Giai đoạn sáng tác đầu tiên của biên đạo múa

09.05.2023
Lê Huân

Giai đoạn sáng tác đầu tiên của biên đạo múa

Kịch múa Ngọn lửa Ba Tơ

ới người biên đạo múa giai đoạn sáng tác nằm trong hai chữ: Tứ và Từ. Tứ là nội dung, ý tưởng nghệ thuật được tạo nên từ việc xây dựng kịch bản văn học và kịch bản chi tiết của sân khấu múa. Khác với các bộ môn nghệ thuật khác, xây dựng nên một kịch bản múa là ở nội dung hành động diễn đạt trong kịch bản phải múa lên được. Định nghĩa về múa nói rõ: “Múa sử dụng ngôn ngữ của cơ thể để diễn đạt mọi cảm xúc của con người”. Từ định nghĩa này, người trong nghề múa chỉ cần lướt qua kịch bản là có thể hình dung ra được điệu múa có thực hiện được hay không.

Hơn 60 năm hành nghề biên đạo múa, trải qua hàng trăm sáng tác các điệu múa lớn nhỏ, khi nảy ra cảm xúc sáng tác, khi cấu tứ một điệu múa mới, tôi đã gắn kết ngay với sự hình thành ngôn ngữ múa để thể hiện, diễn đạt ra nội dung, ý tưởng của điệu múa ấy.

Nhưng múa lại là bộ môn của nghệ thuật trình diễn sân khấu, là nghệ thuật của không gian và thời gian. Người biên đạo khi bước vào giai đoạn thứ nhất lại phải quan thiết đến các điều kiện sân khấu như âm nhạc, bài trí, trang phục, ánh sáng và diễn viên đồng hành cho sự sáng tạo nên tác phẩm múa của mình. Các điều kiện trên đều vô cùng quan trọng, thiếu hay yếu một điều kiện là khó khăn cho sự thành công rồi. Nói như vậy không có nghĩa là không thể vượt qua sự thử thách của điều kiện sân khấu.

Hơn 7 năm tôi sáng tác múa cho các chương trình ca múa nhạc của Đoàn Văn công quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ để phục vụ cho nhân dân chiến sĩ Khu 5. Điều kiện sân khấu nơi chiến trường khó khăn, gian khổ, không thể có âm thanh, ánh sáng. Không thể có bài trí, phục trang. Sân khấu để diễn viên biểu diễn múa chỉ trên một khoảnh đất rừng được phát trụi cây, còn mọi thứ đồ nghề phục vụ cho diễn xuất để nằm trong ba lô người lính văn công, nên không thể có được bài trí hay phục trang tiết mục. Đa phần phục trang tiết mục là bộ quần áo lính hoặc quần áo dân thường, cùng lắm là có ít bộ áo dài cho các cô gái múa mang theo trong hành trang biểu diễn khi cần đến.

Điều kiện để sáng tạo là như vậy đấy! Người biên đạo thật sự phải vắt óc tư duy. Dựa vào khả năng diễn viên và trợ sức đắc lực của nhạc sĩ và dân nhạc tôi đã xây dựng nên 2 tác phẩm múa: Anh nuôi say súng Mài sắc đường lê với nội dung phản ánh tinh thần rèn luyện, ý chí chiến đấu, quyết thắng của chiến sĩ nơi chiến trường gian khổ. Tôi phát huy được khả năng diễn xuất của NSƯT Minh Vân đóng giả trai trong vai người chiến sĩ trẻ và nhạc sĩ Nam Hồng (Phạm Tân) đã đồng cảm với biên đạo trong công việc sáng tạo âm nhạc cho 2 điệu múa này.

Phục trang của 2 tiết mục múa tất cả chỉ là quần áo chiến sĩ giải phóng. Đạo cụ như khẩu B40 và những khẩu AK có lắp lưỡi lê do đội múa kiếm gỗ cây rừng về tự làm. Ngôn ngữ múa là sự vận dụng sáng tạo, cách điệu các động tác chiến đấu của xạ thủ B40 hoặc những động tác đâm lê. Đó chính là sự tiếp thu ngôn ngữ hiện đại để biểu hiện cho nội dung múa đương đại.

2 điệu múa khi diễn còn thu hút khán giả ở những tình tiết biểu cảm của diễn viên. Chính vì vậy đã thu hút, hấp dẫn khán giả. Thường xuyên, mỗi lần biểu diễn khán giả đều hoan nghênh nồng nhiệt, đề nghị được diễn lại có khi đến 3 lần. 2 tác phẩm múa Anh nuôi say súng, Mài sắc đường lê của tôi sau này được vinh danh Giải thưởng Nhà nước đợt 2 năm 2007.

Cuộc đời, sự nghiệp nghệ thuật múa của tôi tiếp tục gắn bó với sân khấu biểu diễn của lực lượng vũ trang Quân khu 5 và sân khấu ca nhạc cả nước kể từ mùa xuân năm 1975, cách mạng giành thắng lợi thống nhất non sông. Khi ấy, tôi vừa tròn tuổi 32, cái tuổi tràn đầy sức lực và nhiệt huyết để khám phá, sáng tạo nên những sáng tác về đề tài dân tộc dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Đồng thời, mọi điều kiện của sân khấu thêm tiếp sức cho người biên đạo vươn bay trong cảm xúc sáng tạo. Ngoài các tác phẩm múa nhỏ, tôi gặt hái kết quả nhiều tác phẩm múa lớn như kịch múa Người và ác thú năm 1978 - là một trong những sáng tác múa đầu tiên của nghệ thuật múa Việt Nam về đề tài chống bành trướng. Hình tượng “gã láng giềng áo đỏ” sau hóa thân thành con rắn độc chui qua hàng rào được khán giả đánh giá cao. Trong lần biểu diễn ra mắt cho hội nghị quân sự cấp cao do Đại tướng Hoàng Văn Thái chủ trì. Đại tướng đã dành tới hơn 30 phút trên sân khấu để nhận xét, khen ngợi tác phẩm.

Đến năm 1980, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, tôi xây dựng kịch múa Ăngcor bất diệt cho Đoàn Văn công Quân khu 5 đoạt Huy chương Vàng. Năm 1984, màn thơ múa Ngọn lửa Ba Tơ thành công với 2 tấm Huy chương Vàng toàn quốc, toàn quân và giải A - giải thưởng Bộ Quốc phòng 5 năm lần I.

Cho tới nay, mọi cảm xúc sáng tác của tôi hầu như bắt nguồn từ tình yêu dân tộc và cách mạng. Tôi luôn biết ơn sự cộng hưởng sáng tạo của các nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên nghệ sĩ múa và các nhà lãnh đạo, tổ chức đã luôn luôn tận tình, trách nhiệm giúp cho những ý tưởng ban đầu của tôi trở thành hiện thực để biểu diễn phục vụ cho đất nước, nhân dân.

L.H