Con hổ trong văn hóa Việt
Tranh thờ Ngũ hổ - Tranh dân gian Đông Hồ
Con hổ được người Việt gọi bằng nhiều tên khác nhau như: cọp, hùm, khái, ông ba mươi, ông kễnh, là động vật có vú thuộc họ Mèo (Felidae), một trong bốn loại “mèo lớn” thuộc chi Panthera và là loài thú ăn thịt sống. Vì thế, hổ được con người kính nể, e sợ, người ta gọi chúng là “Chúa sơn lâm” uy quyền, hay “Chúa tể sơn lâm”.
Việt Nam là nơi có môi trường phù hợp cho sự sinh sôi và phát triển của loài hổ (phân loài hổ Đông Dương) như khí hậu nhiệt đới ẩm, có nhiều rừng rậm, đồi núi,… Vì thế, hình ảnh con hổ trong nền văn hóa dân gian Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc. Ít nơi nào con hổ lại có nhiều tên gọi như ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ vị trí quan trọng của chúng trong đời sống văn hóa của người dân.
Theo quan niệm của người Việt cũng như một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, thì hổ đứng hàng thứ ba trong 12 con giáp, mang tên Dần trong lịch Can chi, là con vật đứng hàng thứ ba sau Chuột (Tý) và Trâu (Sửu). Biểu tượng chi Dần mang nhiều ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc. Tháng Dần là tháng Giêng, đầu xuân, đầu năm mới, tháng mà 3 khí dương (của trời) cân bằng với 3 khí âm (của đất), do đó cũng là tháng mở đầu của con người (nhân sinh ư dần), là sự hòa hợp giữa trời - đất và con người, là sự cân bằng âm - dương, nóng - lạnh từ nội tạng. Tính cách con giáp của hổ đại diện cho một năm mạnh mẽ nhất về sức khỏe, sung mãn về làm ăn kinh tế, mở mang về học vấn và tính vượng khí của trục Dần - Thân đầy sức chi định. Trong nhân tướng học, hổ là con vật linh thiêng, đầy uy quyền nên thường được thờ phụng như biểu tượng của quyền lực, công danh học hành và sự tăng tiến trong kinh doanh. Người tuổi Dần thường có tính cách liều lĩnh, thích mạo hiểm, thích làm những việc động trời gây sự chú ý. Họ có tính tập trung cao, khi đã làm việc thì quên hết mọi thứ xung quanh, luôn hành sự bằng tất cả sức lực và tinh thần. Người tuổi Dần phức tạp và khó đoán nhất trong 12 con giáp. Họ nhiệt tình, tốt bụng, hào phóng và vui nhộn. Đồng thời lại rất độc lập, bốc đồng và đôi khi khá ích kỷ. Họ thích được hoạt động và thử những điều mới bất chấp rủi ro. Hổ hộ mệnh sẽ bảo vệ và truyền cảm hứng cho họ khi thực hiện bất cứ điều gì.
Dù hổ là con vật hoang dã, ít khi được thuần phục nhưng hổ có sự gắn bó chặt chẽ với người dân Việt trong đời sống thường nhật và tôn giáo từ ngày xưa. Hổ xuất hiện trên mặt trống đồng và các di tích như đền miếu, đình đài, cung điện, trang phục, cho đến văn học dân gian… đã cho thấy sự gắn bó từ nghìn đời nay của loài hổ với người dân Việt.
Người Việt ở một số vùng, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, thần rừng, thần núi, thì người dân còn lập miếu thờ hổ. Họ cho rằng, hổ có sức mạnh siêu phàm, trừ được ma quỷ, bảo vệ bình an cho cộng đồng. Hình bạch hổ được chạm khắc ở ngay bình phong vào chính điện thờ. Người dân còn quan niệm thờ cúng hổ thần cầu bình an, mùa màng tươi tốt. Tùy địa phương, tùy sinh hoạt, quan hệ giữa người và hổ không đồng nhất ở các vùng miền. Tuy rằng ở đâu cũng sợ hổ, kiêng dè gọi bằng ông cọp, ông ba mươi, ông thầy, ông kễnh, ông Cả… nhưng dường như người Bắc Bộ kinh sợ cọp hơn người miền Nam, trong cách tiếp cận với Thần Hổ có phần khác nhau. Các tỉnh phía Bắc có nơi sùng bái hùm thiêng, thờ phụng đến mê tín. Trong khi người dân miền Nam cũng sợ cọp, nhưng chỉ là nỗi sợ hãi cụ thể, vật chất mà không sùng tín.
Không chỉ người Việt, một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng có tục thờ hổ. Người Khơ mú sống ở khu vực Tây Bắc và miền Tây Nghệ An còn coi hổ là ông tổ của họ. Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ mú thuộc họ hổ đã diễn lại các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục những người trong cộng đồng rằng mình là người họ hổ và có nguồn gốc từ hổ. Và họ kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ. Người Tà Ôi cũng thờ hổ nhưng có quan niệm khác. Họ cho rằng, con hổ được coi là con vật có sức mạnh nhất cho nên nó là vị thần bảo hộ cho làng. Việc bắt được hổ theo quan niệm của người Tà Ôi được ví như món quà tặng của thần rừng. Việc thờ đầu hổ xuất phát từ niềm tin rằng hổ sẽ báo mộng cho người ta biết làng sắp gặp chuyện như mất mùa, có dịch bệnh hay có chiến tranh.
Hổ cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn được thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường ngày, nơi thờ tự, nhà cửa. Trong xây dựng các công trình thờ tự, nhà ở, các thầy phong thủy căn cứ trên địa thế để tìm ra thế đất Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ. Hữu Bạch Hổ là vị trí bên phải, nơi trú ẩn của hổ trắng, tượng trưng cho phương Tây, hành Kim, tương ứng với mùa Thu. Nếu Thanh Long mang lại điều may mắn, tốt lành thì Bạch Hổ như linh vật canh giữ và bảo vệ sự tốt lành, may mắn đó. Đặc biệt lưu ý Bạch Hổ không nên cao hơn Thanh Long vì khí thế Bạch Hổ ngẩng đầu quá cao sẽ lẫn át Thanh Long, mất cân đối phong thủy khiến vùng đất kém đi sự may mắn và phúc lành cho gia chủ.
Ngoài ra, hình ảnh con hổ cũng đi vào nền văn học dân gian Việt Nam với nhiều biểu hiện, hình thức phong phú và đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, người Việt Nam có hơn 1.300 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ chỉ về con hổ được trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, có nhiều câu bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ người ta cách sống, cách ứng xử. Bằng hình tượng con hổ, dân gian đúc kết thành nhiều kinh nghiệm để răn mình và nhắc nhở người. Ví dụ Cáo mượn oai hùm (cáo đội lốt cọp) (răn dạy người đừng dựa vào uy thế của người có quyền lực để lên mặt với kẻ khác); Hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng (Lòng người khó lường, nên cẩn thận); Thả hổ về rừng (Việc làm nguy hiểm vì tạo cho kẻ mạnh có điều kiện, hoàn cảnh thích hợp làm việc xấu); Hổ dữ không nỡ ăn thịt con (nói về tình cha mẹ dành cho con cái); Hổ phụ sinh hổ tử (Mong muốn con cháu giỏi giang, làm vinh hiển gia đình, đất nước); Mưa lâm thâm, ướt dầm cây táo/ Mưa láo nháo, ông ầm chết trôi/ Nắng ba hồi, ông ầm sống lại (chỉ sức sống bền bỉ của loại hổ); Mừng chàng khí khái anh hùng/ Tiếng tăm hùm hổ, vẫy vùng nước non (Người có sức mạnh, khí khái anh dũng như loài hổ); Mèo nằm cho chuột đến vồ/ Hổ nằm ngoan ngoãn cho bò liếm lông (Nhắc nhở con người phải cẩn thận đề phòng những kẻ giả vờ yếu đuối); Đứa nào được Tấn quên Tần/ Xuống sông cọp ních, lên rừng sấu tha (Nhắc nhở con người không nên quên ơn người đã giúp đỡ, đứng núi này, trông núi nọ sẽ bị báo ứng)… Qua những lời đúc kết đó, ta thấy trong tâm thức dân gian, hổ khi là biểu tượng cho sức mạnh, trí tuệ, khi lại là kẻ nguy hiểm và sẽ trừng phạt những người làm điều xấu.
Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại. Trước hết phải kể đến truyện Sự tích con hổ. “Ngày xửa ngày xưa, ở trên Trời có một người khỏe lạ lùng. Những việc dời núi lấp biển, đội đá bẻ cây ông làm băng băng không một ai bì kịp. Ông có hai vành tai dài và rách và rất thính nên người ta gọi ông là Phạm Nhĩ. Vốn tính nghịch ngợm, hung hăng và tài giỏi nên ông luôn tự phụ, không coi ai ra gì. Ông khi nhờn cả Ngọc Hoàng và gây náo loạn thiên đình. Ngọc Hoàng vội sai Bắc Đẩu cầu cứu Đức Phật. Nghe tin cấp báo, đức Phật sai Chuẩn Đề đi bắt Phạm Nhĩ. Phạm Nhĩ bị bắt và bị Ngọc Hoàng hóa phép thành hổ và vẫn cho làm chúa sơn lâm”. Từ đó cho thấy, truyện cổ tích Sự tích con hổ đã giải thích hổ có nguồn gốc là một tướng nhà Trời.
Ngoài ra, dân gian cũng lưu truyền nhiều câu chuyện liên quan đến những đặc tính của loài hổ. Truyện Trí khôn của ta đây; Con hổ và Con thỏ (nhắc về câu chuyện trí tuệ chiến thắng sức mạnh); Con hổ có nghĩa (Nói về chuyện con hổ biết trả ơn)… Trong truyện cổ dân tộc ít người phía Bắc cũng có nhiều truyện kể về con hổ như Mẹ con nàng Hổ, Nàng Khao nàng Đăm, Ý ưởi - Ý noọng (Thái), Người dì ghẻ độc ác (Dao), Nhị và Tươi, Người con riêng, Dì ghẻ con chồng (Tày), Di lun Di la (Khơ Mú)… Con hổ trong các câu chuyện này thường biết nói, biết bày tỏ cảm xúc yêu thương, biết phân biệt kẻ xấu người tốt và nhất là luôn giúp đỡ, trợ giúp cho nhân vật chính.
Con hổ còn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam và những bức tranh thờ Hàng Trống đã trở thành mẫu mực trong tranh Việt Nam. Tranh Ngũ hổ Hàng Trống là loại tranh khắc gỗ in trên giấy, có kích cỡ 0,55 m x 0,75 m, vẽ 05 con hổ được bố cục cân đối trên mặt giấy với nhiều dáng vẻ: con thì đứng, con thì ngồi, con cưỡi mây lướt gió… Với cách thức sáng tạo của riêng mình, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà đã làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật. Điều này người xem rất dễ dàng nhận thấy thông qua cách các nghệ nhân dân gian khắc họa các nhân vật hổ: những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong với những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất mà bật chồm lên. Những con mắt hổ hừng hực nội lực của loài mãnh chúa. Màu sắc trong tranh Ngũ hổ là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh nhưng vẫn khu biệt với năm màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen tượng trưng cho ngũ hành. Tranh 5 ông hổ quay quần quanh một điện thờ hương khói vấn vít, chầu vào Trung ương để che chở bảo hộ cho người dân.
Người ta còn tìm thấy hình ảnh con hổ xuất hiện trên những đồ gốm của người Việt. Nó được thể hiện trên nhiều dòng đồ gốm khác nhau, với phong cách tạo hình khác biệt, tạo nên những dấu ấn riêng, độc đáo và thú vị. Hình ảnh hổ trên gốm được phát hiện qua các cổ vật thời Trần, Lê, Nguyễn… Trong các cổ vật gốm Chu Đậu khai quật được có niên đại thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 16 cũng có một số hiện vật có khắc hình hổ. Trên đồ gốm, hổ thì thường vẽ kèm với rồng (long hổ tranh hùng), hay chỉ vẽ duy nhất một con hổ (độc hổ) hoặc vẽ cả 5 con hổ (ngũ hổ trấn ngũ phương). Nét vẽ thường theo lối tả chân, dụng bút tỉ mỉ hoặc phong bút, ước lệ.
Trong quan niệm võ thuật xưa, loài hổ biểu trưng cho sức mạnh, được dùng cho ngành võ bị, trang trí áo quan võ, miếu võ quan, trong chế độ phong kiến, khi rồng được dùng làm biểu tượng dành riêng cho vua chúa thì hổ được xem là biểu tượng của quan lại (quan võ) và đến thế kỷ XIX, hình tượng con hổ trong văn hóa Việt Nam thời nhà Nguyễn đã có sự thể hiện đa sắc, đa diện từ sự lan tỏa một cách trừu tượng qua vị trí địa lý trong phong thủy đến định hình trong kết cấu kiến trúc, tên gọi di tích cụ thể, hay khắc dấu trên Cửu đỉnh… Tất cả đã góp phần khẳng định vị trí hình tượng con hổ trong văn hóa Việt.
Thông qua tín ngưỡng, truyện kể, tục ngữ, thành ngữ, tranh dân gian,… người ta đã phản ánh hình tượng con hổ gắn liền với mọi khía cạnh trong đời sống của con người qua hai thuộc tính đối lập tốt - xấu. Chúng vừa có những đặc tính tốt như mạnh mẽ, thông minh tựa một chiến binh, kẻ bảo hộ, vừa thể hiện những mặt nguy hiểm cần được phụng thờ để tránh tai ương. Mỗi tộc người trên đất nước Việt Nam có thể có quan niệm khác nhau, nhưng nhìn chung, thì loài hổ cũng ngự trị với một vị thế tâm linh khả kính và hằn sâu trong tâm thức văn hóa từng vùng.
H.T.H