Vật ngang giá - Nguyễn Phước Giang
Lão Hới đứng ở ngã tư đường, dưới tán cây bằng lăng nhòe nhoẹt những hoa, còn lão thì đỏ như con tôm luộc trong bộ pijama màu ghi nhạt. Sau lưng lão là tòa biệt thự mới xây. Nhà của lão đấy? Ồ không! Nói đúng hơn thì cái nhà ấy của con lão xây cho lão sau cái đận lão ở tù về. Người ta đồn lão thoát án dựa cọc là may rồi. Lão bị oan do tính khí ngang thẳng bất thường, còn không biểt lão có tơ hào của nhà nước cái gì không?… Ngày trước, lão đến công sở bằng xe đạp và uống trà chát ở văn phòng. Khi còn đương chức, lãnh đạo một cơ quan xây dựng đầu ngành của tỉnh, bất chấp mọi sự can gián của những người tử tế , lão nghe bọn xấu quyết toán bừa bãi dẫn đến hậu quả một công trình đổ sập, mất mấy mạng người. Bây giờ lão đứng đấy để chờ một cái gật đầu, một cái nắm tay thân thiện, nhưng rồi dòng đời cứ vời vợi trôi đi. Lão đã bị loại ra khỏi dòng chảy đó. Cũng may, con cái lão thành đạt, là những người vai vế chức tước ở thành phố này, toàn những đại gia tiếng tăm, họ xây cái nhà này với đầy đủ tiện nghi mong cho lão được nghỉ ngơi an nhàn lúc có tuổi. Nhưng lão không vậy, chứng tật làm khổ lão, lão thèm ra trước đám đông, thèm ra với nhân dân để nghĩ mình còn oai quyền với họ. Lão nhìn chòng chọc vào mặt người qua đường: “Ơ! sao nó không chào mình nhỉ, cái thằng mất dạy… ngày xưa… ngày xưa...?”. “Cái con này, mày đi đâu mà vội vã thế, vào đây ta bảo đã… Ơ hay! Nó không nhìn thấy mình à !?”...
Chán. Lão chắp tay sau đít đi dọc cái phố mới.
Dãy phố thưa thớt có độ mươi nóc nhà, sau những chuyển đổi, mua đi bán lại của dự án đô thị hóa. Người ta vẫn còn thấy ẩn khuất đâu đó vài bụi tre còm, dăm gốc duối ngập ngụa những rác thải, mấy giậu mùng tơi xiêu vẹo bám đầy lông gà, lông vịt và cứt chó. Cuối dãy phố là một căn nhà cấp bốn xập xệ, nhà của lão Bắm đấy, lão “Bắm mả”. Người ta gọi vậy là vì nhà lão kinh doanh toàn đồ của người chết, như: tiểu sành, lăng mộ xi măng, bia đá, bát hương, vàng mã… và lão kiêm luôn cả cái nghề bốc hót khâm liệm cho đám xá. Lão Bắm thì không được như lão Hới, da lão vàng ệch, do những cơn sốt rét di chứng của thời chiến tranh để lại. Lão có cái mũi mọc giữa mặt, nói như vậy cũng không thừa, bởi vì nếu không có cái mũi rất đẹp ấy người ta dễ lầm đầu lão đồng đẳng với cái “Hoa cái”* mà lão thường móc ở dưới huyệt lên. Nghĩa là lão vẫn sống và thường chổng mông ra đường lúi húi làm việc, mặc bàn dân thiên hạ, ai cần thì hỏi, lão tận tâm và thực thà. Có việc, người ta đến với lão bằng những lời lẽ cậy nhờ cẩn trọng, xong việc, người ta vội vã cám ơn rồi ra về, không ai chơi với lão, thậm chí trông thấy lão ở đâu là họ lảng tránh. Vợ lão là bà Bòng có với lão hai người con, đứa gái lớn đã đi lấy chồng ở xa, còn lại thằng Dần học xong Trung học, không xin được việc đành phải ở nhà phụ giúp việc với bố. Khác với lão Bắm, Dần hay quay mặt ra đường, với cái ánh mắt ngơ ngẩn thèm thuồng thế nào ấy, gần “băm” rồi mà vẫn chưa mảnh tình vắt vai…Đôi lúc lão Bắm phải dằn giọng : “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ, thời nào cũng vậy con ạ”, Dần lại uể oải động đậy như con Robot được nạp thêm điện. Còn bà Bòng thì suốt ngày cắm cúi ở trong nhà, bà chăm chỉ đến mức u mê. Thời đại khủng hoảng thừa của đồ tiêu dùng, người ta bỏ đi mọi vật dụng vì những lý do rất vớ vẩn, trong đó có cả đồ của người đã chết mà lão Bắm tha về, thế là bà Bòng có thêm mối việc, bà phân loại những thứ đó, cái nào bán chè chai, cái nào mang lên phố để bán cho hàng đồ cũ. Được bao nhiêu tiền bà giắt vào cạp quần, trong bữa ăn, lão Bắm được thêm cút rượu, miếng thịt, thằng Dần được thêm những lời hứa ngọt ngào chờ đợi. Bà thường thắp hương trước bàn thờ ông thần tài sì sụp lẩm nhẩm cái gì đấy, sau khi đã buông ra câu hỏi thường nhật rót vào tai lão Bắm: “Thế đêm qua ông có mơ thấy gì không?”. Lão Bắm lắc, bà Bòng thở dài: “Rõ khổ, người với chả ngợm, đến giấc mơ cũng không có”. Buổi chiều, bà dấm dúi ra khỏi nhà làm mấy con đề, và rồi lại than thân trách phận sao cái số mình nó đen đủi đến vậy…
***
Lão Hới đột nhiên nhận ra lão Bắm trong cái tâm thức đơn độc của mình. Ờ cái thằng Bắm, sao lại là nó nhỉ, hồi nhỏ nó tên là Báu con ông lang Truyền cơ mà, nhà nó ngày xưa khá giả nhất vùng, được học hành, sao giờ lại “Đổ đốn” ra thế này. Về tuổi tác thì lão Hới hơn hẳn lão bán tiểu sành khoảng mười hai con giáp, nhưng trông lão Bắm lại già hơn lão Hới có lẽ đến từng ấy con giáp. Ngày xưa, lão Hới là bậc đàn anh của đám trẻ trâu, lão vừa che chở, vừa bắt nạt mấy thằng em dại ở làng. Học được dăm chữ ở trường huyện, cũng vừa kịp lớn, lão Hới bỏ làng đi biệt. Hết thời trận mạc đạn bom, lão trở về với huân chương đầy mình, rồi cứ thế thăng tiến vùn vụt như con tàu tốc hành không biết có ga xép, cho đến một ngày phải dừng lại trước cổng “Nhà đá”. Xét công nhiều hơn tội, và nhờ con cái, lão được tha sớm. Vào tù mấy năm, lão gặp đủ hạng người, từ ông đầu hói kính cận đã từng đứng trên bục giảng đường, đến thằng mắt lươn mũi hếch một chữ bẻ đôi không biết và có thêm một mớ kiến thức đầu Ngô mình Sở không ở trong nếp nghĩ quen thuộc của lão.
Hôm đi ngang qua nhà văn hóa, dỏng tai nghe bọn thanh niên tập hát: “Nào ta đi lên dựng xây quê hương ta đẹp như muôn ngàn câu ca….là la lá la…”. Lão nghĩ ngợi, lắc đầu bước vào, sao lại hát hò thế nhỉ, xây dựng quê hương thì phải bằng mồ hôi nước mắt, thậm chí cả bằng máu nữa mới có được như ngày hôm nay. Lão triết lý: Phải trên cơ sở vật ngang giá chứ, đã có thặng dư giá trị đâu mà…
là la lá la! Bọn trẻ đứng thẫn mặt ra rồi khúc khích, tay đội trưởng hai tay chắp vào rốn sẽ sọt:
- Thưa “bố” đây là bài hát đã được phát trên ti vi rồi.
- Ồi ! cái thứ ti vi suốt ngày chiếu phim Hàn quốc để cho các anh chị mơ ước làm ông chủ, chứ chả ai chịu đi về quê cày ruộng đâu, quê mình nó khác!
Có lẽ lão gần lão Bắm cũng vì những lý do ấy. Lão nghĩ thế này: Người ta bỏ tiền tới sáu triệu bạc để đi nghe một ca sĩ hát, còn lão Bắm thức dậy từ gà gáy cáy kêu ra nghĩa trang lạnh lẽo bốc hót cho người ta mới được bồi dưỡng dăm trăm bọ. Không biết cái Ủy ban Vật giá nhà nước sinh ra để làm gì nhỉ ? Tự dưng lão thấy xót xót cho lão Bắm, và muốn mang lại chút ít công bằng cho thằng “em dại” thuở nào.
Lão thường phân vân đứng trước cái kho đồ cũ của tòa biệt thự, trong ấy là những món đồ của thời bao cấp mà người ta có mơ cũng không thấy, không hiểu sao lão cứ nấn ná giữ lại khi các con lão chỉ muốn tung hê đi từ lâu rồi. Không, những đồ vật gần như đã đi trọn đời với lão, nó như vật sở đắc, là hoài niệm quá vãng của một thời, cái thời mà lão chỉ cần hắng giọng là đám đông trước mặt im phăng phắc. Lão dự định trích xuất những thứ đó chuyển dần sang nhà lão Bắm, dẫu sao thì vẫn còn có thể sử dụng được, vì nhà lão ấy còn thiếu thốn nhiều thứ lắm, mà chẳng dùng được thì cũng để cho vợ lão ấy “Qui ra thóc”, chắc cũng được một khoản tiền ra tấm ra miếng góp vào vốn liếng làm ăn. Nghĩ vậy là lão tiến hành. Hôm lão nhờ người khênh cái tủ lạnh Saratop và cái quạt trần Trung Hoa Bài ra ngoài sân lau rửa và thử lại xem còn chạy được không. Hóa ra vẫn chạy được. Bỗng một tay chè chai lông vịt phóng xe máy vụt qua, nó tắt cái loa có tiếng rao nheo nhéo, chõ mồm vào hỏi: “Con chào bố, bố định chuyển những cái đó vào bảo tàng đấy à, chẳng ma nào nó nhận đâu, thôi để cho con, quy ra mấy cút rượu là ổn bố ạ !”. Nghe vậy, tự dưng lão động lòng, và cũng nhân tiện kiểm định lại giá trị đích thực của chúng : “Thế mày trả tao bao nhiêu, nó vẫn dùng tốt đấy”. “Ối! Bố lại kể chuyện cổ tích rồi, cái này chỉ tính theo giá sắt vụn thôi, vật ngang giá mà bố”. Tự dưng lão tròn mắt nhìn như dán mắt vào tay chè chai. Ồ! một thằng mắt lươn mũi hếch, lão mang máng nhớ… “Này, cậu học cái cách định giá ấy ở đâu ra thế, ở trại K hử…?”. “Ơ! thế bố chưa học “Chính trị kinh tế học” à? Con bị điểm 2 môn ấy nên giờ là “Cử nhân” thất nghiệp đây, thế những thứ ấy bố tính bao nhiêu?” Lão Hới lắc, cái loa lại nheo nhéo điệp khúc : “Ai có đồ điện, đồ cũ… bán không”. Vọt thẳng!
Thế là cái kho đồ cũ của lão Hới làm cho vợ chồng lão “Bắm mả” tất bật mất mấy ngày, vì nó chỉ là địa điểm trung chuyển theo đúng lộ trình mà tay chè chai đã hoạch định, và rồi kết quả lòng tốt của lão Hới cũng hình thành: Một mái hiên che mưa nắng bằng tôn mạ màu khoảng 40 m2, một bộ salon cũ bằng gỗ, một cái giá bày biện sơ sài trên để cái tivi kiểu cũ 2 in. Ở đấy lão Bắm cặm cụi làm việc, còn lúc nào lão Hới sang thì có chỗ cho lão ngồi khểnh nói chuyện tào lao và hút thuốc lào vặt. Vào những ngày trọng đại nào đấy, lão Hới lại vác sang một chai rượu, loại có mác hẳn hoi mà chỉ ở những khách sạn ba, bốn sao mới có. Lão ề à và đăm chiêu kiểu như Đonkihote nói với Xăngso:
- Với bàn tay khéo léo của chú, anh em mình phải đi đến chân trời góc bể mới nên cơ nghiệp được, thương trường là chiến trường, ối thằng tỷ phú nó muốn xây lâu đài biệt thự kia, chú đắp rồng phượng cho nó và cho mả bố chúng nó, chứ ở cái xó xỉnh này bõ bèn gì.
Lão Bắm rít một hơi thuốc rõ dài, đôi mắt lim dim:
- Đi đâu được nữa bác, có bộ hài cốt của đồng đội em muốn tìm, mang về cho gia đình người ta, vì ngày trận mạc em đã tự tay chôn cất nó, may ra em còn nhớ chỗ, vậy mà gia đình nó lại tin vào mấy thằng ngoại cảm đẩu đâu. Bọn đồng cốt ấy hắt vào mặt em : Báu mới chả Bắm, lão ma ám nghèo kiết xác, đứng không vững ấy thì làm nên trò trống gì. Có tiền, người ta bạc thế đấy bác ạ.
Lão Hới choãi tay với cốc rượu ực một hơi hết, rồi lảo đảo đứng dậy:
- Vậy chuyện này chú để anh lo, chú sắp xếp đi với anh, anh có tiền, phải cho chúng nó biết anh em mình là ai chứ?! Chú yên tâm anh...có... tiền..., anh có... tiền!
Chuyện ấy giữa hai lão rồi cũng nguôi dần, khi đứa osin trong nhà lão Hới biết chuyện và thưa lại với vợ chồng người con trưởng của lão Hới. Mụ con dâu rít lên:
- Nhà này hết phúc rồi hay sao mà lại để ông già sang tòng đảng với lão ma ám ấy, ngày mai phải đưa ông già đến bệnh viện xét nghiệm ngay, xem có dịch bệnh nào nhiễm vào người không, phải đưa ông đến phòng xông hơi vô trùng mà tẩy uế cho sạch, người cái lão ấy toàn mùi xác chết, sao chúng mày lại để lão ấy vào nhà, từ nay tao cấm chỉ đấy, đem tao ít giấy để tao đốt vía lão ấy đi…
Chuyện chả đâu vào đâu cũng làm lão Bắm buồn, cạy răng chả nói câu nào. Kể ra cũng đúng thôi, nhà lão Hới chỉ mở cửa cho những cái xe bóng lộn, đắt tiền, người ta chào nhau từ lúc mở cửa xe, hoặc khúm núm đứng chờ người giúp việc ra mở cửa. người ta ghé sát vào nhau thì thào câu chuyện, cười nói, hoặc âm thầm bắt tay nhau, vỗ về mãn nguyện. Những cuộc gặp gỡ ấy thường là chóng vánh rồi họ lại vội vã ra đi, sau khi đã vào hỏi han lão Hới mấy câu chiếu lệ cho có tình bố con. Trong cái nhà ấy lão Hới như bức tượng được sơn thiếp đặt ở ngôi cao, vậy thôi.
Còn lão Hới “Thẳng ruột ngựa” thì cứ oang oang khi nhắc đến việc làm của con dâu mình:
- Nó là con yêu tinh, con phù thủy nhà tôi đấy, nó có ba đầu sáu tay, tôi cũng cho nó ra bã, nhất quyết anh em mình phải lên đường, phải chiến đấu đến cùng vì anh em đồng chí của mình …
Lão Hới nghe ở đâu đó như có tiếng bom rền, đạn réo và tiếng kèn xung trận…
***
Thằng Dần le mãi mới được con bé chạy bàn ở quán café Mây Chiều trên phố, trông nó xinh, ăn mặc sành điệu, trôi dạt đâu mãi từ trong Nam ra? Chả biết thằng con ông “phó mả” cưa cẩm thế nào mà nó chịu theo về tận nhà, nó nhìn ông Bắm, bà Bòng với cái đống lô xô lăng mộ bằng con mắt xa lạ cứ như họ từ cõi thăm thẳm nào hiện về, nó rùng mình toát mồ hôi hột rồi ngây ra như hóa đá, mặc cho thằng Dần le te chạy ra chạy vào lau ghế, pha nước. Được một thời gian, nó thỏ thẻ vào tai thằng Dần:
- Em là phận gái mười hai bến nước, mình đã thương nhau thì chẳng nề hà gì, thứ nhất, anh lo số tiền chuộc em ra khỏi nhà chủ quán, rồi lo một số vốn đi với em vào trong đó làm ăn. Còn ở lại, anh xin với ba má căn nhà để mình lập cửa hàng cửa hiệu, ba má đi thuê chỗ khác làm ăn có lẽ tiện hơn, vì cái phố ngoại ô ấy vẫn còn nhiều chỗ trống… Anh Dần ơi! Anh có nguyện suốt đời yêu em không?...
Đến lượt thằng Dần đứng sững như trời trồng, nó ôm chặt con bé vào lòng và quay đi chùi vội giọt nước mắt lăn trên gò má. Một chiếc ô tô quay đầu hắt ánh đèn pha làm bóng hai đứa đổ dài, gãy gập trên hè phố ngoại ô mờ mờ sương lạnh.
***
Mặc cho con cái can gián, lão Hới vẫn lần mò sang chơi với lão Bắm, lão mãn nguyện với việc làm từ thiện của mình, lão nghĩ dù sao những giá trị vật chất mà một thời đổ mồ hôi công sức mới có được và nó đã đi đến đúng chỗ cần phải đến. Lão yên lòng và thương cảm người bạn vong niên thuở ấu thơ còn sót lại. Ở nhà lão cái gì cũng thừa mứa đổ đi, hoặc bí mật xem xét, rồi mang ra khỏi nhà đi rất xa mà vứt bỏ. Mụ con dâu cấm chỉ người ăn kẻ làm trong nhà động đến, vì vậy khi không có vợ chồng người con, lão Hới phải thay mặt tiếp nhận hoặc từ chối. Họ đến rất đúng lúc khi biết chỉ có lão Hới ở nhà một mình, toàn những lời lẽ ngọt ngào nhờ cậy, rồi không để cho lão căn vặn hỏi han, đã khúm núm nói lời ơn huệ rồi ra về, có chăng chỉ là câu: “Chúng cháu đã lo liệu mọi thứ, mong bác nói giúp cho một nhời”…
Ừ, thì cũng toàn túi quà như thời của lão, chỉ khác là nó màu mè sang trọng hơn nhiều, những chai rượu ngoại, những lọ thuốc bổ, đến đồ mỹ phẩm nước ngoài mà có đi tìm cũng khó mua được, vì giá cả của nó “ở trên trời”. Lão biết tính con dâu lão, với những thứ quà cáp này nó chỉ liếc mắt qua rồi bỏ đi, nó bảo: “Ông chớ có đụng vào, toàn đồ rởm, hại đến sức khỏe đấy”. Tiếc của, cũng có đôi lần lão bóc ra dùng thử, ngon, có sao đâu? Và lão chợt nhớ đến vợ chồng lão Bắm “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lão che đậy cẩn thận, và làm như là sự vô tình ngang qua nhà lão Bắm tạt vào. Mỗi lần như vậy bà Bòng lại hồ hởi cảm ơn: “Bác quan tâm đến chúng em quá!” Rồi thận trọng cất nghiến vào trong buồng tuyệt nhiên không cho lão Bắm biết. Đợi lão Hới ra về bà mới mở ra. Chao ôi bao nhiêu là quà, toàn những thứ đắt tiền mà bà ao ước có dịp nào dư dả sẽ mua về cho gia đình biết hương vị của chúng “Miếng cơm nhà giàu khó nuốt, ngưỡng cửa nhà giàu khó qua” là thế, mà tự dưng có người mang lộc đến cho. Và trong những túi quà cáp ấy thỉnh thoảng cũng có những cái phong bì bồn bộn tiền, mà toàn mệnh giá lớn, hoặc những đồng đôla còn mới cứng, lão Hới không để ý đến, có lẽ lão chỉ coi đó là những lời cảm ơn thực lòng và quan trọng hơn là lão không ở trong cái “Nhóm lợi ích” của con lão, nên lão không quan tâm, chuyện vặt. Bà Bòng run rẩy ôm chúng vào lòng, chợt giật mình, nhưng cái lòng tham cố hữu của ngưới đàn bà khốn khó đã xui bà lặng lẽ vượt qua sự liêm sỉ của một con người. Có tiền, những đồng tiền vớ được. Không cần đến lão Bắm, bà cố nhào nặn ra những giấc mơ, bà kêu cầu đền nọ phủ kia, bà luận giải những mộng mị theo cách riêng của mình, bà lao vào đề đóm như con thiêu thân hòng thay đổi kiếp phận. Sự khát khao ấy đã làm bà gần như thành người điên dại, bê trễ với công việc, những thứ lão Bắm khuân về bà gọi chè chai bán cả mớ. Được hời, tay chè chai nịnh hở bà:
- U mới là đại gia biết nhìn xa trông rộng, chứ như bá con thì….khổ!
Bà sướng. Ngày trước bà chỉ dám bớt mồm bớt miệng để có một giấc mơ cỏn con, bây giờ bà vác luôn cả tiền của khách, đặt vào chuyện đỏ đen may rủi …
***
Thằng Dần trở về thẫn mặt hỏi tiền, nó giấu bà chuyện hứa hẹn yêu đương. Nó bảo cần một khoản kha khá để lo chạy việc, bà nói: Con cứ yên tâm chuyện đâu khắc có đó. Nhưng rồi có thấy gì đâu. Thằng Dần buồn ra mặt nó bị mũi tên của thần ái tình bắn trọng thương, nó bị ngã ngựa. Khi không đủ bản lĩnh hiệp sĩ cứu người yêu ra khỏi động quỷ, trái tim nó rỉ máu, vì đấy là mối tình đầu tha thiết của chàng trai nghèo, có lẽ nó yêu con bé ấy bằng sự xót thương của người đồng cảnh. Nó ngồi đấy bất lực trước thời gian, như pho tượng tạc vào đống lăng mộ vốn dĩ đã câm lặng và buồn bã…
Đúng lúc ấy thì lão Hới xuất hiện, lão như ông bụt hiện ra trong chuyện cổ tích. “Ông bụt” hỏi thằng Dần :
- Sao mà buồn thế cháu, người yêu nó đá hử.
Dần vẫn câm lặng. Lão Hới hất đầu:
- Vào đây bác nhờ chút.
Dần bật dậy, nó linh cảm như có một điều gì khác lạ, vội vã đi theo lão Hới vào trong nhà. Khi chỉ còn hai bác cháu, lão Hới rỡ cái áo măng tô trên tay để lộ ra một cái hộp bọc nhung tím, ngoài có thắt vuông góc một dải nơ xanh trông rất đẹp.
- Bác cho cháu đấy, cái này bác không dùng được, thanh niên chúng mày hợp mốt hơn. Giày Ý từ nước ngoài mang về đấy, xem có vừa không, nếu không thì để cho bố cháu dùng.
Thằng Dần hai tay đỡ lấy hộp giày, chờ cho lão Hới ra chỗ lão Bắm làm việc, nó vào tận trong buồng tò mò dỡ cái dải lụa và mở hộp. Trời! Một đôi giày màu nâu đen còn thơm mùi xi ngoại đặt trên cái nền lụa vàng nhạt, đôi giày rất mốt, thứ này Dần chỉ thấy những tay ăn chơi trên phố mới có, dễ đến mấy triệu chứ chả chơi? Nó lấy đôi tất mới xỏ vào chân rồi cẩn thận thử giày. Cái chân tráí vừa xinh, đến lượt chân phải đút vào bỗng nó thấy vướng một cái gì đấy, thò tay vào móc ra, một cái phong bì dày cộp. Mở phong bì mắt nó hoa lên, chao ôi toàn tiền là tiền, một xấp lớn, ra chỗ có khe sáng nhìn lại nó giật bắn mình, toàn những đồng đôla mới cứng. Một tờ giấy rơi ra, nhặt lên, nó dán mắt nhìn vào đọc: “Anh T kính mến. Em vừa đi nước ngoài về, nên không ra ngoài đó trực tiếp gặp anh được, tiện có V ra ký nhận hợp đồng nên có chút quà gửi biếu anh, nhờ anh mà chúng em đã hoàn tất việc đấu thầu dự án. Trăm sự nhờ các anh, khi nào có dịp em sẽ gặp anh sau. mong anh và gia đình mạnh khỏe bình an. Kính thư. Em NPG”. Dần thở không ra hơi, run rẩy đi vào nhà vệ sinh, cẩn thận cài cửa lại, rồi ngồi lên bệ xí và thở. Nó lóng ngóng mở xấp tiền ra và đếm, cái mồm lắp bắp thầm thì: Một này, hai này… sáu bảy, sáu tám này… chín chín, một trăm này. Chưa chắc tin, nó lại đếm lại, vẫn một trăm tờ. Nó vã mồ hôi hột, lo sợ run rẩy như vừa cướp đi một mạng người. Chợt nhớ đến lá thư, nó xé nát vo viên, vứt vào bồn vệ sinh giật nước cho trôi đi, rồi cứ thế co mình lại như tan dần vào bóng tối. Đời nó chưa làm điều gì xấu xa, tự dưng bây giờ nó thấy mình gian dối, nó tự vấn mình: Như thế có phải là ăn cắp không nhỉ? Không! Không! Mình có thò tay vào túi người ta đâu? Xấp tiền như cục than bỏng trong túi nó, mười nghìn đô cơ mà. Chợt có tiếng lão Bắm gọi nó ra với công việc, nó cứ lâng lâng như người mất hồn. Đêm ấy nó thức trắng.
Cuối cùng, tình yêu mang đến cho Dần sự mạnh tợn. Nó đếm từng ngày một, không thấy lão Hới nhắc gì chuyện cái phong bì trong đôi giày. Nó thở phào nhẹ nhõm, nó nghĩ ngay đến Miên (tên người yêu của nó) ở quán café Mây Chiều, nhớ những giọt nước mắt đã rơi, vòng tay nồng nàn tha thiết, những nụ hôn đắm chìm hoan lạc, như định phận, như tơ duyên, nó bảo với Miên: “Anh sẽ đi với em dẫu cuối đất cùng trời”...
Mụ chủ quán café Mây Chiều trông như gã đàn ông chuyển giới, phì phèo điếu thuốc, tay chống cằm lặng lẽ nhìn hai đứa ngồi trước mặt lắp bắp trình bày ý nguyện, mụ cười khẩy, giọng ồm ồm ngắn gọn:
- Được thôi, chúng mày sướng nhau thì tao cho phép, nhưng muốn ra đi thì chồng đây 50 triệu, tiền tao mua con này về và tiền phá vỡ hợp đồng, còn không đừng trách tao ác.
Thằng Dần lạnh toát sống lưng, nó mở miệng:
- Thưa cô, vì hai đứa cũng còn khó khăn mới lo được hơn nửa số tiền đó thôi, cháu xin gửi trước cô 30 triệu, mong cô thương chúng cháu.
Thấy hơi tiền, mặt mụ chùng xuống, không úp mở gì nữa:
- Thằng này thật vớ vẩn, đến đây thích con nào thì xé vé, lại còn mơ “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Nó là con ngon nhất trong quán tao đấy, tao nhận nó là con, nên bao thằng đại gia săn ve bỏ tiền triệu ra mà tao chưa đồng ý, nó đi tao sập tiệm à.
Cái Miên thẽ thọt:
- Má thương chúng con nghe má, bao giờ hết khổ con về thăm má.
Hình như con đàn bà trong hình hài gã đàn ông ấy thức dậy:
- Thôi được, giấy bút đây cam kết hết tháng này phải thanh toán cho tao số nợ đó, rồi muốn biến đâu thì biến. Mụ quay sang cái Miên: Có khổ sở quá thì lại quay về đây với má, nghe con!
Nói đúng hơn thì đấy là cuộc chạy trốn khỏi động quỷ của hai đứa. Khi cái Miên được mụ chủ sai đi giao hàng cho một vũ trường, nó được đi có một mình, ra khỏi quán, nó điện cho Dần ngay và chọn một địa điểm an toàn để hai đứa gặp nhau. Thằng Dần đang hộ việc lão Bắm, nó buông cái bay vữa xuống vào trong nhà thay vội quần áo, bỏ mấy thứ vật dụng cần thiết với xấp tiền giấu dưới đáy tủ vào trong túi. Dần nói với lão Bắm:
- Bạn con nhắn phải lên Hà Nội ngay để người ta phỏng vấn và khám lại sức khỏe, nếu được thì vào nhận việc luôn.
Lão Bắm cuống lên:
- Thế không đợi mẹ con về rồi hẵng
đi à ?
- Không kịp bố ạ.
Lão vội vã đưa bàn tay còn dính đầy vữa lục hết túi áo, túi quần:
- Bố chỉ còn mấy trăm thôi, con cầm lấy để lo tiền tàu xe rồi bố tính sau.
Sợ nói là con có tiền, bố sẽ sinh nghi, nó run run đỡ lấy những đồng tiền nhàu nát còn ấm hơi bố nó. Dần ào ra chỗ người xe ôm, bố nó dặn với theo:
- Đi đâu thì cũng cố gắng làm người ngay ngắn tử tế con nhé…
Nó quay lại nhìn bố. Gương mặt hốc hác, dáng người tiều tụy bên đống cát đá bụi bặm mà đôi mắt nó ầng ậng nước mắt. Nó biết cuộc đi này lành ít dữ nhiều, nhưng trái tim nó đã loạn nhịp, tình yêu đã kéo nó đi, nó nghĩ rằng chỉ có Miên mới là người yêu nó thực vì nó con nhà nghèo, con một người làm nghề bốc mả.
Và đêm ấy hai đứa đã ở cách xa lão Bắm hàng trăm cây số, trong một khách sạn chúng quấn vào nhau, khi đó cái Miên đã mở túi hàng của mụ chủ giao, đấy là những viên thuốc lắc màu hồng nhạt và những gói ma túy đá. Như Adam và Eva chúng đã “Ăn trái cấm”. Thằng Dần như được đặt chân đến thiên đường, nó quên hết những cay cực nơi trần thế, quên ngôi nhà cấp bốn xập xệ, quên mẹ Bòng tất tưởi, và quên cả lời bố Bắm dặn…
***
Dưới mái nhà hiu hắt giờ còn mình lão Bắm, lão cặm cụi ra vào vì cuối năm, việc bốc hót rất nhiều người cần đến lão. Bà Bòng cũng biến đi rồi, vì nợ nần đề đóm thúc ép… Nhưng việc ấy chưa làm cho ngực lão đau thắt, mà vì chuyện thằng Dần ra đi chẳng có tin gì về, mấy hôm trước mụ chủ quán café dẫn một lũ lâu la đến tróc nã thằng Dần, đâu bảo còn nợ mụ mấy trăm triệu. Không tìm thấy Dần, mụ đe sẽ cho cả nhà này tan thành bụi! Lúc ấy có mặt lão Hới ở đấy, nghe vậy lão Hới tức điên lên, đẩy mụ ra khỏi nhà, ngã vật xuống hè. Mụ hét lên: “Chúng mày đâu, cho hai thằng già này một trận, nó định giết tao!”. Thế là trận đòn thù của lũ đầu trâu mặt ngựa trút lên hai cái thân già tội nghiệp. Lão Hới phải nằm viện vì gãy xương sườn. Lão Bắm bị rách da đầu phải khâu mấy mũi, sau đó còn bị giữ trên đồn một ngày vì cái tội làm mất an ninh trật tự ảnh hưởng đến người khác.
Lão Hới nằm đấy miên man suy nghĩ, không biết cái căn cớ nào làm xảy ra cơ sự với gia đình lão Bắm, chả nhẽ lòng tốt của lão đặt không đúng chỗ. Họ khổ rồi, giờ lại khổ thêm. Lão linh cảm thấy mình có lỗi, mới khỏe được một chút lão lại thập thễnh sang nhà lão Bắm. Lão đưa quyển sổ tiết kiệm cho lão Bắm: “Tôi đã làm giấy ủy quyền cho chú, đây là tiền tôi tích góp bằng mồ hôi công sức của mình, chú yên tâm, đi mà tìm bà ấy với thằng Dần về !”...
Hai lão già lặng lẽ ngồi cạnh nhau bên cái bàn đầy bụi bặm. Tiếng rao: “Ai có đồ điện, đồ cũ… bán không”, vọt qua. Cơn mưa chiều mùa đông đã tạnh, trời lại hừng lên những tia nắng ấm áp .
N.P.G