Âm luyến láy trong dân ca Quảng Nam
Một tiết mục biểu diễn dân ca tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng và dân ca tỉnh Quảng Nam năm 2022.
1. Khái lược về âm luyến láy
Trong âm nhạc dân gian Việt Nam, đặc biệt là thể loại dân ca, vai trò của các âm luyến láy vô cùng quan trọng và rất phong phú về các loại hình. Để nhấn mạnh vai trò quan trọng của nó, có người đã ví với việc tách các âm luyến láy ra khỏi giai điệu thì cũng như con người bị tách phần hồn ra khỏi thể xác.
Thật vậy! Hiện nay khó có bài bản dân ca nào hoàn toàn không có các âm luyến láy. Âm luyến láy sẽ làm cho giai điệu mềm mại, uyển chuyển và giàu sức diễn cảm, ngoài ra nó còn làm rõ ngữ điệu của từng vùng, tạo nên phong cách riêng biệt cho từng loại hình âm nhạc. Phải nói rằng các âm luyến láy là một nhân tố rất quan trọng tạo nên bản sắc âm điệu đặc trưng của từng dân tộc, từng vùng dân ca khác nhau. Ví dụ chỉ cần một vài âm láy móc đăng lên xuống quãng ba sẽ rất rõ âm hưởng của hò mái nhì “rất Huế”. Vài âm luyến có đảo, nghịch phách, người nghe cảm nhận rất rõ thể loại ca trù phía kinh Bắc. Một chùm nốt luyến lên xuống quãng bảy, người nghe nhận ra ngay giai điệu của dân ca ví dặm…
Các âm luyến láy trong dân ca do dấu nối và dấu luyến tạo thành. Cái tài tình của cha ông chúng ta là đặt dấu luyến láy vào chỗ nào trong giai điệu bài bản dân ca để tạo nên “đặc sản”, tạo nên cái đẹp riêng biệt, nét đặc trưng của từng vùng dân ca. Đây là một đề tài muôn thủa để thế hệ sau tìm tòi, sưu tầm, học hỏi. Dấu nối trong nhạc lý cơ bản là một hình vòng cung (quay lên hoặc quay xuống) nối hai hay nhiều nốt nhạc có cùng cao độ với nhau, nhằm mục đích kéo dài trường độ của nốt nhạc. Dấu luyến cũng hình vòng cung (quay lên hoặc quay xuống) nối hai hay nhiều nốt nhạc có cao độ khác nhau. Dấu nối, dấu luyến có trong dân ca tạo thành âm luyến láy. Âm luyến và âm láy là những âm riêng biệt nhưng trong âm nhạc dân gian, người ta thường đồng nhất hai loại âm này gọi chung là âm “luyến láy”. Theo tiến sĩ âm nhạc Phạm Tú Hương có hiện tượng đó, vì khi ghi âm dân ca nhiều khi rất khó ghi chính xác nó thuộc loại âm nào. Thêm vào đó các âm này thường được kết hợp với nhau một cách đa dạng và phức tạp. Dân ca Quảng Nam là một đặc thù rất riêng vùng xứ Quảng. Trong phạm vi bài nghiên cứu này, tôi chỉ khái quát vài nét đặc trưng của các âm luyến láy trong một số bài bản dân ca của vùng “chưa mưa đà thấm”.
2. Âm luyến láy trong dân ca Quảng Nam.
Cũng như các vùng miền dân ca khác trong toàn quốc, dân ca Quảng Nam rất phong phú, nhiều làn điệu mang âm hưởng rất riêng và đặc sắc: Hò khoan, hò ba lý, lý tang tít, hò giã gạo, hò bã trạo, lý đi chợ, hò giã vôi, lý thượng, lý thương nhau, ru con, vè Quảng, lý con cu, lý xăm, lý năm canh…
Âm luyến láy trong dân ca Quảng Nam đóng vai trò đưa hơi ở nét giai điệu ngắn đầu bài, cuối bài.
Trong một số bài dân ca như lý tang tít, hò chèo thuyền, ru con… Trước khi vào phần nội dung chính thường có một nét giai điệu ngắn có tính chất đưa hơi. Tốc độ của nét giai điệu này phần nhiều là tự do, khoáng đạt bởi được tạo từ các âm luyến láy. Phần lời là những nguyên âm, phụ âm, như à ơi, ầu ơi, hư, hừ, hò ơi… Đây là dạng “láy đầu”. Sau khi kết thúc phần nội dung chính của bài dân ca, có thể lại có một nét nhạc luyến láy để kết thúc bài dân ca gọi là “láy đuôi”1, có người gọi là “láy cuối”.
Mặc dù các nét láy đầu và lấy cuối thường không diễn đạt nội dung của bài dân ca nhưng nó có tác dụng chuẩn bị cho sự xuất hiện của phần chính cả về thang âm điệu thức cho tới nhạc cảm của bài. Phần láy đầu và láy cuối này cũng thể hiện rất rõ những nét âm nhạc điển hình của từng miền, từng vùng dân ca.
Quảng Nam, vùng đất Nam Trung Bộ có những cánh đồng bạt ngàn cây xanh, những bãi biển chạy dài với hàng dừa xa tít, nơi sản sinh nhiều làn điệu ru con. Với các bài hát ru, chức năng dỗ trẻ ngủ được cảm nhận ngay từ câu À…ơi của nét nhạc mở đầu. Ở mỗi vùng, mỗi dân tộc, các bà mẹ đã sử dụng những đường nét luyến láy riêng để đưa hơi cho câu hát ru của mình. Một làn điệu ru con rất quen thuộc của người dân xứ Quảng có láy đầu và láy cuối rất đặc trưng.
Xứ Quảng cũng là quê hương của nhiều loại hò: Từ những bài hò sông nước như hò khoan, hò bã trạo, hò mái ba, hò chèo thuyền, đến các điệu hò trên cạn như hò giã vôi, hò giã gạo, hò ba lý, hò giã đậu… Các bài hò này các vế “xô” và vế “kể” đều ngắn, xuất hiện xen kẽ nhau theo một chu kỳ đều đặn diễn tả không khí lao động nhộn nhịp và căng thẳng. Các phần láy đầu và láy đuôi của những làn điệu này thường là ngắn, không dàn trải như các làn điệu hò ở Nam Bộ, tiết điệu gọn gàng và mạnh mẽ hơn.
Âm luyến láy là thành phần của giai điệu
Trong phần trên chúng ta đã thấy âm luyến đầu và âm luyến cuối làm nhiệm vụ đưa hơi của nét nhạc ngắn ở đầu bài và cuối bài. Tuy không nằm trong phần giai điệu nhưng bản thân các chùm luyến này có vai trò rất tích cực, hỗ trợ cho nội dung của giai điệu. Nổi bật nhất là những bài bản hát ru ba miền và của Quảng Nam, vào đầu là một loạt các nguyên âm, phụ âm à, ơ, ầu, ơi… Thể hiện vai trò hỗ trợ cho giai điệu ru ngủ rất rõ nét. Tiếp theo chúng ta nghiên cứu một số đặc trưng của âm luyến láy là thành phần chính của giai điệu qua một số bài bản dân ca Quảng Nam.
Âm luyến: Là sự liên kết hai, ba, hoặc bốn năm sáu… âm thành một nhóm cùng gắn với một vần chữ trong lời ca, nó giúp cho lời ca mềm mại, giàu sức biểu cảm. Trong dân ca Quảng Nam nhiều bài có những nhóm gồm hai âm có thể ở quãng hai hay quãng ba. Cũng có khi khoảng cách của hai âm có thể rộng quãng năm, sáu, bảy nhưng ít hơn.
Thông thường nhóm âm luyến được kết hợp bằng nhiều âm có cùng tiết tấu nhưng cũng có thể nhiều âm khác tiết tấu. Hướng đi của âm luyến có thể đi lên đi xuống hoặc đi gấp khúc. Những tiến hành khác nhau này tạo nên sự phong phú của ngữ điệu lời ca. Đoạn đầu của bài Lý thượng có những chùm nốt luyến bốn nốt cùng tiết tấu, cùng âm quãng. Giai điệu được tiến hành bằng chùm nốt luyến ba nốt, hai nốt, tạo chiều hướng đi lên hòa quyện với lời ca rất đậm đà nhưng không kém phần dí dỏm (xem lên, hòn núi, hòn núi ta ní nọ Thiên Thai…)
Nhóm các âm luyến thường được bắt đầu từ đầu nhịp hay đầu phách tạo nên tiết tấu uyển chuyển. Tuy nhiên cũng có nhiều âm luyến được bắt đầu từ phách yếu hay phần yếu của phách rồi kéo dài sang phách mạnh hay phần mạnh của phách sau tạo nên dạng tiết tấu đảo phách rất phong phú. Tiết tấu đảo phách trong dân ca được kết hợp các yếu tố nghệ thuật khác có thể tạo ra nét nhạc có tính hài hước, bông lơn, nhấn nhá, ta có thể thấy trong bài dân ca Quảng Nam Lý ngựa ô do cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ghi âm (người hát Nghệ nhân Nguyễn Nho Túy).
Âm láy: Là những âm không nằm trong thành phần tiết tấu của nhịp mà nó phụ thuộc vào tiết tấu của những âm chính. Âm láy có thể là âm nằm trong thang âm của bài nhưng cũng có thể nằm ngoài thang âm. Do vậy việc sử dụng các âm láy đã làm cho màu sắc của điệu thức phong phú hơn. Âm láy thường xuất hiện trước hoặc sau âm chính của giai điệu làm cho âm của giai điệu thêm mềm mại. Dạng âm láy phổ biến nhất thường thấp hơn hay cao hơn âm chính một quãng hai hay quãng ba. Cũng có trường hợp độ cao của âm chính với âm láy cách nhau quãng bốn, năm, sáu, bảy. Trong dân ca Quảng Nam có nhiều bài có những âm láy đặc sắc như láy quãng hai: Lý thương nhau, láy quãng xa: Lý tang tít.
Một làn điệu lý rất riêng, rất ấn tượng của Quảng Nam: Lý tang tít (bản dân ca có âm láy quãng xa, móc đăng rất hiệu quả, ngọt ngào, đậm đặc chất ru thấm đậm lòng người).
Trong bài Hò ba lý đoạn “kể” và “xô” rất ấn tượng không những bằng hình thức giai điệu, mà các nốt láy ở “kể” và “xô” được thay đổi: Kể thì láy quãng hai, xô thì láy quãng ba, bốn, năm tạo tiết điệu nhịp nhàng, nhấn nhá rất nhịp nhàng.
3. Thay lời kết
Dân ca Việt Nam là những viên ngọc lấp lánh trong kho tàng âm nhạc dân gian của ông cha ta từ ngàn năm để lại. Dải đất miền Trung nói chung và mảnh đất Quảng Nam nói riêng cũng góp phần không nhỏ vào “kho tàng” đó.
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhắm đà say/ Bạn về nằm nghỉ gác tay/ Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng ta?”
Tình đất, tình người ở Quảng Nam đã thấm vào từng bài dân ca, được chắt chiu qua năm, qua tháng. Khi nghiên cứu về cái hay, cái đẹp của dân ca Quảng Nam, chúng ta nhận thấy các hình thức luyến láy rất phong phú và vô cùng đa dạng. Trên đây chúng tôi mới đưa ra những tìm hiểu ít ỏi có tính chất khái quát qua một số làn điệu dân ca đặc sắc của Quảng Nam. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều công trình nghiên cứu sâu về lĩnh vực này để đúc kết những cái hay, cái đẹp trong kho tàng âm nhạc dân gian vô cùng phong phú của tỉnh Quảng Nam.
T.T.K