Nỗi niềm khắc khoải cách biệt trong “Chờ ông đại tướng về”

09.05.2023
Lê Thị Hồng Diễm

Nỗi niềm khắc khoải cách biệt trong “Chờ ông đại tướng về”

Bìa cuốn Truyện ngắn tuyển chọn của nhà văn Bùi Công Dụng

Nhà văn Bùi Công Dụng sinh năm 1950, là người con của mảnh đất Đà Thành. Ông đã có rất nhiều tác phẩm ra mắt bạn đọc với nhiều thể loại từ truyện ngắn, đến tiểu thuyết, ký sự, như tác phẩm: Ký sự Sơn Trà, Thuyền độc mộc, Hãy giữ bản tình ca,… Qua những tác phẩm đó có thể nhận thấy ở ông một văn phong gần gũi, bình dị, thể hiện những vấn đề thường nhật trong cuộc sống con người. Đặc biệt trong tác phẩm của nhà văn, luôn mang lại cảm giác hoài niệm và tầng tầng ý nghĩa. Qua sự trau chuốt, tỉ mỉ trong các lời thoại, đã tạo nên một “đứa con” hoàn mỹ, lay động trái tim độc giả bởi sự đồng cảm và thấu hiểu.

Có phải chăng, nỗi buồn của đứa trẻ đi tìm hình bóng người cha, người mẹ thân yêu khuất bóng, luôn là điều khiến cho con người khắc khoải, đau nhói. Đọc tác phẩm truyện ngắn Chờ ông đại tướng về của nhà văn Bùi Công Dụng dường như có sự đồng điệu với nội dung của bài hát Đến giờ cơm của nhạc sĩ Minh Cà Ri, khi hình ảnh những đứa trẻ thơ phải cố gắng chờ đợi một sự xuất hiện chỉ là vô vọng nhưng không hề hay biết.

Ngôn ngữ trần thuật được tác giả lựa chọn sử dụng trong Chờ ông đại tướng về là lời trần thuật của nhân vật tôi, ngôi thứ nhất. Câu chuyện được người trong cuộc kể về cuộc đời của chính mình khiến mức độ tin cao. Nhân vật tôi kể lại cuộc chờ đợi khi mình là cậu bé lên năm tuổi, mong mỏi một sự trở về của ông đại tướng. Sự mong mỏi đó thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của cậu và ăn sâu vào tiềm thức trong sinh hoạt thường nhật, với ánh mắt chờ đợi, ngóng trông. “Chiều nào trời mưa, không chơi trò chơi nữa, tôi mân mê trên tay cái thuyền, cái máy bay… Tôi đứng lặng yên nhìn qua cửa sổ: chờ ông Đại tướng về!”. Cốt truyện xoay quanh đứa trẻ với nỗi nhớ nhung về hình ảnh thân quen “Tôi cứ sống với mẹ như thế và lâu dần cũng không hình dung được ba tôi, chỉ nhớ mang máng đó là một người đàn ông cao lớn, bệ vệ, rất nhân từ và hết mực thương yêu tôi.” Chi tiết hình ảnh người ba hiện lên trong trí nhớ đứa bé nhỏ là “người đàn ông cao lớn, bệ vệ”.  Trong truyện ngắn này, hình ảnh người ba chỉ xuất hiện một chi tiết ít ỏi như vậy, thông qua lời kể của đứa trẻ. Nhưng cho người đọc một căn cứ xác định rằng, đứa trẻ bé nhỏ kia đang mong đợi hình ảnh người đàn ông “đại tướng”.

Đại tướng ở đây lại có thể hiểu theo hai nghĩa, vừa nghĩa đen vừa nghĩa bóng. Thứ nhất nghĩa đen, “đại” nghĩa là to lớn, “tướng” là danh từ chỉ ngoại hình, dáng người; đại tướng nghĩa là tướng người cao to, bệ vệ. Theo nghĩa bóng có thể hiểu “đại tướng” ở đây chỉ cấp bậc cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam - hiểu theo nghĩa này có cơ sở vì trong truyện có chi tiết miêu tả công việc của người đàn ông với khung cảnh chiến tranh khốc liệt dưới nhãn quan một đứa trẻ.

Nhân vật đại tướng xuất hiện trong tác phẩm thông qua lời kể của nhân vật tôi, đồng thời hiện lên qua những lần thổn thức trong cơn mơ. Theo lời người mẹ nói với đứa trẻ về những lần hỏi ba mình, thì mẹ chỉ lắc đầu, khẽ khàng nói “Con không còn ba nữa đâu.” Nhưng với một đứa trẻ mới lên năm, không thể hiểu hết được câu nói của mẹ nghĩa là gì. Vì sao con lại không còn ba như bao người khác? Đọc tác phẩm, chúng ta có thể hiểu người ba có thể đã hy sinh trên chiến trường. Nỗi đau khi trở thành góa phụ, vợ mất chồng, con mất cha. Người đàn ông trụ cột trong gia đình đã rời xa mãi mãi. Cách biệt âm dương là điều đau thương không thể nào diễn tả hết được. Bùi Công Dụng đã tài tình vẽ nên một bức tranh phản ánh một thực tại đau thương cụ thể trong một gia đình hậu chiến. Hình ảnh đứa trẻ cố len lỏi khắp ngõ ngách trong căn nhà tìm từng cử chỉ, điệu cười của người ba và lủi thủi chơi một mình trong từng kỷ vật đồ chơi mà ba đã mua để lại từ lâu. Thèm cảm giác được như bao bạn bè cùng trang lứa, có thể được sà vào vòng tay của ba đón khi tan học về. “Tôi không biết phải trả lời cho chúng nó như thế nào về một người ba mà tôi chẳng bao giờ có thể gặp lại”, biết là “chẳng bao giờ gặp lại” nhưng vẫn luôn chờ đợi một điều bất ngờ sẽ xảy ra. Chiều dần buông, không gian trống vắng, hiu quạnh trong ngôi nhà hiện rõ khi chỉ có hai mẹ con đơn côi. Đêm đến, là không gian gia đình sum họp, quây quần bên nhau, nói chuyện cười vui. Nhưng giờ đây, cả gian nhà trống vắng với hình ảnh mẹ “lặng lẽ rửa chén bát sau bữa cơm chiều”. Mẹ vừa là đóng vai người cha trở thành trụ cột gia đình, quán xuyến tất cả các công việc, lại trong vai người mẹ đầm ấm, vỗ về ru con vào giấc ngủ say.

Tác giả Bùi Công Dụng vô cùng sắc bén và tài tình khi phản ánh một nỗi niềm đau đớn, mất mát của những gia đình hậu chiến hay sự khốc liệt, tàn ác của chiến tranh mà không cần một từ ngữ miêu tả trực tiếp nhắc đến chiến tranh - nguyên nhân chính của nỗi đau trong gia đình nọ, mà độc giả vẫn có thể hiểu được tác giả muốn diễn tả điều gì, phản ánh nội dung cụ thể nào trong tác phẩm Chờ ông đại tướng về.

Với quan niệm trong sáng tác của nhà văn Bùi Công Dụng là “Lời thoại trong tác phẩm văn học là quan trọng nhất, nó làm nổi bật tính cách nhân vật. Như người tạc tượng vậy, cứ gọt bỏ những chỗ thừa, chỗ không cần thiết, thế là có được tác phẩm ưng ý!” Trong câu chuyện, hầu như cuộc đối thoại giữa các nhân vật xuất hiện vô cùng ít ỏi. Mọi chi tiết trong gia đình, người ba, người mẹ, ông đại tướng, người gặp ngoài đường đến những người xuất hiện trong gia đình đều hiện lên trong suy nghĩ nhân vật tôi, qua lời độc thoại nội tâm. Người mẹ cũng nói, nhưng thực ra chỉ là một lời độc thoại. Với hình ảnh vỗ về, ru con ngủ say thể hiện là một người mẹ yêu thương con vô bờ bến. Nhiều người đàn ông đã đến nhà nói chuyện với mẹ, nhưng mẹ vì thương con nên chưa muốn đi bước nữa, vẫn luẩn quẩn trong căn nhà trống vắng, đơn côi hình ảnh hai mẹ con kề cận bên nhau.

Và nghệ thuật đặc sắc đã được Bùi Công Dụng sử dụng trong tác phẩm này là kỹ thuật dòng ý thức. Theo Lại Nguyên Ân, trong 150 thuật ngữ văn học định nghĩa “Dòng ý thức là một xu hướng sáng tạo văn học (chủ yếu là văn xuôi nghệ thuật) ở thế kỷ XX, tái hiện trực tiếp đời sống nội tâm, những cảm xúc, những liên tưởng ở con người.” Cũng như nhà tâm lý học người Mỹ W. James từng nói “dòng ý thức là một dòng chảy, một con sông, ở đó những tư tưởng, cảm xúc liên tưởng bất chợt luôn luôn lấn át nhau và đan xen vào nhau một cách kỳ quặc, phi logic.” Cũng vậy, trong truyện ngắn Chờ ông đại tướng về suy nghĩ của nhân vật tôi đã đưa người đọc theo dòng cảm xúc, liên tưởng bất chợt cùng sự giằng xé nội tâm, suy nghĩ của đứa trẻ không theo một trật tự tuyến tính. Từ đó, người đọc phải tự hình dung nên hình tượng nhân vật “đại tướng” và nối các mạch cảm xúc liên tưởng bất chợt xuất hiện trong truyện để thành một cốt truyện hoàn chỉnh. Có như vậy mới có thể hiểu được nội dung cụ thể của tác phẩm. Ở đây, nhà văn để cho độc giả đồng sáng tạo, cho người đọc một chỗ đứng trong câu chuyện để thấu hiểu, cảm thông, đồng cảm với nỗi niềm đau thương của biết bao gia đình chịu cảnh “di chứng” hậu chiến tranh.

Từ việc diễn tả cuộc sống thường nhật trong dòng ý thức của mình, và rồi nhân vật tôi đưa người đọc vào giấc ngủ với cơn mơ gặp được đại tướng. “Cháu xin chào ông đại tướng! Ông hãy xem, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc bắt đầu.” Rồi chìm vào các câu kể khi cả hai gặp nhau, hoạt động của ông đại tướng và đứa trẻ diễn ra như thế nào. Khi tiếng hét vang lên “Không! Con đi được. Ông chờ con với ông đại tướng, ông đại tướng, chờ con với, con chỉ đi theo con đường của ông, chỉ đi theo ông! Ông ơi…”  cũng là lúc thoát ra khỏi giấc mơ, hình ảnh ông đại tướng biến mất, trở về thực tại bằng “tiếng mẹ vỗ về tôi nhè nhẹ, ru tôi sau một cơn vẫy vùng”. Bùi Công Dụng đã rất thành công trong việc sử dụng kỹ thuật dòng ý thức, nói lên tâm tư, suy nghĩ của đứa trẻ, khắc họa hai thế giới khi là cuộc sống thực xung quanh con người, khi thì nó chỉ là một giấc mơ. Hai thực tại tồn tại đen xen giữa thực và ảo như có một làn ranh mong manh chắn định, đến không thể phân biệt cụ thể đâu là thực, đâu là ảo.

Cái ảo mộng đó, lại là điều khiến con người trông ngóng, chờ được chìm vào thứ ảo mộng đến huyễn hóa. Cụ thể nhà văn xây dựng chi tiết “Tôi mong ngóng một ngày trôi qua thật nhanh để đợi cho hoàng hôn xuống…Và những khoảnh khắc như thế trong một ngày sẽ đầy ắp niềm thương yêu đối với tôi, bởi vì tôi sắp được gặp ông đại tướng.” Đọc đến cuối truyện, người đọc có thể hiểu vốn dĩ tiêu đề Chờ ông đại tướng về là sự chờ đợi gì rồi đúng không? Chua xót, nghẹn ngào, thương cảm làm sao khi sự chờ đợi đó chỉ để được gặp trong mơ mà thôi. Ngóng trông hoàng hôn buông xuống, đêm đến con sẽ được gặp và trò chuyện cùng ông đại tướng bệ vệ, nhân hậu ấy. Sự chờ đợi một người xuất hiện phải chăng luôn là điều khiến tâm trạng con người trở nên vui tươi hơn là việc để tâm trạng trống rỗng trở nên ảm đạm. Tới đây, độc giả hoài nghi. Liệu rằng đứa trẻ kia không hiểu lời mẹ nói “con không còn ba nữa đâu” nên luôn trong trạng thái ngóng trông, chờ đợi; hay chỉ là nỗi đau quá lớn, khiến nó không chấp nhận rằng “ba đã hy sinh, không có thể quay về được nữa”, nên luôn mong hoàng hôn đến để chờ ba sẽ xuất hiện trong giấc mơ. Tựu trung, có thể nhìn ra được điều tác giả nói đến ở đây chính là nỗi đau cách biệt âm dương của gia đình có người hy sinh trong chiến tranh, nỗi đau đến tột cùng khi đứa trẻ chỉ vừa lên năm, chưa kịp nhìn kỹ hình ảnh người ba thân yêu đã vội chia cách vạn dặm nghìn thu.

Nhà văn Bùi Công Dụng đã tài tình khi xây dựng một truyện ngắn, chỉ lát cắt hiện thực cuộc sống nhưng thể hiện bao quát, phản ánh một thực tại luôn đau nhói, âm ỉ trong cuộc sống biết bao gia đình. Có lẽ phải chăng đây cũng là nỗi niềm của chính tác giả, khi có ba là Bùi Công Trọng đã nhiệt huyết dấn thân trong hai cuộc cách mạng chống Pháp, Mỹ. Với nhiều tác phẩm viết về chiến tranh và hình ảnh người ba khả kính luôn xuất hiện. Đặc biệt truyện ký Cha tôi, đã được Hội Nhà văn Đà Nẵng trao tặng giải thưởng. Nỗi nhớ nhung về hình ảnh một người ba xuất hiện luôn đẹp đẽ, cao lớn, đầy nhân hậu được tác giả xây dựng trong tác phẩm cũng chính là tâm tư, nỗi niềm, sự khắc khoải trong con người của ông.  

Vì chiến tranh nên đứa nhỏ mất đi người ba, từ đây em đã là đứa trẻ mồ côi. Nhưng không phải chỉ có chiến tranh mới có thể chia cắt tình phụ tử. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, biết bao gia đình đã phải mất đi người thân yêu, biết bao hoàn cảnh nghe đến nghẹn lòng bởi thế sự vô thường. Mới ngày nào, gia đình còn sum họp vui vẻ, dịch bùng phát, gia đình cách xa. Trong bối cảnh lúc đó, nghệ sĩ Minh Cà Ri đã sáng tác ca khúc Đến giờ cơm thể hiện sự đồng cảm với những gia đình chịu hậu quả của dịch Covid-19 khi mất đi những thành viên trong gia đình. Đến đây, dường như độc giả cảm nhận một sự đồng điệu khi đọc tác phẩm Chờ ông đại tướng về của nhà văn Bùi Công Dụng. Những đứa trẻ, thiên thần bé nhỏ giờ đây vì những lý do đau đớn, phải mất đi cha, mẹ, trở thành kẻ mồ côi. Cả hai đứa trẻ đều mong ngóng hoàng hôn buông xuống, để có thể gặp được đấng sinh thành nhân hậu. Có thể được sà vào vòng tay, được đôi tay ấm áp vút ve trên mái tóc, được ngồi ăn mâm cơm ngon trọn vẹn, đầy đủ cả nhà. Nhưng mãi, đó chỉ còn là giấc mơ!

“ … Bát ở đây, bát ở kia

Bát của ba với má

Bát của em

Thế là trọn bữa cơm êm đềm

Em mời ba, em mời má

Căn nhà tranh mái lá

Một thìa canh, hai thìa cơm

Thoang thoảng hương khói rơm

Út tỉnh giấc, Út ngẩn ngơ

Út hỏi ba với má

Má hàng rong, ba ngoài khơi

Ráng đợi thôi Út ơi

Em nghỉ ngơi, ra đồng chơi

Thơm lừng hương lúa mới

Em cười tươi

Mơ về một bữa cơm tuyệt vời …”

(Bài hát “Đến giờ cơm” của nghệ sĩ Minh Cà Ri)

L.T.H.D