Khóc cười đám xá quê tôi - Đinh Quyên
Làng tôi thuộc vùng quê ngoại thành Hải Phòng. Cơ quan tôi cách làng hơn bốn mươi cây số. Hôm qua, bác Cả điện thoại tới ba lần: “Chú về ngay có việc”. Đoán chắc có chuyện gì hệ trọng, cấp bách nên dù công việc cuối năm bận ngập đầu, tôi vẫn phải thu xếp về quê.
Đến nhà mới hay, bác điện ra là để báo tin sắp cưới con gái út, dự kiến sẽ tổ chức rất linh đình.
Cơm nước xong, bác kéo tôi vào phòng trong, khép cửa lại, mở tủ lấy ra quyển vở học trò thông qua “Chương trình” mà bác đã chuẩn bị kỹ càng từ nhiều hôm trước, trong đó nội dung chủ yếu là khách mời và cỗ bàn ngày cưới. Đại để: Hôm ăn hỏi chỉ “gói gọn trong nội bộ gia đình”, sắp 6 mâm; buổi chiều trước ngày cưới giết lợn, bắc rạp…sắp 20 mâm để “giải quyết” hết khoản lòng lợn, tiết canh; trưa hôm sau, bữa chính, làm 60 mâm, mỗi mâm 2 bát, 5 đĩa; buổi chiều, 20 mâm đãi khách xa còn lưu lại và có lời cám ơn những người phục vụ; sáng hôm sau, 3-4 mâm tiễn khách còn lại ra về. Cả chính, phụ vị chi 110 mâm cỗ. Chi phí các khoản bác trù tính khoảng trên 50 triệu đồng.
Mới nghe những con số, tôi đã toát mồ hôi. Nhà bác có bốn người, cấy 6 sào ruộng, năm thuận thời, được mùa cũng chỉ tạm đủ ăn, đủ tiêu; năm thất bát là rơi vào cảnh eo hẹp đồng ra, đồng vào. Bây giờ một lúc chi khoản lớn như thế quả là đáng lo ngại. Tôi lựa lời can ngăn:
- Nhưng em sợ…Hay là ta tổ chức đơn giản, gọn nhẹ…
Bác quắc mắt, chặn ngang:
- Chú sợ tốn kém? Tôi đường đường là trưởng họ, còn phải để cho thiên hạ nhìn vào. Vả lại, làng này bao nhiêu năm nay, có đám mời nào mà tôi vắng mặt? Giờ mới đến lượt mình đứng ra lo việc lớn. Không có, tôi đi vay.
Tôi hiểu ý, im bặt, không dám bàn gì thêm. Bác mở sổ đọc tiếp danh sách khách mời dày đặc năm trang giấy, rồi lại chợt nhớ ra, bảo tôi viết thêm hơn chục người nữa.
Buổi chiều, tôi tranh thủ sang thăm ông bà nhạc. Vừa vào đến cửa, đã thấy nhạc phụ tôi đang rì rầm trò chuyện với hai ông hàng xóm. Lại là chuyện đám xá:
- Đám cưới con nhà Huy ngày kia ông có dính không?
- Thoát làm sao được. Mẹ nó, chỉ là chỗ quan hệ người làng, mới cách đây hai tháng cưới đứa lớn nó mời, mình đã đi rồi, giờ cưới đứa thứ hai nó lại mời, đưa mình vào thế bí.
- Nhưng dù sao cánh mình còn khỏe, ăn uống được còn vớt vát lại một phần tiền mừng, chứ như cảnh cụ Hậu mới thật đáng thương hại. Khổ, ngoại tám mươi răng rụng hết có ăn uống được gì đâu. Vậy mà chúng nó vẫn không tha. Một lần ngồi cùng mâm, tôi thấy cụ chỉ nhai trệu trạo được một miếng giò, mấy sợi miến với lọn xôi vừa bằng quả cau. Thế mà nhận được thiếp mời cụ phải đi khắp xóm vay tiền. Cho nên tôi mới gọi: Đấy là kiểu mời dã man.
- Cảnh cụ Bôn lại còn khổ hơn. Trợ cấp mỗi tháng được một trăm tám mươi ngàn, chưa đủ đi hai đám. ở với con dâu, mỗi lần có đám mời, lại ngửa tay xin. Rồi xin lắm cũng ngại, nên tôi để ý, mấy năm nay, cứ đến mùa đám xá lại mượn cớ trốn vào nhà con gái tận Lâm Đồng.
- Thế đám cưới thằng út nhà ông vừa rồi lồi hay lõm?
- Lồi chút đỉnh, nếu kể cả các khoản mua sắm thì lõm to.
- Nghe đâu đám cưới con nhà Triệu lồi được những trên năm triệu.
- Nhà ấy xấu chơi, nói làm gì. Ai đời, lệ làng này, cỗ cưới là cứ phải đủ năm đĩa hai bát, hắn bớt hẳn một đĩa, một bát. Đã thế mâm cỗ bưng lên đĩa bát nào cũng vơi. Cả mâm cỗ sang nhất có đĩa giò nạc, hắn cắt mỏng tèo tèo, chỉ khoảng hơn một phân, bằng già nửa khoanh giò cỗ nhà khác. Lại còn không mua bia Hà Nội, uống bia liên doanh khai như nước đái bò. Vậy nên đám ma bố hắn, đám cưới con hắn đều lồi là phải.
-Thế mà đi đâu hắn cũng sĩ diện khoe: “Cả làng làm tang cho ông cụ tôi, cả làng cưới vợ cho con trai tôi”. Nói không biết ngượng mồm.
Tôi đặt gói quà lên bàn, đưa hai tờ giấy bạc năm trăm nghìn đồng biếu ông bà nhạc. Hai vị khách tỏ vẻ ngạc nhiên. Một vị cười bảo: “Con rể thật hiếu thảo, tâm lý, biết về gỡ bí cho bố vợ giữa mùa đám xá.”. Vị kia cất tiếng thở dài: “Tháng này tôi đi bốn đám rồi, còn hai đám nữa. Thằng cả ra Phòng làm, hẹn tuần này về mà vẫn mất tăm, biết vay đâu ra tiền đây!”.
Một tuần sau, đám cưới cháu tôi diễn ra đúng theo ý bác Cả. Khách mời ngồi chật trong nhà, ngoài sân. Sau phần thủ tục đón dâu hình như chẳng mấy ai để ý, những mâm cỗ đầy ú ụ được đặt lên bàn. Ăn ào ào, uống ào ào. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng chúc, tiếng “dô” huyên náo một vùng cùng với tiếng loa mở hết cỡ đến đinh tai choáng óc. Mấy trung niên, thanh niên mặt đỏ phừng phừng, cầm chén rượu đầy ắp thách đố nhau rồi ngửa cổ dốc ngược chảy tràn cả ra mép, xuống ngực, lấy tay áo quệt ngang. Rồi châm chọc, khích bác nhau. Rồi xắn tay, giơ nắm đấm sấn sổ lao vào nhau định quyết một phen chí tử. May mà có người xông vào can kịp. Mấy cụ già ngồi cạnh vội buông đũa, đứng dậy ra chào chủ nhà, đưa chiếc phong bì và ra về…
Tối hôm ấy tôi mệt mỏi rã rời nên đi ngủ sớm. Vợ chồng bác cả rì rầm đến khuya. Sáng ra, bác thông báo về khoản tài chính: Lấy thu bù chi vừa… hòa vốn. Nhưng bác tỏ vẻ mãn nguyện vì “Ai cũng khen cỗ nhà mình tươm tất nhất làng ”. Nhìn bác mặt mày hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm mất ngủ, tôi vừa thương vừa giận. Thì ra, hàng tháng trời bác lao tâm khổ tứ, chạy ngược, chạy xuôi là chỉ để lấy tiếng khen này!
Hôm sau, tôi ghé vào thăm Thanh, bạn học hồi phổ thông. Thanh vồn vã kéo tôi vào cùng hàn huyên:
- Ông đến chậm chút nữa thì không gặp.
- Trưởng thôn có khác. Bận họp à?
- Không, tôi sang đám lên lão.
- Làng mình dạo này đám xá rôm rả quá nhỉ? Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa ...
- Giàu được thì đã phúc. Nghèo mà đua nhau sinh ra đủ các loại đám để hành nhau, làm khổ nhau mới là chuyện đáng buồn.
Thanh liệt kê: Đám xá làng tôi một năm có tới hơn hai mươi loại: Tang, cưới, lên lão, bốc mộ, xây mộ, con thi đỗ nhập trường, cháu đầy cữ, lên nhà mới, kỷ niệm cưới bạc, cưới vàng, giỗ chạp, việc họ, xây nhà thờ, hội làng… Rồi liên hoan hội đồng ngũ, đồng tuế, đồng môn… Mỗi loại có ít là một lần, nhiều là ba, bốn, năm lần. Mỗi lần, tùy theo loại, có loại ba bốn cuộc. Chẳng hạn đám tang, mỗi năm có trung bình bốn, năm cụ qua đời. Mỗi cụ phải tổ chức các cuộc: Đưa tang, ba ngày, bốn mươi chín ngày vào chùa, một trăm ngày, giỗ đầu. Điều đáng nói là các loại đám theo nếp cổ truyền nay vẫn duy trì nhưng quy mô mở ra rất linh đình, các loại đám mới hình thành tăng gấp hai ba lần trước đây và đang biến tướng trở thành hủ tục. Rồi anh nhẩm tính: Làng tôi, đất thuần nông, nguồn thu chính từ hạt thóc, củ khoai, con lợn, con gà, năm nào bội thu, trừ chi phí còn được chừng trên dưới bốn tỷ đồng, chỉ riêng các loại đám xá tiêu tốn mất trên một tỷ, số còn lại chia cho số khẩu, bình quân được bảy, tám trăm nghìn đồng/tháng. Ăn, mặc, ở, mua sắm, chữa bệnh, con học hành, các khoản giao nộp trông cả vào đấy thì hỏi còn đâu đầu tư cho sản xuất, xây dựng Nông thôn mới. Cũng may, nhờ hàng trăm lao động trẻ khỏe bỏ làng vào thành phố làm thuê, đem tiền về phụ thêm, không thì làng ngã quỵ từ lâu.
- Nghe ông nói, tôi thấy lo quá!
- Chưa hết đâu, tốn kém, lãng phí về kinh tế mới chỉ là một phần. Mối họa về suy thoái đạo đức, văn hóa, xã hội do đám xá gây ra còn lớn hơn nhiều. Đám xá đã đưa nhiều nhà lâm vào cảnh nợ nần, rồi gia đình vợ chồng, bố con lục đục, anh em xung khắc, bạn bè từ bỏ nhau. Đã có không ít trường hợp đôi bạn nối khố, anh em cùng họ chỉ vì mời không đến dự đám mà thành tuyệt giao. Ấy là chưa kể, đám xá là nơi tụ tập, phát sinh cờ bạc, rượu chè dẫn đến xô xát mất trật tự an ninh làng xóm. Cán bộ, cũng có người vì gánh nặng đám xá mà sinh ra nản lòng. Ông Trưởng ban Mặt trận vừa rồi xin nghỉ công tác. Bởi sao? Bởi nếu anh là dân thường thì chỉ những đám thuộc anh em, họ mạc hoặc bạn bè thân thiết mới phải đi. Đã làm cán bộ là cả làng đám lớn, đám nhỏ đều mời; rồi cán bộ xã, cán bộ các thôn bạn có đám cũng mời. Đã mời thì phải đi. Không đi thì mất hết quan hệ, anh sẽ làm việc với ai? Mà đã đi là phải mất tiền. Ông ấy nói nhỏ với tôi: Phụ cấp mỗi tháng được gần năm trăm nghìn đồng, có tháng riêng đi đám chi hết trên hai triệu. Kinh quá, không chịu nổi nên đành mang tiếng là thoái thác nhiệm vụ. Thế đấy!
- Chắc ai cũng biết đám xá đang là vấn nạn trong làng. Vậy chả lẽ cả hệ thống chính trị Đảng, chính quyền, các đoàn thể chịu bó tay?
- Đã có nhiều nghị quyết được ban hành, cứng có, mềm có, nhưng xem ra đều vô hiệu. Tôi kể ông nghe mấy chuyện này: Một ông sĩ quan quân đội nghỉ hưu về làng được bầu làm Trưởng thôn khóa trước tôi. Thấy cảnh đám xá đang là mối hiểm họa cho dân làng, máu lính nổi lên, quyết ra tay dẹp bỏ. Dùng kỷ luật nhà binh, ông ban hành một loạt quy định đưa vào hương ước: Đám cưới không làm quá 20 mâm cỗ, đám ma dân làng chỉ đi đưa tang rồi về, không ăn uống, các loại đám khác chỉ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ… Ai không chấp hành coi như vi phạm hương ước, tùy mức nặng nhẹ mà xử phạt. Họp cốt cán, họp dân nhất trí thông qua, nhưng rồi chẳng ai làm theo, cũng chẳng phạt được ai. Đến nhiệm kỳ khóa sau, ông không trúng cử. Bà Chủ tịch Hội Phụ nữ cũng định tổ chức cưới cho con theo nếp sống mới: Chỉ liên hoan nước thuốc, bánh kẹo, không cỗ bàn, không nhận tiền mừng. Nhưng khi về vận động ông chồng, liền bị quát: “Nhà này quyền tôi hay quyền cô? ”. Thế là im re. Một ông Thứ trưởng về tổ chức lên lão cho mẹ, cũng có ý nhân dịp này bày tỏ tình cảm với dân làng, mời bà con đến gặp gỡ thân mật và thết cơm. Ai đưa tiền mừng, ông đều cám ơn và nhận hết, nhưng sau đó gửi trả lại. Tưởng cách ấy là hay, nào ngờ sau đó là những lời chê bai, trách cứ. Có người chửi bán tin: “ Ông to ở đâu chứ về làng thì đã là cái đinh gì mà dám phá lệ làng.”. “ Cậy chức quyền to, lắm tiền nhiều của khinh dân làng nghèo chê ít, không nhận tiền mừng”. “Đã khinh làng thì làng khinh lại. Nay mai mẹ ông nằm xuống, mang tiền của về mà tự làm ma”. Ít lâu sau, ông về đưa mẹ lên Hà Nội và đã lâu ít thấy về làng...
- Có một thực tế là: Ai cũng sợ đi đám xá nhà người khác, nhưng với nhà mình thì lại muốn bày đặt ra và làm thật linh đình. Phải chăng đó chỉ vì mục đích vụ lợi?
- Đó chẳng qua là cái lợi chết người. Bởi kẻ nông cạn chỉ nghĩ làm đám to có thể được cái lợi thứ nhất là thu về tiền lời dăm ba triệu, thậm chí chín mười triệu, nhưng không hiểu đây là món nợ đồng lần. Nay anh mời tôi, tôi đến viếng, đến mừng coi như anh nợ, mai tôi làm đám tôi mời lại anh, anh phải đến để trả món nợ ấy. Lẽ đời là thế. Chứ đâu phải vì nghĩa, vì tình. Bởi tình làng nghĩa xóm bây giờ so với trước kia đã phai nhạt lắm rồi. Cái “lợi” thứ hai là để lấy tiếng: Con cháu được tiếng làm tang linh đình để báo hiếu ông bà, bố mẹ; bố mẹ được tiếng cưới con mình không thua kém ai. Nhưng thử hỏi bỏ tiền mua cái tiếng, cái sĩ diện hão ấy phỏng có ích gì, trong khi cuộc sống còn bao thứ cần thiết hơn nhiều. Nhưng cái lệ nay đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Ai đứng ra xóa cái lệ ấy sẽ bị coi là kẻ thủ mưu làm cho người ta “vừa mất miếng, vừa mất tiếng”, tất sẽ bị bài xích, cô lập như ông Trưởng thôn, ông Thứ trưởng vừa nhắc trên kia. Cho nên tôi mới bảo cuộc đấu tranh xóa bỏ hủ tục trong đó có đám xá ở làng quê hiện nay cũng cam go, quyết liệt không kém gì chống giặc ngoại xâm. Có khi còn khó khăn hơn. Bởi kẻ thù ở trong anh, trong tôi, trong mọi người mà không ai nhìn thấy.
Thanh kể vừa đi học tập kinh nghiệm ở một số nơi xây dựng nếp sống văn hóa làng thành công và phác ra kế hoạch: Tới đây, cùng với tuyên truyền, giải thích đến từng người dân, sẽ huy động cả hệ thống chính trị đồng tâm hợp lực vào cuộc. Riêng anh sẽ đi đầu, tổ chức cưới con trai theo nếp sống mới để làm gương và vận động cán bộ đảng viên làm theo. Anh bảo, sẽ đương đầu với mọi sự phản ứng, chống đối của tư tưởng lạc hậu, lỗi thời từ mọi phía kể cả gia đình, họ mạc, bạn bè, làng xóm; sẵn sàng chấp nhận mọi mất mát, tổn thất trong cuộc chiến này.
Hôm tôi ra về, Thanh tiễn đi dọc đường làng, đến trước Nhà văn hóa mới xây thì dừng lại, giới thiệu. Tôi khen công trình đẹp, hoành tráng. Thanh bảo: “Được nhà nước hỗ trợ, dân góp thêm, chi ba trăm triệu đồng rồi nhưng mới được cái vỏ bề ngoài, còn ruột bên trong thì vẫn rỗng. Vả lại, hầu hết nam nữ thanh niên bỏ làng đi làm xa còn lấy ai ra đấy mà vui chơi múa hát? Nên Nhà văn hóa này chỉ dùng làm nơi mỗi năm họp hành dăm ba lần, còn hằng ngày đóng cửa.” Rồi anh chép miệng: “Cấp trên bảo, cho tiền thì làm. Nhưng con người và nếp sống trong làng thiếu văn hóa thì làng có Nhà văn hóa to đẹp cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi nghĩ: Bài trừ hủ tục, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa làng, phải bắt đầu từ con người, xây dựng con người, chứ không phải bắt đầu từ nhà văn hóa, xây văn hóa, ông ạ”.
Tạm biệt làng mà lòng dạ tôi không yên. Ngoái lại nhìn vóc dáng làng tôi, một dải tre xanh trông xa như một con thuyền dập dờn trên mặt nước. Ôi! Những năm tháng qua, biết bao biến động theo thời cuộc, làng tôi đã đổi thay nhiều với những điện, đường, trường, trạm ngày một khang trang; từ màu vàng ruộng lúa bội thu ngoài đồng đến bữa ăn no đủ trong mỗi gia đình… Nhưng hủ tục đám xá và những con người đã sinh ra nó, khư khư ôm lấy nó, để rồi chính nó đang hủy hoại mình, sẽ đưa con thuyền làng tôi trôi dạt đi đâu, về đâu!?.
Đ.Q