Chuyện tình trên đỉnh non cao

17.01.2022
Cao Duy Thảo

Chuyện tình trên đỉnh non cao

Tiểu ban Văn nghệ Khu 5 đóng trong cánh rừng thuộc xã Boa - Nam Trà My, cách A7 đến nửa ngày đường, đi đến đó phải qua một con dốc cao vời vợi. Chiều 30 Tết Tân Hợi (1971), Phương Anh đưa bác sĩ Phương Liên và Hùng (một nhân viên của K15) về đến nhà, khiến Chu Cẩm Phong (tên thật là Trần Tiến) rất vui. Anh chị em trong cơ quan đều biết Trần Tiến yêu Phương Liên, nhưng ít ai nhìn thấy mặt người nữ bác sĩ. Chẳng ngờ lần này Phương Liên đến với dáng vẻ thẫn thờ, mệt mỏi như vậy. Buổi tối hai người ngồi bên nhau trước ngọn đèn dầu. Phương Liên im lặng hồi lâu rồi đưa cho Trần Tiến một lá thư ngắn đã viết sẵn:

“Anh Tiến thân thương

Đọc thư anh, PL cứ nghĩ miên man. Chẳng có dịp nào gặp nhau nữa đâu. PL muốn nói nhiều với anh để anh hiểu. Chắc PL về khu A thì không thể lên đây. Thân thương”.

Tối đó, Phương Liên cũng đã nói ra được điều băn khoăn của mình, rằng cô “đang có những ràng buộc”; rồi cô kể cho anh nghe tình cảm đau khổ của cô liên quan đến một lời hứa với một chàng trai đang sống ngoài Hà Nội, cách đó đã 5 năm. Giữa chừng câu chuyện thì có nhiều tiếng mời gọi từ các tổ chuyên môn. Trần Tiến soi đèn đưa Phương Liên sang nhà tổ họa để chào, sau đó anh mời Phương Liên và Hùng lên nhà tổ văn chơi. Mọi người đến ngồi trên tấm tăng nylon trải giữa nhà, bên cạnh một đống lửa. Họ thay phiên nhau ca hát có ghi ta đệm. Phương Liên choàng tay ôm Phương Anh hát những bài quen thuộc vốn được Trần Tiến ưa thích. Phương Liên hát rất hay, có lúc cùng Trần Tiến và các bạn ca chung một bài. Đó là những bài hát của thời thanh niên sôi nổi, và có cả những bản tình ca xúc động với nỗi nhớ nhung tha thiết. Họ uống cà phê nói chuyện, nhắc đến những kỷ niệm trong cuộc đời cho đến giờ giao thừa.

Vào cái giây phút thiêng liêng đó, Trần Tiến rủ mấy chàng trai bước ra ngoài bắn hơn 2 băng đạn súng ngắn để đón năm mới. Ở dãy núi bên kia sông Nước Nghêu vọng tới những loạt đạn AK đáp lại. Bên này lại bắn chào, bên kia lại bắn đáp. Trần Tiến cảm giác những loạt súng ấy dường như còn để chào mừng Phương Liên đến thăm nhà.

Trần Tiến nhớ lần đầu gặp Phương Liên ở chiến khu là vào giữa năm 1970, rồi sau vài ba lần gặp gỡ nữa, tình bạn giữa họ trở nên thân thiết. Có vẻ Trần Tiến đã nói lời yêu trước, Phương Liên xúc động nhưng giữ im lặng. Hai người có những điểm chung: Đều cùng quê Hội An, cùng tập kết ra miền Bắc học tập trong các trường học sinh miền Nam, sau đó là đại học, về sau đều xung phong trở về quê hương tham gia chiến đấu. Từ khi quen nhau, Phương Liên còn biết thêm: Ở trường đại học bạn bè rất mến phục Trần Tiến, vì anh luôn gương mẫu trong mọi việc và học giỏi. Anh được kết nạp vào Đảng khi đang học năm thứ ba, một hiện tượng rất hiếm trong sinh viên hồi đó. Năm 1964, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội vào loại xuất sắc, Trần Tiến là một trong số ít được nhà trường cử đi học tiếp ở nước ngoài, nhưng anh có cách lựa chọn khác: đầu quân làm phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, rồi ba lô lên đường vượt Trường Sơn về công tác ở chiến trường Khu 5; một thời gian sau, do yêu cầu của tổ chức, anh chuyển sang làm việc tại Tiểu ban Văn nghệ (thuộc Ban Tuyên huấn Khu). Ở môi trường mới, với vai trò Chi ủy rồi Bí thư Chi bộ Đảng, ngoài việc quản lý cơ quan, Trần Tiến còn giữ vai trò Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ, khi tờ báo này ra mắt năm 1967...

Tình yêu của Trần Tiến với Phương Liên được cả cơ quan Văn nghệ ủng hộ, nhưng ở K15 nơi Phương Liên công tác, một số người tỏ ý không bằng lòng khi hai người đến với nhau. Rồi lại có tin, do tình hình sức khỏe giảm sút, Phương Liên được cấp trên quyết định cho ra Bắc chữa bệnh và bổ túc thêm về chuyên môn. Nhưng cô kiên quyết xin ở lại. Có thể nói cái đêm giao thừa Tết Tân Hợi ấy là dịp để Phương Liên bộc lộ những dằn vặt của mình, như lời cô đêm ấy: “Gần đây Phương Liên suy nghĩ rất nhiều, có nhiều chuyện làm xáo trộn tâm hồn Phương Liên, rất tiếc là chúng mình gặp nhau quá muộn như anh nói”. Trần Tiến biết Phương Liên yêu mình, nhưng cô không có gan vượt qua những sự ràng buộc vô lý của dư luận, nên cô đau khổ. Điều đó cũng không làm cho Trần Tiến nhẹ lòng. Tuy nhiên, Trần Tiến là chàng trai bản lĩnh, anh đã nói với người mình yêu: “Hạnh phúc của đời mình, mình phải tự quyết định và vun xới lấy, không ai làm thay mình được. Anh hiểu lòng em. Nhưng chúng ta yêu nhau thì có tội tình gì!”. Thêm vào đó, cả hai đều biết sự ủng hộ của bác sĩ Phi Phi, một người chị đồng hương đang công tác tại Bệnh viện 1 của Khu, vốn coi Phương Liên như em ruột, càng khiến Trần Tiến tin vào lý lẽ của mình.

Trong lời Bạt cuốn “Nhật ký chiến tranh”, Bùi Minh Quốc viết về Trần Tiến như sau: Cơ quan Văn nghệ Khu 5 không bao giờ quên được cái đói gay gắt của các năm 1968 - 1969 - 1970 và nửa đầu năm 1971. Rẫy sản xuất của Văn nghệ ở Đăk Bui liên tiếp bị địch rải chất độc hóa học. Những tháng ngày triền miên phải ăn thân cây dớn (một loại dương xỉ), củ nưa (còn gọi củ móng ngựa), nếu có sắn thì cũng là thứ sắn bị ngấm chất độc hóa học đắng ngắt. Họa hoằn lắm mới có chút gạo... Ham đi nhiều và ham đi trước, nhưng Trần Tiến cũng sẵn sàng nén lòng ở lại căn cứ “giữ gôn” cho anh em khác được đi. “Giữ gôn” có nghĩa là vừa lo trực công việc của tờ tạp chí Văn nghệ, vừa lo tổ chức sản xuất tự túc, mà công việc thứ hai này thì Trần Tiến là trụ cột của cả cơ quan, không có ai đảm nhiệm nổi thay anh. Trần Tiến nói thạo tiếng Kà Dong và một ít tiếng Kà Tu, thuộc cả nhiều bài ca nữa. Anh có mối quan hệ tình nghĩa ruột rà với đồng bào, từ các cụ già đến các em bé ở các nóc dân tộc thiểu số xung quanh cơ quan hoặc bất kỳ nơi nào anh đặt chân tới… Một vài anh em chúng tôi có được số trang viết nhiều hơn chính là nhờ sự hy sinh của Trần Tiến, khi chúng tôi ngồi viết thì anh đi làm rẫy, khi chúng tôi nghỉ ngơi thì anh ngồi viết. Chưa kể anh phải lo toan đủ chuyện, sự lo toan ấy ôm trùm toàn bộ đời sống hàng ngày của cả cơ quan, từ củ sắn cọng rau, lon muối cho đến một vài hiện tượng chây lười, vô kỷ luật, một vài va chạm, xích mích…Cứ thế, ngày phát rẫy, đêm anh chong đèn ngồi viết. Những trang viết của anh còn lại đến hôm nay, đều được viết trong những đêm dài như thế trên rừng núi chiến khu, hoặc dưới tầm đạn giặc, có khi ngay bên miệng hầm bí mật ở đồng bằng.

Cuối tháng ba năm 1971, rẫy đốt vừa xong, lúa vừa trỉa xuống, Trần Tiến hăm hở ba lô lên đường trở lại đồng bằng Quảng Đà - chiến trường trọng điểm, miền quê máu thịt vô cùng gắn bó của anh, ở đó trong cái thành phố cổ ven biển Cửa Đại anh có người mẹ ngót hai mươi năm đau đáu ngóng chồng chờ con, và không chỉ ngóng chờ, chính mẹ cũng tham gia hoạt động, thường xuyên phải chịu tù đày để cho mau gần lại ngày đoàn tụ. Anh hy vọng chuyến này về sẽ được gặp mẹ. Trên đường đi Quảng Đà, Trần Tiến dừng lại một ngày bên bờ sông Đăk Vin để chia tay với người yêu mà lời đính ước chỉ vừa mới trao nhau trước đó hai tuần. Sau bao nhiêu trăn trở day dứt bởi những trở lực nảy sinh từ một cảnh ngộ đặc biệt của chiến tranh và chia cắt, họ đã tìm thấy nhau và đến với nhau bằng một tình yêu thâm trầm và táo bạo. 

Đi thực tế, Trần Tiến có thói quen viết ngay tại chỗ, mặc cho hoàn cảnh lúc đó đang giữa một trận càn của địch. Dù học giỏi ở nhà trường, nhưng với sáng tác, anh luôn coi mình là người mới vào nghề, nên không ỷ lại vào bằng cấp, năng khiếu, mà cố gắng phấn đấu từng bước một, âm thầm chuẩn bị cho hướng đi lâu dài. Anh tự nhận xét về bản thân: “Mình viết hơi ít, điều đó làm mình day dứt vô cùng, nhưng mình sẽ cố gắng bằng cách khác, bằng tranh thủ giờ khác, bằng sức làm việc nhiều hơn chứ không bằng cách tự dành cho mình một số thì giờ rộng rãi nhiều hơn anh em khác”. Có một số truyện ngắn, bút ký và bài báo viết tốt, nhưng có lẽ tác phẩm gây ấn tượng nhất của anh xuất bản sau năm 1975 là cuốn “Nhật ký chiến tranh” với hơn 900 trang in, chứa đựng khối tư liệu khổng lồ về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân Khu 5, được tác giả trực tiếp ghi lại nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh ngoan cường của đồng bào, đồng chí trên các mặt trận từ vùng căn cứ tới đồng bằng, đặc biệt là miệt sông nước Hội An thuộc khu đông Quảng Đà, nơi những người thân yêu của Trần Tiến sinh sống.

Trong khi đó ở chiến khu, Phương Liên được Ban Dân y phân công phụ trách công tác phòng dịch bệnh, quản lý cơ sở thí nghiệm ở K15. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt mọi bề của cuộc chiến, người nữ bác sĩ ấy đã gan góc cùng đồng đội tổ chức sản xuất thành công các loại vắc xin phòng chống bệnh tả, thương hàn và đậu mùa đang hoành hành ở đây, và phòng chống chiến tranh vi trùng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Mùa hè năm 1969, đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học xuống vùng rừng nơi các cơ quan Khu bộ đóng. Chỉ mười hôm sau, khu rừng rụng hết lá, đứng từ dưới nhìn lên thấy bầu trời quang đãng hẳn. Từ đấy suốt ngày máy bay OV10 quần lượn quan sát, rồi B57 bỏ bom tọa độ, chắc chỉ ít lâu sẽ có B52 rải thảm. Cơ quan liền cử người đi tìm địa điểm mới. Trong hồi ký của mình, Phương Liên viết: “Đến địa điểm mới, tôi đề nghị cơ quan cho làm khu chuyên môn khang trang hơn chỗ cũ để sản xuất vắc xin. Có 3 ngôi nhà: 1 nhà sấy hấp, chuẩn bị dụng cụ, pha chế môi trường nuôi vi khuẩn; 1 nhà sản xuất vắc xin đậu mùa; 1 nhà làm phòng thí nghiệm sản xuất vắc xin tả, thương hàn. Đặc biệt, phòng thí nghiệm được trang trí màu trắng: dù trắng căng trên trần nhà, bên trong cho chạy nylon màu trắng, bàn tre cũng trải nylon trắng. Tủ ấm chạy bằng đèn dầu hỏa, điều chỉnh cho đúng nhiệt độ để vi khuẩn phát triển, tủ cấy vi khuẩn vô trùng, kính hiển vi, lò sấy ướt, cân hóa chất, các dụng cụ phòng thí nghiệm… đều vận chuyển từ miền Bắc vào. Chai Roux để nuôi vi khuẩn thay bằng chai rượu Johnnie walker do các em đi đồng bằng thu mua mang về. Khi phòng thí nghiệm làm xong, tôi thật sự sung sướng vì lần này do đã có nhiều kinh nghiệm thiết kế nên tôi rất hài lòng. Tôi bắt tay vào việc ngay với sự phấn khởi tột độ! Tôi đào tạo 3 em trình độ văn hóa chỉ lớp 3, lớp 4 để phụ việc phòng thí nghiệm, 2 em phụ cho y sĩ Mại sản xuất vắc xin đậu mùa và 2 em phụ cho y sĩ Chiểu chuẩn bị và sấy hấp dụng cụ, pha chế môi trường. Và rồi những loạt vắc xin tả, thương hàn, đậu mùa liên tiếp ra đời và ngày càng chất lượng hơn, hình thức đẹp hơn sau bao nhiêu nỗ lực, quyết tâm và niềm say mê với nghề của cả tập thể làm chuyên môn… Giờ làm việc hàng ngày của chúng tôi là từ 5 giờ 30 đến 9 giờ sáng, tiếp theo đi làm rẫy đến 5 giờ chiều, sau đó trở về sấy hấp dụng cụ làm tiếp vào ban đêm. Mỗi khi có khách đến K15, chúng tôi rất tự hào giới thiệu cái phòng thí nghiệm có một không hai ở chiến trường Khu 5. Làm việc căng thẳng lại luôn bị sốt rét, anh chị em ai cũng da dẻ xanh lè. Tôi có lúc bị sốt đi sốt lại mấy tháng liền, hồng cầu chỉ còn 1,5 triệu, trọng lượng cơ thể chỉ còn 31 ký, trông như bà già. Ấy vậy mà khi nhìn thấy những loạt vắc xin phân phối về các địa phương giúp nhân dân phòng bệnh, trong tôi tràn ngập niềm hạnh phúc khôn tả…”.

Năm 1969 ấy thật khó khăn. Đang khi đói, đến người ốm cũng chỉ được ăn cháo ngô - mà đấy là ưu tiên cho bệnh nhân. Đúng lúc cơ quan nhận được phiếu gạo ở Tiên Phước. Cả đoàn 12 người hăm hở đi cõng gạo. Phương Liên rất vui có mặt trong đoàn, háo hức nghĩ xuống đó lại được ăn mỳ Quảng, mua sắm vài thứ. Nào ngờ chỉ một ngày ở đồng bằng mà tàu “rọ” đuổi anh chị em ta chạy tan tác... Lúc quay lên Phương Liên chỉ mang số gạo bằng nửa so với người khác, lại còn đi rất chậm. Khi về đến dốc Ba Rẫy (nơi có 3 quả đồi trọc lác đác mấy cụm đá tảng) máy bay trinh sát của địch phát hiện ra đoàn người. Lập tức chúng gọi “rọ” lên. Cả đoàn phần lớn đã nhanh chân lẩn vào rừng, chỉ còn bác sĩ Phương Liên đang ở quả đồi thứ 3. Ba chiếc “rọ” quần riết bắn rốc két xuống những nơi chúng khả nghi. Nấp giữa hai tảng đá trơ trọi, gùi gạo đè trên lưng, có lẽ bộ quần áo bộ đội sờn bạc và màu xám của gùi gạo đã ngụy trang cho cô gái. Sau đó thêm 3 chiếc “rọ” nữa bay lên nhập bọn, cả 6 chiếc nối đuôi nhau quần đảo. Tiếng cánh quạt rít lên tưởng chừng cuốn tất cả những gì bên dưới. Tiếng rốc két xẹt xẹt, đoàng đoàng nổ giòn chung quanh, đất đá bay rào rào… Cho rằng Việt Cộng đã bị tiêu diệt, nên hơn tiếng đồng hồ sau đàn trực thăng rút đi. Phương Liên cùng gùi gạo lăn khỏi tảng đá, chân tay tê cứng mà không rõ mình có bị thương không. Các bạn núp trong rừng tưởng cô đã chết, lúc này ùa ra vừa chạy vừa gọi tìm. Ôi thật may, Phương Liên vẫn còn nguyên vẹn!

Lần đó rõ ràng Phương Liên gặp may. Nhưng với Trần Tiến thì không được như vậy trong chuyến công tác về Quảng Đà hơn một năm sau. Anh em ai cũng biết trước mỗi chuyến đi, Trần Tiến trong lúc chuẩn bị luôn dự kiến cho mình những điều có thể xảy ra suốt cuộc hành trình, kể cả các tình huống xấu nhất.

Và cái điều anh không mong muốn nhất đã xảy đến...

Những dòng cuối cùng của Trần Tiến ghi trong “Nhật ký chiến tranh” kết thúc vào 10 giờ sáng ngày 27-4-1971 trên đất Xuyên Phú (Duy Xuyên), ngay trước một cuộc càn của địch. Ba hôm sau, ngày 1-5-1971, Trần Tiến đã anh dũng ngã xuống trong một trận đánh không cân sức, khi anh cùng đồng đội bung ra từ căn hầm bí mật bị địch phát hiện và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng!.

Tin xấu do một liên lạc của cơ quan K15 mang về. Nhận tin, suốt mấy ngày liền Phương Liên câm nín và ráo hoảnh. Mãi cho đến khi chị Phi Phi đến thăm, Phương Liên liền ôm chầm lấy chị òa khóc. Phương Liên nói với người chị của mình qua nước mắt: “Chị ơi! Giá mà em có thể chết thay cho ảnh được!...”.

 

Năm 1972, Phương Liên trở ra Bắc. Về lại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm việc sau 6 năm ở chiến trường, bác sĩ Phương liên được Nhà nước cử đi nghiên cứu sinh ở Cộng hòa Dân chủ Đức đến năm 1987, sau đó được giao làm Chủ nhiệm Khoa Virus, phụ trách 11 phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ. Một năm sau, nữ bác sĩ lại được cử sang Nhật học công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản từ não chuột (vắc xin thế hệ 1). Đây là vắc xin bất hoạt, tinh khiết, được Tổ chức Y tế thế giới công nhận chất lượng và cấp phép lưu hành trên thị trường thế giới. Riêng ở Việt Nam, năm 1997, Bộ Y tế chính thức đưa vắc xin viêm não Nhật Bản vào chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm. Nhờ vậy mà bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta đã giảm rất nhiều. Và điều có ý nghĩa nhất là từ năm 1994 đến nay, trên cả nước chưa có một trường hợp nào bị tai biến do sử dụng vắc xin viêm não Nhật Bản của Viện Vệ sinh dịch tễ sản xuất. Đó là phần thưởng vô giá đối với các bác sĩ ngành vi sinh học Việt Nam.

Dù đến tuổi nghỉ hưu, người nữ bác sĩ ấy vẫn chưa muốn dừng lại. Năm 2006, bác sĩ Phương Liên bắt tay vào nghiên cứu công nghệ mới trong sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào Vero, là vắc xin thế hệ 2 để chuẩn bị thay thế vắc xin thế hệ 1, sản xuất từ não chuột. Đến năm 2018, bác sĩ Phương Liên được Bộ KH-CN chỉ định làm chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu đánh giá tính an toàn và sinh miễn dịch trên người đối với vắc xin viêm não Nhật Bản sản xuất trên tế bào Vero JECEVAX Vabiotech Việt Nam”. Sau khi đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người lớn và trẻ em, vắc xin JECEVAX cho kết quả rất an toàn, dung nạp tốt, đáp ứng kháng thể từ 99,6%-100% so với vắc xin đối chứng. Tháng 1 năm 2019 vắc xin thế hệ 2 này được chọn là sản phẩm quốc gia trong chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước.

Chính nhờ công trình nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản của bác sĩ Phương Liên và các cộng sự mà căn bệnh viêm não Nhật Bản ngày nay không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bậc làm cha mẹ (Theo tư liệu của  Hồ Hoa, báo SGGP).

Có thể thấy thế hệ thanh niên thời kháng chiến chống Mỹ trước năm 1975 đã rèn đúc nên những con người dám hy sinh tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ và chính họ đã truyền cảm hứng sống và làm việc cho lớp người hôm nay. Tháng 3 năm 2010, nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong - Trần Tiến được Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam thành lập từ 1957, Chu Cẩm Phong - Trần Tiến là nhà văn đầu tiên được phong anh hùng với tư cách nhà văn. Tiếp theo, tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X (tháng 12-2020) TTND. GS. TS. Huỳnh Thị Phương Liên đã đến Đại hội để nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của Nhà nước phong tặng.

Trả lời câu hỏi về động lực giúp chị lập nên những thành tích xuất sắc trong giai đoạn vừa qua, bác sĩ Phương Liên nói đó chính là lời động viên của người yêu Chu Cẩm Phong - Trần Tiến đã ghi lại trong “Nhật ký chiến tranh” từ những năm ở chiến trường: Anh hứa với em một lần nữa rằng cho đến khi trái tim anh ngừng đập, anh vẫn còn yêu em. Anh có thể chết trong cuộc chiến tranh này, nhưng tình yêu em thì anh mãi mãi không bao giờ tắt. Chiến tranh rồi sẽ qua đi, lúc ấy em sẽ say sưa nghiên cứu khoa học, sẽ phát minh theo ngành nghề của em. Còn anh sẽ cố gắng viết về những con người mà anh yêu dấu… Chính mối tình ấy đã giúp nữ bác sĩ Phương Liên có thêm sức mạnh, thêm nghị lực, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để sống và làm việc quên mình.

C.D.T

Bài viết khác cùng số

Món quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐâu rồi hương vị Tết xưaKhông nhà đêm BA MƯƠITản mạn tình đất tình người 25 nămBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngKhúc đêm tự tìnhBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýCon đườngĐứng trước biểnCũng đằm thắm láSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaBán đảo Sơn TràTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiXuân caẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiNguyễn Trãi đến Tây HồTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềTheo dòng miên viễnVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânNhớ mẹVề thăm mộ mẹ