Nguyễn Nho Nhượn và những lời sương khói

18.01.2022
Huỳnh Văn Hoa

Nguyễn Nho Nhượn và những lời sương khói

Nguyễn Nho Nhượn (1946-1969)

Mấy mươi năm đọc thơ Nguyễn Nho Nhượn, tôi hình dung ra, đó là một con người gầy, đôi mắt sâu và buồn, một giọng nói đủ nghe và một cái nhìn lặng lẽ, đôi khi như ngơ ngác giữa đời. Nguyễn Nho Nhượn sáng tác cùng thời với Nguyễn Nho Sa Mạc, Đynh Trầm Ca, Hoàng Lộc, Tần Hoài Dạ Vũ, Thành Tôn, Lê Nghiêm Vũ, Lê Đình Phạm Phú,...

Bài Những lời sương khói (Bách Khoa, số 301, ngày 15-7-1969), một phác thảo về chân dung Nguyễn Nho Nhượn, một diễn ngôn về số phận, bơ vơ như một kẻ không nhà, có những câu thơ tiên cảm về cuộc đời:

Với vẻ mặt u hoài trong mộng tưởng

Với thân cao không chống nổi cuộc đời

Với trái tim đã mang nhiều căn bệnh

Tới bây giờ cũng chẳng phải là tôi...

 

Và người ơi, một mai tôi chết yểu

Xin đừng buồn đừng khóc với khăn tang

Xin người cười như hoa xuân mới nở

Để hồn thơ vĩnh viễn được huy hoàng.

Đây là hồn thơ huy hoàng, song, số phận không mỉm cười và sớm rời bỏ trần thế. Nguyễn Nho Nhượn sinh ngày 12-3-1946, tại thôn Bồng Lai, làng La Qua, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Khởi viết từ năm 1962, đã đăng thơ trên các báo, tạp chí: Bách Khoa, Văn học, Văn, Thời Nay, Phổ thông bán nguyệt san, Nghệ thuật, Giữ thơm quê mẹ,... Nguyễn Nho Nhượn theo học Trung học Nguyễn Duy Hiệu - Điện Bàn, Trần Quý Cáp - Hội An. Vào những tháng cuối năm 1968, Nguyễn Nho Nhượn lâm bệnh nặng, điều trị tại Tổng Y viện Duy Tân (Bệnh viện C 17 bây giờ), rồi chuyển qua Bệnh viện Non Nước và mất tại đó, vào ngày 24-5-1969, khi mới 23 tuổi.

Tác phẩm: Tiếng Nói Giữa Hư Vô, NXB Da Vàng, Đà Nẵng, 1972, do Đynh Trầm Ca và Lê Nghiêm Vũ, bạn thơ của Nguyễn Nho Nhượn in và phát hành. Cạnh đó, Nguyễn Nho Nhượn còn 5 tập thơ khác, chưa xuất bản, đó là: Những lời sương khói, Lời buồn trong tim, Hơi thở miền nhiệt đới, Nỗi buồn mọc cánh và Những khúc ca hoang.

Nguyễn Nho Nhượn, một lữ hành cô đơn, một con chim trong mùa bão loạn, một mình ngồi hát bản tình ca, một mình mang hồn bệnh tật.

  1. Một tiếng thơ về thân phận

Trong nhiều bài thơ, viết vào tuổi mười tám, đôi mươi, Nguyễn Nho Nhượn đã vẽ nên một chân dung buồn của mình. Đây là một hồn thơ có những cung bậc khắc khoải về cuộc đời, về sự thống khổ của kiếp người. Tha thiết với trần thế, với quê hương, song, trong tâm thức lại luôn cảm thấy đơn côi, lẻ bóng:

Tuổi trẻ lớn chưa tròn khuôn mặt

Nụ cười còn e ấp niềm vui

Anh chợt thấy giữa khung trời

phiêu lãng

Nhìn bướm bay nghe thân phận

bùi ngùi

(Điệu tình thứ nhất)

Thường sinh nhật là ngày vui, ngày chào đời, ngày tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Ngày này, đánh dấu sự có mặt của ta với cuộc đời, ngày đầu tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thiêng liêng đối với mọi người. Vậy mà, chẳng biết nên vui hay buồn vào ngày đầy ý nghĩa này:

- và hôm nay lại đến ngày sinh nhật

chẳng biết nên vui hay nên buồn

- tôi ôm buồn cho đến ngày

nhắm mắt

xin mang theo làm kỷ niệm thiên đàng

(Vết buồn thời đại)

Bài thơ ngũ ngôn có tên Thơ từ bệnh viện, 6 khổ, mô tả một con người dật dờ ngày tháng, lừ đừ vô vọng, mang mang cõi u trầm, một bóng hình tả tơi/ ngày nào không quạnh hiu... Bài thơ có âm hưởng buồn, giọng nói không vui của một người có bệnh. Một thân một mình, cảnh “mỏi lưng giường tội nghiệp” như dày vò cả thể xác lẫn tâm hồn. Bốn câu thơ sau cùng mới bi đát làm sao:

võ vàng nhà thương thí

mùa xuân trơ nhánh cành

ngày không ai thăm viếng

xin cuộc đời lãng quên

Kể cũng lạ, nhà thơ đếm tuổi mình: Tuổi 18: Đi qua từng lối sống/ Với tuổi thơ lăn tròn/ Mười tám vòng vừa khỏi/ Thân hình cũng uốn cong (Xuân và cuộc đời). Tuổi 19: Mười chín mùa xuân đến/ Cũng vẫn như bây giờ (Chuyến về cuối năm). Tuổi 20: Hai mươi tuổi vẫn chưa già/ Em trong gối mộng tôi xa mái trường/ Rồi đi vào bóng mù sương/ Tôi còn có một tình thương vô tình (Lời cuối năm)/ Một thân du tử lạc loài/ Tuổi hai mươi cũng mệt nhoài suy tư (Lời ca du mục - Bỏ rừng). Mấy dòng lục bát hiu quạnh:

bây giờ tôi chẳng là tôi

hồn mang oan trái thân phơi bãi tình

mỏi mòn đếm tuổi điêu linh

cây tương lai vẫn nhánh cành

quạnh hiu

(Bây giờ)

Với Nguyễn Nho Nhượn: Thời gian chỉ được đo lường bằng sự đau khổ (Tiếng động mùa xuân). Những khoảnh khắc sống trong tình cảnh bệnh tật, thể trạng vơi dần theo ngày tháng, nhà thơ cảm nhận thời gian tồn tại trên thế gian này ngắn ngủi, ngậm ngùi, có lúc vụt lóe sáng rồi tắt lịm, nhập nhòa, chập chờn giữa mong manh phù thế và sự vĩnh cửu của thời gian, giọng thơ bi thiết:

Trông chờ từng ngày đến

Mùa xuân nào đi qua

Cho tôi xin ý nghĩa

Để đời bớt xót xa

(Xuân và cuộc đời)

Nguyễn Nho Nhượn cảm nhận tinh tế những mạch chảy của thời gian. Những từ cô độc, hư vô, trống vắng, (như kẻ lữ hành cô độc - Tiếng động mùa xuân), Nhưng hư vô còn trăm vạn nỗi niềm/ Tôi khờ dại nên mãi đành thua lỗ (Bài ca của một người đang sống)/ muôn trùng con nước lênh đênh/ mang thân phận đó qua miền hư vô (Bây giờ)... thường xuyên xuất hiện. Cuối năm, không vui không buồn, nhẩm tính đời mình:

- ngày tàn theo bóng u minh

tôi ngồi đây nhớ phận mình cuối năm

ngày qua tỏa bóng ăn năn

tôi ngồi đây để mùa xuân không về

(Lời cuối năm)

Nguyễn Nho Nhượn hay nói đến mùa xuân. Mùa xuân là mùa đầu tiên của một năm. Mùa xuân đem lại tươi vui, hạnh phúc và sức sống cho con người, cho thiên nhiên vạn vật. Mùa xuân đồng nghĩa với tương lai và sáng tạo. Vậy mà, trong thơ Nguyễn Nho Nhượn, mùa xuân đi về một ngã khác, ngã của đơn côi, lạnh lẽo. Dường như, có cơn gió hư vô thổi từ mùa đông, dừng lại ở mùa xuân, mùa xuân mang vết buồn của thời cuộc: Mùa xuân nào có đến/ Mái tranh vẫn trầm buồn/ Thời gian nào có hết/ Mẹ già vẫn đau thương (Chuyến về cuối năm), Mùa xuân lên sắc lạ/ Ôi bao lần tái tê (Vết buồn thời đại), Mưa đã nhiều, ôi mùa xuân khốn đốn/ Loài chim hiền tìm mãi nắng yêu thương (Tiếng ca mùa đông), Cho quên đi bao niềm chua xót/ Mùa xuân ơi tuổi trẻ biết về đâu? (Tiếng động mùa xuân), Ôi bạn bè từng đứa/ Đem tiêu phí mùa xuân/ Trông chờ từng ngày đến/ Mùa xuân nào đi qua/ Cho tôi xin ý nghĩa/ Để đời bớt xót xa (Xuân và cuộc đời), Ngày qua tỏa bóng ăn năn/ Tôi ngồi đây để mùa xuân không về (Lời cuối năm), Ôi nỗi buồn là đó/ Trên những cánh đồng mùa xuân chỉ còn cỏ khô (Cánh đồng tình yêu),...

Có một điểm không giống với các nhà thơ cùng thời, đó là các bài lục bát mang âm hưởng buồn, buồn đến nao lòng.

Trên tạp chí Văn học, số 42, ra ngày 15-7-1965, có bài Tiếng nói giữa hư vô. Bài thơ được chọn làm tên cho tập thơ, xuất bản năm 1972, tập TIẾNG NÓI GIỮA HƯ VÔ. Bài thơ có 4 khúc thức, viết theo thể lục bát, nói Với tuổi trẻ, Với con người, Với đời sống, Với tình yêu. Bốn cung bậc về khói sương, về thương đau, về con đò đáy sâu, về vòng tay hư vô. Tác giả hóa thân thành con chim đã lạc xa rừng, thành đá sỏi giữa cồn thương đau, thành kẻ van xin cơm áo không cần công danh, thành bước chân hoang dại biết về phương mô. Toàn bài là một tiếng nói, tiếng nói về vô định.

Nằm trong mạch chảy đó, Nhìn, 11 câu thơ lục bát về “tôi nhìn tôi” đến 6 lần. Triết học đã từng bàn về con người khi ra đời đã tồn tại cái tôi. Cái tôi hay ngã kiến - egoismism/ the selfness là tự nhận thức của con người đối với chính mình, phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác. Nguyễn Nho Nhượn đã nhìn mình dưới góc độ ảo ảnh, cô đơn, nhuốm sắc màu âm u, bi ai, nước mắt và cát vùi dấu chân:

       tôi nhìn tôi với cô đơn

biển vang sóng gọi nỗi hờn nghìn thu

       tôi nhìn tôi với sa mù

một thân mệt mỏi âm u lối đời

       tôi nhìn tôi với tương lai

vọng đầy ảo ảnh bước dài hoang liêu

       tôi nhìn tôi với tình yêu

cho vay nước mắt mượn nhiều

niềm vui

       tôi nhìn tôi với bùi ngùi

lênh đênh lối gió cát vùi dấu chân

       tôi nhìn tôi với phân vân.

(Nhìn)

Tiếng động mùa xuân (Giữ thơm quê mẹ, số 11, tháng 5 năm 1966) là một bản tự thuật về bản thân, quê hương. Viết năm 20 tuổi (1966). Ba năm sau, cũng vào tháng 5, Nguyễn Nho Nhượn qua đời, mất ngày 24-5-1969. Nhà thơ đã viết về thời gian và sự đau khổ của mình với những câu thơ day dứt:

Mày cũng vẫn tấm thân tàn ma dại

Sáng Hội An, chiều Vĩnh Điện dật dờ

Năm ba chữ không làm nên sự nghiệp

Đôi mắt nhìn chưa hết vẻ ngây thơ

Nguyễn Nho Nhượn ví mình như cái cây, cành lá mỏi mòn, tiêu hao, cả đến hơi thở, vũ trụ mông mênh, phương trời vô định, nhà cao đường rộng đời tôi nơi nào:

- Thở mòn từng nhịp tiêu hao

Đèn xanh đèn đỏ thôi chào

nghe Thuyên.

(Ngày Sài Gòn cô độc)

- Trơ sỏi đá giữa hư vô cát lở

Hoa cỏ sầu em khắc khổ dung nhan...

Sương gió làm mòn thân du mục

Và bây giờ thấy vũ trụ mông mênh...

 

Còn vẻ đẹp trong phương trời vô định

Trăng sao đầy thần thoại kiếp bơ vơ

Anh đuổi bắt tình yêu không suy tính

Nên ngàn năm em vẫn nét sầu thơ

(Nét sầu thơ)    

Có lúc nhà thơ cảm nhận cuộc đời như sân khấu, bản thân là vai tuồng, một vai tuồng nông nổi, dậm chân tại chỗ; đóng vai người ăn mày, đi hành khất tình thương, bị người đời ruồng rẫy; vai thi sĩ bị người mỉa mai; vai nhà ảo thuật bị người trục xuất; đóng vai một triết gia, lại bị người ó la, vai thằng hề, diễn trò vô lối, lại được người hoan hô; cuối cùng, một dấu hỏi treo lơ lửng giữa cuộc đời:

chừ đóng vai gì nữa

cho được người hoan hô?

 (Vai tuồng)

Điệu tình thứ nhất là bài thơ phảng phất âm điệu ngùi thương, nghĩ mình là một ánh sao rơi, thấy tuổi trẻ rụng dần, mất dần:

tuổi trẻ lớn chưa tròn khuôn mặt

nụ cười còn e ấp niềm vui

 

anh chợt thấy giữa khung trời

phiêu lãng

nhìn bướm bay nghe thân phận

bùi ngùi

 

chút hạnh phúc theo niềm thương

xuất hiện

anh trở về tìm lại ánh sao rơi

 

anh thấy rõ từng ngày xanh đã mất

dáng em về như dáng mùa đông

Từ nhân vật trữ tình trong các bài thơ, Nguyễn Nho Nhượn gửi cho người đọc một thông điệp về trái-tim-thơ: tôi ôm buồn cho đến ngày nhắm mắt (Vết buồn thời đại).

  1. Một trái tim yêu quê hương

Điều dễ thấy, trong thơ Nguyễn Nho Nhượn, những sự vật bé nhỏ, tội nghiệp ở nơi làng quê, ruộng đồng, phố thị, cơ cực, nghèo khó, bần hàn, tất cả trở thành nỗi niềm khôn nguôi nơi tâm hồn nhà thơ.

Người con quê hương, bài thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa, số 186, ngày 1-10-1964, trước trận lũ lịch sử năm Giáp Thìn ở xứ Quảng (9-11-1964), còn mang: Đồng lúa xanh, nương dâu, rẫy sắn/ Dâng niềm vui trang trải với xóm làng/ khi vụ mùa rộn rịp chuyện nông tang/ Bởi dòng sông Thu mang phù sa hiều dịu/ tưới quê hương như sữa mẹ ngọt ngào và tình yêu của thi sĩ:

Bởi quê hương này quý hơn thân xác

Bao hình hài ngã gục đắp tương lai

Trong trận chiến tôi là người yêu nước

Trong đau thương tôi là kẻ bất tài!

Rồi, cảnh quê hương không còn như ngày cũ. Rừng xanh đỏ một chiều trơ trụi hết/ Tôi ngại ngùng cất tiếng hát vu vơ (Vết buồn thời đại). Kể từ đây, một nỗi nghẹn ngào dâng lên trong nhiều bài thơ. Hình ảnh một đám tang qua thành phố trong thời buổi chiến tranh với bao nét buồn. Cảnh nhà cửa đổ nát, những hàng cây gục đầu như cúi lạy, khói hương mờ trong mưa phùn, không người thân thích kẻ thích, gã kéo xe mệt lã, thương cho một linh hồn vô danh:

nhà hai bên đổ nát

còn trơ dáng xương gầy

cây gục đầu cúi lạy

bụi mờ làm khói hương

mưa phùn làm nước mắt

khóc cho người tha phương

 

đám tang qua thành phố

có một người như điên

không ai là thân thích

thương linh hồn vô danh

 

đám tang qua thành phố

tất cả đều im lìm

 

gã kéo xe mệt lã

cổ quan tài rung rinh

(Đám tang qua thành phố)

Sống giữa quê hương mà nhà thơ ngỡ như mình lạc lõng, xa lạ, bơ vơ, “tên tôi đó không ai buồn muốn gọi/ thơ tôi đây cũng vô nghĩa như đời”:

Đã lạc mất hồn thơ trên đất mẹ

Bơ vơ như một kẻ không nhà

Trông tìm trong đồng xanh mái rạ

Chỉ còn trơ dấu đạn xót xa

 

Tầm tay với cũng xa vời thực tại

Con chim xuân mang tiếng hót về rừng

Tôi ở lại áo cơm rách nát

Hơi thở nặng nề tuổi trẻ còng lưng

(Những lời sương khói)

Và, có lẽ, cho đến bây giờ, Khi trở về Vĩnh Điện của Nguyễn Nho Nhượn, ra đời hơn nửa thế kỷ, vẫn là bài thơ hay nhất viết về cái thị trấn nhỏ bé trong những ngày lửa đạn của chiến tranh. Một bài thơ ngắn, 24 câu, mô tả 1ngày trở về thị trấn của tuổi thơ, nơi có căn nhà xưa, những người thân yêu, mái trường xưa, cái quán cũ, lòng phố âm u, lũy tre xơ xác, dáng ai ngập ngừng sau khung cửa, người mẹ gượng vui, con phố buồn ngủ gục,... Những hình ảnh đó không che không khí thời chiến, những buổi chiều vọng âm tiếng súng, nỗi kinh hoàng thất thủ trong trái tim người trở về.

Bài thơ có nhiều từ láy chỉ sắc thái tình cảm: trơ vơ, ngập ngừng, tái tê, bỡ ngỡ, xơ xác, hắt hiu, xót xa. Chất ngậm ngùi, thương cảm, thương mình và thương cuộc sống. Cảnh yên bình cũ đã mất. Người đọc dễ nhận ra nỗi bơ vơ của một tâm hồn nhạy cảm trước một quê hương không còn soi thấu được ngày mai. Các dòng thơ như nghẹn ngào, sau mỗi lần trở lại, trở về, nỗi mất mát thêm lên:

Khi trở lại thấy tường xiêu ngói đổ

Nền trơ vơ đón đợi bước chân về

 

Khi trở về con đường cây lá rụng

Quán ngày xưa ôi bè bạn đâu rồi

 

Khi trở về thấy ngại ngùng cuộc sống

Nỗi ưu tư cửa đóng với then cài...

Trên tạp chí Văn học, số 31, tháng 1-1965, Nguyễn Nho Nhượn có bài thơ Chuyến về cuối năm. Bao giờ cũng vậy, những chuyến xe giáp tết thường vui, hạnh phúc và đầy ắp yêu thương, nhưng không, một nỗi lo âu, trĩu nặng. Nhịp điệu các câu thơ năm chữ như chiếc xe già, lặng lẽ kéo nỗi buồn cuối năm đi qua các con đường dài trước mặt/ với kẻ lạ người qua/ người tài xế im lặng/ với một vẻ xót xa/ quê hương mù khói lửa...

Những thao thức về hiện trạng xã hội luôn là những đốm lửa cháy lên trong tâm hồn nhà thơ. Nói với quê hương, bài thơ thể hiện tình cảm của nhà thơ trẻ với quê hương đất nước. Lời tâm sự của người con với cha mẹ về sự lạc loài của số phận. Chiến tranh, tang thương, chiếc cầu bắc qua dòng sông đã gãy đổ, như nhát dao chém vào tuổi trẻ, chém vào ước mơ:

con từ đó bước chân đầy lưu lạc

quê hương đâu ôi là những đường mòn

gió đổi hướng như bao lần biển động

thuyền đã trôi phiêu bạt mấy bến bờ

 

cha đã bảo tại sao con khờ khạo

mẹ thường lo con ốm yếu thân gầy

đường thiên lý thân ngựa gầy

kham khổ

vết xe tang đành ghi dấu tháng ngày

Cách nắm bắt hiện thực từ nhiều góc độ, tinh tế, đằm thắm, góp phần làm nên nét khác biệt của thi sĩ khi viết những dòng thơ chân thành, giãi bày tâm trạng đau đáu về quê nhà yêu dấu.

  1. Và, tình yêu

Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương, một nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ. Hương sắc cuộc sống giống như hương sắc tình yêu, có vui tươi và hạnh phúc, có khổ đau và cay đắng. Những câu thơ về tình yêu thường phản ánh rõ nhất trạng thái tâm lý, tình cảm của con người. Thơ Nguyễn Nho Nhượn cũng vậy. Ở thơ Nguyễn Nho Nhượn, vẫn thấy những cảm xúc hồn nhiên và rung động đầu đời trong những bài thơ tình yêu. Tình yêu có muôn hình vạn trạng và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

xin sắp lại những cảm tình nát vụn

cùng dư hương ngày tháng cũ

phôi phai

 

trang nhật ký thêm những lần ghi dấu

lời hôm nay từng nét chữ rưng buồn

(Cảm nghĩ)

Có bài thơ mang âm hưởng trẻ trung, yêu đời, đó là bài Nói với mùa xuân, đăng trên tạp chí Văn học, số 53, ngày 1-1-1966, một bài ngũ ngôn mang “thông điệp của tuổi trẻ/ gởi theo cùng gió mây/ xin loài chim cứ hót/ bài ca của đất trời/ xin loài hoa cứ nở/ cho đẹp những nụ cười/ mùa xuân xin cứ đến/ tôi ngồi đây đón chờ/ nắng có dù thiêu đốt/ tôi vẫn còn làm thơ/ tiếng ai ngoài lối gió/ nói thầm với tình yêu/ tôi sẽ chào mùa xuân/ bằng lời thơ đẹp nhất/ vang từ mái nhà tranh/ với bao niềm chân thật/ mùa xuân, mùa xuân ơi!

Một bài thơ trong trẻo. Một tình yêu chân thành. Một tiếng nói chân thật. Đây là nét riêng trong những bài thơ viết về mùa xuân và tình yêu. Song, nét chung là, với Nguyễn Nho Nhượn, tình yêu được nhìn, được gọi, được viết dưới tâm trạng: vòng tay ôm chặt hư vô/ mà nghe tình ái đi vào cô đơn (Với tình yêu), anh đuổi bắt tình yêu không suy tính/ nên ngàn năm em vẫn nét sầu thơ (Âm điệu tình yêu), hay nỗi niềm:

Tình yêu rồi chợt thức

Bằng hơi thở u hoài

Bằng dáng người con gái

 

Với nỗi buồn tương lai

Trông chờ từng ngày đến

Mùa xuân nào đi qua

Cho tôi xin ý nghĩa

Để đời bớt xót xa.

 (Xuân và cuộc đời)

Những ngày mưa buồn không

muốn học

Vĩnh Điện u trầm rợn nét rêu phong

Anh thấy rõ từng ngày xanh đã mất

Dáng em về như dáng mùa đông

(Điệu tình thứ nhất)

Một lần khác, trên tạp chí Bách Khoa, số 192, ngày 1-1-1965, bài Vết buồn thời đại, viết lúc 20 tuổi, đầy “bâng khuâng bước qua vùng tuổi nhỏ”, với trạng thái: Tôi hoang mang với tình yêu khôn lớn/ Nghĩ lại mình - vốn liếng mấy bài thơ/ ngại ngùng cất tiếng hát vu vơ/ nên vui hay nên buồn:

Người yêu ơi vàng son hay sỏi đá

Quê hương ơi tủi nhục hay vinh quang

Tôi ôm buồn cho đến ngày nhắm mắt

Xin mang theo làm kỷ niệm thiên đàng.

Cánh đồng tình yêu vào mùa xuân ít có hoa thơm và cỏ lạ, ít nghe tiếng chim hót giữa trời xanh, chỉ thấy Ôi nỗi buồn ở đó/ Trên những cánh đồng mùa xuân chỉ còn cỏ khô (Cánh đồng tình yêu). Từ đâu dẫn đến cái nhìn này, đó là: chiến tranh cất lời ca hát/ bằng vết thương trong tim mọi người.

Tiếng ca mùa đông viết năm 19 tuổi, đăng trên tạp chí Văn, số 25, ngày
1-1-1965, là bài thơ viết cho một người con gái, với cung bậc của nỗi buồn không tên, bé nhỏ. Mùa đông, không có giông tố, vẫn là tiếng ca mang dự cảm về nỗi đơn côi và khắc khoải, lặng lẽ đi tìm hạnh phúc, dõi theo một hình sương bóng khói. Một trái tim cuồng nhiệt. Một nỗi đau ngọt ngào, chân cảm: còn gì không em trong nỗi buồn bé nhỏ/ từng đợt mây trời nối tiếp rủ nhau đi/gió mùa đông về bao phủ kinh kỳ/ em có thấy mặt trời xưa tan vỡ/ anh đứng lại nghe tâm hồn bỡ ngỡ/ loài cây buồn cúi mặt bỗng reo vang/ rồi những hoàng hôn mang nhiều tha thiết/ anh một mình ngồi hát bản tình ca/ bao dư âm bay theo gió chan hòa/ đành ôm mặt nghe vô vàn quyến luyến/ ngày đi qua bằng cơn mưa hiện diện/ em có còn xõa tóc nhớ thương anh?/ con đường xưa xác lá đổ tan tành/ thành phố cũ cũng mang hồn bệnh tật...

Và, lời cầu xin:

Anh vẫn xin vẫn xin tuổi trẻ đừng tàn

Còn gì không em trong mùa đông đó?

Hay như bài Cảm nghĩ, màu áo phai hạnh phúc, tình đi không quay lại, rưng buồn, chỉ còn dư hương ngày tháng cũ phôi pha:

Còn lại nửa cuộc đời phong kín

Giữa màu xanh xin cúi vác đau thương

 

Niềm dung ái theo về nhung nhớ

Màu áo phai hạnh phúc mơ hồ

Còn trông gì khi mây bay theo gió

Tình đi xa không quay lại bao giờ

(Cảm nghĩ)

Qua thơ và đời, ta cảm nhận được ở Nguyễn Nho Nhượn một hồn thơ của những khắc khoải, cô đơn về kiếp người, những nỗi niềm của một người trẻ lớn lên trong khung cảnh chiến tranh, mong ước thanh bình.

Như một câu thơ trong bài Tiếng động mùa xuân, Nguyễn Nho Nhượn là “kẻ lữ hành cô đơn”, rót nỗi buồn nhân thế vào chiếc cốc trần gian, giữa khung trời phiêu lãng của đời mình.

H.V.H

Bài viết khác cùng số

Thì thầm gió trên đồi GióngMón quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcBiển đợi...Không nhà đêm BA MƯƠIĐâu rồi hương vị Tết xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngTản mạn tình đất tình người 25 nămSợi nắng xuânTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcCon đườngBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýKhúc đêm tự tìnhMẹ & Mùa xuânTheo dòng miên viễnTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhNguyễn Trãi đến Tây HồMuốiChủ nghĩa tối giảnNgày đầu nămEm chợt hiệnLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngXuân caCũng đằm thắm láĐứng trước biểnBán đảo Sơn TràGiao thừaChiếc bóngTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhThiếu nữ du xuânNghinh xuânTiễn trâu đón hổSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtXuân Nhâm DầnTranh Lê Huy HạnhCung đàn mùa xuânVề thăm mộ mẹNhớ mẹ