Thì thầm gió trên đồi Gióng
Tâm Thư đi như chạy, thỉnh thoảng lại nhảy lò cò trên đường. Có lúc như nhớ ra điều gì, nó giận dỗi đá tung mấy viên sỏi lên. Cũng có khi nó vò nát những đóa hoa dại hái bên đường rồi ném lên trời như trút bỏ một nỗi bực dọc. Bất chợt, Tâm Thư quay lui lại nhìn bố. Hình như chưa bao giờ con bé thấy bố dễ ghét đến thế. Bỗng, nó mở to đôi mắt tròn vo ngạc nhiên nhìn bố mấp máy bờ môi như đang trò chuyện thầm với một kẻ vô hình nào đó.
- “Không biết cái thời bé xíu thế kia, mình có như con bé không nhỉ? - Ngắm con tung tăng trên đường, Hoàng lầm thầm tự hỏi rồi mỉm cười vu vơ. Chính lúc đó anh nghe thấy tiếng Tâm Thư hờn dỗi trách cứ: “Chắc là lại nhớ cô Ngân rồi chứ gì, con chẳng thèm chơi với bố nữa đâu”. Thấy con bé vùng vằng bước chân, Hoàng đi nhanh tới bế xốc con gái lên giả lả nói cười: “Du xuân mà ai lại nỡ giận dỗi nhau lâu thế”. Nhưng vụt một cái, Tâm Thư rời khỏi tay bố băng băng chạy lên phía trước. Vừa chạy, con bé vừa như trút sự bực bội lên cỏ dại hoa hoang bên đường: “Sim nè, mua nè, bông trang nè, ngủ ngày nè..., hoa ơi là hoa, Tâm Thư khóc lên đây!”.
Từ năm năm nay, con đường quanh quất dưới chân đồi Gióng đã trở thành thân thiết với bố con của Hoàng, nhất là vào dịp Tết hay mùa tế xuân tảo mộ. Thân thiết đến độ, tưởng chừng như nhắm mắt lại, Hoàng vẫn có thể thuộc lòng từng triền khe, con dốc...
Cứ như thế hằng năm, hễ sáng sớm ngày đầu năm mới là Hoàng dắt Tâm Thư về quê tảo mộ. Ngày xưa, lúc còn tại thế, mẹ của Tâm Thư Tết nào cũng “lên lịch” như vậy. Sáng sớm mùng một là vợ chồng về quê lên đồi Gióng viếng mộ ông bà tổ tiên trước khi du xuân chúc Tết mọi nơi khác. Cũng có khi đi qua những ngọn đồi hoang vu, đôi lúc Hoàng nghe lành lạnh bước chân, nhưng riết rồi thành quen thân, thành quê nhà thiêng liêng cho mọi chuyến đi về. Hầu như mọi người sinh ra ở làng quê này, dù sinh sống khắp nơi, nhưng khi qua đời ai cũng đều muốn được về nằm trên đồi Gióng ấy. Ý nguyện đó đã hòa tan vào vô thức lâu dần thành lề thói, thành tập quán. Chả ai rủ rê ai, nhưng hình như có tiếng gọi câm từ đất réo gọi nhau về. Cứ nhìn đồi Gióng và những quả đồi bát úp lúp xúp vây quanh, vào những ngày lễ Tết đậm đặc khói hương gió thơm lan tỏa một góc trời thì biết. Và đông vui nhất bao giờ cũng là bọn trẻ nhỏ chạy theo bố mẹ, anh chị, ông bà đi viếng mộ đầu năm. Tiếng reo cười hồn nhiên tinh khôi đẹp đẽ ùa vào khu nghĩa trang tưởng không còn chỗ cho những nỗi buồn trú ngụ.
Vừa đến mé chân đồi, Tâm Thư hối hả chạy nhanh bỏ xa Hoàng một quãng dài.
- “Tâm Thư, chờ bố với”. Hoàng lên tiếng gọi con và nhắc chừng: “Cẩn thận kẻo vấp ngã đấy”. Nghe bố gọi, Tâm Thư đưa bàn tay lên ra dấu ngăm nghe: “Bố hư lắm, con sẽ mét hết chuyện bố hư cho mẹ nghe”. Mấy đứa trẻ đang rượt đuổi hò reo với nhau dưới chân đồi thấy Tâm Thư to tiếng với bố, chúng chạy theo sau nhái giọng “bà cụ non” trêu chọc con bé: “Bố hư lắm, bố hư lắm...”. Mặc chúng, Tâm Thư chẳng thèm để ý tới bọn trẻ. Trước mắt nó là ngôi mộ mẹ được sơn mới lại màu xanh da trời mát dịu trong nắng mai. Bố vẫn thường hay nói với Tâm Thư: “Đấy là nhà của mẹ con”.Và Tâm Thư cũng tin là như thế. Cũng chả rõ con bé đã nghe ai nói mà hằng nuôi một giấc mơ: Sẽ có ngày mẹ Nam Trân của nó sẽ trở về.
Đã đôi lần Tâm Thư nói với Hoàng như vậy. Và chính Hoàng cũng đã có những lần mơ hồ, rằng: Nam Trân đi chơi đâu đó ít hôm rồi sẽ trở về. Vậy rồi mỗi khi nhận ra hiện thực trống vắng, Hoàng rưng rưng ôm con gái vào lòng. Những lúc ấy, anh lại có cái cảm giác dường như có một huyền nhiệm nào đó chuyền hơi ấm ngay cả trong tiếng nói nụ cười của Tâm Thư. Nghe con bé vỗ về bố mà cứ như nựng một con búp bê: “Bố đừng buồn, rồi mẹ sẽ về mà, ai đời làm bố mà còn mè nheo...”. Chỉ bấy nhiêu tiếng nói ngọng nghịu hồn nhiên của Tâm Thư thôi, ấy vậy mà như một diệu kỳ ban phát sự bình yên, chừng như xóa tan hết mọi nỗi buồn phiền.
Buổi sáng mai đầu năm, chuyến xe buýt nào cũng đầy ứ người về quê. Hoàng đang lớ ngớ tay dắt Tâm Thư, mắt ngó tìm chiếc xe nào có chỗ thư thả cho bố con anh cùng ngồi. Vừa lúc đó anh nghe tiếng của Ngân đang ngồi ở băng ghế trước trên một chiếc xe buýt gọi anh rối rít: “Anh Hoàng và Tâm Thư về quê ăn Tết đấy à, lên băng ghế này ngồi với em”. Hoàng chưa kịp trả lời thì Ngân đã kịp mở cửa xe bước xuống bế Tâm Thư lên xe. Anh lẽo đẽo theo sau ngoan đến độ không một phản ứng nào. Hình như, tiếng gọi nồng nàn bất chợt của Ngân vừa lấp vào cái khoảng trống côi cút của hai bố con anh giữa ngày xuân đầy ắp tiếng nói nụ cười. Hiện thực đấy mà sao cứ như mơ, cứ tưởng như trên lối mòn năm nào Hoàng và vợ mình dắt con về quê ăn Tết.
Ngân vốn cùng làm việc ở cùng một công ty với Hoàng. Chả hiểu đời riêng có gì trắc trở mà đã hơn ba mươi tuổi Ngân vẫn chưa xây dựng gia đình. Vừa là người cùng quê lại vừa làm chung một công ty nên quan hệ giữa Hoàng và Ngân khá gần gũi. Sau ngày vợ Hoàng không may mất đi, thấy hoàn cảnh gà trống nuôi con của bố con anh khá vất vả, nhất là bé Tâm Thư dạo ấy còn nhỏ, nên Ngân thường xuyên lui tới chăm sóc chia sẻ. Lúc thì mua cho Tâm Thư cái bánh, cây kẹo, lúc thì đi chợ búa giúp. Cũng có khi Ngân vui vẻ ở lại nấu hộ bữa cơm trưa, hoặc chiều. Hoàng thầm cảm ơn lòng tốt bao dung của Ngân đối với hai cha con anh. Ngoài tình cảm quý hóa ấy ra, Hoàng chưa bao giờ dám có một ý nghĩ nào vượt xa hơn.
Từ ngày vắng bóng vợ, Hoàng dồn hết yêu thương vào cho đứa con gái côi cút. Cũng là tròn nguyện ước với người đã đi xa. Thực ra cũng đã có không ít những lời xì xào về mối quan hệ của Hoàng và Ngân. Có lẽ vì thế thời gian sau này, Ngân ngại ngùng ít lui tới với bố con anh. Ấy vậy mà lúc ngồi cạnh nhau trong xe, Hoàng hỏi Ngân như một sự vô ý:
- “Sao bấy lâu nay ít thấy em đến nhà anh chơi, hay là bận việc riêng tư, có tin vui gì cho bố con anh chia phần với nhé”. Hoàng vồn vã bắt chuyện, và Ngân cũng sôi nổi trả lời:
- “Có gì riêng tư đâu anh, một ngày như mọi ngày thế thôi”. Nói rồi Ngân xoa đầu Tâm Thư xuýt xoa: “Mới đó mà Tâm Thư, hình như đã lớp ba lớp bốn rồi đấy. Còn anh, cũng liều liệu mà xin phép chị Nam Trân đi tiếp bước nữa cho đỡ cái cảnh quạnh quẽ gà trống nuôi con” - “Vậy còn cái cảnh của em là gì nào”. Nghe Hoàng hỏi lại, Ngân chợt thoáng buồn, tiếng cô nhỏ dần như một lời thì thầm: “Cảnh em ấy à, là chân tu, tu là cõi phúc... người xưa dạy thế mà anh”. Câu chuyện vui buồn của hai người chả rõ một chuyện nào, cứ thế chuyện nọ xọ chuyện kia miên man. Cả hai tuồng như quên mất thế giới chung quanh, quên khuấy cả chuyến xe rời bến tự lúc nào.
Tâm Thư ngồi trên đùi bố. Thoạt đầu, đôi lúc cô bé còn hồn nhiên tham gia vào câu chuyện của người lớn. “Cô Ngân nhớ đến nhà cháu ăn Tết nhé. Bố nấu ăn không ngon bằng cô đâu”. Ngân khẽ bẹo má Tâm Thư mắng yêu: “Con gái phải biết nấu ăn chứ, ai đời để bố vào bếp nấu ăn hoài”. Con bé như “bà cụ non” phân bua: “Lớn lên Tâm Thư sẽ nấu, con nấu còn ngon hơn cả bố nữa đấy”.
Đang lúc cả ba chuyện trò vui vẻ, bỗng dưng Ngân chợt thấy se lòng khi vô tình bắt gặp trên vầng trán của Hoàng lõa xõa mấy sợi tóc bạc: “Anh già rồi đấy Hoàng ạ, tóc bạc hết rồi còn gì”. Vừa nói, Ngân vừa đưa tay lên nhổ mấy sợi tóc bạc cho Hoàng. Một cử chỉ chăm sóc có vẻ bản năng của một người không tự chủ được lấy mình. Hoàng tuồng như cũng vậy, bỗng anh lạc thần ngây ngô ra. Khoảnh khắc đó Hoàng nhẹ ghé đầu xuống bờ vai của Ngân một cách hoàn toàn vô thức. Đã lâu rồi, Hoàng quen dần với sự lẻ loi. Giờ đây sự cam chịu ấy được đánh thức. Hoàng nhắm nghiền mắt lại như người ngủ say đê mê giữa mộng mị hoang đường.
Giữa lúc ấy cả Hoàng và Ngân đâu ngờ bé Tâm Thư đang mở to đôi mắt hốt hoảng nhìn hai người. Chợt con bé kêu lên thảng thốt: “Bố...Bố...”. Nó òa khóc tức tưởi rồi vùng vẫy trèo xuống khỏi đùi bố, chen cho bằng được vào giữa hai người. Ngân ngượng đỏ mặt lặng câm không biết nói gì. Còn Hoàng thì vội vã kéo Tâm Thư ngã vào lòng dỗ dành: “Nín đi con, bố lơ đễnh ngủ quên ấy mà”. Vừa nói xong, anh cảm thấy xấu hổ vì đã nói dối với con mình. Nhưng trong trường hợp này Hoàng còn biết phải nói gì hơn.
Người trên xe ồn ã chuyện ăn Tết, chuyện mua sắm, nhiều nhất là cơ man kể khổ về chuyện đại dịch cô vi, cô vít. Chẳng mấy ai để ý ba người ở băng ghế trước. Duy chỉ có bác tài, có lẽ bác ngầm hiểu ra phần nào câu chuyện của ba vị khách ngồi trên băng ghế kề sau lưng mình. Để xua đi sự buồn tẻ đột ngột từ tiếng khóc của Tâm Thư, bác tài nói đùa với con bé: “Đừng khóc nghe con gái, năm mới mà khóc lóc là coi chừng con khóc suốt năm đó”. Tâm Thư vụt nín lặng không còn thút thít nữa. Nhưng kể từ giờ phút đấy nó không nói một lời nào, dù bao lần cả Hoàng và Ngân cố gợi chuyện với con bé.
Chuyện chỉ có ngần ấy, thế mà từ lúc xuống xe đến chừ Tâm Thư nhất định không chịu đi bên bố. Đôi lần Hoàng ẵm con lên xoa xít như một thái độ ăn năn, cũng là cho Tâm Thư đỡ phải mỏi chân, nhưng nó quầy quậy không chịu. Nhìn con bé tức tối đá lung tung mấy viên sỏi, Hoàng chỉ còn biết thở dài. May mà Ngân khi xuống bến xe đã chủ động chia tay bố con anh về làng trước. Hoàng lại gợi chuyện cùng con: “Thôi quên chuyện vặt đó đi con gái cưng của bố nhé!”. Tâm Thư lại đưa nắm tay dư dứ hăm dọa: “Bố hư quá, đến nhà mẹ con sẽ méc chuyện bố và cô Ngân bồ với nhau cho mà xem”. Nghe con hờn dỗi trách cứ, niềm thương cảm trong lòng Hoàng lại dâng trào. Bốn năm năm qua anh đã dốc sức vừa làm cha, vừa làm mẹ để phần nào bù lấp khoảng trống tình yêu thiêng liêng nhất mà Tâm Thư bất hạnh sớm phải chịu đựng. Thế mà một phút giây xao lòng anh đã làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ. Hoàng thấy mình có lỗi với Nam Trân và cả với đứa con gái côi cút. Đành rằng, con đường còn dằng dặc phía trước, Hoàng cũng chẳng thể hiểu nổi mình đủ sức cam chịu sự lẻ loi buồn tẻ này không. Có điều Tâm Thư còn non nớt bé bỏng quá. Giọt sương trong veo của anh sẽ dễ vỡ vô cùng cho dẫu sự va chạm nào đó nhỏ bé li ti như hạt bụi.
Tâm Thư tự mở giỏ xách lấy bó hoa cúc cắm vào chiếc bình trong nhà bia. Xong nó đứng nghiêm trang vòng tay trước ngực, đôi mắt chơm chớp ngấn đầy nước mắt. Vậy rồi con bé hồn nhiên kể lể với mẹ cứ y như là mẹ nó sẽ nghe thấy hết lời Tâm Thư tố cáo chuyện bố nó hư hỏng: “Mẹ về mắng bố mẹ nhé, bố hư lắm rồi, bố có bồ với người ta rồi, cô Ngân ấy mẹ còn nhớ không. Con vừa bắt gặp họ hôn nhau trên xe đấy...”.
Không biết lời Tâm Thư vọng đến những đâu mà gió trên đồi Gióng lao xao từng cơn nối đuôi nhau thổi làm bùng lên ngọn lửa trên đầu thẻ hương mà Hoàng đang cắm cúi cắm trước mộ vợ mình.
N .N.T