Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên Ấn

17.01.2022
Long Vân

Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên Ấn

Người bắn hạ con cọp hung ác trên núi Thiên Ấn để trừ hại cho dân là ông Hoàng Phò, con trai thứ của Tổng đốc Hoàng Diệu, vị tướng quân quê Quảng Nam, đã nêu gương trung liệt, hy sinh vì nước trong trận chiến quyết tử cách đây 139 năm về trước (1882) để giữ thành Hà Nội, khi giặc Pháp tấn công thành. Ngày nay, người ta biết đến Kim Ấn Sơn với những câu chuyện huyễn hoặc, tâm linh, song chuyện ông Hoàng Phò giết hổ dữ đem lại bình yên cho làng mạc nằm dưới chân núi này, đến nay rất ít người biết đến. Bởi những người cùng thời với ông Hoàng Phò giờ đây đã là “người muôn năm cũ”, dù lúc sinh thời họ có kể lại chuyện cho con cháu, song bụi thời gian cũng dần phủ mờ một thời quá vãng.

Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần - 2022, xin được kể lại câu chuyện ông Hoàng Phò “đả hổ” để mọi người được hiểu thêm về tính cách khí khái, giữ trọn “đạo nhà” của những người con cụ Hoàng Diệu sinh ra và lớn lên trên vùng đất Gò Nổi - Điện Bàn  “địa linh sinh nhân kiệt”của xứ Quảng...

“Đả hổ” núi Thiên Ấn

Núi Thiên Ấn nằm ở tả ngạn hạ lưu sông Trà Khúc. Ngọn núi cao chỉ khoảng 106m, có hình thang cân khiến người xưa liên tưởng đến hình dáng chiếc ấn và nghĩ rằng, nó là chiếc ấn của nhà trời đóng xuống bên sông để đánh dấu một vùng đất linh thiêng. Vì thế, mới truyền miệng chuyện “Thiên Ấn niêm hà” cho đến ngày nay. Nhưng với tôi, khi đứng xa trông ngọn núi tự dưng lại có suy nghĩ nhuốm màu sắc cổ tích trẻ thơ rằng, nó là đứa con ham chơi của mẹ Trường Sơn nên đi lạc và bị nước lũ cuốn trôi dạt về biển, nhưng may mắn đã bám lại được bên bờ sông này.  

Núi Thiên Ấn có nhiều chuyện kỳ bí, tâm linh liên quan đến ngôi cổ tự được xây dựng cách đây 327 năm về trước (1694), mà chúa Nguyễn Phúc Chu khi đến đây đã ban biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự”. Đặc biệt, có mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ Quảng Nam, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giữ quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời gian Người sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau. Cũng vì lẽ đó mà núi Thiên Ấn là “đệ nhất thắng cảnh” Quảng Ngãi thu hút không ít bước chân du khách khi đến với miền đất bên sông Trà Khúc.

Tuy nhiên, câu chuyện ông Hoàng Phò, con trai Tổng đốc Hoàng Diệu ở Quảng Nam giết cọp trên ngọn núi thiêng này có lẽ ít người biết đến. Nhắc đến chuyện ông Hoàng Phò “đả hổ”, khi về làng Xuân Đài (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn ngày nay), tôi đã được các bô lão họ Hoàng (Huỳnh) kể đầu đuôi ngọn ngành rằng, sự việc xảy ra khi đó ông Hoàng Phò đang là Giám đốc Y tế Quảng Ngãi. Các bô lão còn khẳng định, câu chuyện đã được báo chí thời đó đăng tải, bài báo hơn nửa trang có in hình ảnh ông Hoàng Phò ngồi trên mình chúa sơn lâm sau khi đã bắn hạ gục nó. Người làng Xuân Đài đã cất giữ bài báo như báu vật. Nhưng rồi chiến tranh giặc giã triền miên, bom đạn cày nát vùng đất Gò Nổi nên bài báo đó đã bị thất lạc. Tuy nhiên, trong ký ức của họ vẫn còn nhớ câu chuyện này...

Chuyện kể rằng, sau khi tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (Mesdecin Indochinois) loại ưu năm 1917, ông Hoàng Phò được bố trí làm việc tại nhà thương Huế một thời gian, rồi được điều chuyển vào làm Giám đốc Y tế tỉnh Quảng Ngãi. Giai đoạn này, núi Thiên Ấn còn hoang vu, xung quanh cỏ tranh kín, mọc cao lút đầu người, cùng nhiều bụi cây rậm rạp. Trên đỉnh núi, cây mọc thành rừng thâm u, cũng là nơi trú ngụ của cọp dữ. Con cọp này ban đêm thường xuống ngôi làng nhỏ ở chân núi bắt trâu, bò, heo và người để ăn thịt, khiến dân tình hoang mang, lo sợ. Chính quyền sở tại đã bố trí nhiều toán thợ săn cọp, đặt bẫy bắt “ông hùm” nhưng không thành công; ngược lại có không ít thợ săn mất mạng vì nó. Người ta đồn đại râm ran rằng, con cọp này đã thành tinh, khó bắt, hoặc không giết chết nó được. Khi đến nhậm chức làm việc, nghe chuyện, ông Hoàng Phò bèn tìm gặp chỉ huy đồn Pháp mà người dân quen gọi Tây đồn, có tên là Rémy, bàn bạc kế hoạch lên núi Thiên Ấn tìm giết cọp dữ trừ hại cho dân. Tay lính Tây Rémy có máu “hiệp sĩ” nên đồng ý cùng ông Hoàng Phò đi săn cọp.

Một đêm trăng hạ tuần, Rémy mang theo một toán lính cùng ông Hoàng Phò tiến sâu vào khu rừng trên đỉnh núi Thiên Ấn. Trong cuộc đi săn này, ông Hoàng Phò cũng được Rémy giao cho một khẩu súng. Khi họ lần dò trong khoảnh rừng gần ngôi cổ tự thì phát hiện con cọp từ sau một phiến đá lớn. Những người lính đi theo hoảng sợ run như cầy sấy, vì thấy con cọp này to lớn dị thường, trong đêm tối hai mắt nó phát ra những tia sáng xanh rùng rợn. Và khi toán lính chưa kịp nhả đạn thì con cọp dường như đã biết được nguy hiểm, nó liền nhảy ra khỏi phiến đá, co mình lại phóng tới chỗ Rémy đang nấp. Rémy liền nổ súng, nhưng tay Tây đồn đã bị con cọp vồ ngã, cắn nát bắp chân. Giữa lúc đám lính luống cuống không dám bắn cọp vì sợ trúng nhằm Rémy, thì ông Hoàng Phò gương súng nhằm con cọp bắn một phát. Có lẽ bị trúng đạn, con cọp gầm lên bỏ Rémy và phóng về phía đối thủ đã bắn nó. Ông Hoàng Phò chuyển người né tránh cú chụp của chúa tể sơn lâm, song cũng bị nó hất ngã, khẩu súng văng khỏi tay. Rất may khẩu súng văng xuống đất gần đó nên ông Hoàng Phò kịp nhoài người nhanh tay chụp lấy và nhắm vào con cọp liên tiếp nhả đạn vào đầu nó, khi nó quay đầu lại tấn công ông. Con cọp bị bắn hạ, toán lính chia nhau kẻ khiêng xác cọp, người cáng Tây đồn Rémy xuống núi. Ngay sau đó, Rémy được đưa vào nhà thương Quảng Ngãi chữa trị thương tích và tiếng đồn Y sĩ Hoàng Phò giết cọp trừ hại cho dân nhanh chóng lan truyền khắp vùng hạ lưu sông Trà Khúc...

Lưu dấu trên tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt

Trong gia phả họ Hoàng ở đất Gò Nổi ghi rõ, ông Hoàng Phò là con trai thứ của Tổng đốc Hoàng Diệu, vị tướng quân đã nêu gương trung liệt, hy sinh vì nước trong trận chiến quyết tử giữ thành Hà Nội, khi giặc Pháp tấn công thành vào năm 1882. Truyền thống yêu nước, thương nòi dường như đã có sẵn trong huyết quản nên những người con của cụ Hoàng Diệu, trong đó có ông Hoàng Phò luôn giữ “đạo nhà”. Chứng kiến nhân dân lầm than, đói khổ vì phải sống trong cảnh đô hộ của thực dân Pháp, họ đều “ghét Tây”, nhưng thời thế khiến họ phải theo “Tây học” để mở mang kiến thức, tìm tòi, học tập nghiên cứu những phát triển của phương Tây để giúp dân, giúp nước. Các bô lão cho rằng, ông Hoàng Phò cùng tuổi với Bác sĩ, Cư sĩ Phật giáo Lê Đình Thám - em trai của Y sĩ Lê Đình Dương. Hai người từng là bạn học Quốc học Huế. Còn Lê Đình Dương là lớp đàn anh, thi đỗ Y sĩ Đông Dương năm 1915, nhưng rồi tham gia Quang Phục Hội theo vua Duy Tân khởi nghĩa chống Pháp nên bị Pháp bắt kết án từ 20 năm khổ sai, đày lên Buôn Mê Thuột và mất tại nhà lao 3 năm sau đó. Hỏi cặn kẽ mới hay, Lê Đình Dương lại là con trai của cụ Lê Đình Đỉnh, ở làng Na Kham, Tổng đốc Hà Nội sau cụ Hoàng Diệu, cũng là con rể ông Hoàng Tuấn, anh cả của ông Hoàng Phò. Cũng có thể vì mối quan hệ sui gia khăng khít như thế mà những người con của hai dòng họ Hoàng - Lê của hai làng Xuân Đài và Na Kham đất Gò Nổi thời bấy giờ chơi thân với nhau và cùng chí hướng “ghét Tây”, mặc dù họ đều theo “Tây học”...

Với tính cách khẳng khái, kiên cường, lại “ghét Tây” ra mặt nên dù có tay nghề cao nhưng ông Hoàng Phò không được người Pháp ưa dùng. Từ nhà thương Huế, họ tìm cách chuyển ông vào Quảng Ngãi. Và sau chuyện “đả hổ” trừ hại cho dân, thấy ông Hoàng Phò được người dân địa phương ngày càng mến mộ, các quan Pháp lại tìm cách chuyển ông lên vùng cao nguyên, nơi có công trường thi công tuyến đường sắt răng cưa Tua Chàm - Đà Lạt. Khi ông khăn gói rời miền đất núi Ấn, sông Trà với nhiều kỷ niệm để lên công trường tuyến đường sắt răng cưa Tua Chàm - Đà Lạt thì nơi đây bệnh dịch tả, sốt rét đang hoành hành khốc liệt. Người chết vì các căn bệnh quái ác này nhiều vô kể. Thế nhưng, ông Hoàng Phò vẫn lạc quan làm việc, đặc biệt ông luôn cố gắng hết mình để chăm sóc công nhân công trường và người dân mắc bệnh. Từ đó, ông đúc kết kinh nghiệm, mày mò nghiên cứu thành công cách chữa trị các căn bệnh tả, sốt rét. Nghiên cứu này của ông Hoàng Phò đã trở thành tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh lúc bấy giờ...

Có một chuyện liên quan đến tuyến đường sắt răng cưa Tua Chàm - Đà Lạt khiến tôi không khỏi ngậm ngùi. Đó là vào mùa đông năm 1997, tôi có dịp đến Thụy Sĩ, trải nghiệm cuộc hành trình bằng tàu lửa bánh răng trên cung đường đèo Furka, ở độ cao 2.429m so với mực nước biển, vắt ngang dãy núi Alps (An-pơ) huyền thoại. Trên chuyến đi này, tôi được hướng dẫn viên cho biết, tôi đang ngồi trong toa xe từng chạy trên tuyến đường sắt răng cưa Tua Chàm - Đà Lạt, mà Thụy Sĩ mua lại của Việt Nam. Thật sự ban đầu tôi rất ngạc nhiên, song rồi trong tôi dâng lên bao nuối tiếc...    

Sau chuyến trải nghiệm trên núi Alps, trở về khách sạn tôi mở laptop tìm kiếm trên Google thì mới biết rõ hơn mọi chuyện. Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt (hay còn gọi Tua Chàm - Đà Lạt) đã trở thành tuyến đường sắt độc đáo xếp hạng thứ hai trên thế giới. Để xây dựng nó phải tốn kinh phí rất lớn, khoảng 200 triệu franc Pháp lúc bây giờ. Đặc biệt, Công ty Đường sắt Đông Dương Chemin de Fer de lIndochine (CFI) đã đặt hàng mua của Thụy Sĩ đến 9 đầu máy đặc hiệu để đáp ứng chạy tàu vượt độ cao 1.500m so với mực nước biển và độ dốc 12% đoạn Krong Pha- Đà Lạt, với 3 đoạn đường ray răng cưa, gồm 16km, trong tổng số 84km toàn tuyến đường. Thế nhưng, sau ngày thống nhất đất nước, tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt hoạt động chạy được 27 chuyến, tới tháng 8 năm 1975 thì ngưng và bị tháo dỡ ray, tà vẹt để dùng vào việc đại tu tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đáng tiếc hơn, người ta chỉ dùng những gì có thể dùng được, còn lại bỏ phơi mưa nắng và đem bán phế liệu...

Và, điều khó thể ngờ tới. Chừng 10 năm sau, Công ty Dampfbahn Furka- Bergstrecke AG (DFB) của Thụy Sĩ tái khai thác tuyến đường sắt leo núi Furka trong dãy Alps để phục vụ du lịch đã tìm kiếm lại những đầu máy hơi nước cổ có bánh răng cưa. Họ đã tìm đến ga Đà Lạt phát hiện 4 đầu máy hơi nước cổ nằm rỉ sét tại đây. Trong khi những kỹ sư DFB vui mừng khôn xiết thì Công ty Đường sắt Việt Nam đã không chút ngần ngại ký bán cho họ những đầu máy hơi nước cổ “độc nhất vô nhị” với giá rẻ mạt. Đến năm 1990, Thụy Sĩ đã đưa những đầu máy hơi nước độc đáo này về và tân trang, để rồi 3 năm sau đưa vào sử dụng cho những đoàn tàu vượt đèo Furka lên dãy núi tuyết khắc nghiệt nhất vùng Tây Âu, trở thành tâm điểm thu hút du khách năm châu khi đến “xứ sở đồng hồ” tham quan, du lịch...

Nhớ lại chuyến đi trải nghiệm trên cung đường đèo Furka bằng tàu lửa bánh răng vắt qua dãy núi Alps hùng vĩ, tôi nghĩ về tuyến đường sắt răng cưa Tua Chàm - Đà Lạt đã bị phá tan nát do bởi tầm nhìn hạn hẹp, bảo thủ. Bất giác tôi như nhìn thấy lại trên công trường tuyến đường sắt Tua Chàm - Đà Lạt với hàng chục ngàn người phu đường phải chịu muôn ngàn cực khổ, đói rét, dịch bệnh, thậm chí bỏ mạng, trong gần 30 năm mới hoàn thành được tuyến đường. Và trong số đó, có bóng dáng ông Hoàng Phò, người con trai của Tổng đốc Hoàng Diệu năm xưa...

L.V

Bài viết khác cùng số

Món quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐâu rồi hương vị Tết xưaKhông nhà đêm BA MƯƠITản mạn tình đất tình người 25 nămBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngKhúc đêm tự tìnhBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýCon đườngĐứng trước biểnCũng đằm thắm láSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaBán đảo Sơn TràTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiXuân caẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiNguyễn Trãi đến Tây HồTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềTheo dòng miên viễnVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânNhớ mẹVề thăm mộ mẹ