Thăng Chi Nguyễn Tạo danh thần triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX - Võ Văn Hoàng

11.05.2015

Thăng Chi Nguyễn Tạo danh thần triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX - Võ Văn Hoàng

Nguyễn Tạo nguyên tên là Nguyễn Công Tuyển, tự là Thăng Chi, sinh năm 1822 tại làng Hà Lam, phủ Thăng Hoa, nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Thân thế:

Nguyễn Tạo là con trưởng của cụ Nguyễn Đạo (Nguyễn Công Đạo), một “thân hào nhân sĩ” hàng đầu của phủ Thăng Hoa, có tiếng khen là nhà dòng dõi phẩm hạnh nhân nghĩa. Sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết, cụ Nguyễn Đạo tự là Suất Tính, lúc nhỏ mồ côi nhưng rất chăm học, đầu niên hiệu Minh Mạng (1820), cụ hai lần đỗ tường sinh. Năm 40 tuổi, hạch theo lệ thì cụ được bổ giáo chức, nhưng vì có mẹ già nên xin ở nhà phụng dưỡng. Ở nhà, cụ lấy việc cày ruộng, đọc sách làm nghề nghiệp, lấy hiếu, hữu, lễ, nhượng dạy con em, người dân trong làng đều cảm hóa theo. Tính tình cụ rất ngay thẳng, đối với mọi người ít khi uốn mình chiều ý, nhưng khi thấy hoạn nạn thì cụ mau chóng cứu cấp, vui lòng giúp đỡ khi túng thiếu,… Các quan phủ huyện về đây nhậm chức đều lấy cụ làm trọng thường mời đến hỏi về việc lợi hại trong dân xã, thu được nhiều điều bổ ích. Cụ Nguyễn Đạo mất năm 70 tuổi, do quan hàm của con, cụ được vua ban tặng là “Phụng Nghị Đại Phu Đô Sát Viện, Hữu Phó Đô Ngự Sử Thụy Trang Khải”.1

Nguyễn Tạo còn là anh của Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1911) - Phó bảng xuất thân, hàm Thái tử thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ, quản lãnh Lại bộ Thượng thư, Sung Cơ mật viện đại thần, kinh giêng Giảng quan Tổng tài Quốc sử quán, Đông cát Đại học sĩ, tước An Tường Tử; và Vọng Sơn Nguyễn Duật (1847 - 1886) - Cử nhân văn và Cử nhân võ khoa thi năm Kỷ Mão (1879), Tán tương quân vụ trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam.

Sự nghiệp:

Lúc còn nhỏ, Nguyễn Tạo đã nổi tiếng là người thông minh, hay chữ, Thiệu Trị năm thứ 6 (1846) ông đỗ Cử nhân2 tại trường thi Thừa Thiên, nhưng đường khoa cử đối với ông hết sức lận đận, suốt 6 kỳ thi Hội ông đều không đỗ. Tự Đức năm thứ 15 (Nhâm Tuất, 1862), ông được bổ làm Huấn đạo huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Sau về làm Huấn đạo huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) rồi về kinh giữ chức Biên tu, làm ở Viện Tập hiền, giữ việc chú thích, khảo dị, biên tập thơ văn và các sách sử yếu do nhà vua làm ra.

Năm Tự Đức thứ 18 (1865), ông được bổ làm Tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Phù Cát lúc bấy giờ là huyện mới được thành lập. Nhìn lại quá khứ thì trước năm 1470, Phù Cát là vùng đất thuộc vương quốc Chămpa. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) trên bước đường Nam tiến, chỉ huy 26 vạn quân tiến công chinh phạt Chiêm Thành đã mở rộng bờ cõi nước ta đến tận đèo Cù Mông, lập nên phủ Hoài Nhơn lệ vào thừa tuyên Quảng Nam. Phủ Hoài Nhơn lúc bấy giờ có ba huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Phù Cát thuộc huyện Phù Ly. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đổi Hoài Nhơn thành Quy Nhơn. Năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, Phù Ly chia thành huyện Phù Mỹ và Phù Cát, lấy sông La Tinh làm ranh giới, tên Phù Cát có từ đó. Huyện lỵ đầu tiên của Phù Cát đặt ở Xuân Hội, sau dời về Hòa Hội (1865) - đây cũng chính là năm mà Nguyễn Tạo vào nhậm chức Tri huyện tại đây. Tuy nhiên, Phù Cát lúc bấy giờ đất đai vẫn còn hoang hóa, cỏ cây rậm rạp, rừng rậm dường như chiếm hầu hết diện tích, bên cạnh đó có nạn hổ báo, thú dữ thường xuyên quấy phá, lại lắm trộm cướp, giặc giã, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản cũng như đời sống của người dân.

Nhiều nguồn tư liệu cho biết, lớp dân cư người Việt đầu tiên định cư trên vùng đất Phù Cát lúc bấy giờ ngoài những “tội đồ” bị lưu đày miền “viễn châu” của nhà Hậu Lê (1427 - 1789) và lớp “tù binh” của chúa Nguyễn thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627 - 1672), phần lớn là lưu dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, tức những lớp người dưới đáy của xã hội phong kiến loạn lạc. Trên đất mới, họ sớm hòa hợp, xen cư với người Chăm và Bana bản địa, để đối phó với thiên tai và khí hậu khắc nghiệt, cùng nhau khai phá, tô điểm và bảo vệ từng thước đất quê hương.

Trước đây triều đình vẫn thường phái quan quân đến đóng, nhưng tình hình trên vẫn không được cải thiện. Khi Nguyễn Tạo đến đây nhậm chức, ông đã hết lòng tận tâm vỗ yên dân chúng, diệt trừ hổ báo, đem lại sự bình yên cho dân chúng. Chỉ chưa đầy ba năm, ông đã làm cho địa phương này được mở mang, nhân dân được ấm no. Do đó, Án sát tỉnh Bình Định là Thân Văn Nhiếp (1804 - 1872) đã tiến cử ông về triều vì cho ông là người xuất sắc về chính trị, có khả năng trong công quyền. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng: “Chánh lục phẩm lĩnh Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Tạo trước lĩnh huyện Phù Cát (thuộc Bình Định) làm quan thanh liêm, công bằng, thuộc lại và dân tin phục, đồng ruộng ngày một mở mang, trộm cướp im hơi. Hai thôn là An Lạc, Vĩnh Thắng dân nhiều, ruộng ít, Tạo khuyên thôn Chính Lợi nhượng cho hai thôn An Lạc, Vĩnh Thắng 25 mẫu công điền (An Lạc 15 mẫu, Vĩnh Thắng 10 mẫu) để cày cấy và ở. Quan tỉnh Thân Văn Nhiếp đem việc tâu lên. Vua thưởng cho Tạo một chiếc tử kim khánh hạng nhất có chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán”, thăng thụ chức Yếu khuyết (tức Hạt trọng yếu) tri phủ, giao cho bộ bổ ngay và gửi công văn đi cho các tri phủ, tri huyện trong Kinh và các tỉnh ngoài đều biết việc khuyến khích đặc cách đó để làm gương”3. Thôn Chính Lợi cũng được thưởng một tấm biển có chữ “Thiện Tục Khả Phong”.

Năm Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), ông được bổ làm Lại khoa cấp sự trung, nhưng chưa kịp nhận chức, ông liền được cải bổ đi nhận chức Tri phủ Hoài Đức (Hà Nội). Qua một năm, thăng Thị độc lĩnh Án sát sứ Hải Dương.

Năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 24 (1871), các phủ huyện Nam Sách, Đông Triều của tỉnh Hải Dương hạt bị bọn phỉ người Thanh là Tăng Á Trị vào quấy nhiễu, cướp bóc, Nguyễn Tạo cùng với Đề đốc Đặng Duy Ngọ mang lính vây đánh. Đại Nam thực lục chép: “Có toán giặc (hơn 1.300 người) chia ra từng bọn đến quấy nhiễu ở hạt phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đề đốc là Đặng Duy Ngọ, Án sát là Nguyễn Tạo đem binh dõng (hơn 1.070 người) vây đánh được thắng, thưởng cho Duy Ngọ một đồng tiền vàng “Tứ mỹ”, Nguyễn Tạo một đồng tiền vàng “Tam thọ”. Lại thưởng cho quân công mỗi người một cấp, binh dõng được thưởng chung 600 quan tiền. Hộ đốc Lê Hữu Thường, Lãnh binh Nguyễn Đắc Danh mỗi người được thưởng gia một cấp”.4

Tháng 6 năm 1871, có thuyền của bọn giặc biển Thập Bát Mã lại đến quấy nhiễu ở tỉnh Hải Dương và Quảng Yên. Quan tỉnh là Lê Hữu Thường, Hồ Trọng Đĩnh phái quân đánh bọn giặc phải chạy (đầu sỏ của giặc là Băng Nha Hùng và Vương Áng, người Thanh, Trung Quốc). Sau đó, có “toán giặc hơn 3.000 người đánh úp phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, bọn phó Lãnh binh Đoàn Huyền, Đốc binh Nguyễn Văn Chư, Hiệp quản Lê Quang Bào đóng ở quân thứ đem quân đi cố sức đánh, bọn giặc phải lui. Mỗi người được thưởng kỷ lục một thứ; đốc thúc đi đánh là Án sát sứ Nguyễn Tạo được thưởng quân công một cấp; điều độ là Hộ đốc Lê Hữu Thường được thưởng kỷ lục hai thứ; còn thì đều chiếu lệ thưởng chung. Người nào bị chết thì được cấp tiền tuất và truy tặng”.5

Tự Đức năm thứ 25 (1872), cụ Nguyễn Đạo mất nên ông xin về quê thọ tang cha. Khi hết tang, ông được thăng thụ Thị độc học sĩ sung Biện các vụ. Tự Đức năm thứ 27 (1874), Phạm Như Mại, Nguyễn Tấn ở Nghệ An và Nguyễn Hàm ở Hà Tĩnh lập thế ỷ giốc gây biến loạn, thành Hà Tĩnh thất thủ. Vua cho là Quảng Bình tiếp giáp, cần phải đề phòng, đánh dẹp. Do đó, Nguyễn Tạo được coi là người am hiểu, lão luyện nên được thăng bổ làm Bố chánh tỉnh Quảng Bình, chưa bao lâu thì ông được đổi làm Bố chánh tỉnh Nam Định.

Nguyễn Tạo từng xin vua Tự Đức cho đi kinh lý miền núi Quảng Nam vì cho rằng, miền thượng du Quảng Nam, một giải tá giang từ đồn Bảo Định đến đồn Phước Sơn rừng gò hoang vu phần nhiều là rộng rãi màu mỡ. Xin đặt nha sơn phòng, chọn người địa phương giỏi giang trông coi công việc, trích hương binh đến đóng để khai khẩn và lượng tha những tù tội cho đến ở để khẩn khoang. Hiểu dụ những thân hào vật lực nếu ai tình nguyện mộ điền tốt, sắm lấy đồ vật, lương thực, điền khí, dồn lập thành đội ngũ, đặt người cai quản đưa đến khai khẩn, đều chiểu lệ có thưởng có phạt. Vua y lời xin, cho Tạo là người tốt, giỏi mà có lòng, cho đổi lĩnh chức ấy. Hôm bái mạng ra đi được vua Tự Đức phê bảo rằng: “Ngươi chuyến này nên làm thế nào sớm được thành hiệu, khiến cho dân ngày thêm được vui về điều lợi”. Khi Nguyễn Tạo đến sơn phòng, ông lại dâng sớ xin lấp sông Vĩnh Điện, mở sông Ái Nghĩa. Bấy giờ nhân có hạn mất mùa, Nguyễn Tạo trù tính xin 8 điều:

1- Ngăn giữ những nơi danh sơn để giữ gìn địa mạch.

2- Làm lối dẫn thủy để giúp cho nghề nông.

3- Hoãn việc kén lính nhiều để dân được hồi lại.

4- Miễn hết điền tô, thâu thuế

năm ấy.

5- Mỗi năm, thuế vụ đông đổi làm hợp thu về vụ hạ năm sau.

6- Cấp chẩn để đỡ túng đói cho dân.

7- Đình việc phái đến quyên khuyến.

8- Đình việc phái người đến thu mua cao da trâu.

Vua đều nghe lời.

Tự Đức năm thứ 31 (1878), vì Nguyễn Tạo trước đây ở Nam Định để thuộc hạ coi kho làm thiếu khuyết của công, đến khi ở sơn phòng sứ Quảng Nam thì xảy ra nạn giặc Man nên ông bị cách chức, về tỉnh chuyên làm việc doanh điền và khơi sông. Năm ấy dân đói to, ông được đưa đi trù việc cứu chữa nạn đói rất đắc lực, được trả lại hàm Biên tu và đổi hàm Bổ đi Giáo thụ Thăng Bình rồi lại quyền chức Đốc học tỉnh ấy, học trò rất tin yêu, kính trọng và theo học rất đông.

Khoảng niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên (1885), ông được thăng Trước tác sung Cơ mật viện thừa biện, nhưng ông dâng sớ xin từ chối chỉ chuyên lo công việc ở trường Đốc Quảng Nam. Cũng vào thời điểm này, đêm mùng 4 rạng sáng ngày mùng 5 tháng 7 năm 1885, kinh đô Huế xảy ra biến cố, Phụ chính đại thần triều Nguyễn là Tôn Thất Thuyết đã mở cuộc tấn công quân Pháp ở trấn Bình Đài (tức đồn Mang Cá) và Tòa Khâm sứ Pháp. Nguyên nhân của vụ tấn công là từ ngày 01 tháng 8 năm 1884, triều đình Huế làm lễ tôn vua Hàm Nghi, người Pháp không chấp thuận vì không xin phép họ. Khâm sứ Pháp lúc ấy là Rheinart đưa tối hậu thư đòi triều đình phải hủy bỏ lễ lên ngôi của vua Hàm Nghi, đồng thời phải làm tờ tạ lỗi và làm tờ xin phép Pháp. Ngày 17 tháng 8 năm 1884, Khâm sứ Rheinart và thuyền trưởng Wallarmé cùng một số quan chức Pháp vào điện Thái Hòa làm lễ tấn phong vua Hàm Nghi. Thêm vào đó lại có tin, Khâm sứ Pháp ở Huế là Decourcy định bắt Tôn Thất Thuyết và phế vua Hàm Nghi, lập vua khác nên cuộc tấn công đã bùng nổ.

Cuộc chiến nổ ra, dù quân triều đình Huế đã anh dũng chiến đấu nhưng không thể thắng được quân Pháp, bởi Pháp đã sử dụng một lực lượng tấn công với 02 đại đội lính lê dương da đen, 02 đại đội lính Ả Rập, 06 đại đội lính Pháp da trắng, hỏa lực gồm 60 đại bác 121 ly, nhiều súng cối 80 ly nã xối xả vào thành. Đến 11 giờ trưa ngày 6 tháng 7 năm 1885, phụ đạo Tôn Thất Thuyết và hai người con là Đề đốc Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp cùng thị vệ vào cấm thành đưa vua Hàm Nghi và tam cung rời kinh đô ra Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị). Đến 12 giờ trưa, kinh thành Huế hoàn toàn thất thủ.6

Sau khi ra Tân Sở, vua Hàm Nghi đã ban Dụ Cần vương, khắp các tỉnh thành đều hưởng ứng. Tại Quảng Nam, các nghĩa sĩ, văn thân mà tiêu biểu là Tiến sĩ Trần Văn Dư (1839 - 1885) đã đứng ra thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Lúc này, Nguyễn Tạo ngầm ủng hộ phong trào Cần vương, dù không có chứng cớ nhưng thực dân Pháp và tay sai Nam triều vẫn nghi ngờ ông, chúng cho đòi ông về kinh nhằm tránh sự liên kết và ủng hộ của một vị Đốc học có ảnh hưởng rất lớn trong giới trí thức tỉnh nhà.

Năm 1886, sau khi tình hình ở Huế và Quảng Nam tạm lắng xuống, vua có chiếu cho ông giữ nguyên hàm, sung Thừa biện quốc sử quán, mới được mấy tháng thì mắc bệnh xin về quê không ra làm quan nữa. Về quê, ông xây sẵn ngôi sinh phần trên một cái gò ở phía Đông Nam nhà, trồng nhiều hoa cỏ, cây cối rồi thường mời thân thuộc khách khứa đến đó du lãm, uống rượu luận văn hoặc bàn những việc hồng hoang, hải ngoại cho qua những năm tháng cuối đời. Năm Thành Thái thứ 4 (1892), ông qua đời và được an táng tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hưởng thọ 70 tuổi.

Thành Thái năm thứ 5 (1893), ông được truy thụ Hàn lâm viện Thị giảng. Bấy giờ chính phủ đại thần Văn minh đại học sĩ Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp vốn quen biết Nguyễn Tạo, nhân đặt cho ông tên hèm là Hữu Khang. Sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ca ngợi công đức của ông: “Nguyễn Tạo là người thanh liêm giỏi giang, làm quan ở đâu đều có tiếng tốt, được vua phê rằng: “Quan giỏi hiếm có”. Lại có dụ rằng:  “Ai thanh liêm tài giỏi được như Nguyễn Tạo thời hậu thưởng”. Nguyễn Tạo vốn được vua phân biệt yêu mến là như vậy đó. Khi tuổi già xin kinh lý mọi việc là có lòng cáng đáng công việc, nhưng bận việc công lại không được ở yên một nơi với chức vụ, Lại nhân luôn gặp biến cố, nên khó làm trọn được ý định. Thức giả lấy làm tiếc”.7

 Chú Thích

1, 7 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Tập 3+4. Nxb Thuận Hóa, 2013, tr. 583-585, 585.

2 Đây là khoa thi năm Bính Ngọ (1846). Trường thi Thừa Thiên lấy đỗ 46 người. Trong đó, tỉnh Quảng Nam đỗ 10 người gồm: huyện Diên Phước: 02: Phan Doãn Đức và Nguyễn Thế Mỹ; huyện Duy Xuyên: 02: Trần Hàm Chương (tức Đỗ Thúc Tĩnh) và Nguyễn Tấn Cung; huyện Lễ Dương 02: Võ Đăng Xuân và Nguyễn Công Tuyển; huyện Quế Sơn: 02: Phạm Nhữ Khuê và Phan Văn Duật.

3, 4, 5 Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 7. Nxb Giáo dục, 2007, tr. 1139-1140, 1268, 1288.

6 Nguyễn Thanh Dân. Tiểu La Nguyễn Thành nhà ái quốc và cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hoa Kỳ, 2002, tr. 5-7.

V.V.H