Sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng trong thời gian tới

09.05.2023
Đinh Thị Trang

Sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng trong thời gian tới

Một số công trình nghiên cứu của Hội văn nghệ dân gian thành phố.

Đà Nẵng là một trong những địa phương trên cả nước chứa đựng trong mình một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, từ lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đến ẩm thực, làng nghề truyền thống, các làn điệu dân ca... đây là kho tư liệu văn hóa dân gian vô cùng quý giá để những ai yêu thích văn hóa Đà Nẵng sưu tầm, nghiên cứu.

Trong những năm qua, Hội Văn nghệ dân gian thành phố đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho hội viên nhằm nâng cao năng lực điều tra, sưu tầm văn hóa dân gian. Trên cơ sở đó, Hội từng bước phát triển hội viên mới đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng tổng số lên 46 hội viên. Đến nay, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã xuất bản được rất nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị, đánh dấu sự phát triển của Hội, tiêu biểu như: Men rượu hồng đào (nhiều tác giả); Giai thoại đất Quảng (tác giả Hoàng Hương Việt); Tết xứ Quảng (tác giả Võ Văn Hòe), Câu đố xứ Quảng (tác giả Đinh Thị Hựu)... Đặc biệt, Hội đã xuất bản được nhiều công trình của tập thể hội viên như: Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng gồm 5 tập: Ca dao, dân ca đất Quảng, Chuyện kể dân gian đất Quảng, Tập tục lễ hội đất Quảng, Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng, Ẩm thực đất Quảng; Bảo tồn văn hóa dân gian Cơ Tu Huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng; Đà Nẵng 25 năm sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian... Hàng năm Hội cũng tập hợp các bài nghiên cứu, sưu tầm của hội viên để xuất bản ấn phẩm Xuân hàng năm.

Trong giai đoạn hiện nay, quá trình đô thị hóa trên địa bàn thành phố đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân; không gian văn hóa biến đổi dẫn đến nhiều tập tục, tập quán văn hóa dần biến mất nên việc bảo tồn văn hóa dân gian càng có ý nghĩa thiết thực. Bởi lẽ, thông qua các môi trường cộng đồng (gia đình, dòng họ, làng xóm, tộc người,...), văn hóa dân gian sẽ tác động đến việc hình thành các ứng xử của mỗi thành viên, hướng đến việc giáo dục lớp trẻ tốt hơn. Ngoài ra, văn hóa dân gian còn là nguồn lực và là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch, phát triển kinh tế. Do đó, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian không chỉ là trách nhiệm của Hội Văn nghệ dân gian mà còn cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và cộng đồng.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa văn nghệ dân gian. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu quan điểm "phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần"; nêu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế… nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu "phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".

Năm 2023 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng về công tác văn hóa, văn nghệ, là năm kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 25 năm nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (tháng 7-1998); tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW (năm 2008) của Bộ Chính trị "về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI, 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Những dấu mốc lịch sử nói trên tiếp tục khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng một sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo chính trị liên tục, sát sao, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...". Thành phố Đà Nẵng cũng tiếp tục chỉ đạo “phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với sự phát triển kinh tế”;  Ngày 27/12/2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố… Đó là những điều kiện thuận lợi để nghiên cứu văn hóa dân gian có nhiều cơ hội phát triển, đóng góp thành tựu của mình góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố.

Văn hóa dân gian là “mạch nguồn”, thậm chí như các nhà văn nói là “linh hồn” của văn hóa, cho nên vai trò của văn hóa dân gian là cực kỳ quan trọng. Văn hóa, văn nghệ dân gian không chỉ góp phần bồi đắp, giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua sự trao truyền bảo tồn nếp sống ở mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc mà còn phát huy lợi thế về đặc thù của mỗi địa phương. Vào những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ 20, đối tượng nghiên cứu chủ yếu của văn hóa, văn nghệ dân gian Đà Nẵng là văn học dân gian. Hướng tiếp cận chủ yếu là hướng tiếp cận nghệ thuật ngôn từ (ngữ văn học). Vào những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khoa học nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian đã mở rộng đối tượng. Từ nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian là chủ yếu chuyển sang nghiên cứu về văn hóa dân gian (lễ hội, tri thức dân gian, ngành nghề thủ công, phong tục tập quán,...). Hướng nghiên cứu này biến văn nghệ dân gian trở thành một ngành khoa học ứng dụng ở đô thị, nông thôn, góp phần phát triển nhiều ngành nghề thủ công, du lịch.

Đô thị hóa mang lại nhiều lợi ích về sự phát triển kinh tế, xã hội nhưng sự tác động quá trình đô thị hóa với văn hóa dân gian và ngược lại đang là quá trình tác động hai chiều, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian không những sớm chủ động nghiên cứu mà còn có nhiều đóng góp giải quyết những vấn đề phát triển của đô thị. Họ bắt đầu tập trung nghiên cứu một số vấn đề cấp bách của thực tiễn như: Nghiên cứu các đặc trưng sinh hoạt văn hóa dân gian (tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian…) có tác động đến đời sống cư dân đô thị, cả tích cực và tiêu cực. Từ đó đề ra các khuyến nghị, giải pháp để bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán… trong xây dựng con người mới; Nghiên cứu các sinh hoạt quan hệ của các nhóm xã hội, câu lạc bộ, quan hệ dòng họ, đồng hương chi phối đến đời sống xã hội của cư dân đô thị; Nghiên cứu những chợ phiên truyền thống, các loại hình kinh tế, phi chính thức (các nghề buôn bán kẻ, bán hàng quà bánh, “kinh tế vỉa hè”,…) ảnh hưởng đến kinh tế, nếp sống đô thị; Nghiên cứu sự di dân, dịch chuyển văn hóa từ nông thôn vào thành thị hình thành các nhóm cư trú riêng biệt mang đặc trưng văn hóa tộc người, tôn giáo tộc người và các địa phương khác nhau…

Như vậy, vai trò của người nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian cũng chuyển đổi từ người say mê sưu tầm vốn cổ trở thành nhà dân tộc học hay có khi là nhà tư vấn cho các doanh nghiệp du lịch. Nghiên cứu các vấn đề văn hóa dân gian luôn nằm trong các mối quan hệ với nhân học, dân tộc học. Những chuyên ngành này sẽ góp phần giúp nhà nghiên cứu tiếp cận dễ hơn một số vấn đề văn hóa dân gian. Khi ứng dụng những nghiên cứu nhân học, dân tộc học kết hợp văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian còn trở thành người tham gia đánh giá, thẩm định các chính sách, đưa ra các khuyến nghị phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng bền vững.

Trong công tác tìm kiếm các tư liệu, quảng bá công trình nghiên cứu cũng có nhiều thay đổi. Công nghệ số đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong việc tiếp cận những tư liệu mới. Một số tư liệu nhà nghiên cứu có thể tìm được trên các thư viện số, phạm vi tìm kiếm cũng rộng lớn hơn, không chỉ ở Việt Nam mà có thể tìm được các tư liệu lưu trữ của các thư viện, bảo tàng trên thế giới. Khi có công trình nghiên cứu được xuất bản, thì việc quảng bá cũng dễ dàng thực hiện qua rất nhiều kênh từ báo chí, truyền hình cho đến các ứng dụng, các mạng xã hội. Thông qua đó, các nhà nghiên cứu có cơ hội học hỏi, trao đổi dẫu cho đang ở những nơi cách xa nhau về không gian, thời gian.

Lực lượng hội viên là các nhà nghiên cứu cũng ngày càng tăng lên về số lượng cũng như chất lượng. Ngoài có sẵn đam mê, thì nay, lực lượng hội viên được đào tạo trường lớp ngày càng đông, có những phương pháp tiếp cận đa dạng và bài bản hơn. Từ đó có thể đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp bảo tồn vốn văn hóa dân gian, ứng dụng được các tri thức vào cuộc sống hiện đại.

 Trong những năm qua, Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã luôn đồng hành cùng hội viên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, bên cạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ hội viên sưu tầm nghiên cứu, thì việc phát triển hội viên cũng là một mục tiêu quan trọng của Hội. Hội đã hướng đến kết nạp hội viên có trình độ, có đam mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Đối tượng kết nạp hội viên nên mở rộng ra các trường đại học, nhất là những sinh viên khoa xã hội nhân văn, các nhà nghiên cứu tại các viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố. Đây là đối tượng được đào tạo bài bản, có phương pháp nghiên cứu khoa học, cập nhật được nhiều kiến thức mới, tài liệu nghiên cứu nước ngoài thông qua nền tảng công nghệ số. Bên cạnh đó, các cán bộ là các chuyên viên phòng văn hóa thông tin tại các phường, quận huyện trên địa bàn thành phố cũng là nguồn phát triển hội viên tốt. Đây là những người được tiếp cận trực tiếp và có nhiều thông tin về các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian tại địa bàn sinh sống. Việc tập hợp tư liệu sống của họ sẽ có nhiều thuận lợi cho việc điều tra, điền dã những vốn văn hóa, văn nghệ dân gian.

Ngoài ra, việc từng bước trẻ hóa đội ngũ hội viên cũng đóng vai trò quan trọng, tiếp nối. Từ trước đến nay, quan niệm về những nhà sưu tầm nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian thường phải lớn tuổi mới đạt độ chín, có nhiều kinh nghiệm. Điều này đúng khi chúng ta thấy được những thành tựu mà hội đã đạt được những năm qua có sự đóng góp rất lớn của những nhà nghiên cứu kỳ cựu như: Trần Hồng, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng, Võ Văn Hòe… Tuy nhiên, hiện nay cũng rất cần những nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản, có phương pháp nghiên cứu khoa học tiếp nối, học hỏi để kế thừa và phát huy được những thành tựu mà các nhà nghiên cứu kỳ cựu đã mở đường.

Song song với việc phát triển hội viên, trong thời gian tới, việc tổ chức đi điền dã thực tế tại một số địa phương, các hội thảo, tọa đàm về các chuyên đề nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Hội cũng như kết nạp những hội viên mới. Đây là công việc hết sức cần thiết góp phần nâng cao khả năng sưu tầm, nghiên cứu cho hội viên. Trong những hoạt động trao đổi này, Hội cần mời một số nhà nghiên cứu kỳ cựu, có bề dày về hoạt động nghiên cứu đến trao đổi với hội viên, góp phần tích lũy kinh nghiệm và học hỏi, gợi mở thêm nhiều hướng nghiên cứu mới. Ngoài ra, tạo được không khí sinh hoạt học thuật góp phần đoàn kết hội viên, tạo thêm nhiều động lực cho công tác Hội.

Những ý kiến vừa nêu trên không phải là đầy đủ, nhưng hy vọng sẽ có ích cho công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, nhằm giữ gìn, phát huy, kế thừa những tinh hoa văn hóa văn nghệ dân gian phong phú, quý báu của thành phố Đà Nẵng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đ.T.T