Về đi, Sâm Cầm!

09.05.2023
Vũ Ngọc Giao

Về đi, Sâm Cầm!

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

 Có một lần, vào mùa đông năm ấy…

Cơn mưa đầu mùa sầm sập dội về lênh láng tràn qua con đường lúp xúp những bụi hoa chuông, vạt cúc quỳ bên đường sẫm lại, rũ xuống nép vào nhau yên lặng. Anh tấp vào quán cà phê cuối con dốc tìm chiếc bàn khuất bên trong, gọi ly cà phê đen. Cái quán lâu đời nằm lọt thỏm giữa thung lũng bao la được vây bằng những màn mây mờ ảo, nơi anh thường lui tới vào ngày nghỉ. Đốt điếu thuốc anh nhìn ra màn mưa dày đặc, nghe gió rít qua những tán cây già từng cơn. Từ ngày chuyển lên làm việc nơi này, anh đã quen với những cơn mưa dài lê thê của thành phố cao nguyên đất đỏ, những cơn mưa mà có lần người bạn anh bảo, nó đỏng đảnh như một cô gái đang yêu, nhưng đôi khi cũng nhẹ nhàng, trầm lắng không đâu bằng.

Nhấp vài ngụm cà phê mưa đã ngớt hạt, anh dõi mắt về cuối con dốc nghe nốt bản hòa tấu du dương cất lên từ chiếc loa rè rè trong góc. Dưới chân dốc một cô bé chầm chậm đi, chiếc áo len sặc sỡ rực lên giữa trời chiều, mái tóc đen dày buộc thành hai lọn hờ hững qua vai. Sau lưng cô tiếng cười cợt châm chọc của đám con trai đang bám theo, cô bé bước nhanh hơn, một tay ôm giá vẽ, tay kia bấu chặt chiếc túi đang đeo chéo qua vai.

“Ê con tự kỷ kia!” một đứa con trai hét to.

Cô bé vẫn cắm cúi đi như không nghe thấy gì, bỏ mặc sau lưng tràng cười hô hố. Sau một hồi la hét nhưng không thấy cô bé phản ứng gì, một đứa con trai xông lên, tức tối chặn đường.

“Ê! Sao không trả lời tao?”.

Cô bé dừng lại, gương mặt không biểu lộ cảm xúc, đôi mắt mông lung nhìn vào một điểm vô định như thể trước mắt cô không có thằng con trai ngỗ ngược kia.

“Mày đã tự kỷ mà còn câm à?” đứa con trai tức giận hét lên, tức thì những đứa đi cùng phá lên cười sằng sặc.

Cô bé vẫn đứng yên, đôi mắt mở to không chớp, môi bặm lại vẻ nhẫn nhịn đến cùng cực, nhưng một bên khóe đã ươn ướt, cô vội đưa tay quệt mắt rồi nhìn thẳng vào đứa con trai bằng vẻ mặt lầm lì, ánh mắt không giấu được tia nhìn khinh khỉnh. Bất thần, đứa con trai giật phăng chiếc túi trên vai cô rồi chạy về phía đồng bọn ở phía sau. Tức thì cả bọn xúm lại mở chiếc túi ra. Bên trong một tập tranh vẽ bằng màu nước xổ tung trước mắt chúng. Nhiều tiếng trầm trồ thốt lên kinh ngạc.

“Vẽ đẹp ta! Tự kỷ mà mà biết vẽ ta! Câm mà biết vẽ ta!…”. Cô bé vẫn đứng yên như chịu trận cho đến khi chúng chuyền tay nhau những bức tranh của cô, thi nhau xé vụn rồi tung lên trời, lả tả.

Cô bé giương ánh mắt bất lực nhìn những bức tranh bị xé nát một cách thảm hại. Thình lình, một tiếng hét vang lên.

“Trả lại cho tao!” cô lao tới ghì chặt những bức tranh còn lại, trên gương mặt đang dại đi, đôi mắt rực lên vẻ căm hờn. “Trả lại cho tao!” cô hét lên lần nữa, ánh mắt vằn lên nhìn từng đứa con trai đang vây quanh mình.

“Trả nè! Trả nè!” sau mỗi tiếng trả nè chúng lại lao vào giằng những bức tranh còn lại từ tay cô bé.

Cô bé đứng sững nhìn những bức tranh tơi tả bằng ánh mắt vô hồn. Cô chầm chậm gỡ chiếc túi đeo trên vai đặt xuống bụi cỏ bên đường. Đám con trai sau một hồi hả hê với đống tranh nát vụn, chúng đứng yên tò mò quan sát từng động tác của cô bé với cái nhìn đầy hiếu kỳ. Cô bé tiến về phía chúng từng bước… từng bước… nhẹ nhàng như một con mèo rừng. Trong khi chưa hiểu chuyện gì xảy ra chúng đã nghe một tiếng thét kinh hoàng như xé trời từ đứa con trai đã giằng chiếc túi từ tay cô. Thằng bé ôm bụng vật xuống bãi cỏ. Nhanh như chớp, cô bé lao tới, đầu húc thẳng vào bụng những đứa xung quanh…

Anh chạy về phía đám đông ồn ào. Lúc này đứa con trai vẫn ôm bụng quằn quại rên la. Đằng kia, cô bé tiếp tục lao vào từng đứa, lồng lộn cắn xé như một con thú hoang trong cơn điên dại. Đám con trai ban đầu còn chống trả, chúng bẻ cành cây quật túi bụi vào cô, nhưng có vẻ như không biết đau, cô vẫn lao tới tấn công cho đến khi cả bọn tháo chạy, mặc hai đứa con trai còn rên rỉ trên bãi cỏ.

“Dừng lại đi!” anh khẽ bảo, nhẹ nhàng gỡ bàn tay đang bấu chặt vào đứa con trai đang lóp ngóp ngồi dậy. Nghe tiếng anh, cô bé dừng lại ngước lên. Trong một thoáng anh nghe tim mình se thắt khi nhận ra trong ánh mắt như điên dại kia ánh lên một nỗi đau khó tả. “Dừng lại đi!” anh khẽ nhắc. Lúc này cô bé mới buông tay đứng lên, trong ánh mắt đang dịu dần một giọt nước từ từ ứa ra bên khóe. Hai đứa con trai nhìn thấy tình thế đó, chúng lồm cồm bò dậy len lén rút lui không một tiếng động.

“Em ở gần đây không, để tôi đưa về?” anh hỏi.

“Không cần đâu, cảm ơn ông!” cô bé quay đi, lầm lũi bước trên con đường đất lầy bùn.

Anh đứng nhìn theo cái dáng mảnh gầy khuất sau vạt cúc quỳ, lòng dâng lên một niềm thương cảm lạ lùng. Trên bãi cỏ la liệt mảnh vụn của những bức tranh, anh cúi xuống gom hết lại cất vào chiếc túi rồi lững thững quay về.

* * *

Đứng trước ngôi nhà có giàn hoa chùm ớt đỏ rực, anh với tay bấm chuông. Một người đàn bà đi ra, thoạt nhìn dáng vẻ bà thong dong, quý phái nhưng giọng nói như rít qua kẽ răng, nhận ra anh bà khẽ gật đầu mời vào.

“Tôi đi vào vấn đề luôn, anh có thể đến đây dạy cho con tôi một tuần hai buổi như đã thỏa thuận, nhưng nếu hôm nào bận việc ở trường thì con bé sẽ chủ động sắp xếp với anh!” bà thong thả pha trà mời anh rồi đưa mắt nhìn ra cửa sổ, ngoài kia bầy ong đang hút mật bên những chùm hoa thiên lý đong đưa.

“Vâng!” anh khẽ đáp.

“Nhưng, con gái tôi có phần bướng bỉnh đấy!”.

“Không sao đâu!” anh mỉm cười đặt ly nước xuống bàn “chỉ cần cô ấy yêu âm nhạc là đủ”.

Người đàn bà yên lặng hồi lâu rồi hạ giọng: “Nó là đứa trẻ tự kỷ, tôi đã rất vất vả để nuôi dạy nó…” bà bỏ dở câu, ngoái lại nhìn căn phòng bên ngoài, gương mặt lộ vẻ ơ thờ, mỏi mệt.

Anh yên lặng, thoáng chút thú vị khi nghĩ đến cô bé tự kỷ, liệu anh sẽ bắt đầu như thế nào trong buổi học đầu tiên? Người đàn bà sau một hồi cúi xuống mân mê ly trà trong tay, đoạn bà quay ra khẽ gọi:

“Sâm Cầm, ra đây mẹ bảo!”

Cánh cửa phòng bên bật mở. Cô bé xuất hiện. Trong chiếc đầm xanh dài tay thùng thình phủ kín gót, chiếc khăn hoa sặc sỡ trùm mớ dày rối tung, gương mặt còn ngái ngủ bỗng choàng tỉnh khi nhận ra anh, cô bé khẽ gật đầu chào rồi đứng yên cúi xuống tránh cái nhìn của anh.

“Thầy Khang, từ nay sẽ đến dạy đàn cho con”.

“Vâng!” cô bé khẽ khàng.

Anh đứng lên đi về phía cô, chìa bàn tay ra thì thầm: “Chào Sâm Cầm, chúng ta quen nhau rồi mà, phải vậy không?”.

Cô bé khẽ gật đầu với nụ cười lặn sâu trong mắt…

Buổi học đầu tiên, anh đến. Mở cửa cho anh là một bà cô già mặt mũi nghễnh ngãng: “Không có ai ở nhà cả!” bà lúc lắc gương mặt to sụ trùm trong chiếc khăn len.

“Hôm nay cháu có lịch dạy đàn cho Sâm Cầm”.

“Ơ… vậy cậu vào đi!” bà le te mở cổng rồi quay sang anh cười hềnh hệch: “Tôi cảnh giác cậu ạ! Dạo này trộm nhiều lắm!”.

 

Trong sân bầy chim câu lững thững đi lại mổ những hạt tấm li ti bà cô già vừa vãi ra. Bà đưa anh đi qua hành lang bên hiên rồi dừng lại trước căn phòng nép bên giàn thiên lý.

“Con bé trong này!” bà nói rồi quày quả ra sân cầm chổi vun mớ lá rụng lại thành đống.

Cánh cửa bỏ ngỏ, anh nhìn vào bên trong. Một căn phòng bừa bộn. Cái kệ sách ngổn ngang, nhiều đến nỗi tràn cả ra sàn nhà, trên giá một bức màu nước vẽ dở dang gương mặt một người đàn ông với thần thái rất lạ. Góc bên kia, chiếc đàn piano phủ tấm khăn trắng đã ngả màu ngà. Trên chiếc ghế mây, cô bé ngồi lọt thỏm, thu mình trong chiếc áo đầm rộng, nhìn ra vườn, mớ tóc rũ xuống thênh thang qua ghế. Cô vòng tay ôm gối, đôi vai mảnh gầy nhô lên đốt xương buồn bã. Nghe tiếng chân người, cô quay lại, gương mặt bình thản không biểu lộ cảm xúc gì khi nhìn thấy anh.

“Hôm nay chúng ta bắt đầu thôi!” anh nheo mắt nhìn dáng vẻ thiểu não của cô khẽ hỏi: “Cầm thích học đàn chứ?”. Yên lặng. Chỉ nghe tiếng tích tắc chậm rãi của chiếc đồng hồ trên kệ sách. Cô bé đứng lên đi về phía cây đàn, chầm chậm kéo tấm vải xuống.  

“Cầm không thích học đàn, phải vậy không?” anh hỏi.

Cô bé buông một tiếng thở thật nhẹ: “Mẹ bảo chơi đàn sẽ chữa được bệnh cho em”.

“Bệnh gì kia?”.

“Tự kỷ” cô bé trả lời, giọng khô khốc, cúi xuống khẽ chạm ngón tay trỏ vào phím đàn, thanh âm bật lên như tiếng nấc.

Anh ngồi vào đàn, những ngón tay lướt nhẹ trên phím, giai điệu bản Hungarian Sonata ngân lên như tiếng mưa mùa thu. Dìu dặt. Lãng đãng. Ngoài kia tiếng thông lao xao reo, một nhánh cây gầy gãy gập đập vào ô cửa kính, gió rít trên mái nhà, luồn qua khe, mớ giấy dưới sàn nhà bay lả tả. Cô bé vẫn đứng lặng nhìn ra ngoài, ánh mắt trôi trên những ngọn cây đang rạp xuống ngả nghiêng…

* * *

Hơn hai năm. Đều đặn mỗi tuần anh lại ở bên nàng. Nhìn nàng lớn lên.

“Rồi những lúc như thế, em ru rú trong căn phòng này, nơi đây là thế giới của riêng em, nơi đây em thật sự được sống cuộc đời mình” nàng nói điều đó với anh vào một buổi chiều xám xịt, khi anh đến, nhìn thấy nỗi cô độc dâng lên nghẹn ứ trong đôi mắt đó. “Em là kết quả của một cuộc tình trước khi mẹ về với ba…” giọng nàng đều đều kể: “Và rồi, ba xuất hiện như cứu vớt đời mẹ, ba yêu mẹ, ba chờ đợi một cơ hội, và ngày đó đã đến”.

“Phải cảm ơn ba mẹ đã cho em một cuộc đời!” anh khẽ nắm tay nàng.

Nàng cúi mặt, một giọt nước ứa ra bên khóe mắt: “Đôi khi em bắt gặp trên gương mặt mẹ nỗi gì đó như ê chề khi nhìn em, em như là một chứng nhân của một sự bội bạc, có lẽ… em không nên có mặt trên cõi đời này”.

“Sâm Cầm! Đừng nhạy cảm như thế!” anh kêu lên.

“Không! Đó là sự thật! Em cô độc trong chính trong căn nhà của mình. Có lúc chỉ có em vào ra trong thế giới của mình với nụ cười của một đứa ngẩn ngơ” nàng thầm thì như đang nói với chính mình, bất chợt nàng vụt đứng lên kéo tay anh ra vườn. Sau một hồi dạo quanh ngắm những bụi hoa nàng tự tay trồng, xem mấy con cá nuôi trong cái hồ nhỏ nơi góc vườn, nàng lại kéo anh vào dắt đi quanh nhà, hớn hở chỉ từng thứ:

“Đố anh cái giá vẽ này em đặt tên là gì?” nàng hỏi. “Thì Giá Vẽ chứ là gì” anh dấm dẳng. “Sai, tên Thương”. “Sao lại Thương?” “Tại em thương nó!”. Nàng bật cười chỉ vào chiếc cặp: “Đố anh nó tên gì?” “Cặp” anh cộc lốc. “Sai, tên Oải”. “Sao lại Oải?”. “Tại mỗi ngày ôm nó đến trường em oải lắm luôn” nàng lại cười hinh hích, chỉ về phía chiếc đàn piano: “Vậy chiếc đàn kia, nó tên gì?”. “Piano chứ tên gì?” anh tỏ ra ngán ngẩm. Lần này nàng cười lớn “Sai bét, tên Sấm!”. “Sao lại Sấm?”. “Tại mỗi khi em chạm vào tiếng nó vang lên như sấm” nàng chạy đến bên chiếc đàn, tay gõ thật mạnh lên bàn phím vẻ nghịch ngợm.

Có những buổi học chỉ xoay quanh cái thế giới của nàng, những trò chơi nàng tự bày ra, những cái tên ngớ ngẩn do nàng đặt cho những đồ vật trong nhà. Cái chổi nàng gọi là Phù Thủy, chiếc máy may cũ kỹ ở góc nhà là Bà Lão, cái lò vi sóng trong bếp là Khò Khè… Kể đến đây nàng lại cười toáng lên: “Tại mỗi khi cho thức ăn vào lò hâm, nó cứ khò khè như ông cụ lên cơn hen suyễn. Anh biết không, tất cả đều có linh hồn”.

Một lần anh đến. Dưới sàn nhà la liệt những cọ vẽ, màu sơn. Nàng cắm cúi bên giá vẽ, đôi môi mím lại, tay quệt từng nhát cọ thật mạnh lên bức tranh, trên đó gương mặt một người đàn ông méo mó, lạnh lùng.

“Cầm vẽ ai vậy?”.

“Cha em!” nàng khẽ khàng.

Anh yên lặng, nghe ngực nhói lên trong tiếng nàng thầm thì: “Rất nhiều năm, đôi khi em vẫn mơ thấy cha, em gặp cha và được ông ấy ôm em vào lòng, mãi đến khi trước mắt em hiện ra giàn hoa chùm ớt, em mới biết em vẫn ở nhà và tỉnh giấc mơ, đã về đúng nơi chốn của mình. Có lúc em thèm được sống như một người ẩn tu, đến một nơi rất xa, trong một căn nhà nhỏ và lặng lẽ sống” mắt nàng miên man trôi chợt dừng lại, quay sang anh: “Mà hôm nay chúng ta học bài gì nhỉ?” nàng hỏi rồi cúi xuống xếp cọ vẽ vào chiếc thùng kê trong góc. Anh hiểu, nàng đang che giấu cảm xúc đang chực tràn ra trong sóng mắt.

 

Nàng ngồi vào đàn, đôi tay mềm mại lướt nhẹ.

… Bẵng đi rất lâu, những buổi học sau đó nàng không còn nhắc đến cha, đến chuyện ẩn tu hay những giấc mơ. Anh nhìn thấy những niềm vui nhỏ nhoi ẩn sau ánh mắt đầy ám ảnh mỗi khi nàng len lén nhìn anh. Nàng lớn bổng lên, thân thể cũng khác xưa, mềm mại và sâu lắng đi nhiều. Có những buổi chiều lướt trên phím đàn, anh nghe đôi tay mình nhiều lần lỗi nhịp…

Chiều Chủ nhật. Như mọi lần, anh đến. Bà cô già hớt hải mở cổng, kéo anh vào trong thì thào: “Cổ đi rồi?”. “Cổ là ai hả bà?”. “Cô Cầm đó!”. Anh bàng hoàng, nghe như giai điệu bản nhạc nàng mới vừa chơi hôm nào ngân lên giữa trời chiều. Anh bần thần bên cánh cửa phòng nàng, nghe tim rung lên từng hồi nức nở…

Cánh cổng khép lại sau lưng anh. Bà cô già vội vã quay vào quét lá. Còn một mình, anh lang thang qua rừng cúc quỳ, nơi lần đầu tiên nhìn thấy nàng từ cuối con dốc đi lên, giữa đám con trai ngỗ ngược năm nào, chiếc áo len sặc sỡ cùng mái tóc buộc hờ hững trên vai, trông nàng nhỏ bé và đơn độc đến tội nghiệp.

… Ba năm. Chiều nay anh trở lại nơi này, chầm chậm thả bộ trên con đường đất hằn lên những dấu chân thú đi qua. Đến trước ngôi nhà nhỏ của nàng, chân anh chậm lại. Ngôi nhà vẫn thế, vẫn nhỏ nhoi dịu dàng giữa một rừng cúc quỳ đang mùa rực lên trong thung lũng Hoa Vàng. Cơn gió chiều nay vẫn thế, vẫn ràn rạt dội về từng cơn miệt mài khiến những đồi lau rạp mình bên cánh đồng đang mùa thu hoạch.

Anh chơi vơi trong thinh không, nghe như tiếng nàng đang thầm thì kể chuyện, những câu chuyện về giấc mơ không đầu không cuối trong những đêm chập chờn, những câu chuyện về bức tranh vẽ dở còn ở yên trên giá, chuyện bé cún Pipi ba ngày rồi bỏ đi không về. Giàn hoa chùm ớt năm nào còn yếu ớt men theo bờ rào, giờ đã đánh rơi từng chùm lửa lập lòe, phủ xuống cánh cổng gỗ tróc sơn bạc màu thời gian. Trong màn chiều ảm đạm, con đường đất đỏ tun hút những vệt xe kéo dài đến mịt mờ.

Căn phòng của nàng vẫn ở đó, lặng lẽ nép bên giàn thiên lý thoảng hương, qua ô cửa kính mờ đục vì bụi bẩn, anh nhìn thấy bức chân dung của nàng vẫn trên tường, bức tường vôi loang lổ giăng đầy mạng nhện, trên kệ sách ngổn ngang những tác phẩm của Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas… Bên trên, con khỉ nhồi bông đã sứt một bên tai, bó hoa dại nàng hái về trong một lần cùng anh dạo trên đồng cỏ cũng khô cong từ bao giờ... Tất cả còn nguyên ở đó, cả bức chân dung nàng tự họa trong một buổi chiều cuối đông. Anh đến, nàng nhờ anh đóng chiếc đinh treo… Vẫn mái tóc buồn như đêm, ánh mắt sâu thẳm đến ám ảnh, nàng ngồi vào đàn, những ngón tay lướt nhẹ trên phím nhưng mặt mũi vơ vất tận đâu. “Sâm Cầm!” anh gọi. Nàng yên lặng, đầu gục xuống, mớ tóc rối xõa tràn trên bờ vai mảnh gầy, lẻ loi đến tội nghiệp.

 

 Anh đợi nàng, chẳng có gì ngoài chiếc túi đựng những bức tranh bị xé vụn anh đã giữ bao nhiêu năm qua. Và một lời nguyện cầu. Nàng trở về, sẽ có anh đón đợi, như cái cách người ta vẫn đón đợi một người thương…

“Về đi! Sâm Cầm!” tiếng anh thì thào trong cơn gió chiều vừa thoảng qua rồi tắt lịm giữa một vũng mây mù…

V.N.G