Biển đợi...

17.01.2022
Vũ Ngọc Giao

Biển đợi...

Doanh tỉnh giấc chui ra khỏi khoang tàu, đằng đông lúc này đã hừng lên một màu đỏ ối, anh vốc chút nước trong can rửa qua cái mặt còn ngái ngủ. Đêm qua gặp luồng cá, anh cùng bạn thuyền thức trắng, trong tấm lưới còn mắc lại những con cá nhỏ, chúng búng tanh tách, lớp vảy cứ lóng lánh dưới ánh mặt trời. Trong khoang mùi dầu máy hăng hắc quyện với mùi cá tanh nồng thành một thứ mùi đặc trưng chỉ có ở tàu cá, Doanh rút điếu thuốc châm lửa, lững thững ra mạn tàu nhìn về bờ.

Làn gió xuân dìu dịu từ đất liền thổi ra anh nghe thoảng mùi kiệu phơi nắng, mùi gừng và cả mùi mắm đường đang sôi trên bếp lửa. Giáp Tết nhà nào cũng tất bật, giờ này có lẽ Thương dắt con đi chợ Tết sắm sanh, cũng có khi Thương đang khom lưng vắt cái mền nặng trịch rồi đem phơi cho kịp nắng. Nghĩ đến đó Doanh nghe mắt cay cay.

 Cả năm lênh đênh sóng nước, đến những ngày cuối năm anh lại nhớ bờ đến cồn cào, thèm một nơi để về, để được bận bịu lo toan. Cái mơ ước bình dị anh ấp ủ bao năm đến giờ vẫn chưa chạm được: Một căn nhà nhỏ có bóng dáng hai đứa, anh và Thương, phía trước nhà một khoảng sân đủ để anh phơi tấm lưới sau mỗi chuyến ra biển trở về, cái bếp đủ rộng cho Thương chất mấy chum cá mắm để dành mùa sau. Anh sẽ thôi đi dã, chỉ đi lưới về trong ngày, mớ cá đủ để Thương đem ra chợ, chiều chiều anh được nhìn thấy Thương ngồi vá lưới, vừa vá vừa càm ràm chuyện anh hút thuốc gảy tàn tùm lum, chuyện anh không chịu cạo râu, nhìn như ông kẹ. Lúc rảnh tay Thương lại lôi anh ra sau hè dội nước kỳ cái lưng đen thui cho đến khi đỏ au lên. Rồi, anh sẽ được nghe hơi thở Thương thật gần... Trong nắng mai anh ngồi lặng yên, miên man...

Ba đời nhà anh theo nghề biển. Đời ông nội đã vùi xác trong lòng biển khơi khi cha mới lên ba, bà nội ở vậy không đi bước nữa. Đến đời cha, lại tiếp nối nghề ông. Năm anh vừa hết cấp ba cha đã giục ra biển. Anh theo cha vài chuyến, khi đã quen sóng nước, cha lại đột ngột theo ông nội về biển khơi trong trận bão lớn đổ vào miền Trung. Ba năm sau nỗi đau chưa nguôi, trận bão lịch sử lại cướp đi má và đứa em gái duy nhất, hôm đó má và em ra bến rồi vĩnh viễn không về. Anh đủ đầy gia đình vỏn vẹn mười tám năm. Còn một mình, có đêm anh nằm nghe bão đổ về, căn nhà lợp tôn kêu răng rắc, anh lại nhớ má, nhớ em. Nỗi đau từ biển là vậy nhưng anh vẫn yêu biển đến lạ kỳ. Bao lâu rồi anh không còn nhớ nữa, những chuyến đi dài ngày khiến căn nhà như thể nhà hoang. Bà con chòm xóm thương tình cứ nhắc anh lấy vợ cho ấm nhà, anh chỉ cười, lặng lẽ ra đầu bãi ngóng xa khơi. Bà con nói vậy chớ ai chẳng biết anh đợi Thương.

Anh đợi từ ngày Thương còn con gái, giờ Thương đã tay bế tay bồng. Ngày Thương đi lấy chồng, anh cũng làm một chuyến ra khơi, chuyến đó anh đi biền biệt, ba tháng sau xóm chài mới lại thấy một thằng Doanh thất thểu về bờ, đi như lết trên cát. Xóm chài ai chẳng biết anh với Thương từ ngày còn nhỏ đã quấn quít nhau, ngày đó hai đứa còn con nít, lớn chút nữa chưa kịp nói yêu Thương anh đã ra khơi, những chuyến đi dài ngày kéo anh biền biệt, cho đến ngày có người dạm ngõ nhà Thương. Cũng phải thôi, con gái có thì, ưng ai đi ưng cái thằng mồ côi cha mẹ, quanh năm lênh đênh sóng nước, tới cái nhà cũng như vô chủ.

Xóm chài mới mừng Thương có nơi có chốn năm trước, năm sau đã đến chia buồn con trai Thương mồ côi cha. Thương ôm về mẹ, năm sau mẹ cũng theo cha mà đi. Lần nào ra biển trở về anh cũng nhìn thấy Thương thui thủi cùng con trong căn nhà cách anh có một cái hàng rào. Anh luôn kiếm cớ đi qua cổng nhà Thương, có bữa Thương quày quả ra chợ, bất chợt ngẩng lên thấy anh, Thương lại cắm cúi đi, hai tay bấu chặt vào quai giỏ, đôi vai gầy nhô lên sau lần áo mỏng. Anh lặng lẽ nhìn theo cho tới khi dáng Thương tất tưởi khuất sau rặng dừa...

 

Cuối ngày được mẻ lưới đầy, bạn thuyền lại rủ nhau nghỉ sớm, làm ly rượu. Anh lại ra đằng mũi nhìn về bờ. Chiều muộn, biển heo hút vắng, trong mây mù núi chỉ còn một màu xám như hóa thạch, chút ráng chiều vương vất vắt ngang như một dải lụa mềm. Anh lại nghĩ đến Thương. Từ đây về bờ mất có một giờ, chỉ một giờ mà chiều nay nghe xa thăm thẳm. Chỉ một giờ thôi, anh lại được nhìn thấy khói bếp bay lên từ căn nhà có vạt rau diếp trồng trong cái lu bể, lại được nghe tiếng Thương dỗ thằng cu ăn cho hết chén cơm rồi ra bến cho kịp. Chiều xuống, lọn tóc dài ướt rượt của Thương lại vấn vít anh nơi đầu bãi, anh thầm trách Thương biết hong tóc cho khô mà lòng anh Thương chẳng thèm hong, Thương nỡ để ướt đầm...

Anh thương người con gái đó từ khi nàng mới mười lăm, chiều chiều ra bến đợi ghe về mua mớ cá tươi. Anh thương từ khi tóc nàng còn cột nhỏng sau gáy, bao nhiêu ngày trên sóng nước, bấy nhiêu ngày anh nghĩ về Thương. Về bờ, bạn chài lại tụ tập ăn nhậu, anh từ bao giờ về bờ chỉ chực đi thẳng về nhà, từ bên này anh ngóng qua bên kia, cái hàng rào mục đã mấy năm rồi cứ chực đổ vậy mà ba mùa trăng vẫn cứ trơ trơ không cho anh cơ hội dựng lại. Trên cái hàng rào mùng tơi giờ đã leo lên xanh um, mà có xanh cỡ nào cũng không ngăn được mắt anh tìm bóng Thương. Hơn ba năm rồi anh thèm trong căn nhà hoang lạnh của mình có thêm bóng dáng mẹ con Thương, để anh phụ Thương ôm thằng nhỏ ra trạm xá lúc nó sốt nửa đêm, cái mái tôn lủng lỗ chỗ, mưa bão về lại dột tong tong, anh sẽ leo lên lợp lại, Thương đứng bên dưới vừa phụ anh vừa cười rinh rích như thể ngày xưa hai đứa còn con nít.

Vậy rồi ba năm đi qua trước anh, mắt Thương vẫn cặm xuống chân, hỏi gì Thương cũng trả lời không quá hai câu. Ngày ra khơi bạn chài í ới, anh lại xách can dầu ra tàu, ngang qua nhà Thương anh đi chậm lại, chờ ai đó hỏi anh nói thiệt to “Chuyến ni tui đi lâu đó, hơn tháng chớ hông ít!”. Vừa nói anh vừa nhìn qua, bên hiên gương mặt Thương vẫn cúi xuống, tay lẹ làng đút thằng cu muỗng cháo, rồi bực mình vì cái tội cứ ngậm búng trong miệng, Thương đét vô đít thằng nhỏ mấy cái. Thằng nhỏ bị đánh oan khóc ré lên, báo hại anh phải vất can dầu ngoài ngõ chạy vô ôm nó vào lòng dỗ dành, tiện thể nhắc: “Chuyến ni anh đi lâu, có chi Thương ngó qua coi chừng nhà anh chút hỉ?”. Thương lại yên lặng bỏ ra sau hè, không quên cầm theo cái rổ hái mùng tơi.

Ráng chiều thôi vắt trên nền trời, những con sóng mơn man nhè nhẹ. Từ bao giờ biển với anh là mẹ, là nơi hứng trọn những nỗi buồn. Đứng chỗ nào trên biển anh cũng nhìn thấy những cánh hải âu chấp chới, chúng còn có một tổ ấm để trở về. Bạn thuyền ngày đi phấn khởi, reo hò, ngày về chưa tới bờ đã thấy bóng vợ con dắt díu đứng ở bãi ngóng ra. Nhiều lần anh cũng ngóng cổ coi trong đám đàn bà con nít lố nhố trên bãi cát có bóng Thương không, ngóng hoài cái cổ dài ra cả gang cũng chẳng thấy bóng Thương đâu, nghe anh về Thương lại lặng lẽ ra sau hè, có khi mở cái chum coi con mắm đỏ chưa, lúc lại đi quét cái vườn sau, quét đến tưa cái chổi Thương vẫn chưa thôi.

Đêm, khi vầng trăng non đã ngả về phía những rặng thùy dương, anh ngồi rít hết nửa gói thuốc, mấy lần nhấp nhổm tính trèo qua cái hàng rào mục, gõ cửa hỏi Thương: Từ mai anh không đi dã nữa, chỉ đi lưới về trong ngày, Thương chịu hông? Cá anh đi về Thương lấy đem ra chợ, tiền Thương cứ để đó mua gạo nấu cho anh với thằng cu, Thương chịu hông? Cái máy quạt kêu cạch cạch, cái ti vi bật lên chỉ thấy người không thấy tiếng, Thương để đó anh sửa, chớ đừng chở ra phố cho thợ, họ thấy đàn bà con gái hông biết chi họ lấy mắc lắm, Thương chịu hông? Một mớ câu hỏi trong đầu anh tính gặp Thương hỏi một lèo cho xong. Vậy rồi ngang qua nhà thấy Thương ngồi lặng, mái tóc dài thiết tha như gió, ánh mắt lúc nào cũng chực chờ ngấn nước, anh lại lẳng lặng quay vô.

Biển chiều nay dậy sóng, trong tiếng gió có cả tiếng rú rít như vắt kiệt trong anh nỗi nhớ Thương. Anh khép mắt, tưởng như đang ngồi trong căn bếp sực nức mùi gừng sôi lăn tăn trong chảo đường, mùi thịt heo muối mắm đậm đà, và cả mùi hoa vạn thọ cắm trong cái bình trên bàn thờ gia tiên. Anh thấy trong bữa cơm chiều cuối năm Thương tất bật, bên bếp lửa hai gò má Thương đỏ au lên, mồ hôi rịn ra bết vào mớ tóc mai, bên hiên anh với thằng cu đã sửa soạn tươm tất cho mấy chậu hoa... Sóng ầm ào đập vào mạn tàu, anh sực tỉnh nhìn thấy nắng xuân đã ruộm một màu vàng... Ngày mai anh về bờ, còn bao việc đang đợi, cái trần phủ đầy mạng nhện anh phải quét cho sạch rồi tranh thủ sơn lại cánh cổng, chà bộ lư hương cho sáng... Mà mấy việc đó thôi để sau, về bờ anh phải chạy liền ra chợ hoa tìm một cành mai, tiện thể bê thêm chậu quất về để trước sân. Giờ này chắc Thương đang ra sau hè lùa mớ rau củ phơi nắng vô hiên để còn kịp ngâm mắm, chi chớ mấy ngày Tết có bánh tét mà thiếu thẩu kiệu dầm chua, thẩu dưa món mằn mặn thì không đủ vị...

Ngày mai anh sẽ về, lên bờ anh về thẳng nhà Thương nói thiệt to: “Ra Tết anh chỉ đi lưới về trong ngày, Thương coi trong nhà còn thiếu chi hông, thịt thà bánh mứt đủ chưa? Còn thiếu chi nhanh nhanh anh chở ra chợ cho kịp, chi chớ Tết phải có miếng bánh, miếng mứt xanh xanh đỏ đỏ thì con hắn mới vui”.

Anh nghe trong gió thoảng từ đất liền thổi ra mùi hoa vạn thọ, mùi mắm đường đang sôi trên bếp, lẫn trong đó mùi hương bồ kết đêm đêm Thương nấu nước gội đầu...

V.N.G

Bài viết khác cùng số

Không nhà đêm BA MƯƠIĐâu rồi hương vị Tết xưaMón quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐiệu hát Bài chòi năm xưaChuyện tình trên đỉnh non caoNăm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnQuê nhà mùa cũ thơm hươngBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Tản mạn tình đất tình người 25 nămXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngTheo dòng miên viễnBán đảo Sơn TràSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaĐứng trước biểnCũng đằm thắm láXuân caBánh nổẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcCon đườngGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýKhúc đêm tự tìnhKhúc ru hờiTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiLực ơi!Nguyễn Trãi đến Tây HồVề quêGiải mã một điều bình thườngCọTím biếc hoa chiềuMưaGieo lại mùa thươngTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLan man xuân vềMùa vuiNhững mùa hoa Hà NộiTuổi mùa xuânLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânVề thăm mộ mẹNhớ mẹ