Thi pháp truyện ngắn Vũ Hải *
Nhà văn Vũ Hải phát biểu tại buổi ra mắt tập truyện ngắn Những bông hồng vẫn nở quanh tôi.
Vũ Hải là cây bút nữ đa năng và giàu nội lực văn chương. Chị hoạt động trong nhiều lĩnh vực công tác và đó chính là vốn sống quý báu để chị biến chúng thành đối tượng thẩm mỹ trực tiếp và gián tiếp cho quá trình sáng tạo của chính mình. Học vấn và kinh nghiệm nghề nghiệp đã cho chị vốn tri thức sống và vốn triết mỹ - nghệ thuật để đam mê, thao thức cùng trang văn như duyên nợ, dù lúc đầu chị chưa bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ đủ dũng cảm để đi cùng nó trên suốt hành trình tháng năm gian nan và hệ luỵ. Vậy mà giờ đây, chị đã thành một tác giả thực thụ, có tay nghề vững chắc.
Cùng với việc thử bút bằng truyện ngắn, chị đã từng viết báo, dạy học, làm thơ và viết phê bình văn học. Truyện ngắn “Người đưa thư và cô gái”, in trên Tạp chí Sông Hương và đạt Giải thưởng tác phẩm hay nhất trong năm 1986 là kết quả sớm nhất sau khi chị tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Huế. Khoảng 10 năm sau đó, chị cho ra mắt tác phẩm khảo luận - phê bình Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử (1996) với hướng tiếp cận mới mẻ là minh chứng cho sự đam mê nghiệp bút của chị ngay những ngày đang là sinh viên. Thời gian sau nữa, chị định cư tại Hoa Kỳ, tiếp tục làm nghề hướng dẫn môn Làm văn cho học sinh trung học cơ sở và tiểu học. Chị có hai lần may mắn tham gia các Trại viết văn do các Hội và Văn đoàn tổ chức: Trại viết văn Tây Nguyên ở Đaklak - Việt Nam và Lớp bồi dưỡng sáng tác văn chương ở Hoa Kỳ do Hội đoàn Write Around Portland tổ chức và tài trợ. Chính những thực tiễn và cơ hội này đã giúp cho Vũ Hải có thêm kinh nghiệm nghề nghiệp và vững bước đi theo con đường văn chương cao sang và gian khổ để có thành quả như ngày hôm nay mà Những bông hồng vẫn nở quanh tôi là minh chứng cho những ấp ủ, đam mê và mơ mộng đó của Vũ Hải.
Tôi may mắn có trên tay tập truyện ngắn Những bông hồng vẫn nở quanh tôi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023 với tâm trạng vừa xúc động vừa tự hào và háo hức đón nhận như món quà tinh thần quý giá, bất ngờ. Hình ảnh cô bạn gái yêu quý thời sinh viên ngày xưa lại hiện lên, khiến bao ký ức hiện về xao động. Và càng xôn xao, lay động hơn nữa khi tôi lần đọc từng truyện ngắn với ngôn từ, hình tượng và triết mỹ có khả năng đánh thức tình cảm và tư tưởng của tôi với tư cách là chủ thể tiếp nhận đồng sáng tạo.
Nếu truyện ngắn là thi pháp của những lát cắt tâm trạng đa quan hệ về tình yêu, đạo đức, nhân sinh với niềm vui, nỗi buồn, cả ân huệ và bi kịch nhân gian, thì truyện ngắn của Vũ Hải có đủ những hiện thực cuộc sống và hiện thực tâm trạng đó. Truyện ngắn của Vũ Hải có hiện thực và lãng mạn, có bóng dáng của huyền ảo và tâm linh, có sinh thái tự nhiên và nhân văn, đặc biệt là dấu ấn sinh thái văn hóa tinh thần Tây Nguyên - vùng đất nguyên sơ, tích hợp bao trầm tích sử thi và huyền thoại... Tất cả được chị chiếm lĩnh và triển khai trên cái nền cuộc sống, gắn với từng cảm xúc và tâm trạng rất thật của chính mình. Nhìn chung, thế giới nghệ thuật truyện ngắn Vũ Hải đa quan hệ về hiện thực và con người, đa đối thoại về nhân sinh và triết mỹ với diễn ngôn đậm chất đời thường nhưng cũng đa thanh về giọng điệu và tình thái. Đó là thành công tổng thể của tập truyện ngắn Những bông hồng vẫn nở quanh tôi, thỏa mãn tầm đón nhận của độc giả cả thẩm mỹ lẫn lý trí và tình cảm.
Tập truyện ngắn Những bông hồng vẫn nở quanh tôi của nhà văn Vũ Hải
Mười lăm truyện ngắn trong tập là mười lăm mảnh ký ức hiện thực gắn với từng tâm trạng vui buồn, ân nghĩa quanh đời của tác giả. Với tư cách là nhân vật trần thuật ngôi thứ nhất, có khi là trần thuật nhập vai, tác giả đã đồng hiện nhiều mối quan hệ giữa nhân vật với nhân vật, giữa nhân vật với hoàn cảnh mà mình từng chứng kiến và tham dự. Qua đó, nội dung, diễn biến câu chuyện hiện lên, bộc lộ tính cách nhân vật một cách khách quan, chân thật.
Tôi muốn bắt đầu bằng truyện ngắn dùng đặt tên cho cả tập truyện Những bông hồng vẫn nở quanh tôi, bởi câu chuyện gắn bó sâu nặng với cuộc sống trong những năm tháng vui buồn ân nghĩa, nhưng cũng xa xót, nghẹn đắng diễn ra trong từng cảm giác bé nhỏ của tác giả trên đất Mỹ xa xôi. Câu chuyện về người phụ nữ bị tai nạn hiểm nghèo, vẹo cột sống có khả năng bất toại suốt đời được đặt trong quan hệ với con trai và bao người thân yêu khác đã làm cho diễn biến tình cảm mang tính hiện thực và nhân văn cao đẹp. Người mẹ đang trên giường bệnh, nhưng chị đang cố gắng viết về câu chuyện thật của mình. Chị nhờ người bạn nữ Việt Nam tên Rose làm việc tại bệnh viện giúp đưa truyện này đến Hội đoàn Write Around Portland, nơi chị đã tham gia lớp bồi dưỡng viết văn và đang nợ tác phẩm thu hoạch cuối khóa. Đây là dịp để chị thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của mình đối với những người thân thiết trong quá khứ và hiện tại mà nếu thiếu họ, chị không đủ nghị lực và sức mạnh để sống và lao động đến ngày hôm nay. Chị gọi họ là những bông hồng tuyệt đẹp, thánh thiện và thiêng liêng. Câu chuyện đã được viết xong với tên gọi trìu mến “Những bông hồng vẫn nở quanh tôi” để tri ân họ. Tác phẩm của chị được vị bác sĩ điều trị đọc và ông tin rằng với tấm lòng nhân ái và tin yêu của mình, chị sẽ khỏi bệnh. Quả thật, sau đó, chị đã tập luyện và đi lại được. Vị bác sĩ đã vui mừng và gửi tặng chị những bông hồng thắm đỏ cùng quyển sách với tiêu đề: “Đừng níu kéo những gì khi mình không thể”. Ông còn tặng chị tấm danh thiếp cùng dòng chữ trân quý: “Tôi, John, tôi có thể được là một trong những đóa hoa hồng trong tác phẩm của cô không?”. Chị xúc động và không giữ được cảm xúc để nói rằng: “Vâng John, dù tôi không thể lái xe nhanh đến bệnh viện bây giờ để trả lời ông rằng, đúng… đúng, ông sẽ, vẫn và luôn luôn là một trong những đoá hoa hồng vẫn nở quanh tôi”. Họ trong chị là ân nhân và ân huệ suốt đời không thể nào quên: “John, Michel ơi! Rose ơi! Các ông, các anh chị em và những người thân trong gia đình và những người khác nữa của tôi ở Việt Nam ơi! Các bạn vẫn và sẽ luôn luôn là những bông hồng đang nở quanh tôi!”.
Các truyện ngắn xúc động khác nằm trong mạch cảm hứng trên là “Tây Nguyên ngày ấy”, “Đồng Hới ơi, tôi về” được tác giả hồi tưởng thông qua ký ức quá vãng và ký ức đồng hiện. “Tây Nguyên ngày ấy” là nơi gắn với bao kỷ niệm của Hà - cô nhà báo và cô giáo trẻ ngày nào đã sống và công tác trong hiện thực gian khổ, vui buồn lẫn lộn. Tây Nguyên huyền thoại, lãng mạn và hùng vĩ, thơ mộng cùng những người lính trẻ là dấu ấn không thể nào quên trong thẳm sâu kỷ niệm của Hà. Giờ từ Mỹ trở về, Hà tìm thăm lại Tây Nguyên, thăm lại đồn biên phòng và những người lính năm xưa sau 36 năm xa cách. Hà cảm thấy ân hận và có lỗi với những người lính khi chưa viết được một dòng nào về những hy sinh, gian khổ, mất mát của họ. Một tác phẩm vĩ đại mà cô chưa trả ơn dù Hà chưa bao giờ quên lãng. Họ là minh triết cho những gì được gọi là vĩ đại nhất nhưng cũng giản dị, đời thường nhất mà Hà luôn mắc nợ dù một lời tri ân, một dòng chữ tạ ơn nhân hậu. Hà thú nhận trong nước mắt: “Đêm nay, một đêm rất đặc biệt đối với Hà, xin cúi xuống, xin thắp một nén hương lòng cho quê hương, cho Tổ quốc… Giờ phút này đây, Hà xin được tạ tội với Tây Nguyên, với hồn thiêng của những chiến sĩ đã hy sinh, vào ngày đó, năm đó, tháng đó… những năm tám mươi, một thời đáng nhớ của tụi Hà. Vâng, Hà sẽ cố gắng để hoàn thành tác phẩm viết về Tây Nguyên của mình sớm hơn, để rồi sẽ viết nữa… và nó sẽ… không chỉ một lần”. Nhân hậu và nhân văn với con người, với Tây Nguyên là thế, bảo sao tác phẩm của Vũ Hải không xúc động và lay thức lòng người!
Còn “Đồng Hới ơi, tôi về” lại vực dậy một ký ức buồn khác về người mẹ bi thương, sầu muộn của mình. Lấy chồng xa xứ, cả đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà không được trở về thăm quê mẹ để giờ đây, người con gái cũng lấy chồng biệt mù nơi xứ người liên hệ mà tủi buồn, xa xót cho phận mẹ, phận mình. Và người con hiếu thảo đó quyết trở về Đồng Hới cùng hương hồn của mẹ với nỗi dày vò, ân hận: “Hà biết trong những đứa con của mẹ, sẽ không ai hiểu hết nỗi lòng của bà tại sao chỉ muốn được về Đồng Hới, nơi mà bà đã sống suốt cả thời thơ ấu và thời con gái... Quê hương, vâng, có một điều gì đó rất khó hiểu mà chỉ khi đi xa rồi ta mới thấy, nỗi nhớ, nỗi thương, cứ dằn vặt mỗi ngày không sao tả được...”, “Chỉ Hà hiểu điều đó vì bây giờ cô cũng làm dâu xứ người... 60 năm hơn, khát vọng được trở về, chỉ có những người xa xứ như Hà mới thấu, mới thấm được lòng mẹ... Và mẹ ơi! Mẹ yên tâm đi, xin cho Hà được tạ tội bất hiếu, Hà sẽ thay mẹ để trở về Đồng Hới, hay đúng hơn, Hà sẽ đưa mẹ về Đồng Hới bằng nỗi lòng yêu thương...”. Phải nói là thẳm sâu và xúc động. Truyện ngắn của Vũ Hải thuộc mỹ cảm của tình thương và lòng nhân ái chính là xuất phát từ những kinh nghiệm quan hệ người cụ thể và nghĩa tình như thế!
Tôi chú ý những truyện mang chủ đề giáo dục mà Vũ Hải thể hiện rất chân thật và xúc động như “Ai là tội phạm”, “Cô giáo dạy thay”, “Khi tôi còn bé”, “Con mèo của Jeff”... Xuất phát từ kinh nghiệm quan hệ có thực của tác giả nên diễn biến câu chuyện và cấu trúc trục tọa độ không - thời gian rất logic, không gò bó, giả tạo. Đây là điểm mạnh của truyện ngắn Vũ Hải. Qua đó, tác giả thể hiện những chiêm nghiệm và triết mỹ đời thường, truyền sang người đọc lòng nhân ái và tình yêu thương con người một cách cụ thể và chân cảm.
Tôi muốn minh chứng nhận định trên bằng truyện ngắn “Con mèo của Jeff”. Truyện kể về đôi vợ chồng Việt - Mỹ: Hà và Jeff. Hà là một phụ nữ hiếu động, ngoan hiền và chiều chồng hết mực, còn Jeff thì hiền lành, nhưng nghiện rượu, lại thích nuôi thú cưng. Ông rất quý chó và mèo, xem chúng như những con vật thân thiết của mình. Họ sống với nhau gần 10 năm cùng với 3 thành viên: con mèo Smichel, 2 con chó Hercules và Lucky. Sang Mỹ, Hà làm nghề giáo viên bán thời gian cho các trường phổ thông, còn Jeff thì thương vợ, ngày càng lặng lẽ, ít nói nhưng thêm tật nghiện rượu, nhất là sau khi thất nghiệp, về hưu non “Jeff tìm đến rượu như một người bạn cố hữu, ngày nào cũng uống, rồi ngày nào cũng say, không thể nào bỏ được”. Đến lúc, tưởng như Jeff quên luôn cả Hà. Sức chịu đựng của Hà cũng có hạn, đến nỗi có lần nàng quyết định đập phá tất cả những chai rượu và đốt những quần áo đẹp mà Jeff đã mua cho mình ngày cưới. Dù biết rằng rất nhớ Jeff, nhưng Hà đã quyết định sẽ viết đơn ly hôn Jeff để đến làm việc cho một bệnh viện ở chỗ khác theo sự giúp đỡ của một người bạn nữ Việt Nam cũng đang có chồng ở Mỹ. Hà nghĩ, rồi sẽ đến một ngày, Hà sẽ ra đi. Jeff biết, nhưng không tin: “Bà nói, bà sẽ bỏ tui mà đi đúng không. Đừng đi Hà, con Smichel, con mèo của tôi, nó thương bà hơn tui đó! Bà chăm sóc cho nó, cho nó ăn, bà đi nó nhớ bà, nó chết, tui cũng sẽ nhớ nó, tui chết luôn... Đừng đi nữa nghe Hà,...”. Rồi Hà cũng đã ra đi, ra đi trong nhớ thương và luyến tiếc không ngăn nổi dòng nước mắt: “mắt Hà đã nhòe đi vì khóc quá nhiều. Hà lấy tay dụi vào mắt, muốn làm tất cả tan biến để đừng phải thấy bất kỳ một điều gì nữa của quá khứ nhưng sao hình ảnh con Smichel, con mèo và đôi mắt đau thương của Jeff trong những ngày mất nó cứ ẩn hiện trong tâm tưởng Hà, trước mắt Hà không xoá được. Có một thứ tiếng đặc biệt nào đó từ tâm thức đang gọi về trái tim Hà, ồn ào, trách hờn, vô hình nhưng sao cứ dằn vặt đau nhói làm cho trái tim của Hà như vỡ tung ra. Hà tàn nhẫn quá, xấu xa quá Hà ơi! Giờ này Jeff còn ngủ hay đã thức... Jeff đã đọc xong bức thư của Hà chưa? Jeff ơi, chắc Hà sẽ trở về thôi một ngày không xa… Nhưng nó không phải chỉ vì con mèo, con Smichel của Jeff đâu... Hà xin lỗi, Hà phải đi, Hà có lỗi với Jeff rất nhiều”. Câu chuyện đã vượt ra ngoài phạm vi tình yêu thương con người, lan sang cả tình yêu thương con vật. Một quan hệ nhân ái và tương hợp khác, rất nhân văn mà Vũ Hải muốn chia sẻ với người đọc thời hiện đại - một kiểu quan hệ sinh thái văn hoá đạo đức - tinh thần xuất phát từ hiện thực sống của chính tác giả.
Mỗi nhà văn có cách chiếm lĩnh hiện thực và thể hiện chúng thành thế giới nghệ thuật theo kinh nghiệm quan hệ sống và thi pháp biểu hiện riêng của mình. Tôi gọi truyện ngắn của Vũ Hải là truyện trữ tình - hiện thực với diễn ngôn tự sự - trữ tình đậm tính giãi bày và đối thoại gần gũi, đời thường. Truyện viết về cô giáo Trang với phương pháp sư phạm riêng dành cho học sinh không yêu thích môn văn trở thành yêu văn và nhờ môn văn, giúp em biết bày tỏ quan niệm đúng, sai của mình trước mọi tình huống để nhận ra lẽ phải (Ai là thủ phạm), câu chuyện về chị Thắm, một phụ nữ làng chài, bị tật nguyền, cô độc vì cha mẹ và người thân trong gia đình đều chết trong cơn bão. Chị từng là học sinh giỏi của trường, mơ ước trở thành nhà văn để viết về tình người và cuộc sống nhân hậu quanh đời. Và chị đã trở thành nhà văn viết rất hay về hình tượng những người thuỷ thủ bất tử. Truyện mang bóng dáng sinh thái tự nhiên, giúp người đọc nhận ra mối quan hệ đối lập tiêu cực giữa thiên nhiên đối với sự sống của con người (Chị Thắm). Chuyện về một người đàn ông già hoang tưởng, ngày nào cũng tin và đợi con cháu của mình đến thăm mình ở viện dưỡng lão để cùng ăn cơm và trò chuyện. Nhưng niềm tin đó chỉ là hoang tưởng, không có con cháu nào quan tâm đến ông một cách thực sự và trách nhiệm (Ngày tháng không thay đổi). Nội dung câu chuyện về cô giáo hướng dẫn môn tập làm văn đã giúp cho Magic - một học sinh yếu văn trở thành người yêu văn được tác giả kết cấu và chọn chi tiết xúc động (Cô giáo dạy thay). Truyện mang bóng dáng cuộc sống thực của tác giả nên giọng điệu mang tính giãi bày, giàu cảm xúc.
Ở các truyện nói trên, tác giả tập trung xây dựng thi pháp nhân vật kiểu trần thuật “tôi” ngôi thứ 3 toàn tri đóng vai người biết tuốt mọi tình tiết để kể lại toàn bộ diễn biến câu chuyện. Tác dụng của loại nhân vật này là làm nên tính khách quan, chân thật và tạo độ tin cậy trong tiếp nhận của độc giả.
Bên cạnh kiểu nhân vật nói trên, Vũ Hải thường tổ chức nhân vật trần thuật ngôi thứ nhất. Họ trực tiếp độc thoại và đối thoại theo mạch tuyến tính của câu chuyện, nhưng bất ngờ, hấp dẫn. Câu chuyện thường theo mạch tự sự với cách đặt vấn đề đạo đức nhân sinh đơn giản, nhưng giàu tính nhân sinh - thế sự của cuộc sống xã hội thường nhật: Tình yêu, lòng tốt bẩm sinh cùng những ý tưởng hướng thượng cao cả của mỗi chủ thể hiện sinh sẽ tồn tại vĩnh cửu, có khả năng cứu rỗi và nhân đạo hóa con người.
Các truyện “Chiến hữu”, “Con tàu và những bông hoa”, “Đại ca Quảng và anh trai tôi”, “Lấy vợ giàu”, “Khi tôi còn bé”, “Giáng sinh buồn”, “Ngày tháng không thay đổi”... được tạo dựng kiểu nhân vật trần thuật ngôi thứ nhất như thế. Các nhân vật này là người dẫn dắt chính cho câu chuyện, họ đối thoại với nhau theo mạch tự sự logic của cuộc sống và tình cảm có thật nên cốt chuyện diễn ra tự nhiên, gây hứng thú cho người đọc. Ví như câu chuyện xúc động về người con trai khi còn bé, thiếu cha, ở với mẹ trong hoàn cảnh neo đơn, khó khăn về kinh tế đã mơ ước mình được có cha và sẽ giàu có như những bạn khác như thế nào (Khi tôi còn bé), câu chuyện về Tường - người con gái sống gần ga Đà Nẵng hằng ngày phải mưu sinh giúp gia đình trong cảnh nghèo khó thời bao cấp và chứng kiến bao cảnh đời nhốn nháo, đa tạp khác nhau, nhưng tình người thì vô cùng cao quý để Tường rút ra được bài học đạo đức và bài học làm một con người chân chính và hướng thiện rất bất ngờ như thế nào (Chiến hữu). Truyện “Con tàu và những bông hoa” cũng được tổ chức trong mạch trần thuật xúc động và nhân văn như nhiều truyện khác mà nhân vật Huy là trung tâm để tác giả triển khai mạch cảm xúc - tự sự cho câu chuyện. Qua đó, tình người, tình đời và tình yêu quê hương xứ sở cội nguồn của một người con sống xa Tổ quốc hiện lên chân thật. Truyện ngắn “Đại ca Quảng và anh trai tôi” cũng được cấu trúc theo thi pháp hiện thực - tâm trạng như vậy để dẫn dắt người đọc đi đến kết thúc câu chuyện, giúp họ phát hiện ra những “mạch ngầm”, những “khoảng lặng” trong thế giới tâm hồn giàu trắc ẩn, nhưng nhân ái của mỗi chủ thể hiện sinh.
Tôi muốn nói thêm về đặc điểm diễn ngôn của truyện ngắn Vũ Hải. Đó là các kết thúc truyện của chị bao giờ cũng kết tinh và rút ra những bài học sống bình dị đời thường với những chiêm cảm sâu sắc bằng lối hành văn hay, trữ tình mang thiên tính nữ, hấp dẫn người đọc. Ví như kết thúc truyện “Chị Thắm”, tác giả chỉ đúc kết bằng những lời văn nhẹ nhàng nhưng ý vị: “Gió lạnh từ đâu thổi đến, hất ngược mấy sợi tóc nhỏ của tôi… Vẫn con sóng bạc ngày nào gợn lên trong trí nhớ, và bức tranh màu tía lóng lánh trên biển, một dải xanh mênh mông của mặt nước lúc mặt trời lên và khi hoàng hôn xuống... Câu chuyện về chị Thắm với tôi như một huyền thoại, như liêu trai vậy... Chị đang ngồi đâu đó trên bãi cát vàng nhìn xa xăm ra đại dương bao la kia và có thể chị cũng đang ấp ủ một ước mơ sẵn sàng cho một tác phẩm mới nữa tiếp tục ra đời”. Truyện “Con tàu và những bông hoa” cũng có kết thúc hay, tạo được hiệu ứng triết mỹ trong người đọc, khi Huy nghĩ về mối quan hệ giữa hiện thực và nghệ thuật hội họa: “Một con tàu vừa khởi hành, đang lao về phía trước, dưới bầu trời xanh và ánh nắng vàng ban mai của miền nhiệt đới. Hai bên đường là những bông hoa dại nhiều màu sắc. Bức tranh nổi lên với gam màu sáng vui tươi rộn rã. Và có cả những cây hoa hồng leo, loại hoa hồng hàng rào mà người Việt Nam hay trồng. Nó cũng được phác họa chạy song song với con tàu từ những ngôi nhà của khu phố thị gần nhà ga. Không nhiều, chỉ những nét chấm phá nhưng tự dưng Huy cũng cảm thấy lòng mình rộn vui. Anh chợt nhớ đến mẹ và những ngày tháng ở bên Mỹ. Ngày nào mẹ cũng ngồi viết, ngày nào bà cũng nhắc, cũng nhớ rồi kể những chuyện về Việt Nam, nhất là những ký ức thời niên thiếu. Nhưng mùa hè đến bà lại ra vườn trồng hoa, rồi lại chăm chút từng phút một. Mẹ trân trọng nâng niu chờ đợi mỗi ngày những bông hoa sắp nở. Mẹ không bao giờ quên bao nhiêu khốn khó của đời mình đã đi qua nhưng vẫn không dừng lại, lúc nào bà cũng lạc quan, yêu đời và vẫn bước tiếp ngay cả trong những lúc khó khăn nhất”. “Con mèo của Jeff”, “Đồng Hới ơi, tôi về”, “Tây Nguyên ngày ấy”... cũng đều có diễn ngôn kết thúc giàu tính hiện thực và triết mỹ mà tôi đã trình bày bên trên. Chính điều đó đã tạo nên dấu ấn thi pháp hấp dẫn về diễn ngôn cho truyện ngắn của Vũ Hải. Và cũng từ đó, một khả năng khác của truyện ngắn Vũ Hải được hiện hữu: Đó là khả năng đối thoại mở (open dialogue) khi người tiếp nhận khi đọc xong mỗi truyện.
***
Nếu xem truyện ngắn là một thể loại đa hình hài, đa cảm xúc sẵn sàng cho mọi biến đổi và biến hóa về hình thức; sẵn sàng cho các sắc thái tình cảm, các phương thức thể hiện được huy động trong những chủ đề cũng như những lát cắt hiện thực hấp dẫn khác nhau, thì truyện ngắn Vũ Hải, tuy chưa phải lúc nào cũng tạo được những biến đổi và biến hóa đó theo cách chiếm lĩnh nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại. Nhưng tất cả các truyện trong toàn tập Những bông hồng vẫn nở quanh tôi đều là những nỗ lực tìm tòi để hiện thực đời sống sinh động, đa dạng theo cách riêng. Truyện ngắn là thể loại có khả năng du hành đến trái tim bạn đọc bằng con đường tắt, nhưng đầy cỏ hoa, hương thơm và mật ngọt, nhưng có lúc cũng gập ghềnh sỏi đá, nhiều chông gai và nước mắt để tạo nên dưỡng chất tinh thần cho người tiếp nhận. Truyện ngắn Vũ Hải đã bước đầu tạo được hiệu ứng đó trong người đọc đồng sáng tạo thông qua cấu tứ, hình tượng và ngôn từ mang ý nghĩa thẩm mỹ riêng. Nội lực nghệ thuật và vốn sống, nghề nghiệp và môi trường địa - văn hoá sẽ giúp Vũ Hải vượt lên chính mình để tiến về phía trước của chân trời nghệ thuật. Chúng ta có quyền tin yêu và hy vọng.
H.T. H