Anh Đũi - Trần Đức Tiến

04.02.2015

Anh Đũi - Trần Đức Tiến

Cả làng tôi hồi ấy chỉ có mình anh Đũi là thợ may. Anh mở cửa hiệu ở ngã ba Ông Lang Gừng, trung tâm làng. Muốn ra xóm Ngoài, ngược lên xóm Thượng hay vào xóm Tảo Môn đều phải qua chỗ này. Chiều chiều bọn trẻ con xóm tôi thường tụ tập đùa nghịch ở ngã ba, chờ ông Hàng Lồng về chợ. Đứa nào cũng khiếp ông Hàng Lồng, nhưng đứa nào cũng phấp phỏng được chứng kiến cái khoảnh khắc ông “ba bị chín quai” ấy xuất hiện, nhìn cái bướu lủng lẳng trên cổ ông, nhìn bộ ria mép giật giật, nghe ông gầm lên một tiếng rồi cả bọn lại cắm đầu cắm cổ chạy như vịt.

Anh Đũi tuổi gần bốn mươi nhưng chưa vợ, trông trẻ như không có tuổi nên tôi quen gọi là “anh”. Dáng anh mảnh khảnh, ẻo lả. Da trắng xanh. Mái tóc mềm mỏng xõa xuống trán. Mắt mơ mơ màng màng. Chân anh yếu nên khi đi cứ như lướt  trên không… Vậy mà hai ống chân như hai cái cẳng sậy ấy đạp bàn may nhoay nhoáy. Có lần chiều tôi, anh cho tôi ngồi vào ghế đạp thử, nhưng cái máy khâu chết tiệt cứ quay đi một vòng lại lộn lại một vòng, chẳng tiến chẳng lùi, ngắc ngứ mãi không chịu chạy.

Tôi thích rẽ vào ngồi trên chiếc phản gỗ lim đen bóng, mát lạnh trong hiệu may. Ngồi trong này tha hồ an toàn xem ông Hàng Lồng hù dọa lũ trẻ, lại còn được nghe anh Đũi kể chuyện. Trong cái đầu nho nhỏ với mái tóc mềm rũ của anh có chứa cả bồ sách. Chuyện đông chuyện tây, chuyện ngày xưa chuyện bây giờ… Quanh năm ngồi mòn ghế ở cái hiệu may quèn mà chuyện gì anh Đũi cũng thạo. Chăm chú, mải miết một thôi một hồi với đường kim mũi chỉ, anh  vươn vai, rút điếu thuốc lá cài trên mang tai xuống. Anh vuốt ve điếu thuốc, đưa lên mũi hít hít một hồi rồi mới từ tốn châm lửa, từ tốn rít một hơi thật sâu. Ngửa cổ, há miệng. Nhưng có bao nhiêu khói đã chui hết vào trong bụng, chẳng còn thấy sợi nào ngo ngoe bay ra. Cặp môi mỏng của anh uốn lên. Lưỡi bật ra mấy tiếng giòn tan:

- Bùi như gan lợn!

Giọng nói, ánh mắt mơ màng đầy thi vị! Và mặc dù chưa biết thuốc lá là gì, lần nào nghe anh Đũi nói câu ấy, tôi cũng ứa nước miếng.

- Thế… Hôm trước kể đến đâu rồi nhỉ?

Anh Đũi kẹp điếu thuốc cháy dở trong hai ngón tay, nheo nheo mắt. Anh đoán được mấy đứa đang thèm nghe anh kể chuyện muốn chết. Lẽ ra như người khác thì anh phải để chúng tôi giục. Nhưng anh Đũi bao giờ cũng gợi ý trước. Dường như anh háo hức được kể chuyện chẳng kém gì chúng tôi thèm nghe. Được thể, cả bọn liền nhao nhao:

- Quan Vân Trường qua năm cửa ải chém sáu tướng…

- Võ Tòng tay không đả hổ trên đồi Cảnh Dương…

- Tôn Ngộ Không bị Hỏa Diệm Sơn đốt sém lông đít…

Mỗi đứa một phách, đứa nào cũng nóng ruột muốn theo đuổi cái câu chuyện mà mình mê.

- Thôi, hôm nay dẹp chuyện Tàu. Hôm nay nghe cổ tích. Cổ tích Tây hẳn hoi. Đã đứa nào nghe chuyện cổ tích Gờ Rim chưa? Có biết anh em ông Gờ Rim (*) ở nước Đức không?

Nước Đức thì có nghe láng máng. Phát xít Hít-le ở Đức chứ đâu? Nhưng anh em ông Gờ Rim thì chưa nghe. Quen nghe Nguyễn Văn Tý, Trần Văn Tèo… Bây giờ tự nhiên nảy nòi ra hai ông Gờ Rim. Họ Gờ tên Rim à ? Tên gì lạ lùng. Mà sao khó đọc thế ? Mấy đứa chúng tôi cứ lẩm bẩm: Gờ Dim, Gờ Dim

- Gờ Rim!

 Anh Đũi quát lên. Cái miệng anh uốn dẻo quẹo, âm “rờ” bật ra nghe giòn tan. Tài tình!

- Hai ông này là người tốt, chứ không tàn ác như thằng Hít-le! Anh em ông ấy chỉ kể chuyện cho trẻ con nghe thôi. Hiểu chưa?

Anh Đũi bắt đầu kể. Chuyện anh chàng đi học rùng mình. Câu chuyện thật ngộ nghĩnh. Đến cái đoạn anh ta lấy được công chúa, bị công chúa thả cá bống vào nách cho rùng mình, thì chúng tôi lăn ra cười.

Ôi chao ông Gờ Dim!

              

Ôi chao anh Đũi!           

                                                               *

                                                            *    *

Hè năm ấy, anh em tôi được ba cho đi tỉnh. Dân làng tôi nói “đi tỉnh”, tức là điNam Định. Thành phốNam Định ở bên dưới làng tôi mười lăm cây số. Nhưng với lũ trẻ con chúng tôi thì nơi ấy xa lăng lắc, một nơi mà trong giấc mơ chúng tôi cũng chưa tới được.

Đi tỉnh, tức là đi đến một thế giới khác!

Lần đầu tiên được đi tỉnh, tôi háo hức biết chừng nào! Cả đêm trước tôi không chợp mắt, chỉ chờ đến sáng tinh mơ ba gọi dậy. Mẹ tôi dậy sớm nhất, thổi cơm cho ba bố con ăn lót dạ trước khi lên đường. Mẹ định nắm thêm nắm cơm cho chúng tôi mang theo, nhưng ba gạt đi:

- Dưới đấy thiếu gì thứ ăn?

Nghe ba nói vậy, anh trai tôi chợt quay sang hỏi tôi:

- Mày đã được ăn phở bao giờ chưa?

Trời ạ! Chưa từng một lần bước chân ra khỏi làng, làm sao tôi biết thế nào là phở? Mà anh tôi hỏi thế thôi, chứ tôi ngờ chính anh cũng chưa biết. Anh ấy đọc nhiều sách, thấy người ta nói đến phở, rồi tha hồ tưởng tượng…

- Chỉ thành phố mới có phở. Đến tỉnh ba sẽ cho ăn phở - Anh tôi nói tiếp - Nhưng tao báo cho mày biết trước: phở nóng kinh khủng! Chưa biết mày có ăn được không.

- Nóng thì thổi cho nguội chứ?

Anh tôi bĩu môi:

- Không được, ngốc ạ. Người thành phố không ai vừa ăn vừa thổi như người nhà quê. Mày mà thổi người ta cười thối mũi!

Thế là suốt dọc đường đi tỉnh, tôi canh cánh thêm nỗi lo ăn phở nóng mà không được thổi.

Một chặng cuốc bộ. Một chặng ngồi đò. Rồi lại một chặng cuốc bộ nữa… Gần trưa, ba bố con tôi xuống đến Cầu Sắt, cửa ngõ vào thành phốNamĐịnh.

Trong lúc chờ người quen của ba ra đón, ba cho anh em tôi vào ăn phở ở cái quán bên kia Cầu Sắt.

Quả thật tôi có hồi hộp chút đỉnh. Nhưng khi húp thìa phở đầu tiên, tôi không thấy quá nóng như anh tôi dọa. Tôi chén hết bát phở một cách đàng hoàng, chẳng cần phải thổi. Thậm chí còn ăn xong trước cả ba tôi. Ba nhìn tôi cười cười. Còn anh tôi chỉ nói nhỏ một câu:

- Thằng này giỏi!

                                                                      *

                                                                   *    *

Tôi được ở chơiNamĐịnh khoảng một tuần. Ba tôi dẫn đi thăm phố xá, đi xem xi-nê, vào cửa hàng bách hóa tổng hợp, mua cả vé vào sân vận động để xem một trận bóng đá giữa hai đội DệtNamĐịnh và Xi măng Hải Phòng…

Khi về nhà, không hiểu sao tôi chợt thấy cái làng mình ắng hẳn đi. Buổi trưa nằm trên võng không ngủ được, nghe rõ cả tiếng con thạch thùng đuổi bắt con muỗi trên xà nhà. Tôi ngẩn ngơ nhớ cái ồn ào tấp nập của phố xá.

Mấy ngày sau, tôi mới lò dò ra hiệu may anh Đũi. Nhìn thấy tôi, anh tỉnh bơ. Anh cắm cúi đạp máy khâu, như cố may cho xong món hàng đang làm dở. Lát sau mấy đứa trẻ trong xóm cũng lục tục kéo đến. Cả mấy đứa chờ mãi vẫn chưa thấy anh giải lao hút thuốc. Một đứa bỗng quay ra hỏi tôi:

- Mày vừa được đi tỉnh về phải không?

Tôi gật đầu. Mấy đứa ồ lên:

- Tỉnh có gì vui không? Kể chuyện tỉnh đi xem nào?

- Nhiều thứ lắm - Tôi ấp úng -  Kể gì bây giờ?

Nhưng rồi tôi cũng kể. Chuyện về trận bóng đá nảy lửa trên sân Chùa Cuối. Chuyện về gian hàng đồ chơi trong bách hóa tổng hợp với những chiếc ô tô, tàu thủy xinh đẹp. Chuyện những chiếc cột điện từa tựa như cái thang bằng xi măng chôn dọc hè phố, trên ngọn có bắc chiếc loa phóng thanh hát oang oang… Cuối cùng, thế quái nào lại quay về món phở.

- Phở nóng kinh khủng chúng mày ạ!

Cả bọn lại nhao nhao:

- Nóng thế nào?

- Giống như canh bánh đa à?

- Tao chưa ăn phở bao giờ. Nhưng bác tao hẹn…

Tôi thoáng thấy anh Đũi ngừng chân đạp máy, ngồi thẳng lên.

- Sôi sùng sục. Bỏng cả mồm - Tôi được đà bốc phét - Nhưng khó nhất là lúc ăn không được thổi cho nguội. Phở mà nguội là nó vữa ra như cháo, ăn chua loét.

Có vài thằng chép chép miệng, ra chiều nóng thế thì thà… ăn cháo!

Chúng tôi ngồi lại thêm lát nữa, không thấy anh Đũi nói gì nên cũng lần lượt giải tán.

Tôi đứng dậy sau cùng. Lúc bước ra cửa thì anh Đũi kéo tôi lại.

Anh hỏi khe khẽ:

- Này… Cậu bảo như nước sôi… thì nuốt thế nào? Phở ấy?

Tôi bật cười:

- Em đùa đấy! Nóng vừa thôi. Em ăn bình thường mà.

Anh Đũi ngẩn mặt:

- Bố khỉ! Có thế chứ.

Rồi anh rút điếu thuốc trên mang tai xuống. Châm lửa. Rít thật sâu. Khoan khoái nuốt ngụm khói vào bụng, mắt gà gà:

Sang năm thể nào tớ cũng đi tỉnh. Đi ăn phở.

 

                        T.Đ.T

--------------------------------------------------------------------------------------         

(*): Wilhelm Grimm và Jacob Grimm, đồng tác giả của bộ “Truyện cổ Grimm”, trong đó có những truyện nổi tiếng thế giới như “Nàng Bạch Tuyết”, “Cô bé lọ lem”, “Công chúa ngủ trong rừng”…

Bài viết khác cùng số

Cô Mùi – Trần Quốc CưỡngChùm truyện nhỏ cho các em của Thanh QuếBốn Chỉnh – Vũ Đức Sao BiểnChùm thơ của Hồ Thế HàHạc phù dung – Nguyễn Thị Anh ĐàoVăn nghệ sĩ Đà Nẵng với Năm Văn hóa văn minh đô thị - Bùi Văn TiếngNghĩ về tâm, tầm lãnh đạo và lòng dân - Sương Nguyệt MinhVăn hóa người Đà Nẵng - Dân HùngTín hiệu vui trước ngưỡng cửa xuân 2015 - Phương MaiXuân không mùa - Huỳnh Viết TưNhững cánh rừng xưa sống lại – Bùi Công MinhNhững mùa xuân im lặng kéo qua đời …- Tùy bút của Văn Công HùngKhoai! – Hồ Duy LệAnh Đũi - Trần Đức TiếnDê Thần - Trần VănAi vừa gọi điện thế nhỉ ? - Bùi Công DụngTiếng mùa xuân – Vương Phạm Tâm CaSông Hàn chiều cuối năm - Trần Huy Minh PhươngChiều tháng Chạp - Nguyễn Bá HòaGiao mùa - Lê Huy HạnhThoáng xuân nghiêng - Nguyễn Thánh Ngãim lặng ngày xuân – Đinh Thị Như ThúyVề thăm quê buổi giao mùa – Trương Đình ĐàngMột mình - Hoàng Hương ViệtMùa Xuân - Nguyễn Xuân TưChiều ba mươi bên sông Hàn - Nguyễn Văn TámChờ Xuân – Trịnh Bửu HoàiSố phận của nhà thơ – Nguyễn Đông NhậtHoa cải vàng bay - Mai Hữu PhướcMùa đông về phố - Trần Ngọc MỹMùa riêng - Nguyễn Hoàng SaGiọt sương còn đọng môi mềm - Thy LanMột mình - Lê Thanh MyChùm thơ Nguyễn Ngọc HạnhVề miền ký ức riêng tư - Nguyễn Nho Thùy DươngNgôi sao số phận tôi – Nguyễn HoaTiếng nổ - Nguyễn Minh HùngNắng từ quê nội – Nguyễn Nhã TiênDặm chiều – Ngân Vịnh Nhà tôi có cây mai chưa trổ - Nguyễn GiúpNụ tình xuân - Nguyễn Miên ThượngMỹ Khê- Quê xưa gồng gánh hoa vàng – Võ BiênChạnh lòng – Nguyễn Thành LongMột quãng đường xuân với nhà thơ Trinh Đường – Nguyễn Nhã TiênVẻ đẹp ngàn hoa trong thơ Hồ Chí Minh - Lê Thành VănNét giao thoa văn hóa Việt - Mường độc đáo trong ca xuân sắc bùa ở đất Quảng - Vân TrìnhNhà văn Vũ Bằng với mùa xuân thương nhớ - Chế Diễm TrâmNỗi lòng Tô Vũ – bài kệ cho những ngày nói lãng – Trần Tâm“Khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết..” Từ chân trời đến thiên di của Nguyễn Minh Hùng – Hoàng Sĩ NguyênHọa sĩ Vũ Dương: biển với mùa xuân – Trần Trung SángNghệ thuật bài chòi một di sản văn hóa của miền trung – Trần HồngNSƯT Hoàng Lể, Nhạc sĩ bài chòi – Trương Đình QuangBài vè Liêm Lạc – Phạm Hữu Đăng ĐạtMột câu chuyện về sáng tác múa – NSND Lê HuânCuộc chia ly giữa Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng - Châu Yến Loan