Không nhà đêm BA MƯƠI

17.01.2022
Lệ Hằng

Không nhà đêm BA MƯƠI

Chiều Ba Mươi Tết.

Cổng bệnh viện giờ chỉ còn sau lưng chứ không phải là trước mặt nữa rồi. Âm tính. Thế là mình đã qua một kiếp nạn. Nhưng còn chị Màng, chị sao rồi nhỉ? Mình đã kéo chị vô cái kiếp nạn COVID này...

- Bông, mày trả phòng rồi mày ở đâu?

- Em chưa biết chị ơi. Nhưng cứ phải trả trước đã... Khi kia phòng ở ba người chia tiền ra còn thấy nhiều, chừ đây còn có mình em, hai đứa kia về quê rồi chị. Chuyến này chắc chúng nó về lấy chồng luôn quá.

- Rồi mày sao? Mày có về như tụi nó không?

- Không đời nào. Về quê buồn lắm, chết em cũng ở lại. Với lại em còn có ai đâu, có quê kiếc gì đâu mà về.

- Đồ đạc mày nhiều không? Dọn qua với tao.

- Chị bớt giỡn. Em đang là F1. Chỗ trọ em có F0 rồi á.

- 0,1 chi chị mày chấp hết. Trời kêu ai nấy dạ. Mày cứ lặng lặng ôm đồ qua cho tao.

Chị nói thế rồi mình ôm đồ qua thôi.

- Cũng may có mày ăn cơm đỡ buồn. Thằng Bin với con Su gửi về quê rồi tao ăn không vô. “Ăn một chắc thì tức, làm một chắc thì bực”.

Chị Màng là người cộc tính nhưng xuề xòa tốt bụng nhất cái chợ này, mình ở với chị thấy rất thoải mái, hai chị em nói giỡn cười rần rần suốt. Cười cho qua ngày đoạn tháng cái thời dịch bọp, chị nói. Nhớ hồi mình mới biết chị, thấy chị hăng hái xắn áo xắn quần lên chửi lộn giùm người ta mình thấy ớn ớn nên hay né sạp hàng của chị. Vậy mà lui tới chợ có mấy năm đã thân như người nhà lúc nào chẳng biết. Mỗi lần thấy chị tay xách nách mang đùm đề đủ thứ trong khi kẹp thằng Bin và con Su trên xe phóng tới trường hay đưa đón tụi nó đi học thêm là mình lại thở dài tự bấm bụng nhất định không làm mẹ đơn thân, nhất định phải kiếm thằng chồng tử tế. Xấu xí méo mó gì cũng được nhưng nhất định phải biết làm chồng của mình, làm cha của con mình.

Nghĩ mà thương chị Màng. Đêm nào ngủ với chị, chị cũng nói luyên thuyên cho đến quá nửa đêm. Vừa lướt điện thoại vừa nói chuyện đời, nói cho đến khi mệt nghỉ. Rồi thì cứ năm bảy phút lại nhắc thằng Bin với con Su. Chị nhớ tụi nó nên khó ngủ.

- Nè Bông, rồi mày tính sao? Ý tao là chuyện mày với thằng Tứ. Khi tối hắn mang đồ ăn lên lúc mày còn bán mót ở chợ chưa về. Tao thấy hắn biết quan tâm thiệt đó chớ. Nè, con kia, chị mày đang nói chuyện mà mày ngủ rồi à?

Mình phải ráng thở đều y như mình đang ngủ. Mình mà không giả vờ ngủ chắc chị nói tới sáng. Dù chẳng được tí tẹo hạnh phúc nào như người ta nhưng chị hăng máu vô cùng khi đụng tới cái chủ đề tình yêu, cứ y như quân sư tình trường tình báo. Mình cười thầm trong bụng, người ta nói cấm có sai, kẻ không có thường nói to, kẻ có thì ỉm o mà sống. Mình cũng giả vờ ngủ để ỉm o nghĩ về Tứ.

Mình đã nghĩ đời nào COVID nó dính vào mình. Ai dè đùng một phát xét nghiệm hai vạch, mình bàng hoàng nhìn chị còn chị thì tỉnh bơ.

- Ai rồi cũng dính chưởng thôi mày ơi. Lên đường thôi.

Qua mấy ngày ho sốt sơ sài, mình chuyển nặng và khó thở. Đến khi bắt đầu hồi phục thì điện thoại bị khóa hai chiều. Lần cuối cùng mình nạp card điện thoại là khi nào nhỉ? Chẳng thể nhớ ra được. Đứt luôn liên lạc với chị Màng và cả với Tứ nữa.

Vậy là Ba Mươi Tết, mình cứ như người cõi trên xuống. Không, đúng hơn phải nói là kẻ mộng du trong thành phố. Mình ngủ một giấc dài và vấn đề là mình vẫn chưa tỉnh dậy. Sao có thể Ba Mươi nhanh thế chứ? Còn chưa kịp bán hàng Tết mà người ta đã sửa soạn giao thừa. Cái không khí này nó lạ lẫm quá. Hai bên đường nhà nào cũng đào đào, mai mai, cúc cúc, quật quật... cúng kiếng ì xèo. Nhạc Tết nhạc Xuân nghe não ruột gan.

Chị Màng sao rồi nhỉ? Chị chắc chắn không nặng hơn mình, nhất định không thể nặng hơn mình được. Chị còn hai đứa nhỏ phải lo nữa mà... Tự nhiên ruột nóng như ai đốt.

- Tao chẳng sợ gì cái con Cô Vi Cô Vít. Giày dép còn có số huống chi con người mày ơi. Trời kêu ai nấy dạ. Nếu đùng phát nhắm mắt cái rồi qua cái bể khổ tao cũng mừng... Nhưng mà chỉ sợ thằng Bin với con Su không ai lo...

Hôm đó chị đã nói vậy nhỉ? Chính xác là chị đã nói như vậy. Chị khỏe thế kia lại còn trách nhiệm với hai đứa nó nên không có chuyện gì đâu. Nhất định không có chuyện gì đâu.

Nhưng cũng phải nhanh nhanh về nhà chị xem sao.

Đây rồi. “Khu vực cách ly y tế CẤM RA VÀO”. Vậy là chị chưa được về? Chi lạ vậy, chị phải khỏe hơn mình và ra viện trước mình chứ. Không thể thế được. Để xem nào, mình có thể hỏi thăm ai đó về chị chắc quanh đây họ cũng biết. Ồ, vậy là có đến ba nhà đang cách ly y tế. Đằng kia có người, nhưng mà người ta đang cúng kiếng thế kia mình hỏi liệu có tiện không đây? Và còn Tứ? Tứ sao rồi nhỉ? Có khi nào cũng đã thành F0? Không, nhất định là không, phải không hả Tứ?

Sập tối Ba Mươi rồi, chợ vắng ngắt. Tứ định Tết này sẽ bán trái cây ở góc này nè. Đã tìm được nguồn lấy hàng và đã hỏi được sạp, không biết bữa giờ Tứ có ngồi đây bán không? Phải hơn một cây số nữa mới đến phòng trọ của Tứ. Lòng mình sao bồn chồn quá.

Ôi, may! Phòng trọ Tứ không dán thông báo khu vực cách ly y tế, vậy là an toàn rồi nhỉ.

Ông Tứ này đi đâu rồi không biết. Chạng vạng đêm Ba Mươi rồi còn gì, chẳng lẽ giờ này còn bán mót đâu đó? Hay là định bán xuyên giao thừa? Không biết đợt này Tứ bán trái cây có trúng không nữa. Mà hình như có gì đó sai sai, nếu Tứ bán trái cây thì tối Ba Mươi rồi còn bán cho ai nữa. Ừ, cũng có thể là bán thêm thứ gì đó nữa, thứ gì mà người ta mua đêm Ba Mươi nhỉ? Mà thứ gì Tứ chẳng bán, cứ nhắm chừng có người mua thì bán thôi. Về độ siêng thì Tứ ăn đứt mình. Ôi trời, sao mà nhớ đường Nguyễn Tất Thành nhớ biển Xuân Thiều dữ vậy nè. Tứ bán nước dừa nước mía, mình bán cá viên chiên. Xe mình cách chỗ Tứ chỉ vài mét. Tứ người nhỏ thó, tay chân lanh lẹ, bán từ chiều đến khuya lắc khuya lơ mà người lúc nào cũng hoạt động như cái con quay. Mình thầm ngưỡng mộ Tứ từ hồi mới biết Tứ được mấy tháng. Nhìn Tứ làm việc cứ y như kiểu người ta hay tuyên truyền: lao động là hạnh phúc là vinh quang. Mình cũng từng cố gắng học theo cái thái độ niềm nở đon đả với khách ấy mà chỉ thấy một màu giả tạo. À, ông Tứ này cũng là khách hàng ruột của mình nữa chứ. Cứ gần nửa khuya là sang gọi một phần bắp xào, hôm nào cũng thế chỉ trừ mấy hôm mình hết sớm.

- Ăn hoài chưa ngán luôn hả?

- Ngán chi?

- Ngán bắp chớ chi.

- Bắp thì cũng có khi ngán thiệt nhưng mà không ngán Bông.

- Nói kiểu gì vậy cha, xạo xạo không à.

- Ừ, thì xạo xạo không à. Hê... hê...

Tứ cười xề xề rồi mang dĩa bắp đi. Tự dưng lúc ấy mình chẳng dám nhìn theo Tứ, mình bắt mặt nhìn về phía cây cầu Thuận Phước. Hôm ấy có trăng, trời trong sâu chót vót, vịnh Đà Nẵng đẹp như một giấc mơ.

Mà mình đã đứng trước cửa phòng Tứ bao lâu rồi ấy nhỉ? Trời đã tối đen, tối như đêm Ba Mươi và đêm Ba Mươi của ngày cuối năm còn tối hơn thế nữa. Mưa rồi, mưa mỏng như tơ, nhìn khoảng sáng từ bóng đèn vàng ngoài con hẻm là biết mưa, mưa chưa đủ làm ướt tóc chỉ mới nhỉnh hơn sương một chút. Mưa xuân thật rồi, giao thừa thật rồi giờ mình đi đâu đây?

Đi đâu để tìm Tứ hay đứng chờ tiếp? Không, mình phải hỏi thăm ai đó, chắc chắn là có người biết. Chỗ này gọi là dãy trọ nhưng chỉ có vỏn vẹn ba phòng và phòng nào cũng khóa. Thở dài cũng chẳng được chi, thử đi loanh quanh xem sao nào.

- Chị ơi, chị có biết mấy người ở bên xóm trọ này không ạ?

- Hỏi chi vậy? Hình như xóm đó trả phòng với về quê hết rồi.

Trả phòng? Về quê? Không thể nào. Tứ phải còn ở đây chứ! Còn mình thì sao? Chẳng lẽ...

Đây, con đường này đây, mình cảm thấy trước khi có dịch mình ở đường này còn nhiều hơn ở nhà. Chỗ này chính xác là chỗ Tứ bán nước dừa. Xe để dừa ở đây, khách ngồi ở kia. Chỗ này là để dừa, chỗ này để dao thớt chặt dừa. Tứ chặt dừa điệu nghệ, nhát nào nhát nấy ngọt xớt à. Xe mình ở chỗ này, mình thích đứng gần khách một chút. Thể nào ngồi uống lâu họ cũng thèm thứ gì mằn mặn. Nếu có trẻ em đi cùng thì càng hay nữa. Tụi nhỏ hầu như đứa nào cũng thích cá viên chiên. Vỉa hè chỗ này đông vui lắm. Nhưng sao giờ chỉ còn có mỗi cái bóng của mình thôi vậy nè?

Biển tối đen và sâu hun hút, bên kia cầu Thuận Phước ánh đèn điện lung linh chập chờn như những nốt nhạc đêm, vịnh Đà Nẵng vẫn đẹp như một giấc mơ. Tứ ơi, nhất định sẽ hết dịch, rồi chỗ này sẽ lại đông và Tứ sẽ lại ở đây để nghe sóng ầm ào, nghe gió lao xao trên đọt dừa và nghe hơi biển mặn thấm vào da phải không Tứ? Và nghe cả câu trả lời hôm ấy nữa, mình đã gật đầu nhưng Tứ đâu có thấy.

Chẳng hiểu hôm ấy rốt cuộc là mình hên hay xui mà con xe của mình bị hư trong khi trời bắt đầu chuyển mưa, đường biển vắng ngắt. Mình đã linh cảm trước là sẽ chẳng bán được gì đâu nhưng mình vẫn đi. Vẫn phải đi, được chừng nào hay chừng ấy. Sau mấy đợt phong tỏa cứng phong tỏa mềm ai ở đâu ở yên đó mình hết chịu nỗi cảnh ngồi im trong nhà, mình nhớ biển, nhớ con đường Nguyễn Tất Thành này quá rồi. Con xe cùi lâu ngày không dùng đến thành ra sinh bệnh. Mình vừa đẩy vừa nếm những giọt nước mưa đầu tiên, nước mưa mặn chát. Mặn như cảm giác tủi thân của mình vậy đó.

- Mặc áo mưa vào đi bà nội.

Đùng phát Tứ xuất hiện, mình làm theo lời Tứ răm rắp, mặc áo mưa vào và lẽo đẽo đi theo sau lưng Tứ. Đúng rồi, mình đã phá lên cười khi phát hiện ra hai đứa như hai kẻ dở hơi.

- Khùng thiệt chứ, một đứa bị ướt chưa đủ hả? Tự nhiên bắt người ta mặc áo mưa rồi giờ thành hai đứa ướt.

Mình đã cười thực sự khi nhìn nước mưa đầm đìa trên áo Tứ.

- Còn cười được là ngon rồi, tưởng đang khóc vì cảm động chứ.

- Dễ chi.

- Bông nè, hay dọn qua bên này ở với tui luôn đi, dù sao cũng đỡ cực, ít nhất tui cũng biết sửa xe…

Tứ làm mình tắt tiếng cười không nổi mà thở cũng khó khăn.

- Xạo xạo không à.

- Hề... hề... ừ, xạo xạo...

Rồi dịch nối dịch bùng lên, hết xóm này phong tỏa cách ly đến xóm khác cách ly phong tỏa. Tứ thành thợ đụng, đụng đâu làm đó, làm đủ thứ để kiếm tiền. Mình cũng y chang, hết bán rau củ đến bán thức ăn mang về, bán đủ thứ trên đời cho đến ngày test nhanh hai vạch. Giờ thì không biết còn cơ hội nào cho mình để nói một tiếng “ừ” với Tứ không nữa.

Run như cầy sấy, giờ mình mới biết thế nào là run như cầy sấy. Cái áo khoác này chẳng thấm vào đâu so với cái lạnh đêm giao thừa. Mưa đã dày thêm, từng chiếc bóng lướt qua trên đường gấp gáp vội vàng. Chỉ có bóng mình chậm chạp và rệu rã. Nhưng mình không muốn thành nhân vật ấy đâu, nhân vật trong câu chuyện “Cô bé bán diêm”. Thật ngớ ngẩn, mình sao có thể? Mình vừa từ phòng ICU ra cơ mà. Mình còn phải đi thăm chị Màng. Còn Tứ nữa chứ. Phải đi thôi, nhưng đi đâu bây giờ nhỉ? Kệ, đi đâu cũng đi.

 

Ôi, biết ngay mà, Tứ sao có thể trả phòng hay về quê được. Phòng Tứ đang mở điện kìa. Thật, đúng rồi, mình rất bình thường làm gì có ảo giác chứ. Hì hì... đúng là vớ vẩn, mình lại đi nghi ngờ mắt mình. Cửa phòng mở kìa.

- Nè T... Ơ, cháu xin lỗi...

Tứ trả phòng thật rồi sao? Sao lại thế chứ? Chỉ mới đây thôi mà? Rút cuộc mình đã nằm viện bao lâu mà mọi thứ không còn gì như trước nữa sao? Người ở trong căn phòng này không phải là Tứ. Bà cụ trông rất quen, hay là mình mệt quá rồi thấy ai cũng muốn bắt quàng làm họ. Tứ ơi, Bông còn chỗ nào để đi không Tứ?

- Bé Bông đó phải không hè?

Tim mình nhảy ra khỏi ngực mất.

- Dạ phải...

- Chu cha, hắn trông tin cháu còn hơn chi nữa. Chờ mãi không được hắn phải về quê. Ba hắn ở quê đau nặng, hắn chạy xe máy về ngoài nớ luôn. Thiệt đúng là cái năm tai ương.

- Tứ có chờ cháu thiệt hả bà?

- Chứ sao, ngày nào mà hắn không nhắc chứ. Một tiếng bé Bông, hai tiếng bé Bông.

Trời, ông Tứ này kỳ quá, bé gì mà bé, mình cả đụn tuổi rồi chứ ít chi...

- Hắn dặn có ai tới tìm hắn thì là cháu đó.

Giờ mình mới nhìn kỹ, đúng là mình có gặp bà rồi. Bà bị tật một bàn tay, mình nhớ thỉnh thoảng mình thấy bà bán vé số nơi mấy quán nhậu bên bờ biển.

- Vô nhà cả lạnh. Hắn cho bà ở nhờ trả tiền phòng rồi á. Chứ không chẳng biết đêm giao thừa này ngủ đâu nữa. Nợ tiền phòng hoài chủ nhà họ cũng phải đuổi thôi.

Đúng là căn phòng của Tứ rồi. Ấm thật. Đồ nghề bán nước dừa, nước mía vẫn còn kia kìa.

- Hắn dặn đưa cái này cho cháu.

Gì vậy nhỉ? Cái túi này lạ quá, hình như là áo quần. Đúng thật, áo quần, khăn tắm, khăn mặt đủ thứ luôn này. Ôi trời, có cả băng vệ sinh nữa. Ông Tứ này... kỳ cục thiệt.

- Cháu có tắm rửa chi thì làm nhanh đi rồi ra cúng giao thừa. Có mấy trái cây sơ sài này thôi nhưng kệ, cứ xin trời đất cho qua tai ương.

Giao Thừa. Trời tối sâu thăm thẳm. Mưa đọng thành giọt trên mái tôn lâu lâu rớt xuống ngoài hiên. Mưa xuân đẹp quá, phải không?

Nhà ai đang mở bài Happy New Year remix vậy nhỉ? Chu cha thiệt là rộn ràng ấm áp.

Anh Tứ ơi chị Màng ơi, Năm Mới rồi nè.  

L.H

Bài viết khác cùng số

Không nhà đêm BA MƯƠIĐâu rồi hương vị Tết xưaMón quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐiệu hát Bài chòi năm xưaChuyện tình trên đỉnh non caoNăm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnQuê nhà mùa cũ thơm hươngBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Tản mạn tình đất tình người 25 nămXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngTheo dòng miên viễnBán đảo Sơn TràSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaĐứng trước biểnCũng đằm thắm láXuân caBánh nổẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcCon đườngGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýKhúc đêm tự tìnhKhúc ru hờiTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiLực ơi!Nguyễn Trãi đến Tây HồVề quêGiải mã một điều bình thườngCọTím biếc hoa chiềuMưaGieo lại mùa thươngTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLan man xuân vềMùa vuiNhững mùa hoa Hà NộiTuổi mùa xuânLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânVề thăm mộ mẹNhớ mẹ