Những khoảnh khắc đích thực của tình yêu vĩnh cửu*
Tiểu thuyết Tình yêu vĩnh cửu, NXB Hội Nhà văn, 2022.
Thoạt đầu, mới nhìn trang bìa với bông hồng và nhan đề Tình yêu vĩnh cửu của Trần Thiên Hương - một cây bút nữ, những tưởng là câu chuyện về tình yêu đôi lứa hay cũng gần với kiểu tiểu thuyết ngôn tình. Nhưng khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, tôi thật bất ngờ với những trang viết vừa êm dịu vừa dữ dội, bên những trường đoạn khiến người đọc cảm giác nghẹn ngào, nghẹt thở là những trường đoạn bung nở, thăng hoa. Dễ nhận ra ở đây sự hòa quyện tình yêu lứa đôi với tình yêu quê hương, đất nước, số phận cá nhân gắn với cộng đồng nhưng điều đáng nói là âm hưởng sử thi không lấn át cảm hứng thế sự, đời tư và xen lẫn các yếu tố văn hóa, tâm linh đã tạo nên màu sắc khác lạ, hiện đại trên nền thi pháp tiểu thuyết truyền thống.
Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết mang tính “liên quốc gia” và “xuyên lãnh thổ” từ trong nước đến nước ngoài, từ Bắc vào Nam, từ rừng núi đến đồng bằng, đô thị rồi biển cả, đại dương với đông đảo nhân vật xuất thân từ những vùng miền “xuyên địa lý”. Do vậy những câu chuyện được kể gắn với những không gian, thời gian không tuân theo trình tự diễn biến, tuyến tính mà bao gồm những mảng quá khứ “đồng hiện” với những mảng hiện tại, đương thời. Tiểu thuyết Tình yêu vĩnh cửu vừa phản ánh cái bất thường, ngẫu nhiên của con người vừa tái hiện những nhân duyên định mệnh của số phận, vừa là cái êm đềm, yên tĩnh bên ngoài, lại có cái sóng ngầm cuộn xoáy bên trong và tựu trung vẫn là sợi dây ràng buộc của tình máu mủ, cốt nhục, của hơi ấm tình thương, của những điều căn cốt nhất với mỗi cá thể: “… sinh ra từ tình yêu. Sống trong tình yêu. Và gắn kết với nhau cũng bởi tình yêu”.
Với lối kết cấu đa tuyến, chồng chất biến cố, dồn dập sự kiện trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, từ khởi nghĩa Yên Thế dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám chống Thực dân Pháp cuối thế kỷ 19 đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, thống nhất đất nước 1975, và bước vào thời kỳ đương đại. Trên những cột mốc thời gian ấy, tất cả sự kiện và con người được tái sinh trong bầu khí quyển đan xen chiến tranh và hòa bình, cống hiến và hưởng thụ, với các cung bậc cảm xúc, các tình huống ứng xử, các thử thách ngặt nghèo, các trải nghiệm tận cùng giữa sự sống và cái chết, hướng tới sự hòa hợp, hòa giải mang tính nhân bản. Điểm nhìn nghệ thuật ở ngôi thứ ba và thứ nhất, có đối thoại và độc thoại với kết thúc nhìn chung là có hậu. Người đọc hồi hộp theo dõi các tình tiết: quân Đề Thám bắt cóc Kiều Trang và Jonathan, Kiều Trang được bà lão nghèo cưu mang. Con tàu mang tên Chiến thắng chở Kiều Trang và Jonathan trên hải trình về Việt Nam gặp bão bị đắm và Jonathan mới chớm yêu Kiều Trang đã bị chìm dưới đáy đại dương, còn nàng may mắn nằm trên lưng cá Voi thoát chết. Hoàng Hoa Thám dùng nước bài giả quy hàng Pháp để gây dựng và củng cố lực lượng, trở thành “vua” của núi rừng Yên Thế. Chiêu, người giúp việc tin cậy và quả cảm của Đề Thám hy sinh vì nghĩa cả. Nhân vật An, giọt máu của bà Kiều Trang và ông Chiêu, tìm được mẹ ở một tu viện rồi được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động tình báo, đưa cả gia đình di cư vào Nam. Cháu gái Trâm Anh của bà Kiều Trang cùng các cố vấn Mỹ tử nạn vì máy bay trúng đạn du kích ở cao nguyên Trung phần. Bà Kiều Trang dựng vợ gả chồng cho cháu Bảo Toàn và Lệ Thu. Sau 30 tháng 4, những cuộc di tản, trại tị nạn ở Hồng Kông, mối tình của Nguyên Anh (cháu gái út của bà Kiều Trang) với Thuyên… Theo lối kết cấu mang cảm quan “lịch sử - sự kiện” như vậy, quá khứ và ký ức luôn có mặt ở hiện tại rồi liên tục “chuyển kênh” gây sự bất ngờ, với những diễn biến khá ly kỳ, kích hoạt trí tò mò, thị hiếu thẩm mỹ cho người đọc. Trong cảm hứng sáng tạo của mình, chủ thể viết đã có ý thức diễn giải quá khứ, lịch sử, đưa đến một cái nhìn nhân văn và “sòng phẳng” hơn với bên “thua cuộc”. Với toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trong nhiệm kỳ của mình là “một người có công lao đối với một nước thuộc địa”, đã cho xây dựng những cây cầu thế kỷ: cầu Long Biên, Tràng Tiền, Bình Lợi; cảng quốc tế Hải Phòng, đường sắt xuyên Đông Dương, qua Vân Nam; lập ra các học viện nghiên cứu: viện Viễn đông Bác cổ Pháp EFEO, Đại học Y, Viện Pasteur Nha Trang. Trong phiên tòa xử Tam phu nhân, ngài toàn quyền đã ra tay cứu xét bà thoát khỏi tội chết bắt đi đày 10 năm ở Anger, nhận cô gái nhỏ Hoàng Thị Thế của bà và Đề Thám làm con nuôi, hết nhiệm kỳ đưa về Pháp. Với trường hợp một trung úy Việt Nam Cộng hòa đã cứu cô du kích nuôi năm anh lính Giải phóng dưới hầm bí mật bị bắt và sau khi chiến tranh kết thúc, họ đã nên vợ nên chồng. Trong chiến tranh, nhiều khi trong tình thế hiểm nguy đã “sáng lên tình người cao đẹp. Tình yêu nhen nhóm lên từ đó. Chiến tranh có thể cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, nhưng nó không thể dập tắt được tình yêu chân thành đã được thử thách qua bom đạn và sự nghiệt ngã của số phận khi hai người ở hai đầu chiến tuyến”.
Nhưng yếu tố cốt lõi níu giữ người đọc của tiểu thuyết là con người đã sống như thế nào trên nền những biến cố của lịch sử và thời cuộc từ cuối thế kỷ 19 đến đương đại. Với “chiến lược tự sự” của mình, tác giả của Tình yêu vĩnh cửu luôn hướng tới cái đẹp, cái đích thực của tình yêu: “Tình yêu nâng ta lên cao - vượt qua những khổ đau của một kiếp người”, và đặc biệt hướng tới những con người trong một gia đình ba thế hệ mà nhân vật Kiều Trang là sợi dây kết nối những người thân trong gia đình, cùng họ nếm trải những thăng trầm, ấm lạnh của cuộc đời, có tình yêu dẫn đến hôn nhân (Kiều Trang và Chiêu) và cả những hôn nhân do sắp đặt cũng đem đến tình yêu và hạnh phúc (An và Băng Tâm), miễn đó là những năm tháng họ thực sự sống với tình yêu. Trước đây các tiểu thuyết Dưới chín tầng trời (Dương Hướng), Cõi mê (Triệu Xuân), Luật đời và cha con (Nguyễn Bắc Sơn) đã thể hiện những vấn đề của dòng tộc, của các thế hệ trong một gia đình, trình hiện cả một thế kỷ vô vàn biến động và đổi thay, đặt con người vận hành theo cơ chế của đời sống đầy những va đập, gấp khúc trong đường đời và thân phận, với Tình yêu vĩnh cửu cũng không là ngoại lệ. Nhưng cái khác ở tiểu thuyết này là thời gian dài rộng hơn vắt qua hai thế kỷ 19, 20, các nhân vật không có sự bầm dập, những vết dập xóa trong thân thể và tâm hồn bởi xung đột căng thẳng, khốc liệt của con người và xã hội. Bằng diễn ngôn lấy “giọng dịu mềm mà gào thét”, Trần Thiên Hương khơi sâu vào thế giới tình cảm của con người, lấy tình yêu thương hóa giải con người. Không khó nhận ra trong cách thức xây dựng nhân vật, nhà văn đã lấy hình ảnh bà Kiều Trang như một khuôn mẫu để tạo dựng những nhân vật thế hệ tiếp nối từ nhân vật An, con trai duy nhất kết tụ tình yêu của bà và Chiêu, một nghĩa quân mưu trí và dũng cảm của Đề Thám đến thế hệ cháu như Trâm Anh, Bảo Toàn và Nguyên Anh đều là kiểu nhân vật trai tài gái sắc, hội đủ vẻ đẹp ngoại hình và cốt cách. Bà Kiều Trang và các con, cháu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, danh giá, có học vấn, hiện đại và văn minh trong cách giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người, con người và đời sống. Các thành viên trong nếp nhà quyền quý và dòng dõi đó đều yêu nước, đều phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, trực tiếp như ông An hay gián tiếp như Bảo Toàn và Trâm Anh trong hoạt động tình báo một cách hiệu quả, đem đến cho tổ chức những tin tức thời sự và cập nhật, tránh tổn thất cho cách mạng. Ngay trong tình yêu, mỗi nhân vật cũng đều bộc lộ suy nghĩ và tình cảm cá nhân bằng một “trái tim thông minh”. Trong cuộc đời gần một thế kỷ của mình, bà Kiều Trang đã nghiệm ra tình yêu đích thực “phải là sự hòa hợp và gắn kết của ba yếu tố tâm hồn, trí tuệ và thể xác”. Để có sự hòa quyện ấy mỗi người luôn nuôi dưỡng mơ ước, niềm tin và hy vọng. Những điều đó đã tác động tích cực đến sự lựa chọn của Trâm Anh trong quan hệ với vị giáo sư dạy cô bên Mỹ, dừng lại ở tình bạn đồng nghiệp thuần túy chứ không là bạn gái. Với cô cháu gái út Nguyên Anh lời tâm sự của bà còn hiệu nghiệm hơn khi chọn Thuyên, một họa sĩ đã trải qua những cuộc tình chóng vánh đầy cay đắng và nhục nhã làm bến đỗ tình yêu của mình. Nếu mối tình của Kiều Trang và Chiêu hòa quyện trong sự rung động tới đỉnh của dâng hiến và tận hưởng đầy bi thương, lãng mạn thì tình yêu của Nguyên Anh và Thuyên đời hơn và gợi hơn, là sự cuộn xiết đến tận cùng bản thể. Tình yêu đã giúp trái tim tưởng như chai sạn của Thuyên hồi sinh, đã khiến cô gái sống trong nhung lụa như Nguyên Anh nhận ra: “cuộc đời phải là những chuyến đi, là khám phá thế giới và khám phá chính bản thân mình”, là những phút giây sống với tình yêu đích thực.
Có thể nói với cuốn tiểu thuyết khá dày dặn của mình, Trần Thiên Hương đã thể hiện nội lực sáng tạo dồi dào, sức tưởng tượng phong phú, phông văn hóa sâu rộng cùng bút pháp khá điêu luyện (kết hợp thực và ảo), đem đến những khoái cảm thẩm mỹ nơi người đọc. Trong tiểu thuyết có sự “lấn sân” và phối xen vào nó những truyền thuyết, những giấc mơ, những bài thơ, những câu chuyện đời thường về văn hóa bản địa và thế giới cùng vẻ đẹp của thiên nhiên, đặc biệt với ánh trăng huyền thoại đã mở rộng đường biên sáng tạo, đem đến những kiến văn bổ ích và lý thú trong mỹ cảm và tiếp nhận của người đọc. Đến với tiểu thuyết của một của cây bút nữ từng trải, lại thiên về tình yêu và cái đẹp như Trần Thiên Hương là đến với những nhân vật mang màu sắc lý tưởng hóa, đó cũng là một khía cạnh làm nên “đặc trưng’ bút pháp của chị, vì lâu nay người đọc đã quen với các kiểu nhân vật tha hóa, cô đơn, nghịch dị xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết đương đại. Song bên cạnh cách chăm sóc đầy “ưu ái” và thiên vị của ngòi bút tác giả với kiểu nhân vật lý tưởng cũng giảm đi phần nào chất đời, hay là cá tính của nhân vật. Trong sự dày dặn dung lượng (558 trang) của tiểu thuyết cũng không tránh khỏi cái ôm đồm, dàn trải mà nhà văn nên điều tiết hơn trong cảm hứng viết của mình.
Trước Tình yêu vĩnh cửu, bạn đọc đã làm quen Trần Thiên Hương, cây bút nữ xứ Quảng qua tập truyện và ký Dưới chân núi chúa, tự truyện Thu Bồn lặng sóng và tiểu thuyết Khi chim én bay về. Có lẽ không phải ngẫu nhiên đến hôm nay, tác giả đã nhập Khi chim én bay về (phần 1) cùng một mối với Tình yêu vĩnh cửu (phần 2) nhằm làm liền mạch câu chuyện tình xuyên thế kỷ với minh chứng “có một tình yêu vĩnh cửu trong tiểu thuyết của Trần Thiên Hương”.
N.B.T