Quê nhà mùa cũ thơm hương

17.01.2022
Kỳ Nam Uyên

Quê nhà mùa cũ thơm hương

Ngoại tôi gọi vùng quê nhà ngoại là “quê kiểng”, tiếng gọi nghe thiệt là quê! Phảng phất kiểu giọng văn Hồ Biểu Chánh, mà thiệt xứ quê ngoại tôi là những xóm làng bàng bạc trong những câu chuyện của Hồ Biểu Chánh. Tết quê rộn ràng trong ký ức mỗi độ chớm xuân về.

Từ đầu tháng Chạp, ngoại đã săm soi cây mai cổ trước nhà, nghe nói nó thọ lắm, tán rộng sum suê, ngoại chiết cành tỉa nhánh sẵn chờ đến rằm thì lãi lá mai. Cô nhỏ nhà tôi cứ hay thắc mắc “sao ngoại không nói là hái lá hay bứt lá mà lại biểu là lãi lá?”. Ngoại cười hiền “tổ cha mày! Hỏi thấu ông trời! Thì ông bà mình kêu vậy chớ sao con!”. Xoắn theo chân ông ngoại cô nhỏ lại lăng xăng chạy ra vườn thăm chừng mấy bụi chuối
“lá chuối tốt vầy, ngoại bây gói bánh đã đời à nghen!”, ngang mấy cây dong đầy nọc tiêu xanh tốt, ông ngoại lại nhắc chừng “bây nhớ nói bà ngoại gói nem lá dong ít ít vậy, chớ ăn lá dong nhiều buồn ngủ chịu hổng nổi đâu!”.

...

Thoáng cái là tới rằm tháng Chạp.

Ngoại và cậu Tư bắc ghế ra lặt lá mai, xong buổi là cây mai già trụi lủi, tôi cứ tiếc hùi hụi “sao mà ngoại làm cái cây xấu hoắc, biết chừng nào mới mọc lá như xưa?”. Tiếc đó, rồi cũng quên ngay đó khi lăng xăng theo ngoại đi rọc lá chuối, khệ nệ ôm về rồi ngồi bặm môi lau lá...

Bà ngoại thì lo ngâm đậu, đãi vỏ, đong nếp... cô nhỏ lại kéo áo ngoại “làm vầy kêu là dút nếp há ngoại, sao không nói là vo nếp? Ừa nếp thì kêu là dút nếp, còn gạo thì mới nói là vo gạo nghen con”.

Lửa than đượm hồng, ngoại đem lá chuối ra hơ, lá chuối hơ lửa xong dịu nhiễu thơm một mùi thơm rất lạ, mũi cô nhỏ phập phồng dán vào tàu lá để hít hương lá chuối cho đã thèm.

Sớm mai chưa thức dậy đã nghe râm ran tiếng Dì Hai Lan, Dì Ba Màu, bà Tám Nhiêu cùng ngoại rộn ràng dưới bếp. Bộ ngựa láng bóng giữa nhà được các bà chiếm dụng, bày la liệt nào gạo nào lá, thịt thà, dây nhợ... Tay bà nào cũng thoăn thoắt xếp lá, tém nếp, vun thịt, rồi xoắn dây cột, thiệt là gói sao mà “chặt như đòn bánh tét”, tới trưa là bánh tét đã xếp lúc lỉu mấy cái mâm bàng.

Vườn của ngoại hồi xưa trồng nhiều xoài lắm, xoài cát ngọt mịn như từng hạt đường chao trong vòm miệng.

Mùa mưa, xoài trổ bông trắng xóa, trưa hè tướt miếng lá chuối bản rộng, ngồi dưới gốc xoài nhìn mấy con chim nhỏ chuyền cành, gió sông thổi rao rao mát rượi.

Vườn không có rào mà ngoại trồng chanh xen quít làm bờ giậu.

Hàng rào chanh quít coi vậy mà lợi hại vô cùng, gai tua tủa đố ai làm gan mà băng qua nổi. Mùa hoa chanh lại nở giữa vườn chanh, rồi chanh lúc lỉu đầy cành, rụng tràn đất, ai mà thèm hái, chỉ có thỉnh thoảng chạy ra bứt ít lá chanh thả vô nồi luộc ốc, bẻ thêm ít gai quít để lể ốc cho thơm.

Mà ốc vườn thiệt là ngon, con nào con nấy mập úc núc, chỉ cần xách cái rổ ra lội mương khua khoắng một hồi là có cả nồi ốc béo, pha chén nước mắm tỏi ớt cay cay, chua áy chút chanh, thơm nồng vị tỏi, ngòn ngọt chút đường (mấy đứa nhỏ ăn tham còn bưng cả chén nước mắm chua ngọt mà húp tuốt). Với chén nước mắm pha khéo vậy thì ngồi lể ốc chấm mút cả buổi trời chưa hết.

Cái thuở ấu thơ tôi đó, đường về quê Ngoại chỉ có cái phương tiện duy nhất là đò dọc. Chuyến đò đi theo dòng sông quê từ cầu Cây Lậy, tới tận cửa Ba Rày rồi tuốt ra sông Cái.

Tôi chỉ mơ hồ nghe vậy mà hình dung ra sông Cái chắc là to lắm, đứng bên bờ này mà mịt mờ không thấy bờ kia, chắc là có sóng vỗ ì oạp, chắc là con đò sẽ còn như chiếc lá trên sông...

Đò dọc theo sông, mỗi lần ghé đón hay cho bước lên thì phải tìm cái chỗ nào có mũi đất hơi nhoi ra để cập đò cho dễ bước. Mỗi bến sông đều có cái cầu bắc ra sông để tắm gội, xách nước sông vào nhà lóng phèn dùng, hay là cột mũi xuồng trước bến.

Dọc cả dòng sông thơ ấu, tôi chưa từng thấy chỗ nào có cái cầu bắc ra bến sông như cái cầu của ông ngoại.

Cầu của ngoại bắc bằng thân cây so đũa, ngoại lót thêm lên một tấm gỗ dài, bề ngang chừng 2 tấc làm mặt cầu, kỹ lưỡng đóng thêm mấy thanh nẹp ngang trên mặt để chống trượt. Cầu bắc từ trong bờ, de ra sông chừng đâu non 2 thước, và đặc biệt nhấ̛́t là cầu của ngoại có thêm cái băng gỗ, dọc theo thân cầu, vừa làm tay vịn, vừa làm ghế băng ngồi hóng mát ngay trên sông. Ông ngoại “thiết kế và thi công” cái cầu đó là dành cho bà ngoại tôi ngồi ngắm sông, đọc truyện Quỳnh Dao.

Ngồi trên cầu de ra khỏi bờ sông như ngồi thuỷ tạ, có cả thanh ngang để dựa lưng, dưới chân cầu là nước chảy miên man theo bờ cỏ, vài cụm lục bình trôi theo con nước, điểm hoa tim tím ngọt ngào.

Thiệt là lãng mạn vô kể!

Con sông ngày hai buổi con nước lớn ròng, tán lá dừa xập xòe xào xạc, che mát rượi ven bờ. Trải chiếu dưới tán dừa, kê cái gối, nằm ôm cuốn Nhạc Phi diễn nghĩa, dõi theo tích truyện tận xứ xa thẳm bên Tàu là một trong những thú vui khoan khoái nhấ̛́t của cô nhỏ hồi xưa.

Lâu lâu ngồi dậy ngó con đò chạy ngang, hay canh chờ nước lớn đầy mà chạy vô rủ đám anh em họ ôm cây chuối nhảy ùm xuống sông mà tắm mát buổi trưa quê.

 

Nhà có lệ sáng mùng một Tết thì trẻ con chỉn chu bộ áo quần mới, xếp hàng khoanh tay mừng tuổi ba má, nhận lì xì đầu năm, nghe lời “huấn thị” là mong muốn của ba má đối với từng đứa con và lời hứa của từng đứa về bản thân trong năm mới.

Lệ đó từ khi cô nhỏ còn bé xíu 3 tuổi, đã xúng xính áo dài, đeo kiềng vàng, xức nước hoa thơm phức, khoanh tay tròn miệng ráng ghi nhớ lời mừng tuổi.

Dĩ nhiên là cô nhỏ thuộc lòng câu “chúc (ông, bà, dì, cậu, mợ...) dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi” để ứng phó với mọi trường hợp được kêu ra khoanh tay mừng tuổi.

Má dặn kỹ lắm, mừng tuổi phải khoanh tay lễ phép, đứng thẳng trước mặt, nhìn vào mắt rồi nói rõ ràng. Nhận lì xì bằng hai tay, nói cảm ơn rồi mới được cất. Tuyệt đối không được mở bao lì xì trước mặt người cho.

Tiền trong bao lì xì ở nhà luôn luôn là tiền mới cứng, nên từ bé tí, cô nhỏ đã biết tiền có mùi thơm.

Cô nhỏ thì chỉ thích ai tặng bao lì xì thiệt là đẹp và to chớ không quan tâm đến tiền, bởi thế thường hay loanh quanh xin xỏ bao lì xì của mấy anh chị lớn - lấy tiền ra thì cho em ngay cái phong bao lì xì. Nhà hồi đó đông con cháu nên cô nhỏ năm nào cũng gom về trong cái bóp đầm nhỏ xíu đeo vai cả xấp phong bao đỏ rực, sung sướng hết sức.

...

Bây giờ ít nghe ai nói “mừng tuổi” mà kêu là “chúc Tết”, nghe nó là lạ, không quen.

K.N.U

Bài viết khác cùng số

Món quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐâu rồi hương vị Tết xưaKhông nhà đêm BA MƯƠITản mạn tình đất tình người 25 nămBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngKhúc đêm tự tìnhBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýCon đườngĐứng trước biểnCũng đằm thắm láSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaBán đảo Sơn TràTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiXuân caẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiNguyễn Trãi đến Tây HồTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềTheo dòng miên viễnVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânNhớ mẹVề thăm mộ mẹ