Thơ Trần Ngọc Trác
Tác giả Trần Ngọc Trác (còn có bút danh là Trần Trọng Văn) sinh năm 1958 tại làng Trúc Lâm, xã Hương Long, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sống và viết ở Đà Lạt từ năm 1979 đến nay. Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng khóa IV (2007-2012).
Tác phẩm đã xuất bản: Trần Ngọc Trác đã in riêng trên 7 tập thơ, trong đó có các tập Hoa trinh nữ (NXB Văn nghệ, 1990); Hương lửa (NXB Văn học, 2001); Ngọn gió lang thang (NXB Hội Nhà Văn, 2006); Sắc hoa Đà Lạt (NXB Hội Nhà văn, 2007); Khuôn trăng (NXB Hội Nhà văn, 2007); 11 tập ký, ghi chép, sưu khảo và cảm nhận. Ngoài ra anh còn là chủ biên của 14 ấn phẩm VHNT; Viết kịch bản, cố vấn chương trình cho 33 tập phim ký sự tài liệu của VTV như: Đà Lạt ký (12 tập); Chuyện cũ Đà Lạt (07 tập); Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du (05 tập); Kỳ nhân xứ sương mù (09 tập).
Giải thưởng văn học đã đạt được: Giải C (không có giải A) Giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020 cho tập ký, ghi chép: “Nguyễn Đức Phúc - chuyện thật như đùa”; Giải thưởng thơ về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ cảnh vệ Công an Nhân dân” của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (1/ 2023); Và nhiều giải thưởng khác về phim tài liệu văn nghệ truyền hình vào các năm 1999, 2001, 2009, 2019…
Khuôn trăng
Gió ào ạt
thổi ngang bầu trời em, vần vũ mây
Gió vờn trên má em tấy lên những liềm môi;
Sấm bật dậy
từ ngoài bãi hoang
thổn thức vỗ lòng đêm lặng tắt.
Mưa gió như trêu ngươi em
lội qua những cánh đồng tức tưởi
Em vẫn một mình đi về phía có trái tim mời gọi.
Đất dưới chân anh như vụn vỡ,
Những ẩn chứa bên trong của tầng tầng địa chất
không còn kịp đúc thành khuôn thước
bền bỉ giữ lấy chân người;
Mắt anh lóa lên
không phải ánh nhòa của mặt trời chiếu thẳng
mà từ ruột gan xa xót đợi chờ em, thương em, đi về phía trái tim mời gọi.
Gió lặng,
vết thương bầm trên da thịt mặt trời.
Khuôn mặt em tràn ngập ngày xưa
tóc bím trải dài vắt qua bờ lưng ở lại
làm tê tái người xa năm tháng đợi chờ.
Ký ức ùa về
Gió mưa có thành bão tố
tàn phá những ngôi nhà, miếu cổ
Không thể dập tắt ý nguồn vượt lên từ trái tim yêu.
Ký ức bộn bề
những nét chấm phá thẳm sâu tận cùng
Giãn ra một bầu trời trong suốt.
Em tự nhận mình đểnh đoảng
khước từ những cuộc rong chơi vô bổ;
khước từ những gương mặt
tưởng rằng quen mà lạ;
khước từ những khuôn trăng đầy đặn của đêm.
Anh nhận ra trong mắt em gợn đỏ
Nỗi buồn giăng mùa bão tố.
Anh nhận ra em.
Bình yên quê mẹ
Dẫu có dọc ngang khắp bốn phương trời,
Cũng nhỏ bé trước bình yên quê mẹ.
Ta là ai? Lưu manh hay tử tế
Quê mẹ nghèo vẫn giang rộng vòng tay…
Gió hào phóng trước đường sông rộng,
Chim chuyền cành thảng thốt sương rơi.
Cây cỏ cũng mềm như hơi thở,
Luỹ tre làng xao lá đầy vơi.
Em ra đứng bờ ao gió hát,
Mẹ trầm tư trăng sáng trong khuya.
Cha thong thả ngâm câu Kiều lưu lạc,
Nhấp chén rượu nồng thương nỗi phù sinh.
Cây vẫn trổ hoa. Và nhà thêm cảnh
Mưa gió quê mình thuận thảo như xưa.
Lúa ở ngoài đồng đẻ thêm nhiều nhánh,
Hàng giậu, bờ ao xao xác gà trưa…
Trước quê hương, nhận ra mình có lỗi,
Bao năm đi không chịu quay về?
Tấm lòng mẹ giang tay đón đợi,
Đứa con còn biền biệt xa kia!
Lẽ nào có cuộc chia ly
Em ơi, ở lại cùng bà
Chị ra với mẹ giữa tòa ly hôn.
Trông cha nét mặt trầm hơn,
Càng thương đời mẹ tảo tần sớm khuya.
Vì đâu nên cuộc chia lìa,
Trời cao xanh gió đi về nơi nao
Đắng lòng nhìn mẹ gầy hao,
Mấy lần sinh nở còn đâu dáng hình.
Trước tòa, mẹ bỗng lặng thinh
Nước mắt thấm đẫm mối tình ngày xưa.
Một thời mẹ cũng yêu thơ,
Yêu cha, yêu cả đợi chờ tháng năm.
Thân gầy một tấm lòng son
Càng thương đời mẹ mỏi mòn tuổi xuân.
Cha buồn nét mặt trầm hơn,
Thương cha với mẹ một lần vào đây...
Khói bay trên ngón tay gầy
Đời cha như bóng phù vân cuối trời.
Lỡ lầm một phút đầy vơi,
Tiếng lòng ai xé ngang trời buồn tênh.
Trước tòa cha mẹ lặng thinh...
Im lặng
Chẳng ai chịu nói một lời,
Một lời thôi cũng rối bời trái tim.
Hai người như thóc lặng im,
Chỉ thương ngọn cỏ chết chìm trong tay.
T.N.T