng giật củ sâm ngọc linh trong tay mi và dí dí trước mũi con dê già. Một con dê có cái đuôi vặn xoắn và ngắn cũn cỡn, toàn thân nó màu đen, trên mép trái của nó có ba cọng lông trắng, mắt nó xanh và phát ra thứ ánh lân tinh dẽo nhợt.

*

Bà của Mi gọi nó là dê thần, nó là con dê không bình thường, ở một nghĩa nào đó thì đây là loại dê có tánh linh khác thường, nếu dùng lý thuyết trường năng lượng sinh học để lý giải thì loại dê thần có năng lượng khác xa so với dê bình thường. Nghĩa là nó không ăn uống theo kiểu bình thường của loài dê mà nó dùng thuật thôi miên, trong bóng tối, nó chỉ cần nhìn chăm chú vào bụi cỏ, dù củ sâm ở dưới lòng đất sâu, cách xa nó nửa mét vẫn co rúm và tự trồi lên khỏi mặt đất, mềm oặt. Nhưng khủng khiếp hơn vẫn là chuyện dê thần bơi qua sông, dòng sông nào có người chết đuối, người ta thường cầu nguyện sự xuất hiện của dê thần. Chỉ cần nó be he lên một tiếng khi bơi qua sông, người chết đã chìm sâu dưới lòng sông bỗng dưng trồi lên mặt nước trong tư thế ngồi chồm hỗm, mắt mở trừng trừng nhìn lên trời, không tài nào vuốt cho họ nhắm trở lại được. Và nếu nó nhảy băng qua hoặc bơi chạm vào xác người chết thì cú nhảy, cú chạm của nó khiến cho xác chết ngồi bật dậy rồi ngã bập trở về vị trí cũ như một cây chuối trọi lá đổ xuống nền đất nện. Không gì khủng khiếp bằng việc phải chứng kiến cảnh nước tung toẻ giữa một con dê với cái xác trên sông.

Nàng nói, nàng đã từng chứng kiến một cách khoái chí một con dê thần nhảy qua xác cha nàng năm nàng mười tuổi. Lúc đó nhà chỉ có cái xác mới tắt thở của cha nàng nằm ngoài hiên nhà, người ta mới đem ông về từ ngoài sông, trong lúc mẹ nàng đang nằm bẹp dí dưới tấm thân nhiều mỡ của ông chủ nhà hàng, ở trong buồng, một căn buồng giột nát. Ông ta là ân nhân của gia đình nàng, ông giúp đỡ, cho tiền mẹ nàng chữa bệnh cho cha nàng. Lúc ấy nàng nhìn xác cha, rồi lại chạy vào buồng nhìn xác mẹ và xác ông chủ, nàng rất yên tâm nghĩ rằng dê thần có nhảy qua xác mẹ thì cũng không thể làm bà ngồi bật dậy. Nàng lấy làm vui mừng vì điều này… 

*

“Ăn sâm!” – Nàng cười khẩy.

Nàng vuốt lên lưng con dê mấy lần, cái đuôi cong của nó ngoe nguẩy nhìn giống như một cái đuôi bò cụt đang cử động. Thì giống đuôi bò cũng đúng thôi, vì theo như bà nói thì dê thần vốn sinh ra từ kết quả giao phối giữa dê cái và bò rừng, cái đuôi vặn xoắn là dấu vết bò rừng sót lại trong nó. Có vẻ như đời sống của dê thần và con la có nét giống nhau. Chúng đều được sinh ra từ cha mẹ khác loài, không có khả năng sinh con và chết rất sớm so với cha mẹ chúng.

“Tại sao dê…” – Câu hỏi của nàng cắt ngang dòng suy nghĩ về dê thần. Lần này Mi cố hôn lên gáy nàng, hôn lên ngực nàng, mồi dần, nhử dần cảm giác xác thịt đến với nàng, để nàng xúc động và cho Mi hôn môi.

Nhưng, dường như mi bất lực!

Nàng nói rằng nàng thực sự yêu Mi, nàng rất yêu mi, nàng vừa xem mi là anh trai, là bạn đời lại vừa xem Mi như người thầy đáng kính. Nhưng mi đâu cần những thứ ấy ở nàng, vì Mi yêu nàng, Mi thèm chuyện xác thịt, Mi thèm được hôn lên môi nàng, được đón nhận cảm giác ẩm ướt của người đàn bà mà mi hằng mong mỏi phút giây ấy với nàng. Nhưng nàng sợ, nàng rất sợ phải hôn lên môi. Nàng nhiều lần xin Mi hãy thông cảm cho nàng, vì điều này quá xa lạ trong ý nghĩ của nàng, nàng chỉ muốn ôm mi ngồi suốt đêm trong bóng tối, muốn áp tai vào ngực mi để nghe buồng phổi của mi đang nói chuyện với gió trời. Nàng không thể làm hơn thế được. Vì…! Nàng không nói gì thêm. Nhưng hình như Mi đã linh cảm điều này từ lâu. Nhưng…! 

“Tại sao…” – Nàng bắt đầu thở dài.

Mi ghì siết lấy nàng, nàng thở hổn hển, mi nhắm mắt. Xương sườn của nàng hơi nhô, những lóng xương mang âm hưởng và dáng dấp núi đồi, mi thấy mỗi lóng xương là một ngọn đồi trơ trọi trong buổi chiều mùa đông khói sương bảng lảng. Thi thoảng đâu đó vọng ra thanh âm của rừng già, rền khàn khúc tù và sừng trâu chen lẫn điệu ngân nga chuông chùa, thấm vào rừng mây, đọng thành từng tảng mây bay là đà trên mặt suối. Những con suối thở dốc ngữ điệu thổ phồn gái sơn cước. Mi dần đi vào nàng, nhắm nghiền và nghe những giọt mưa reo hát trên sông…

*

“Tại sao…” – Nàng hỏi, giọng trống rỗng.

“Người ấy là ai?” – Mi bất giác hỏi nàng.

“Là cô giáo em, cô ấy đẹp, cô rất thông minh và hiểu em, cô hiểu hơi thở của em…” – Nàng mỉm cười nhìn Mi. Một nụ cười ma dại, ráo hoảnh và khô cảm xúc.

Mi nhìn nàng, trống rỗng, dường như đôi mắt nàng lúc này cũng rất rỗng, không có gì ngoài một đôi mắt đen láy với cái nhìn không biểu cảm. Mi thử đi vào nàng lần nữa, và nhìn sâu vào mắt nàng lần nữa. Một ánh nhìn trống không xuyên vào bóng đêm trống không, mi tìm thấy một đường hầm bóng đêm, đi qua những ngóc ngách ẩm ướt và hôi nồng. Đường hầm dẫn ra cánh rừng thông. Những trái thông đầu mùa có mùi nhựa hăng hăng…

Rừng thông dẫn ra một con suối cạn, mặt suối trơ trọi đá khô. Mi dừng lại, trước mặt mi là một cỗ quan tài thủy tinh đặt nằm chênh vênh trên tảng đá đen. Phía bên trong quan tài, xác một nữ tu trẻ, dường như là đồng trinh, da dẻ hồng hào, mắt nhắm nghiền, hai nhũ hoa phớt hồng, dựng đứng và đôi môi nàng hé một nụ cười hơi mỉm. Hai tay nàng che vào giữa đùi, vài cọng lông non tơ nằm kẹp giữa những ngón tay măng. Một cái xác rất sinh động. Mi thốt lên nhưng không thể thành lời.

*

“Ô, con dê già! Nó…” – Nàng hét lên khi nhìn thấy một củ sâm bị dê thần thôi miên trồi lên khỏi mặt đất. Nó dạo một vòng quanh củ sâm, ngửi ngửi, nhảy qua, nhảy lại mấy lần, rồi lại ngồi nhìn. Không phải là củ sâm mà là một con rắn độc nằm bất động, thoi thóp. Dê thần từ từ bước về phía củ sâm nó đã chơi đùa lúc ban đầu. Nó tiếp tục vờn củ sâm, bỏ mặc xác con rắn độc đang nằm bất động.

Nàng nhìn con dê thần và mỉm cười, rồi cười to.

Mi nhìn thấy trong mắt nàng có một chiếc chuồng sắt nhốt một con dê thần khác, nó đang ngồi rầu rĩ…

Nàng bất chợt cười nói rất sinh động.

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan