Khi họ lần lượt ra đi

09.05.2023
Huỳnh Hùng

Khi họ lần lượt ra đi

Đồng chí Hồ Nghinh - Nhân vật chính của bộ phim tài liệu Một tấm gương, một tấm lòng.

Tôi chuyên làm phim tài liệu về đề tài lịch sử. Nhân vật chính trong phần nhiều các phim của tôi là những con người bước ra từ chiến tranh. Họ là nhân chứng của các sự kiện, các câu chuyện về cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Cứ đến dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4, ngoái nhìn lại, những người bước ra từ chiến tranh cứ rơi rụng dần theo năm tháng. Họ ra đi mang theo bao ký ức chân thực và sống động về một thời kỳ lịch sử chẳng thể nào quên…

Năm 2006, tôi và đồng nghiệp thực hiện bộ phim tài liệu Một tấm gương, một tấm lòng, phản ánh chân dung ông Hồ Nghinh, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà trong chiến tranh, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày giải phóng, rồi sau đó ông lên Trung ương. Ông Hồ Nghinh được biết đến là một nhà cách mạng kiên cường, dũng cảm, có kiến thức, có bản lĩnh, rất sâu sát thực tế, luôn năng động, sáng tạo, có tinh thần đổi mới mạnh mẽ. Trong “đêm trước của sự đổi mới”, ông luôn suy tư, trăn trở về những vấn đề mà thực tế cuộc sống đang đặt ra, nhất là chủ trương đưa nông dân vào Hợp tác nông nghiệp ở nông thôn, cải tạo công thương nghiệp ở thành thị. Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng ghi nhận rằng, ông Hồ Nghinh là một trong những người góp phần xây dựng đường lối đổi mới của Đảng từ năm 1986. Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến của ông “đi trước thời đại” nên có lúc ông bị hiểu nhầm, hiểu sai, dẫn đến có lúc ông phải sống trong lặng lẽ, đơn độc.

Khi chúng tôi thực hiện bộ phim này thì ông Hồ Nghinh sống những năm tháng cuối đời. Và để tăng tính chân thực, sinh động, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi, ghi hình phỏng vấn nhiều người biết rõ, hiểu sâu về con người, trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh của ông Hồ Nghinh. Chính nhờ sự hợp tác đó mà bộ phim của chúng tôi rất có chất lượng, đoạt Huy chương Vàng thể loại phim tài liệu tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2007.

Bây giờ nhìn lại, mới 17 năm thôi, mà nhiều nhân vật và nhân chứng xuất hiện một cách sống động trong phim tài liệu Một tấm gương, một tấm lòng của chúng tôi đã ra đi hơn một nửa. Ngoài nhân vật chính là ông Hồ Nghinh, thì các ông Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, ông Nguyễn Chính (nhà thơ Phan Duy Nhân), Hoàng Sơn (nhà văn Hoàng Minh Nhân), bà Phan Thị Nhạn, ông Phan Đấu, ông Hồ Việt cũng đã ra đi. Còn bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước), ông Nguyễn Đình An (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng) là nhân chứng trong phim, bây giờ cũng đang bị ốm nặng. Vậy nên, nếu mà lúc đó chúng tôi chần chừ, không thực hiện sớm bộ phim tài liệu về ông Hồ Nghinh thì điều chắc chắn là bây giờ sẽ khó mà thực hiện. Bởi nhân chứng trong phim sẽ lần lượt ra đi, ra đi mãi mãi.

Ngoài ra, nhiều nhân chứng thời chiến tranh khói lửa trong các phim tài liệu khác của tôi và đồng nghiệp cũng nối nhau về thế giới bên kia, như: Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Giáo sư Hoàng Châu Ký, nhà biên kịch Hồ Hải Học, ông Trần Thận, các tướng lĩnh Nguyễn Chơn, Nguyễn Đôn, Phan Hoan, các anh hùng trận Điện Ngọc lẫy lừng Lê Tấn Viễn (Lê Hiền), Nguyễn Tám, các nhân chứng từng làm việc ở Hoàng Sa trước năm 1974 như Ông Miễn, ông Tấn, ông Dân… Nếu thiếu các nhân vật, nhân chứng cụ thể bằng xương bằng thịt này thì tính chân thực lịch sử trong các bộ phim sẽ bị giảm đi rất nhiều, và rồi độ tin cậy của khán giả cũng sẽ giảm theo.

Như chúng ta đã biết, khi chiến tranh đi qua, nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện được biết đến một cách rõ ràng, tuy nhiên, vẫn có không ít câu chuyện còn mơ hồ, thậm chí chưa biết đâu là thật, đâu là giả. Ví như, sự kiện tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, người ta vẫn tranh cãi nhau suốt 20 năm rằng xe tăng số 943 hoặc xe số 390 vào trước? Mãi đến năm 1995, khi nữ nhà báo Pháp Francois Demulder công bố bức ảnh lịch sử thì mới khẳng định xe tăng số 390 do trung úy Vũ Năng Toàn lái, húc đổ cổng và vào dinh trước. Hay chuyện, đại úy Phạm Xuân Thệ hay trung tá Bùi Văn Tùng viết lời đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh? Mãi đến tháng 4/2022, nghĩa là phải đến 47 năm sau, khi có Thông báo của Thường vụ Quân ủy Trung ương thì câu chuyện mới ngã ngũ!

Do vậy, tôi có phần lo lắng khi tới mùa lá rụng, những người trong cuộc của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của chúng ta lần lượt ra đi, mang theo bao câu chuyện thực tế chân thực, sống động mà họ đang lưu giữ trong ký ức. Những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học - nghệ thuật nếu không kịp thời tiếp cận các nhân chứng này để tìm hiểu, ghi chép, lưu trữ tư liệu thì càng về sau càng khó, và đến một lúc nào đó, sẽ khó như mò kim đáy bể…

H.V.H