Tản mạn tình đất tình người 25 năm

17.01.2022
Bùi Công Minh

Tản mạn tình đất tình người 25 năm

Xuân Nhâm Dần 2022 này ghi dấu một sự kiện quan trọng của danh xưng Đà Nẵng trong thời hiện đại. Đó là cột mốc 25 năm Đà Nẵng cùng với Hòa Vang (cũ) trở thành một đơn vị hành chính độc lập trực thuộc Trung ương, tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. 25 năm - một phần tư thế kỷ, quá đủ thời gian cho một cuốn tiểu thuyết ra đời. Mà sự thực đã có một cuốn tiểu thuyết mang tên “Câu chuyện Đà Nẵng”.  Mà tiểu thuyết hấp dẫn ấy cũng chỉ lấy bối cảnh 3 năm từ khi có quyết định chia tách 1-1-1997 đến thời điểm hợp long cầu Sông Hàn vào dịp 29-3-2000. Vậy mà đã “ra chuyện”, có chuyện để nói rồi. Chắc là trong khoảng thời gian 25 năm qua, không chỉ Thái Bá Lợi mà nhiều cây bút văn xuôi khác cũng đã và đang thai nghén một cuốn tiểu thuyết khác nữa. Có điều sẽ không viết giống như “Câu chuyện Đà Nẵng” mà sẽ có một cách nhìn khác, với những kịch tính khác, nhân vật khác, cách thể hiện khác. Đất Quảng vốn cũng là đất tiểu thuyết.

Chắc chắn sẽ có nhiều câu chuyện khác về Đà Nẵng được kể lại bằng văn chương, nhưng nói gì thì nói, những tác phẩm văn chương ấy sẽ phải làm toát lên câu chuyện về tình đất - tình người của vùng đất này. Tất nhiên phải có kịch tính, phải có đớn đau, mất mát. Cuộc đời vốn vậy. Nhưng còn lại cuối cùng là chất nhân văn cao cả của một mảnh đất đã chịu nhiều đau khổ trong chiến tranh, đã trải qua những thử thách trong thời kỳ non nớt của cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, và cả cái vụng dại của những năm tháng mới bước vào cơ chế thị trường. Bây giờ, sau 25 năm, sự việc, cảnh vật, con người đã thay đổi lớn lao, đã trưởng thành, với những bước đi kỳ diệu. Để có thể hiểu sâu sắc về đất và người Đà Nẵng qua bao thăng trầm không thể chỉ bằng vào vài cảm nhận trước thái độ thân thiện, hiếu khách, sự tôn trọng và ứng xử lịch sự với bạn bè bốn phương, mà cần có sự chiêm nghiệm và cái nhìn sâu vào lịch sử và tính cách con người. Để dung chứa được một bối cảnh thời gian không gian rộng lớn, vẫn cần một cuốn tiểu thuyết mới về Đà Nẵng. Nói như vậy không có nghĩa không ghi nhận giá trị của các tác phẩm thơ ca, âm nhạc, tạo hình, nhiếp ảnh, điện ảnh được ra đời trong những năm qua, những tác phẩm được giải thưởng qua các cuộc thi, qua các cuộc bình chọn; và nhất là qua sự đón nhận của công chúng rộng rãi. Các loại hình nghệ thuật này cũng đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Mặc dù công chúng Đà Nẵng vẫn muốn có thêm những câu thơ, những giai điệu, những nét họa, những góc ảnh đi tới tận cùng hơn nữa cảm xúc về đất và người của thành phố này, nhưng dù sao, chỉ cần một câu thơ, một câu hát đã quen thuộc: “Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu/ Có hiểu được lòng nhau, mới tới bờ tới bến/ Có hiểu được lòng nhau, mới thấu hết nghĩa tình...” của nhà thơ Ngân Vịnh và nhạc sĩ Đình Thậm cũng đã nói lên được phần nào cái tình đất tình người nơi đây. Mảnh đất từng là “đất dữ” đối với kẻ thù xâm lược, nhưng là “đất lành” đối với những ai đã yêu, đã hiểu về Đà Nẵng.

Câu chuyện “đất lành” này có liên quan đến một tác phẩm nghệ thuật. Lần ấy tôi nhớ Hội đồng tư vấn tượng đài và tranh hoành tráng của thành phố đã
tổ chức một cuộc họp ngay tại hiện trường để nghiệm thu chính thức một thành phẩm sáng tạo mới của nhà điêu khắc nổi tiếng và tài hoa người Đà Nẵng Phạm Văn Hạng. Những người sống lâu ở Đà Nẵng cho biết, suốt từ sau ngày Đà Nẵng được giải phóng, mặc dù rất nhiều công trình kiến trúc, công trình văn hóa được dựng lên, nhưng về tượng đài ở trung tâm thành phố thì đầu tiên mới chỉ có bức tượng “Mẹ Dũng Sĩ” của tác giả Phạm Văn Hạng (người dân Đà Nẵng vẫn thường gọi là Tượng Mẹ Nhu) đặt ngay cửa ngõ đi vào thành phố Đà Nẵng, đến 2007 có thêm nhóm tượng mẹ Âu Cơ của điêu khắc gia nổi tiếng Lê Công Thành nằm ở bờ biển Công viên Biển Đông. Và đây là nhóm tượng thứ ba. Nhà điêu khắc đã thể hiện hình tượng 5 con chim hòa bình được cách điệu, trong tư thế tĩnh như đang nằm nghỉ ngơi, trong đó một đôi chim đang chụm mỏ vào nhau tình tứ, những chú chim khác thân thiện hồn nhiên nhìn đi các hướng. Hội tụ và lan tỏa. Mời gọi và chia sẻ. Tất cả tạo cảm giác ấm áp, yên bình. Trong buổi họp nghiệm thu ấy, nhà điêu khắc đã báo cáo quá trình xin ý kiến phê duyệt của lãnh đạo thành phố, việc tìm kiếm vật tư, quá trình thi công v.v... và nỗ lực của ê kíp thực hiện. Có một ý phân vân về tên gọi. Lúc đầu trong các văn bản xin phê duyệt đều gọi tên nhóm tượng là Đất lành chim đậu. Nhưng trong quá trình thi công, có ý kiến cho rằng chỉ nên nói Đất lành thôi, thế là đã đủ. Đa số ý kiến cũng nghiêng về hướng như vậy. Tên gọi một tác phẩm càng ngắn gọn, càng có sức gợi. Bản thân văn chương cũng chuộng sự hàm súc, ý tại ngôn ngoại. Cách thể hiện của tác giả nhóm tượng cũng đã đủ nói lên cái tứ “chim đậu” rồi, trong tâm trí người xem, chỉ cần nói đến hai từ “đất lành” là có thể liên tưởng ngay đến câu tục ngữ hoàn chỉnh xưa. Việc đặt tên tượng là Đất lành đã làm cho tính khái quát của nội dung tượng được nâng cao hơn lên. Nó không chỉ nói lên ý nghĩa “hội tụ” mà còn hàm nghĩa thành phố của hòa bình, thành phố thân thiện, thành phố an lành.

Và đến hôm nay, sau bao nhiêu thử thách, có lúc thăng trầm, có khi “hoạn nạn” của thành phố, nhóm tượng vẫn đứng đó, chứng minh cho mảnh đất lành đã thu hút nhiều người con từ khắp các quê hương đến nơi này để sống, để làm việc, để yêu mến và được đón nhận, cùng góp sức vào sự lớn mạnh, trưởng thành của thành phố.

Nghệ sĩ vốn là người nhạy cảm. Họ hiểu đâu là đất lành, nơi mang đậm tình người, dù có khi chỉ một lần thoáng ghé qua. Điêu khắc gia người Na Uy Oyvin Storbaekken đối với mảnh đất Đà Nẵng là một trường hợp như vậy. Khoảng đầu năm 2000, tôi được nhà điêu khắc Phạm Hồng mời dự một cuộc gặp nhỏ, chỉ 3 người, nhân đó được tiếp xúc với Oyvin, tại một quán ăn bình dân ở Hà Nội trong dịp ông sang Việt Nam tham gia một trại sáng tác quốc tế về tượng gỗ. Đó là lần đầu tôi gặp Oyvin. Một “ông Tây” đúng nghĩa, người to lớn, là nghệ sĩ nhưng cách ăn mặc thì giống như một người thợ, không hề chỉn chu, sáng sủa. Đúng là một người của công việc. Sau này tôi có thêm vài lần được gặp ông ở “đại bản doanh” tại Làng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn với ngổn ngang thạch cao và những tảng đá lớn làm vật liệu sáng tác, những phác thảo bên những bức tượng đã hoàn thành. Giữa sự ngổn ngang ấy, trông ông cũng như một pho tượng xù xì, không thích mài dũa mòn nhẵn, với bộ râu bạc và bộ quần áo đúng là của một người thợ đang tác nghiệp. Nghe nói, lúc mới sang Đà Nẵng để thực hiện dự án sáng tác, Oyvin nhất định không đi chơi phố, không nhận lời mời dự gặp mặt với ai, bởi ông không muốn khí hậu nắng gió xứ nhiệt đới làm phai nhạt đi hình ảnh tuyết trắng của Bắc Âu quê hương ông. Ông phải giữ lấy hình ảnh tuyết trên những tảng đá trắng của Đà Nẵng để làm nên những tác phẩm về vẻ đẹp của hình thể con người, của hình ảnh thiên nhiên. Thế nhưng 20 năm sống và sáng tác trong điều kiện sinh hoạt hàng ngày khá khiêm tốn ngay tại cơ sở của Quỹ Điêu khắc đá Đà Nẵng thuộc Làng đá Non Nước đã làm mê hoặc ông. Và đến lúc phải rời xa nơi này ở tuổi ngoài 70, ông bỗng thốt lên: “Một phần trái tim tôi đã ở đây...”. Đấy là câu nguyên văn tôi ghi lại từ bài viết của nhà báo Ngọc Hà báo Đà Nẵng về Oyvin từ năm 2018. Bài báo còn dẫn thêm cảm xúc của người nghệ sĩ xứ Bắc Âu huyền thoại: “Khó mà nói hết tình cảm của tôi đối với mảnh đất này. Tình cảm ấy được tôi tạc vào trong đá với tên gọi Sóng biển, lấy cảm hứng từ hình ảnh biển cả gắn bó thân thương bao đời với người dân Đà Nẵng. Bằng sự cách điệu cánh tay người phụ nữ thành những con sóng, bức tượng nói lên biển cả như người mẹ vỗ về, che chở cho người Đà Nẵng”. Và ông đã tặng lại bức tượng mang tên Sóng biển nói trên cho Đà Nẵng, coi đó như một món quà tạm biệt và lời cảm ơn của ông dành cho Đà Nẵng, cho những người bạn ông tại thành phố này.

Một câu chuyện khác. Cũng nhờ tư liệu báo chí mà tôi được biết thêm về danh ca huyền thoại Khánh Ly. Không hẹn mà tương đồng, bà cũng đã từng bộc lộ cảm xúc về tình đất tình người Đà Nẵng giống như người nghệ sĩ Bắc Âu Oyvin: “Đà Nẵng là nơi cho tôi biết Tình yêu là điều có thật. Mọi người bình chọn Đà Nẵng là nơi đáng sống. Riêng tôi, ngày ấy, hôm nay và mãi mãi.
Tình yêu ở lại nơi này...”. (Trích bài báo của phóng viên trang điện tử Infonet ngày 8/10/2019). Sinh ra ở Hà Nội. Lớn lên tại Đà Lạt. Thành danh tại Sài Gòn. Nhưng người ca sĩ này lại gửi tình yêu ở lại nơi này... Chắc chắn là có duyên cớ. Đấy không phải là lời xã giao. Chúng ta sẽ không đi sâu chuyện riêng tư, nhưng có điều chắc là trong những lý do để Khánh Ly dù phiêu bạt khắp các phương trời vẫn dành tình cảm với Đà Nẵng, đó là tình đất tình người của Đà Nẵng, của miền Trung, nơi có những con người hồn hậu, chân thật, “mặn mòi mà nhiều yêu thương” như phóng viên trang tin điện tử nói trên đã dẫn lời bà. Tôi có được xem đêm diễn lần thứ nhất của bà tại Đà Nẵng vào mùa Thu năm 2014. Từ những lời tự bạch cũng như toát lên từ giọng hát trầm ấm, hát mà như trải lòng, có thể hiểu đất và người Đà Nẵng đã hóa thành tâm hồn bà như thế nào. Ngay cả trong lời tán thưởng giọng hát Khánh Ly một cách mộc mạc, chất phác của khán giả Đà Nẵng sau đêm diễn trở lại Đà Nẵng của Khánh Ly năm 2019: “Bà già hơn 70 tuổi rồi mà giọng vẫn quá tuyệt vời!” cũng đủ níu chân người nghệ sĩ về lại nơi đây, chưa nói đến những lý do tình cảm khác của riêng bà.

Chúng ta đã quá quen thuộc với câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên: Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Nơi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn. Câu thơ luôn luôn đúng, ở mọi không gian, mọi thời gian của đời người. Nhưng có lẽ đấy là nhà thơ nói về những người đến rồi đi, phải xa vùng đất mà mình nặng tình nặng nghĩa. Còn với chúng ta, những người đang sống và làm việc, trụ bám đất này? Người nghệ sĩ luôn có một niềm vui không dễ ai có được, đó là luôn say mê trong đổi mới, sáng tạo. Không cần ai kêu gọi, không cần hô hào, cứ thế tự giác mang gánh nặng cho mình, lặng lẽ dậy sớm thức khuya trả món nợ không có người đòi cụ thể. Văn nghệ sĩ Đà Nẵng chúng ta may mắn được sống, được chứng kiến những đổi thay, những biến động, những thăng giáng của vùng đất này suốt 25 năm qua. Chắc chắn là mỗi người cũng đang có sự thôi thúc nội tâm, nuôi khát vọng thể hiện một phần tình đất tình người Đà Nẵng. Chính những ngày Covid-19 hoành hành, thói quen sinh hoạt của chúng ta có thể bị đảo lộn, nhưng chắc chắn thói quen sáng tác vẫn không bị “hề hấn” gì, chỉ trừ các nghệ sĩ nhiếp ảnh có phần gò bó đôi chút vì không đi dã ngoại, nhưng biết đâu lại có những sáng tạo có chiều sâu về cuộc sống hàng ngày của những con người bình thường trong một thành phố bị phong tỏa do dịch bệnh.

Tôi đã quá lan man, mà thời gian cuối năm mọi người đều tất bật. Có ai đó nói rằng đôi khi chúng ta dễ quên cái tiếng quát tháo của kẻ thù (ở đây tôi muốn nói là sự hoành hành dữ tợn của giặc vi-rút co-ro-na với các biến thể của nó) mà lại nhớ nhiều đến những gương mặt lặng im của bạn bè thân thiết. Không thể kể tên, vì làm sao có thể kể hết những bạn viết, những người đã từng gặp gỡ, từng chia sẻ những dự định sáng tác, nhưng vì giãn cách nên mọi người đành phải nghiêm túc thực hiện phương châm ai ở đâu ở yên đấy. Nhưng tôi tin rằng, mỗi ngày, đặt bút lên trang giấy, hoặc mở máy tính cá nhân, là gương mặt bạn bè sẽ hiện ra. Lại nhắc nhau, theo cái tạng của từng người, hãy phấn đấu làm mới mình mỗi ngày, ngay chính trên mảnh đất sáng tạo quen thuộc, cố gắng làm sao để nói cho hết tình đất tình người Đà Nẵng!

B.C.M

Bài viết khác cùng số

Món quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐâu rồi hương vị Tết xưaKhông nhà đêm BA MƯƠITản mạn tình đất tình người 25 nămBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngKhúc đêm tự tìnhBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýCon đườngĐứng trước biểnCũng đằm thắm láSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaBán đảo Sơn TràTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiXuân caẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiNguyễn Trãi đến Tây HồTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềTheo dòng miên viễnVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânNhớ mẹVề thăm mộ mẹ