Tản mạn về ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam

09.05.2023
Bùi Văn Tiếng

Tản mạn về ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tặng hoa cho các nhà văn, nhà thơ tham dự buổi tọa đàm "Nhà văn, tác phẩm và văn hóa đọc" do Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức ngày 15/4/2023.

Theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, ngày 21 tháng 4 năm 2023 này cả nước bước sang Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II. Thực ra, vào ngày 24 tháng 2 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21 tháng 4 hằng năm làm Ngày Sách Việt Nam, Quyết định số 1862/QĐ-TTg chỉ nhấn mạnh vai trò của sách đối với văn hóa đọc và vai trò của văn hóa đọc đối với sách. Như vậy nếu theo cái nhìn mang tính lịch sử thì đây là lần thứ X người Việt tổ chức vinh danh sách và văn hóa đọc vào ngày 21 tháng 4 hằng năm.

*

Người có văn hóa đọc không chỉ đọc sách, thậm chí không chỉ đọc sách in trên giấy do các nhà xuất bản ấn hành mà còn đọc sách điện tử/e-book được sử dụng thông qua các thiết bị cá nhân như máy tính, smartphone, tablet, mà còn đọc báo - cả báo in và báo điện tử. Thời nhà văn Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết, chẳng hạn như Số đỏ, trước khi được Nhà xuất bản Lê Cường in thành sách vào năm 1938 với đầy đủ 20 chương thì tác giả đã cho đăng liên tục 16 kỳ - tương ứng với 16 chương - trên tuần san Hà Nội Báo từ số 40 ra ngày 7 tháng 10 năm 1936. Người đọc từng chương tiểu thuyết trên nhật báo hoặc tuần báo - gọi là feuilleton - hằng ngày thậm chí hằng tuần với cảm giác hồi hộp về số phận các nhân vật và sự nôn nóng chờ đợi “hồi sau sẽ rõ”. Điều này cho thấy báo chí vẫn có thể đồng hành với sách và văn hóa đọc. Có lần tôi đã phân biệt hai loại sách đều quan trọng như nhau trong văn hóa đọc: Sách đọc - chủ yếu là sách văn chương, và sách học - chủ yếu là sách nghiên cứu hay từ điển các loại...  Tuy nhiên có những sách đọc từ lâu đã trở thành sách học, chẳng hạn cuốn tiểu thuyết bằng thơ lục bát Đoạn trường tân thanh/Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du là đối tượng nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà phê bình văn học, thậm chí còn hình thành một chuyên ngành gọi là Kiều học với Hội Kiều học Việt Nam thành lập năm 2011.

*

Ngược lại cũng có những sách học nhưng được viết bằng một văn phong giàu cảm xúc đầy hấp dẫn chẳng kém các tác phẩm văn chương, chẳng hạn như tập tiểu luận Theo dòng - tập hợp những bài báo đăng rải rác trên hai tờ báo Ngày Nay và Chủ Nhật vào thời điểm từ năm 1939 đến năm 1940, vừa thể hiện những nhận thức sâu sắc, đi trước thời đại, hàm chứa nhiều phát hiện bất ngờ của nhà văn Thạch Lam về những vấn đề cốt yếu nhất của lý luận văn học, vừa được trình bày một cách đứt đoạn, không có chương mục và không liên kết thông suốt như một công trình khoa học thông thường, đúng như tên gọi Theo dòng của cuốn sách cũng là của chuyên mục trên tờ Ngày Nay do Thạch Lam phụ trách - theo dòng ở đây nghĩa là theo dòng tư tưởng, theo dòng thời gian mang tính ngẫu hứng…

*

Hiểu theo một cách nào đó, văn hóa đọc nghĩa là đọc có văn hóa. Đọc có văn hóa trước hết là người đọc được tự mình lựa chọn hoặc được tư vấn để lựa chọn cái đọc vừa mang tính cá thể phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật của từng người, vừa mang tính cộng đồng phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật của cả dân tộc hoặc rộng hơn là cả nhân loại. Do vậy, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cũng là dịp để vinh danh những thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật lành mạnh, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời tiếp biến được tinh hoa văn hóa thế giới. Đọc có văn hóa cũng có nghĩa là người đọc được lựa chọn cách đọc phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của mình. Trong Theo dòng, bàn về những người đọc tiểu thuyết - tức là sách đọc, nhà văn Thạch Lam xếp người đọc thành hai hạng: “Hạng độc giả chỉ cốt xem truyện và hạng độc giả chỉ thích suy nghĩ, thích tìm trong sách những trạng thái tâm lý giống tâm hồn mình”. Hạng độc giả nào cũng có thể đọc một cuốn tiểu thuyết theo những cách đọc khác nhau - hoặc đọc nhanh hoặc đọc chậm, hoặc đọc một lần hoặc đọc nhiều lần. Tuy nhiên với “hạng độc giả chỉ thích suy nghĩ, thích tìm trong sách những trạng thái tâm lý giống tâm hồn mình”, một cuốn tiểu thuyết nào đó chắc phải được đọc chậm và đọc nhiều lần…

*

Trong văn hóa đọc, còn có một vấn đề rất đáng quan tâm nữa là vấn đề tri âm. Tuy không đến mức như Lưu Hiệp từng viết trong Văn tâm điêu long hơn 1.500 năm trước - “Tri âm thực là khó thay, cái âm thực là khó biết, người biết thực là khó gặp, gặp được người tri âm nghìn năm mới có một lần” - nhưng quả tình người viết sách viết văn không dễ tìm được độc-giả-tri-âm. Thế nào là độc-giả-tri-âm trong tiếp nhận văn học nói riêng và trong văn hóa đọc nói chung? Không phải mọi độc giả như Thạch Lam hình dung “chỉ thích suy nghĩ, thích tìm trong sách những trạng thái tâm lý giống tâm hồn mình” đều có thể trở thành độc-giả-tri-âm của người viết sách viết văn. Đối với những người viết sách viết văn không có tài năng, thông điệp nghệ thuật trong ý đồ sáng tạo của người viết sách viết văn như thế nào thì được thể hiện giống hệt như thế trong tác phẩm văn chương và độc giả bình thường cũng dễ dàng tìm thấy thông điệp nghệ thuật ấy khi đọc sách. Thế nhưng đối với những người viết sách viết văn có tài năng, thông điệp nghệ thuật trong ý đồ sáng tạo của họ không hiển hiện tường minh mà thường được che giấu dưới các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, dẫn đến trong tác phẩm có một thông điệp nghệ thuật rất dễ nhận ra nhưng không phải là thông điệp nghệ thuật đích thực trong ý đồ sáng tạo của người viết sách viết văn, và một thông điệp nghệ thuật thực sự xuất phát từ ý đồ sáng tạo của họ nhưng do tính khó hiểu của văn chương đích thực, chỉ một số không nhiều độc giả mới có thể nhận ra và đồng cảm - trong trường hợp này, những độc giả hiếm hoi ấy được xem là độc-giả-tri-âm. Trong bài thơ Đọc thơ mạch ngầm văn bản, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Đọc thơ, có người như nhà thực vật/ Đọc mùa quả, hoa chói mắt/ Có người như nhà địa chất/ Đọc ngầm cái gì ở sâu trong đất/ Cái mạch ngầm văn bản phía sau văn. Chỉ có thể trở thành độc-giả-tri-âm khi phát hiện và đọc đúng “cái mạch ngầm văn bản phía sau văn” như Chế Lan Viên hình dung ấy.

B.V.T