Món quà ấm áp

17.01.2022
Đoàn Dương Trúc Lam

Món quà ấm áp

Mùa đông năm nay đến trễ mang theo cái lạnh thấu xương. Còn một tuần nữa mới đến Giáng sinh nhưng trên khắp các nẻo đường và nhà thờ lớn đã rực rỡ những ánh đèn đủ màu sắc. Các nhà thờ được trang trí nào là những món quà, những cây thông lung linh ánh đèn và các tượng chúa dường như tươi vui hơn mọi ngày.

Trong khi mọi người đang trong chăn ấm thì ở một góc phố chật chội, bẩn thỉu trong một túp lều nhỏ có hai mẹ con đang nằm ôm lấy nhau để xua tan phần nào sự giá lạnh. Túp lều nhỏ tí, cũ kĩ và xiêu vẹo. Mái tôn thủng lỗ chỗ, bọc bên ngoài một tấm bạt mốc meo, hở ra một khoảng, gió lùa vào lạnh buốt. Hai mẹ con không có được cái giường để nằm mà trải một miếng vải lên nền đất ẩm ướt. Căn lều không có gì ngoài một tấm mền rách bươm, một hũ gạo đã vơi, một mớ củi khô và một cái ghế nhựa gãy chân phải cột lại bằng sợi dây kẽm gỉ sắt. Tất cả sinh hoạt đều ở một chỗ nên rất chật chội. Gió mùa đông lùa vào lạnh thấu xương nhưng cậu bé vẫn ngủ mê mệt, có lẽ là do một ngày vất vả vừa qua.

Mặt trời đã lên đỉnh của nhà thờ, như thường lệ người mẹ sẽ đi khắp các nẻo đường để nhặt những chai rựơu chai bia rỗng mà có lẽ là do những cuộc chè chén đêm qua. Cậu con trai không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Từ khi cha mất, gánh nặng đè thêm lên vai người mẹ nên cậu bé quyết định bỏ học đi theo ông chú phụ nghề đốn củi. Hằng ngày, cậu giúp ông ta khiêng những bó củi nặng trĩu nhưng cậu chưa than vãn mệt mỏi vì cậu biết hoàn cảnh gia đình mình như thế nào. Bỗng một hôm ông chú ấy bị bệnh nặng nên nghỉ làm. Cậu đã tự mình làm tất cả sau một thời gian quan sát. Cho dù được nhiều tiền hơn nhưng sự vất vả đã nhân lên gấp bội.

Tối hôm đó hũ gạo đã hết sạch, dù không muốn nhưng người mẹ vẫn sai cậu bé qua nhà hàng xóm để mượn một chút gạo về nấu cháo. Gia đình ấy là một gia đình khá giả trong xóm. Từ khi cha mất gia đình nhà hàng xóm luôn giúp đỡ cho hai mẹ con những lúc khó khăn, họ cảm thấy thương cảm cho hoàn cảnh của hai mẹ con.

Vừa bước qua ngưỡng cửa thì cậu bé ngỡ ngàng khi thấy thằng nhóc hàng xóm đang ngồi đánh giày. Nó bằng tuổi cậu bé nhưng nó có vẻ lanh lợi và mồm mém hơn nhiều. Trước giờ nó nổi tiếng là lười biếng, mẹ sai việc gì nó cũng đùn hết cho chị nó, ngủ dậy nó cũng không xếp mền gối mà để đó xách cặp đi học luôn đến nổi ba nó phải lắc đầu ngán ngẫm: “Con lười nhác vậy rồi mai sau con làm được gì hở con?”. Mẹ nó thì thực tế hơn: “Từ ngày mai mẹ sẽ bắt con làm việc nhà, hừm đừng có hòng mà chạy trốn vì mẹ sẽ đứng canh cho đến khi nào con làm xong thì thôi”. Nhưng công việc khó khăn đó mẹ nó cũng chưa bao giờ làm được vì nó luôn có lí do để trốn việc. Thế mà bây giờ thằng nhóc lười nhác đó lại ngồi đánh giày:

- Mày đang đánh giày thật à?

Thằng bé hỏi một câu kì quặc:

- Bộ mày không thấy sao, thì tao đang đánh giày chứ làm gì nữa.

Nhận ra ý tứ trong câu hỏi, thằng bé hàng xóm trả lời bằng cái giọng khó chịu, vẫn không buồn ngước mặt lên ra vẻ ta đây rất bận: “Nhà ngươi đừng có mà làm phiền”. Nhìn một lúc lâu thằng bé lại cất giọng tò mò:

- Mà nè, mày đánh giày chi vậy?

Thằng bé hàng xóm bắt đầu vòng vo:

- Mày biết ngày mốt là ngày gì không?

- À! Ngày Giáng sinh, bộ mày tính đánh giày để đi chơi Giáng sinh à?

- Bậy! Ai lại đánh giày đi chơi mà đánh một chiếc bao giờ. Tao sẽ treo nó lên cửa sổ vào đêm Giáng sinh ông già Noel sẽ cột quà vào dây giày cho tao.

Cậu bé tỏ giọng nghi ngờ:

- Ông già Noel à, làm gì có ông già Noel thật trên đời. Sao mày lớn rồi mà còn tin những câu chuyện bịa đặt ấy.

 Như bị chạm tự ái nó gân cổ lên:

 - Đó không phải là chuyện bịa đặt, chính ba tao đã nói như vậy và năm nào tao cũng viết thư cho ông ấy, khi ngủ dậy tao đã có gói quà được cột vào dây giày. Những đứa trẻ ngoan và sẽ được tặng.

- Thế tao có được tặng không?

- Mày có phải là đứa trẻ ngoan không?

Cậu bé thắc mắc:

- Làm sao mới là đứa trẻ ngoan hả mày?

Thằng bé hàng xóm tỏ vẻ hiểu biết:

- Hằng ngày mày phải biết giúp đỡ mẹ mày, mẹ mày sai bảo gì mày cũng làm.

Cậu bé nói giọng vui vẻ:

- Thế tao chắc là đứa trẻ ngoan rồi, hằng ngày tao đi bán củi kiếm tiền đưa cho mẹ tao mua gạo, mẹ tao bảo gì tao cũng làm.

Thằng bé hàng xóm nói:

- Thế là mày ngoan hơn tao hồi đó rồi.

- Thật không hở mày?

- Thật chứ!

Thằng bé đã thấy hơi tin tin liền hỏi lại:

- Thế làm sao ông ấy có thể biết mày mà tặng quà thế, chỉ cho tao đi, trước giờ tao đâu có biết cái này.

Thấy bạn đã tin lời mình thằng nhóc hàng xóm có vẻ vui lắm và nó nhiệt tình:

- Ồ mấy cái này dễ ợt á mà, năm nào tao cũng làm. Mày chỉ cần viết một lá thư kể rằng mày đã ngoan như thế nào trong năm vừa qua rồi mày ghi là mày muốn món quà gì.

- Tao thì tao chỉ muốn có một chiếc áo lành lặn để mặt thôi.

Đối với thằng nhóc hàng xóm thì có một chiếc áo để mặc là chuyện bình thường nhưng đối với thằng bé cơm còn không đủ ăn kia thì đó là một giấc mơ. Rồi nó nhìn xuống đôi dép đã đứt quai của mình nó nói:

- Nhưng mà tao không có chiếc giày mũi nhọn giống như mày.

- Yên tâm, yên tâm tao sẽ cho mày mượn một chiếc, đôi này của ba tao có hai chiếc lận.

- Cảm ơn mày nghen!

Thằng bé cảm động:

Bỗng nghe một tiếng dịu dàng:

- Ủa các em đang làm gì vậy?

Rồi chợt thấy cái bót và đôi giày trên tay thằng bé người chị reo lên:

- A! Chuyện lạ có thật à nha.

Thằng bé trả lời thay bạn:

- Bạn ấy đánh giày để ông già Noel bỏ quà vào đó đấy ạ.

-  À! Thì ra vậy, thế mà chị cứ tưởng.

Rồi chợt nhớ ra mục đích chính của mình tới đây nó ấp úng nói:

- À chị ơi, nhà em hết gạo rồi chị có thể cho mẹ em mượn một ít được không ạ.

- Được chứ, em vào đây.

Vừa nói người chị vừa dẫn thằng bé xuống bếp múc một nắm gạo lớn:

- Này, cái này là chị cho em đấy không cần trả đâu.

- Em cảm ơn ạ.

Về đến nhà, mẹ liền hỏi:

- Sao đi lâu thế con?

Phớt lờ câu hỏi của mẹ thằng bé nói:

 - Con sẽ gửi thư cho ông già Noel, mẹ à!

- Ai bày con thế?

Người mẹ có vẻ ngạc nhiên:

- Thằng bé hàng xóm đó mẹ, năm nào nó cũng viết thư cho ông già Noel và được tặng quà đó mẹ.

- Con muốn được tặng cái gì?

- Dạ một chiếc áo mới ạ.

- Ừ, con cứ viết thư đi.

Người mẹ cố tỏ ra thản nhiên vậy thôi chứ thật sự bà lo lắm. Bà biết là những món quà mà thằng nhóc hàng xóm nhận được là từ ba nó. Ba nó muốn nó chăm ngoan hơn. Đối với bà mua một chiếc áo mới rất khó khăn. Tuyết rơi mỗi lúc một dày trên đường phố báo hiệu sắp đến đêm Giáng sinh. Người người cùng nhau đi dạo cùng nhau tặng những món quà đắt tiền và lên kế hoạch đi chơi cho kỳ nghỉ đông sắp tới. Trong khu phố hiu quạnh ấy không có vẻ gì là đang ở một lễ hội lớn. Trời càng lạnh, khu phố nghèo nàn ấy càng buồn hơn. Chỉ có thể thấy được những ánh đèn chớp nháy xa xa. Trong căn lều, người mẹ đang chắt chiu từng đồng bạc lẻ không biết khi nào mới mua được chiếc áo mơ ước cho cậu con trai.

Thấm thoát đã hai ngày. Sáng hôm đó cậu bé bắt đầu công việc của mình. Cậu vào rừng tìm những cây gỗ cao lêu nghêu chặt ra làm nhiều khúc rồi cột lại thành một bó lớn rồi vác ra khu chợ gần đó. Chợ tập thể ngày Giáng sinh đông nghịt người. Họ đi chợ để chuẩn bị cho đêm giao thừa nào là áo quần ấm, những đồ trang trí cho ngôi nhà thêm lung linh và họ còn chuẩn bị quà cho người thân của họ. Cậu bé hồi hộp nghĩ: “Không biết ngày mai ông già Noel có tặng quà cho mình không nhỉ”. Trời càng lạnh, người ta lại mua càng nhiều củi. Chưa bao giờ cậu bán được nhiều và nhanh như vậy. Tối đó cậu bước về nhà với vẻ mệt nhọc nhưng không kém phần rạng rỡ.

- Hôm nay bán được không con?

Bà mẹ cất tiếng hỏi:

- Được lắm mẹ ạ, trời lạnh họ mua củi quá trời.

Người mẹ đang rất lo vì tiền bà dành dụm được chỉ mới được một nữa: “Không biết kiếm đâu ra 5$ đây”. Trong khi cậu bé hớn hở chạy loanh quanh thì người mẹ quyết định ra ngoài để kiếm đủ tiền để mua món quà cho cậu bé:

- Mẹ đi đâu đấy?

- À! Mẹ đi sang nhà cô con để hỏi thăm cô một chút.

Cô là em ruột của ba nó. Tính tình cô hiền lành, hào phóng, ai mượn hay xin gì cũng cho. Bà mẹ cũng nghĩ đến việc mượn cô 5$ để đủ mua áo cho cậu con trai. Nhưng lại cảm thấy ái ngại vì gia đình cô cũng không khá giả mấy, vả lại cô còn có 5 đứa con. Thế là bà mẹ quyết định không rẽ vào con hẻm quen thuộc dẫn vào nhà người cô mà đi lòng vòng quanh những con hẻm nhặt chai nhựa mong bán đủ tiền để mua được một chiếc áo cho con. Trời càng khuya càng lạnh, đường phố vắng tanh không một bóng người. Chắc bây giờ họ đang chuẩn bị đón lễ Giáng sinh vui vẻ bên người thân. Gió lùa vào chiếc áo mỏng khiến bà mẹ cảm thấy sương lạnh buốt. Đến khuya, bà quyết định đi về. Số chai nhựa bà lụm được chỉ bán được có 2$, bà đi lủi thủi trên con đường tối tăm, sâu hun hút. Vừa đi vừa nghĩ cách giải thích cho con trai khi thức dậy mà không thấy món quà mà nó trông chờ suốt những ngày qua. Bước vào nhà, bà mẹ ngạc nhiên khi thấy người cô của cậu bé ngồi một mình trong nhà:

- Chị đi đâu mà giờ này mới về vậy?

Bà mẹ trả lời lấp lửng:

- À chị ra đằng này chút.

- Sao bữa nay thằng bé ngủ sớm quá vậy em tới định hỏi nó thích món gì để cô tặng Noel cho.

Thế là người mẹ quyết định kể tất cả mọi chuyện cho người họ hàng duy nhất rằng thằng bé tin có ông già Noel như thế nào rồi nó viết thư cho ông già Noel ra làm sao rồi bà không đủ tiền mua chiếc áo cho nó. Nghe xong người cô tặc lưỡi:

- Trời, vậy mà chị không nói cho em sớm.

Rồi cô dúi tờ 2$ vào tay người chị:

- Đi, chúng ta đi thôi xem thử còn cửa hàng quần áo nào nữa không.

Trời về đêm đường phố vắng tanh, lúc người mẹ cảm thấy tuyệt vọng thì bỗng có một cửa hàng quần áo ở phía xa vẫn còn mở cửa. Bên trong là một ông già đang ngồi trên chiếc ghế đọc sách. Ông ấy có lẽ cũng không có người thân nên không buồn đóng cửa sớm ra về như bao cửa hàng khác. Cuối cùng người mẹ cũng mua được món quà cho con trai. Hai chị em nói chuyện vui vẻ:

- May quá, trời tối thế này mà vẫn còn cửa hàng bán quần áo chị há.

- Ừ may thật, thế bây giờ mình cột món quà vào dây giày nhỉ?

Bỗng có một tiếng nói vang lên trong bóng tối mập mờ:

- Không, con không thích món quà đó đâu. Con thích món quà của ông già Noel thật cơ.

Thì ra cậu bé đã thức dậy từ lúc nãy và đã nghe hết cuộc nói chuyện. Người mẹ chưa hết sững sờ thì cậu bé nói tiếp, giọng mếu máo:

- Bộ không có ông già Noel thật trên đời này hả mẹ?

Người mẹ chưa biết trả lời làm sao thì ánh mắt cậu bé đã lướt qua chiếc giày đang treo ở cái cột  trước cửa. Bỗng thấy một món quà lớn được treo ở dây giày như thằng bé hàng xóm nói, nó vừa reo vừa nhảy cẫng lên:

- A, ông già Noel đã đưa quà cho con rồi mẹ ơi, thật sự đã có ông già noel. Thế là con được tận hai chiếc áo.

Bà mẹ ngỡ ngàng không hiểu ai đã cột món quà vào dây giày nhưng thấy con vui, bà cũng vui theo.

Trong lúc mọi người không để ý, ba của thằng bé hàng xóm đã lén đưa món quà mà ông đã chuẩn bị sẵn cột vào dây giày. Có lẽ thằng bé hàng xóm đã kể cho ba nó rằng bạn nó mơ ước có một chiếc áo mới.

Trời bên ngoài lạnh buốt nhưng trông căn lều mỏng manh đó lại cảm thấy ấm áp lạ lùng. Đã lâu rồi, từ khi cha mất nụ cười không còn trên môi hai mẹ con khốn khổ. Có lẽ đó là mùa Noel vui nhất của cậu bé từ trước đến giờ.

Đ.D.T.L

Bài viết khác cùng số

Không nhà đêm BA MƯƠIĐâu rồi hương vị Tết xưaMón quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐiệu hát Bài chòi năm xưaChuyện tình trên đỉnh non caoNăm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnQuê nhà mùa cũ thơm hươngBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Tản mạn tình đất tình người 25 nămXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngTheo dòng miên viễnBán đảo Sơn TràSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaĐứng trước biểnCũng đằm thắm láXuân caBánh nổẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcCon đườngGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýKhúc đêm tự tìnhKhúc ru hờiTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiLực ơi!Nguyễn Trãi đến Tây HồVề quêGiải mã một điều bình thườngCọTím biếc hoa chiềuMưaGieo lại mùa thươngTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLan man xuân vềMùa vuiNhững mùa hoa Hà NộiTuổi mùa xuânLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânVề thăm mộ mẹNhớ mẹ