Hình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo Shiva
Tiền vàng Gupta diễn tả vua Samudragupta giết cọp bằng cung tên. Thế kỷ IV.
Sự giống nhau về điều kiện khí hậu nhiệt đới nơi có nhiều rừng rậm, là môi trường sinh thái tự nhiên cung cấp nhiều hình tượng dã thú cho các tác phẩm nghệ thuật Ấn Độ cổ đại, hình tượng đó đồng thời được tìm thấy phổ biến trong nghệ thuật Đông Nam Á và Champa. Cổ thư Ấn Độ hướng dẫn những nghi thức thờ tự trong kinh Yajurveda, và những kiến thức về đời sống hàng ngày trong kinh Atharvaveda, trong đó không chỉ ghi chép những lời khấn nguyện thần linh ban cho sức mạnh phi thường và phẩm chất cao quý của loài cọp, mà còn cung cấp những câu thần chú và phép thuật để bảo vệ con người, nhất là những người chăn bò, có thể khuất phục sự đe dọa của loài cọp. Mặt khác, cọp còn là biểu trưng cho sức mạnh và sự tái sinh. Trong quan niệm Ấn Độ cổ đại, cọp gắn liền với quyền lực hoàng gia, sự uy nghiêm, không sợ hãi, sức mạnh và sự dữ tợn. Nó cũng thể hiện những đặc điểm tiêu cực không mong muốn như sự chết chóc, hung hăng, tức giận, tàn ác và bạo lực. Trong nền văn minh Indus cổ đại, dưới triều đại Gupta vĩ đại của Ấn Độ, cọp được thể hiện trên những con dấu của vua Samudragupta, trị vì vào đầu thế kỷ IV, người đã cho đúc những đồng tiền vàng đặc biệt mô tả cảnh ông giết cọp để thể hiện quyền uy của vương triều.
Truyền thuyết được ghi lại trong Shiva Purana rằng, khi Shiva còn là một vị thần trẻ tuổi, ngài không màng đến trang phục. Có lần, Shiva lang thang đến một khu rừng, vốn là nơi cư trú của rất nhiều vị thánh cùng với gia đình của họ. Điều quan trọng hơn, Shiva lang thang trong khu rừng với cơ thể trần trụi, đó là lý do làm cho các phụ nữ trong làng hoảng hốt. Shiva không quan tâm đến điều này, nhưng nó lại ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của các vị thánh, vì thế họ quyết định phải cho vị thần trẻ Shiva một bài học. Các vị thánh đã đào một cái hố dọc theo con đường thần Shiva đi qua, và dấu một con hổ trong đó. Tuy nhiên, vị thần trẻ tuổi Shiva chỉ mất vài giây để tiêu diệt con cọp, và tận dụng bộ da của nó để che cơ thể mình. Do vậy, bộ da cọp tượng trưng cho chiến thắng của thần Shiva, bản tính hung hăng của con cọp cũng bị khuất phục trước sức mạnh của thần; tấm da cọp cũng tượng trưng cho bản lĩnh và trí tuệ khiến các nhà hiền triết phải bái phục và kính nể Shiva.
Thần thoại Ấn Độ cũng kể rằng, thần Shiva mặc một tấm da cọp lâu đến nỗi không ai nhớ từ bao giờ. Chỉ khi thần Shiva quyết định kết hôn với nữ thần Parvati, nhiều vị thần đã đến gặp và thỉnh cầu thần Shiva thay đổi phong cách trang phục của ngài. Nhưng thần Shiva từ chối những yêu cầu đó bằng nhiều lý do, thần Shiva nói rằng quần áo ngươi mặc là dệt từ tơ của con tằm (resham ka keeda), những con vật đáng thương ấy sẽ bị giết để lấy tơ dệt áo; còn tấm da cọp ta đang mặc được lấy từ con cọp đã chết; và như vậy không ai bị tổn thương bởi cách sống của ta.
Nữ thần Durga mặc áo đỏ ngồi trên lưng cọp tượng trưng cho hành động tiêu diệt cái ác của bà độ trì loài người giải thoát khỏi mọi khổ đau.
Không chỉ xuất hiện cùng các vị nam thần, cọp còn gắn liền với hình ảnh các nữ thần trong thần thoại Ấn Độ. Cọp là linh thú hộ trì (vahana) của nữ thần Durga, hình ảnh Durga cưỡi trên lưng cọp tượng trưng cho sự hợp nhất mạnh mẽ của quyền lực nữ giới thiêng liêng và đất Mẹ; sức mạnh đó có thể chống lại cái ác không hề nao núng. Cọp được biết đến như biểu trưng cho sức mạnh hoang dã và khó kiểm soát như giận dữ, kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam, ghen tị, muốn làm hại người khác, v.v...; hình ảnh thần Durga ngồi trên lưng cọp như cách nhắc nhở con người nên kiểm soát tính xấu này, để tránh bị ý nghĩ tiêu cực chi phối hành động của con người. Ngoài ra, trong các tranh minh họa chân dung nữ thần Durga, bà thường được diễn tả mặc bộ trang phục màu đỏ, sắc màu này tượng trưng cho hành động tiêu diệt cái ác của bà, bảo vệ nhân loại giải thoát khỏi mọi khổ đau.
Hình tượng cọp trong nghệ thuật Champa
Trong nghệ thuật Champa, hình tượng cọp không được phổ biến bằng các linh thú khác như voi và sư tử. Trên đài thờ nổi tiếng Mỹ Sơn E1, tạc vào đầu thế kỷ VIII, trong một ô vuông miêu tả cảnh một con cọp nhảy chồm về phía trước bộc lộ sức mạnh vô địch của vị chúa sơn lâm. Việc thể hiện hình tượng cọp, trong tư thế khoa trương sức mạnh ngoại hình của mãnh thú, trên đài thờ kể chuyện những sinh hoạt thường nhật của các tu sĩ Bà-la-môn tại thánh địa Mỹ Sơn, chính là một biểu tượng cho sức mạnh nội tâm của các ẩn sĩ khổ hạnh sống đơn độc trong rừng sâu, thực hành theo phái Pasupata của đạo Shiva phổ biến từ thế kỷ VII từ vùng Nam Ấn, vì theo lời dạy trong kinh điển Bà-la-môn, “chỉ có thần linh và thú dữ mới dám sống một mình.”
Hình cọp trong tư thế vồ dương móng vuốt một cách dũng mãnh biểu tượng cho sức mạnh nội tâm của ẩn sĩ khổ hạnh Bà-la-môn tại thung lũng Mỹ Sơn. Trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh Lý Hoà Bình.
Trước kháng chiến chống Pháp (1946-1954), rừng núi Mỹ Sơn còn nhiều thú hoang, đặc biệt là cọp, nhưng sau đó vì bom đạn nên loài thú dữ này đã bỏ đi hết. Trong cuộc khai quật Mỹ Sơn vào năm 1903, hai nhà khảo cổ học Henri Parmentier và Charles Carpeaux đã ghi chép những nổi gian khó của họ khi tổ chức sinh hoạt hằng ngày tại thung lũng này. Tại đây họ cho dựng một cái lán tranh gọi là “cagna” (cái nhà) trên sườn đồi để tạm trú và dành cho khách thỉnh thoảng đến thăm. Mọi sinh hoạt đều được tổ chức trong cái lán khiêm tốn này, nó được bảo vệ bằng một hàng rào cao bốn mét để đề phòng cọp, vì nơi rừng rú hoang vu này vẫn còn đầy thú dữ. Ngày 18/6/1903, Carpeaux ghi trong nhật ký “Người quản công cho chúng tôi bị cọp bắt tối qua, hồi bảy giờ rưỡi, trong một bụi cây dùng để buộc ngựa. Nghe tiếng động trong rừng, ông ta tưởng rằng có một con nghé bị đi lạc và gặp phải cọp nên bị nó cắn vào cổ và lôi đi.”
Cũng tại Mỹ Sơn, tượng thần Ganesha đứng là một trong những kiệt tác của thánh địa được chế tác từ đầu thế kỷ VIII. Thể hiện trên pho tượng quý này, thần May mắn và Hạnh phúc mặc một cái thắt lưng có trang trí đầu cọp để chứng tỏ mình là con trai cả của thần Shiva và nữ thần Parvati được sinh ra trong rừng thẳm.
Tượng Ganesha Mỹ Sơn E5, đầu thế kỷ VIII. Thắt lưng trang trí hình đầu cọp. Đây là một trong những kiệt tác của nền điêu khắc Champa. Trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Bản vẽ H. Parmentier.
Trên vòm cuốn trán tường của ngôi tháp Bắc thuộc của nhóm tháp Hoà Lai nổi tiếng, được dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ IX, thể hiện hình tựợng một vị nam thần, có thể thuộc hệ phái Shivaism, ngồi uy nghi trên lưng cọp được chạm trên cửa giả bằng gạch phía tây của ngôi đền. Đây là đặc điểm trang trí nổi bật của ngôi đền này, hàm chứa những thông tin liên đới đến tính chất tín ngưỡng đặc thù của nó, tuy nhiên, cho đến nay nội dung này vẫn chưa được giải mã.
Hình nam thần ngồi tư thế vương toạ (lalitasana) trên lưng cọp của tháp bắc nhóm Hoà Lai, Ninh Thuận. Đầu thế kỷ IX. Gạch. Đây là hình cọp duy nhất trang trí trên đền-tháp Champa. Ảnh Nguyễn Tú Anh.
Trong nghệ thuật Chàm, hình tượng cọp chỉ xuất hiện tập trung trong thế kỷ VIII-IX, là thời kỳ hoạt động mạnh mẽ của phái tu khổ hạnh Pasupata của đạo Shiva tại vùng Đông Nam Á. Trong những thế kỷ sau, nhất là thời kỳ của Phật giáo Mật tông, hình tượng cọp hầu như không còn được phổ biến.
Như vậy không chỉ biểu trưng cho sức mạnh qua vẻ đẹp ngoại hình, cọp còn là biểu trưng cho sức mạnh nội tâm của con người để họ tự chuyển biến những nhận thức đem đến bất hạnh thành ra hạnh phúc; và, năm mới Con Cọp sẽ đem đến cơ hội cho những hy vọng mới về một thế giới an lành tốt đẹp hơn được sáng tạo bằng trí tuệ của nhân loại.
T.K.P & N.T.A