Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng ngời về thực hành chữ NHẪN

09.05.2023
Vân Trình

Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng ngời  về thực hành chữ NHẪN

Giáo sư Vũ Trọng Khánh trong cuốn Văn hóa gia đình Việt Nam cho rằng: “Nhẫn là một quan niệm triết học hẳn hoi. Được võ trang bằng chữ nhẫn, con người có thể có một sức mạnh tinh thần, sẵn sàng đối phó với bao thách đố, và tin tưởng vào tương lai. Biết nhẫn, là tạo cho mình cái tính: dũng cảm và bình tĩnh. Biết nhẫn là phải có tình, cái tình sâu sắc mà chân thành hơn bao giờ hết… Trong đấu tranh cách mạng, không biết nhẫn, không tạo ra được thời cơ và không đối phó được với bao nguy cơ dồn dập”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sinh động về thực hành chữ nhẫn - đây cũng là yếu tố làm nên cốt cách,  đạo đức của Người và “văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh”.   

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, khi còn bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tại lớp huấn luyện chính trị ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - nơi đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc ấy lấy bí danh là Lý Thụy) đã có bài giảng về “Tư cách một người cách mệnh”, nêu lên những đức tính cần phải có của một người cách mạng, trong đó có đức tính“nhẫn nại (chịu khó)”.

Không dừng lại ở lời nói, bài giảng, trên thực tế, đức tính nhẫn nại luôn theo suốt Người trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú hơn 60 năm của mình.

Trong những năm tháng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp 13 huyện và khoảng 30 nhà giam ở Quảng Tây, Trung Quốc (từ 29.8.1942 đến 10.9.1943), khổ ải, đọa đày của chốn lao lung không hề khuất phục được ý chí sắt đá của người tù vĩ đại. Yếu tố làm nên chất người cộng sản Hồ Chí Minh không gì khác chính là sự nhẫn nại, thái độ dũng cảm đối mặt và lòng quyết tâm vượt lên trên mọi hoàn cảnh éo le:

Kiên trì và nhẫn nại,

Không chịu lùi một phân,

Vật chất tuy đau khổ

Không nao núng tinh thần.

(Nhật ký trong tù)

Sở dĩ Hồ Chí Minh thực hành thành công chữ nhẫn, trước hết vì Người có trí tuệ mẫn tiệp và tầm nhìn xa trông rộng, thấy trước được “thiên cơ”, nắm vững quy luật tất yếu khách quan của lịch sử:

Sự vật vần xoay đà định sẵn.

Hết mưa là nắng hửng lên thôi.

(Nhật ký trong tù)

Sau Cách mạng Tháng Tám, nền độc lập còn non trẻ của nước nhà đứng trước thử thách nghiêm trọng bởi nạn thù trong, giặc ngoài, tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thế nhưng, vị Cha già dân tộc không hề nao núng, rất khôn khéo, thận trọng trong từng đường đi, nước bước. Người xác định cho toàn Đảng, toàn dân: “Chính sách của ta hiện nay là chính sách Câu Tiễn, nhưng nhẫn nhục không phải là khuất phục”. Trong cuốn Nhớ gì ghi nấy, nhà văn Nguyễn Công Hoan cho hay: “Trước ngày 6/1/1946, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta, nhiều thế lực phản động, thù địch chống phá ta. Chúng tổ chức biểu tình tại số nhà 80 - Quán Thánh, Hà Nội, đồng thời không tham gia ứng cử. Ông Trần Huy Liệu (lúc này là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời) cáu lắm, chủ trương trị chúng. Cụ Hồ bảo: Kệ nó, thế nào nó không xin được có ghế trong Quốc hội. Trần Huy Liệu không tin. Cụ Hồ ôn tồn: Nào, tôi đánh cược với chú? Quả nhiên, sau đó, bọn Việt quốc xin 50 ghế và Việt cách 20 ghế (không phải qua bầu cử). Cụ Hồ hỏi ông Trần Huy Liệu: Nào, chú đã thua cuộc chưa? Trần Huy Liệu thưa: Vâng, xin chịu thua. Bởi vì tôi không ngờ là chúng nó bần tiện đến thế!”

Ngày 28.02.1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết, theo đó Tưởng nhường cho Pháp được đưa quân ra miền Bắc Việt Nam thay thế số quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Pháp nhường cho Tưởng một số quyền lợi kinh tế, chính trị ở Trung Quốc. Sau khi ký kết, quân Tưởng không chịu về nước mà vẫn cố tình ở lại nước ta tranh thủ vơ vét. Quân Pháp do lực lượng có hạn nên muốn đàm phán với ta để được hòa bình đem quân ra miền Bắc. Trong khi đó, bọn tay sai của Tưởng (Việt quốc, Việt cách) lại ra sức kích động, ngăn cản ta đàm phán với Pháp, âm mưu đẩy ta vào cuộc chiến tranh quá sớm khi lực lượng chưa chuẩn bị xong. Cách mạng Việt Nam đứng trước một tình thế hiểm nghèo, nhân dân Việt Nam đứng trước sự lựa chọn giữa một trong hai con đường: đánh hay là hòa với Pháp. Với cái tâm trong sáng (một lòng vì nước, vì dân) và lòng dũng cảm, Đảng, Chính phủ ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, quyết định nhân nhượng nhưng có tính nguyên tắc: “hòa để tiến”. Ngày 6.3.1946, Hiệp định sơ bộ giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Cộng hòa Pháp (đại diện là Xanh-tơ-nuy) đã được ký kết. Nhân cơ hội này, bọn phản động trong nước điên cuồng bôi nhọ, vu cho Bác và Chính phủ là “bán nước”, “phản bội lợi ích dân tộc”… Lịch sử sau này đã chứng minh hành động của Bác là cực kỳ sáng suốt và đúng đắn: Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 rõ ràng là bước đi ngoạn mục để đuổi 20 vạn quân Tàu Tưởng ra khỏi miền Bắc, tránh việc cùng một lúc ta còn yếu phải đối phó với nhiều kẻ thù; buộc Chính phủ Pháp phải công nhận trên pháp lý Việt Nam là một quốc gia tự do; kéo dài thêm một thời gian hòa bình quý báu để xây dựng lực lượng, chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài mà ta biết rằng sẽ không tránh khỏi; đồng thời, thể hiện thiện chí hòa bình của ta, tranh thủ thêm sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới. Giáo sư Vũ Trọng Khánh nhận định rất xác đáng rằng: “Không biết nhẫn, Hồ Chí Minh không ký được Hiệp định mùng sáu tháng ba”.

Tháng 5.1946, khi Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán đã gửi gắm, dặn dò lại giao quyền Chủ tịch nước cho Huỳnh Thúc Kháng một câu nổi tiếng: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Ý sâu xa của Bác là: cần vì cái chung mà tạm gác việc riêng, hãy vì cái đại cục mà bỏ qua cái tiểu tiết, phải đặt vận mệnh quốc gia, an ninh của dân tộc lên trên hết. Đó cũng là một biểu hiện sinh động của việc hiểu và vận dụng chữ nhẫn vào thời điểm đặc biệt của lịch sử nước nhà. Tính mục đích phải luôn cứng rắn nhưng biện pháp để đạt mục đích phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo. Chính nhờ thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo này mà cụ Huỳnh và Chính phủ đã lãnh đạo giữ vững được chính quyền cách mạng còn non trẻ, đập tan âm mưu đảo chính của bọn Việt gian phản động, tiêu biểu là khám phá và đưa ra ánh sáng vụ án phố Ôn Như Hầu.

Chữ nhẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hành không chỉ trong đấu tranh cách mạng mà cả trong quan hệ đồng chí, đồng bào. Các nhà nghiên cứu thống nhất đi đến nhận xét: Ở Hồ Chí Minh, nhẫn không phải là “dĩ hòa vi quý” mà là hình thức đấu tranh: đấu tranh thầm lặng, đấu tranh có lý, có tình để đi đến thắng lợi cuối cùng theo tinh thần: dùng sức tối thiểu mà giành thắng lợi tối đa. Nhẫn là kết quả của sự kết hợp hài hòa và tuyệt vời giữa nhân và trí, giữa tình cảm nồng nàn và lý trí sáng suốt. Sinh thời, Thủ tướng Ấn Độ Nêru từng ca ngợi: Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một lãnh tụ có sự hài hòa hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên quyết nhất”. Có thể nêu ra đây một vài dẫn chứng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuốn Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp đã kể lại rằng: “Trong nhiều năm ở gần Hồ Chí Minh, không một trường hợp nào tôi thấy Bác bực tức ra mặt, làm tổn thương dù một thoáng qua người đồng chí của mình. Đây là điều đến bây giờ hồi tưởng lại tất cả, tôi lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Về cá nhân tôi, tôi thấy cần phải nói ra đây một câu chuyện khiến cho đến bây giờ, sau nhiều thập kỷ, tôi vẫn còn xúc động. Đây là một lỗi lầm của tôi, có ảnh hưởng không hay đến một việc Bác dự định làm. Mặc dù vậy, Bác chỉ nói với tôi vỏn vẹn có một câu: “Chú làm hỏng việc”. Phải là một con người giàu lòng khoan dung, độ lượng mới có thể xử sự một cách nhân ái như vậy. Chính thái độ này là một bài học mãi mãi ghi sâu trong ký ức tôi”. Đối với nhân dân cũng vậy. Bác luôn nhắc nhở phải dùng vận động, thuyết phục để đi đến thống nhất trong nội bộ. Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ (đăng báo Cứu quốc số 255, ngày 1.6.1946), Bác khuyên: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn, dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Ngay cả với những kẻ lầm đường lạc lối, Người vẫn chủ trương phải biết tha thứ, khoan dung, kiên trì cảm hóa: “Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ. Ai cũng có lòng yêu nước, chẳng qua có lúc vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn. Nói lẽ phải họ tự nghe” (Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, ngày 23.10.1946).

Năm tháng đi qua, thời thế biến đổi song nội hàm của chữ nhẫn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiết nghĩ vẫn luôn có giá trị bất biến, xứng đáng là di sản tinh thần, là bài học quý báu trong quá trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa Tổ quốc ta vững bước đi tới đài vinh quang, sánh vai với bè bạn trong khu vực và trên hoàn cầu.

V.T