Xuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà Nẵng

17.01.2022
Diệp Dân Hùng

Xuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà Nẵng

Thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho Đà Nẵng, ngoài biển còn là núi rừng, không những ở ven đô mà còn ngay trong lòng phố. Nói về rừng, Đà Nẵng có các khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc như Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Rừng ở Đà Nẵng tập trung chủ yếu ở cánh Tây huyện Hòa Vang, một số ít ở quận Liên Chiểu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn vốn nổi danh với danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn.

Cũng vì có nhiều yếu tố “tạo xanh” mà màu xanh của Đà Nẵng không chỉ là của sông, của biển, của ruộng đồng... mà nó còn được bao trùm bởi màu xanh của những khu rừng, những “lá phổi xanh”, đã tạo ra một “vành đai xanh” khá đặc trưng. Tuy nhiên, trong những năm qua, do quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, cộng với việc các đề án quy hoạch đô thị chưa được nghiên cứu, chú trọng nhiều đến vành đai xanh, đến những mảng xanh tự nhiên trong lòng thành phố, dẫn đến việc phát triển đô thị của Đà Nẵng, nói một cách nghiêm túc dưới góc độ nhìn nhận của người viết là chưa thật sự bền vững.

Người viết may mắn được đi một số nước châu Á, nhất là ở Hàn Quốc và Nhật Bản để thấy rằng, đa phần đô thị ở các quốc gia này không khó nhận thấy sự “bền vững” từ màu xanh của rừng ở vùng ven đô thị và đặc biệt là những khu rừng trong thành phố. Hình ảnh đó không chỉ nhìn từ trên máy bay mà còn bắt gặp trực tiếp, những khu rừng xanh ngút mắt trong và ngoài đô thị của họ. Đơn cử như ở Thủ đô Tokyo của Nhật Bản, một thành phố rộng lớn, có rất nhiều tòa nhà nguy nga, đồ sộ gần trung tâm thủ đô, nhưng ở đó cũng có một khu rừng sâu và rậm gần ngay trung tâm Tokyo. Cây cối mọc trên khu đất của Đền Minh Trị, nên khi bạn đi dưới những tán cây, bạn sẽ cảm thấy mình đang ở trong một thế giới yên tĩnh, tách biệt hẳn với thế giới ồn ào, náo nhiệt của một thành phố lớn. Nghe giới thiệu, cây cối được trồng ở đó cách đây đã có tuổi đời lên tới hơn 80 năm, tuy nó là một khu rừng nhân tạo nhưng trông rất giống rừng già tự nhiên. Có thể trước mắt bạn bắt gặp một khu phố sầm uất, với những cửa hàng cửa hiệu nối đuôi nhau, người qua kẻ lại tấp nập, quang cảnh khi ấy náo nhiệt, chộn rộn vô cùng. Thế nhưng khi quay đầu lại, bạn đã trông thấy những lùm cây rậm rạp bao phủ một góc trời cách đó không xa, đem lại cảm giác mát dịu cho mắt nhìn. Hay như thành phố Seoul (Hàn Quốc), nơi tràn ngập các tòa nhà cao tầng nhưng ngày càng có thêm nhiều những khu rừng xanh mát, cũng như gần 10 công viên rộng lớn, với những bóng cây tươi mát đã làm dịu đi cái nóng của những ngày hè oi bức. Khi nhắc đến công viên của Seoul, không thể bỏ qua công viên rừng Seoul ở quận Seongdong, nơi được mệnh danh là “Mẹ của các công viên”, là công viên duy nhất của thành phố Seoul được gọi là “rừng”, công viên rừng Seoul có diện tích 1.156.498m2...

Nêu lên một vài dẫn chứng trên đây để thấy rằng, ở các quốc gia xung quanh chúng ta, người ta chú trọng đến vai trò của rừng trong đô thị một cách rất nghiêm túc. Có thể cây xanh đường phố của họ ít hơn ta nhưng với những khu rừng tự nhiên cũng như nhân tạo trong lòng thành phố, những công viên, vườn bách thảo rộng lớn đã làm cho thành phố của họ có một màu xanh thật bền vững, những “lá phổi xanh” thật sự, làm cho đô thị thêm trong lành...

Quay trở lại chuyện của Đà Nẵng, thành phố có những lợi thế riêng để phát triển rừng, có thể tận dụng tiềm năng sẵn có mà thiên nhiên ban tặng này để xây dựng nên một thành phố “xanh - sạch - đẹp”, một “thành phố môi trường”, xa hơn là “thành phố đáng sống” là một điều rất cần được quan tâm. Đi vào cụ thể, công tác phát triển rừng cần quan tâm thông qua việc mở rộng diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, đảm bảo số lượng đi đôi với chất lượng. Tích cực tranh thủ các dự án quốc tế về phát triển rừng, phát triển cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học. Chú trọng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cho công tác khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và trồng rừng mới bằng các loài cây bản địa có xuất xứ từ rừng tự nhiên của thành phố. Từng bước chuyển hóa rừng trồng các loài Keo, Bạch đàn tại rừng đặc dụng để thay thế bằng các loài cây bản địa thích nghi. Người viết mạo muội có một ý kiến là nên chăng, tiến tới chấm dứt hẳn việc trồng rừng kinh tế trong tất cả vùng ven thành phố, thay vào đó là chọn những cây bản địa để tạo ra những cánh rừng nhân tạo nhưng lâu bền, để mai này Đà Nẵng có những mảng xanh bền vững trong thành phố, không bị cuốn theo “cơn lốc” của đô thị hóa nhưng vẫn là một đô thị hiện đại và văn minh. Ngoài ra, để có một màu xanh bền vững của “rừng trong phố”, đã đến lúc hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác đất, đá tại các khu đồi xung quanh thành phố và đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thổ, khôi phục lại màu xanh cho những quả đồi, ngọn núi “hậu” khai thác.

Thiết nghĩ, với việc gìn giữ, bảo tồn và nuôi dưỡng sắc xanh như vậy, Đà Nẵng trong tương lai, bên cạnh màu xanh của sông, biển là một màu xanh bền vững của rừng, một thành phố trong lành đúng nghĩa. Nên chăng có một sự thay đổi mang tính đột phá để cho Đà Nẵng xanh hơn, đẹp hơn và mãi xuân trong mắt bạn bè gần xa.

D.D.H

Bài viết khác cùng số

Thì thầm gió trên đồi GióngMón quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcBiển đợi...Không nhà đêm BA MƯƠIĐâu rồi hương vị Tết xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngTản mạn tình đất tình người 25 nămSợi nắng xuânTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcCon đườngBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýKhúc đêm tự tìnhMẹ & Mùa xuânTheo dòng miên viễnTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhNguyễn Trãi đến Tây HồMuốiChủ nghĩa tối giảnNgày đầu nămEm chợt hiệnLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngXuân caCũng đằm thắm láĐứng trước biểnBán đảo Sơn TràGiao thừaChiếc bóngTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhThiếu nữ du xuânNghinh xuânTiễn trâu đón hổSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtXuân Nhâm DầnTranh Lê Huy HạnhCung đàn mùa xuânVề thăm mộ mẹNhớ mẹ