Điệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm tháng

18.01.2022
Trịnh Tuấn Khanh

Điệu lý quê em -  Bài ca đi cùng năm tháng

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh nhạc sĩ (Ns) Thái Nghĩa tặng hoa cho ca sĩ Mỹ Tâm sau khi ca sĩ hát xong một đoạn ca khúc thiếu nhi Điệu lý quê em trong chương trình “Âm nhạc và những người bạn” được phát trực tiếp trên sóng VTV3 Đài Tuyền hình Việt Nam năm 1996. “Thái Nghĩa cười thật tươi khi ‘cô bé lọ lem’ dứt tiếng hát. Nụ cười thuần phác của một người cảm nhận được hạnh phúc đang gõ cửa trái tim mình. Anh chở điệu lý quê hương vào trong khúc hát thiếu nhi, còn cô bé lớp 7 thì mang điệu lý ấy dọc theo chiều dài sự nghiệp của mình”. Ca sĩ Mỹ Tâm đã cảm ơn Thầy giáo - Ns Thái Nghĩa, người đã từng giảng dạy, bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc cho mình khi còn là học sinh tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng. Và cũng chính ca khúc này, Điệu lý quê em của Ns Thái Nghĩa đã được ca sĩ Mỹ Tâm chắp cánh bay xa từ những năm 90.

Sinh năm 1958, Ns Thái Nghĩa  quê ở thôn La Thọ, xã Điện Hòa, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, chuyên ngành sáng tác Âm nhạc. Ông nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các
Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, nguyên thành viên Ban Biên tập Tạp chí Non Nước, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng các nhiệm kỳ 2002 - 2007, 2007 - 2014. Trưởng Ban Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. “Nhạc sĩ Thái Nghĩa hoạt động âm nhạc từ những năm 1969-1975 trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” và làm Trưởng ban Văn nghệ phong trào “Vui ca vươn lên” của học sinh, sinh viên thành phố Nha Trang. Ông đã viết một số ca khúc và một số tác phẩm khí nhạc, tổ chức xây dựng các chương trình ca nhạc phát thanh và truyền hình của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt đã dành phần lớn thời gian để viết nhiều tác phẩm cho tuổi thơ, tiêu biểu là ca khúc: Điệu lý quê em, Mẹ cấy giữa mùa vui, Miền núi nhắn về, Chim chơ-rao hót, Em yêu mãi bài ca quê em. Ông có một số ca khúc khác được chọn đưa vào giáo trình dạy và học hát của lớp 6, 7, 8, 9 (Nxb. Giáo dục, sách cải cách giáo dục mới, 1993)”. Ông mất tại Đà Nẵng ngày 15 tháng 5 năm 2015 vì bạo bệnh.

Ca khúc Điệu lý quê em được Ns Thái Ngĩa sáng tác khoảng năm 1980-1981. Ngay sau khi bài hát ra đời Mặt trời ngó xuống bờ ao  đã ‘thường trực’ cửa miệng của các ca sĩ nhí ở Quảng Nam - Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ. Bài hát được vang lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” toàn quốc, trong các hội diễn, đặc biệt trong chương trình “Tiếng hát mừng Đảng đón xuân” hằng năm của thành phố Đà Nẵng.

Mặt trời ngó xuống bờ ao, có con cò trắng bay vào bay ra. Em còn đi học đường xa, mang theo điệu lý quê nhà em đi. Ba lý tang tình mà nghe… Điệu lý quê hương trong ngày giải phóng, nâng bước em đi trên đường ước vọng. Đọng trên cánh cò bay bổng bên ni, bay bổng bên tê. Reo vui cho mẹ đi cấy, reo vui cho cha đi trồng, reo vui trong lòng của bác thợ máy cày, nổ máy thâu đêm.

Điệu hò bà lý bay qua, cho con cò trắng ngẩn ngờ ngẩn ngơ. Con cò bay lạc thật xa mang theo điệu lý quê nhà lên cao. Ba lý tang tình mà nghe… Điệu lý quê em trong ngày hôm nay, nâng bước quê em trên đường xây dựng, là những công trình xây ở bên ni, xây ở bên tê, xây cho bao đàn em thơ, xây thêm cho bao cuộc đời, xây cho tương lai. Ba lý tang tình hò ơi” …!

Là người con của Quảng Nam, cái nôi của dân ca Nam Trung Bộ, các làn điệu dân ca, dân gian đã thấm đậm vào Thái Nghĩa ngay từ nhỏ. Bản dân ca Hò ba lý là một trong những làn điệu dân ca Nam Trung Bộ rất quen thuộc, rất gần gũi với người dân lao động: “Ba lý ý y tang tình mà nghe, ta hò ba lý tình tang ba lý tinh tang… Chẻ tre mà đan xịa, là hố, cho nàng phơi khoai khoan hố khoan, là hố hò khoan”. Là người Quảng, ai cũng đã một lần nghe và hát được làn điệu dân ca này.

 Hò ba lý không những thấm vào tâm hồn Thái Nghĩa mà nó còn giúp ông hình thành âm hình chủ đạo của ca khúc Điệu lý quê em, để từ đó phát triển giai điệu rất ngọt ngào và đặc sắc...

Ca khúc được viết ở giọng Rê trưởng, thể 2 đoạn đơn vuông vắn. Ngay từ đoạn đầu Ns Thái Nghĩa đã gieo vào lòng người hình ảnh con cò trắng đang bay lượn ngẩn ngơ ngó xuống bờ ao, hình ảnh cánh cò chao nghiêng như ấp ủ điệu lý theo em bé đến trường. Nét nhạc rất gần gũi với đoạn đầu của bài dân ca Hò ba lý, những tiết nhạc đầu ở âm vực thấp trong 1 quãng 8 (Là - lá ). Tác giả rất khéo dùng những nốt luyến có móc giật (ô nhịp số 7, 8) để diễn tả hình ảnh cánh cò đang bay lượn rập rờn: “Mặt trời ngó xuống bờ ao, có con cò trắng bay vào bay ra”. Để chuyển sang đoạn 2, Ns đã phát triển nét nhạc đầu bài Hò ba lý rất mền mại và tự nhiên (ô nhịp 18-21).

“Điệu lý quê hương sau ngày giải phóng…” Nét nhạc cứ tự nhiên phát triển ở đoạn 2 có xu hướng sáng hơn vì ở khu âm cao, mặc dù tác giả sử dụng giọng “Si thăng thứ”8. Các quãng nhảy (quãng 5 đúng, 6 thứ, ô nhịp số 2,3) lần lượt xuất hiện nhưng không hề khó hát, bởi nó tạo nhấn nhá như giai điệu hát hò khoan, mà hò khoan vốn đã rất quen thuộc với người lao động. Đặc biệt tác giả dùng quãng 7 Trưởng (La-sì ở ô nhịp số 1) tạo dấu “nhấn trên cánh cò” ứng với lời ca: “Nâng bước em đi trên đường ước vọng, đọng trên cánh cò bay lả bay la…” Những tiết nhạc tiếp theo là những câu đối đáp ở âm khu thấp tạo không gian thanh bình cảnh cánh đồng lúa có bà con nông dân đang lao động, và có cả bác thợ máy cày hoạt động (cơ khí hóa ngay sau ngày giải phóng). Một bức họa đồng quê rất nên thơ được quyện đan xen giữa nhạc và lời “Bay bổng bên ni, bay bổng bên tê. Reo vui cho mẹ đi cấy, reo vui cho cha đi trồng, reo vui trong lòng của bác thợ máy cày, nổ máy thâu đêm… Là những công trình xây ở bên ni, xây ở bên tê, xây cho bao đàn em thơ, xây thêm cho bao cuộc đời”. Và câu kết là câu nhắc lại âm hình chủ đạo: “Ba lý tang tình hò ơi”.

Cảm ơn tác giả 9 bức ảnh chân dung nhạc sĩ Thái Nghĩa, cái đẹp của bức ảnh này khó diễn tả. Hình ảnh nhạc sĩ Thái Nghĩa phúc hậu, chân chất, hiền lành lộ rõ trên khuôn mặt cười tươi. Đâu đó, ông còn ấp ủ nhiều sáng tác nghệ thuật hay hơn cho đời. Thật tiếc! Ông ra đi đã hơn 6 năm rồi, nhiều dự án còn dang dở. Cánh cò vẫn chao nghiêng trên cánh đồng thẳng cánh cò bay vùng Điện Bàn quê hương ông. “Điệu lý quê em” vẫn vang xa trong suốt 40 năm qua, và sẽ còn vang xa mãi theo cùng năm tháng.

T.T.K

Bài viết khác cùng số

Thì thầm gió trên đồi GióngMón quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcBiển đợi...Không nhà đêm BA MƯƠIĐâu rồi hương vị Tết xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngTản mạn tình đất tình người 25 nămSợi nắng xuânTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcCon đườngBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýKhúc đêm tự tìnhMẹ & Mùa xuânTheo dòng miên viễnTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhNguyễn Trãi đến Tây HồMuốiChủ nghĩa tối giảnNgày đầu nămEm chợt hiệnLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngXuân caCũng đằm thắm láĐứng trước biểnBán đảo Sơn TràGiao thừaChiếc bóngTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhThiếu nữ du xuânNghinh xuânTiễn trâu đón hổSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtXuân Nhâm DầnTranh Lê Huy HạnhCung đàn mùa xuânVề thăm mộ mẹNhớ mẹ