Văn học, nghệ thuật phải lấy người dân làm chủ thể, mục tiêu và động lực sáng tác
Ngày 12/4/2023 Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Hội nghị thông qua Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), các tham luận, ý kiến trao đổi của Sở Văn hóa và Thể thao, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh,
Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Mỹ thuật thành phố, Huyện ủy Hòa Vang... Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã dự và phát biểu kết luận Hội nghị.
Tạp chí Non Nước gửi đến bạn đọc một số thông tin chính về kết quả xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Đà Nẵng và định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa văn học, nghệ thuật thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.
1.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế giúp văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng có cơ hội quảng bá rộng rãi với nhiều hình thức đa dạng; mở ra khả năng giao lưu, hợp tác và phát triển toàn diện. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển VHNT, giúp khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số; đồng thời tạo điều kiện cho người dân có khả năng tiếp cận các nội dung VHNT dễ dàng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia, khả năng sáng tạo và thụ hưởng các sản phẩm nhanh chóng, hiệu quả và có tính tương tác cao.
Trong lĩnh vực sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng ngày càng phong phú, đa dạng, về đề tài, đổi mới về hình thức thể hiện.
Vấn đề tự do sáng tác ngày càng được chú trọng, thành phố luôn quan tâm, tôn trọng, tạo thêm những điều kiện và không gian cho các văn nghệ sĩ. Thành phố luôn tạo điều kiện và ban hành một số cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động sáng tạo; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác, trại sáng tác, dự án VHNT phục vụ cộng đồng, sự kiện VHNT giao lưu - hợp tác quốc tế… Đến nay, lĩnh vực VHNT thành phố ngày càng được bổ sung thêm nhiều công trình, tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật.
Nhìn chung, hoạt động sáng tạo VHNT ngày càng giữ vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, nhiều mô hình sáng tạo độc đáo, phát huy ưu thế đặc thù các lĩnh vực VHNT, hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đã xuất hiện nhiều không gian sáng tạo, hoạt động sôi động và mới mẻ, tạo ra môi trường, động lực mới cho các văn nghệ sĩ tham gia hoạt động, phát triển sản phẩm sáng tạo, triển khai các dự án sáng tạo; đồng thời tạo điều kiện để công chúng dễ dàng tiếp cận, hưởng thụ các sản phẩm sáng tạo VHNT; từ đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo các lĩnh vực VHNT, tạo ra nhiều việc làm, góp phần xây dựng, phát triển hình ảnh “thương hiệu thành phố”.
Lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT của thành phố có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện chức năng định hướng phát triển VHNT của Đà Nẵng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hỗ trợ, củng cố, xây dựng được đội ngũ các cây bút trẻ tham gia công tác lý luận, phê bình VHNT, dám đấu tranh phản bác các khuynh hướng, hành vi sai trái, cực đoan, bảo vệ và phát triển đường lối văn hóa, VHNT của Đảng bằng nhiều hình thức: Tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề về: “Làm thế nào để trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng”, “Vấn đề quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng”, “Phát triển văn học nghệ thuật đối với lứa tuổi thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay”, “Phát triển văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi trong thời kỳ mới”... đã đề ra nhiều giải pháp để trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ, đưa tác phẩm VHNT đến với công chúng, chú trọng VHNT dành cho thiếu nhi trong thời kỳ mới...
Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học - Nghệ thuật đã được thành lập và đi vào hoạt động và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, chưa có nhiều công trình chuyên sâu, công phu và dài hơi; chủ yếu tập trung ở các chuyên ngành như văn học, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc; chưa có nhiều chuyên gia đầu ngành, đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận, phê bình hiện đang thiếu trầm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghệ thuật...
Nhìn chung trong những năm qua, công tác nghiên cứu, lý luận và phê bình VHNT thành phố đã có những bước phát triển đồng đều trên các lĩnh vực như mỹ thuật, văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, múa… góp phần khẳng định các giá trị thẩm mỹ, định hướng hoạt động sáng tạo và tiếp nhận VHNT. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT thành phố còn thiếu về số lượng, khả năng nhanh nhạy tiếp nhận và bám sát tình hình thực tiễn chưa cao, thiếu các bài viết, nghiên cứu chuyên môn sâu...
2.
Công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật được chú trọng. Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng là tổ chức thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; đồng thời là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng. Cơ quan Liên hiệp Hội hiện có tất cả 13 đầu mối trực thuộc, bao gồm: Tạp chí Non Nước, Trang Thông tin điện tử tổng hợp Văn nghệ Đà Nẵng, Văn phòng Liên hiệp Hội, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học - Nghệ thuật và 09 Hội chuyên ngành.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn, quảng bá các sáng tác văn học, nghệ thuật, từ năm 2009, UBND thành phố đã chỉ đạo Nhà hát Trưng Vương xây dựng Đề án củng cố và phát triển Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng và đội ngũ cán bộ, diễn viên, nhạc công, chất lượng hoạt động nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, cũng như yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển các hoạt động văn hóa của thành phố. Kết quả, các nhà hát đã tổ chức tốt các hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn; hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối ngoại của UBND thành phố và phục vụ nhân dân.
Trong những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ của thành phố không ngừng phát triển và luôn đồng hành với sự phát triển của thành phố, phát huy tinh thần cách mạng yêu nước, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị. Tham gia đóng góp, xây dựng văn hóa thành phố bằng các sáng tạo nghệ thuật. Tham gia góp ý các hoạt động văn hóa do Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức như toạ đàm “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố” do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức. Trao đổi, chia sẻ, thảo luận đưa ra nhiều góp ý, đề xuất, hiến kế những nội dung thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để phát triển văn học, nghệ thuật, góp phần phát triển văn hóa trên các lĩnh vực và xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố. Tham gia Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức, đưa ra nhiều kiến nghị, nguyện vọng, hiến kế và đề xuất những giải pháp đối với các cấp chính quyền thành phố về phát triển văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố.
Công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực sáng tạo cho lực lượng văn nghệ sĩ thành phố ngày càng được quan tâm hơn như: Duy trì thường xuyên trại sáng tác văn học, nghệ thuật và hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ tham gia các trại sáng tác do các Hội chuyên ngành Trung ương mở. Đồng thời Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo tàng Mỹ thuật, Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật thành phố duy trì tổ chức trại sáng tác văn học - mỹ thuật thiếu nhi hè định kỳ hằng năm từ 1998 đến nay, nhằm phát hiện và bồi dưỡng các tài năng sáng tác trẻ của thành phố. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành quan tâm đến việc nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, các hội thảo, tham dự các buổi nói chuyện về tình hình kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng trong nước và thế giới giúp cho văn nghệ sĩ nâng cao tính tư tưởng trong mỗi tác phẩm sáng tạo của mình.
Liên hiệp Hội, Ban Chấp hành các Hội chuyên ngành đã ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí của mình trong việc khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố phát huy tinh thần sáng tạo, tâm huyết, bám sát thực tiễn để sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cả về nghệ thuật, tư tưởng, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lãnh đạo thành phố đã nhận thức đúng đắn về tính đặc thù và có phương thức quản lý khoa học, phù hợp, có các chính sách linh hoạt đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật. Tư duy lý luận về văn học, nghệ thuật tiếp tục được đổi mới, bổ sung và phát triển. Công tác quản lý nhà nước đã chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn học, nghệ thuật. UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai công tác quy hoạch, xây dựng các công trình văn hoá, làm cơ sở để các cấp, các ngành triển khai thực hiện theo lộ trình. Hầu hết các thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư, nâng cấp, cải tạo đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, phát huy hiệu quả. Bên cạnh việc phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại với cách thức diễn đạt, thể hiện mới mẻ, độc đáo được quan tâm, đầu tư. Một số tác phẩm, công trình sáng tạo tiêu biểu, có giá trị về nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, nhìn một cách thẳng thắn, trong chỉ đạo, quản lý về văn học, nghệ thuật vẫn còn một số bất cập. Việc chỉ đạo thực hiện, triển khai các chủ trương, đường lối về văn học, nghệ thuật còn thiếu đồng bộ. Chưa làm rõ nội dung chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật làm cho nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa chú trọng đúng mức đến vai trò của văn học, nghệ thuật. Đầu tư cho văn học, nghệ thuật còn thấp. Một số Hội thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lãnh đạo, quản lý nên hiệu quả hoạt động không cao...
3.
Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng tiếp tục xác định văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Do đó, phát triển văn hóa nói chung và VHNT nói riêng phải ngang tầm với phát triển kinh tế.
Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm tự do sáng tạo VHNT; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Việt Nam; đồng thời hạn chế các lệch lạc, các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia tổ chức hội; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả.
Văn học, nghệ thuật phải lấy người dân làm chủ thể, mục tiêu và động lực sáng tác. VHNT phải góp phần hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ và các giá trị cốt lõi của dân tộc. Tác phẩm VHNT phải góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo ra sự thống nhất và đồng thuận xã hội. Văn học, nghệ thuật xây dựng các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới.
N.N