Văn học nghệ thuật Hải Phòng với hành trình nửa thế kỷ - Tô Hoàng Vũ
Trước Cách mạng tháng Tám, Hải Phòng là một trong những cái nôi của nền văn học mới với Hoàng Ngọc Phách - tác giả tiểu thuyết Tố Tâm, thầy giáo trường Bonnal những năm 1926-1931; với Thế Lữ “ông vua Thơ mới”; với hai anh em nhà văn Khái Hưng, Trần Tiêu; với Nguyên Hồng - người cùng với tác giả sân khấu Vi Huyền Đắc cũng của Hải Phòng nhận giải thưởng cao nhất năm 1937 của Tự Lực văn đoàn; với Văn Cao “ông hoàng âm nhạc”; cùng các nhạc sĩ Lê Thương, Hoàng Quý, Đỗ Nhuận; các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Công Khanh; với nghệ sĩ cải lương Ái Liên - người được mệnh danh là “Bông hồng Á Đông” bởi tài năng và sắc đẹp...
Kháng chiến chống Pháp hầu hết văn nghệ sĩ của thành phố lên chiến khu Việt Bắc, tiếc rằng khi hòa bình lập lại do Hải Phòng thuộc vùng 300 ngày địch tập kết, nhiều người không có điều kiện trở lại Hải Phòng nên đã phải dừng bước rồi ổn định cuộc sống tại Hà Nội, làm Hải Phòng bỗng mất đi cả một thế hệ tài năng. Mất mát để lại sự trống vắng nhưng cũng làm nỗi khát khao về sự tiếp nối và thay thế mỗi lúc một cháy bỏng.
Những năm 1930, người tứ xứ vùng đồng bằng Bắc bộ đến Hải Phòng, ban đầu chỉ để mưu sinh, rồi cuộc sống nơi thành phố cần lao và phóng túng đã thôi thúc một số trí thức cầm bút, thì sau ngày thành phố được giải phóng năm 1955 cũng gần như vậy, cả những người con của đất Cảng cũng thế; chỉ khác, nếu như trước Cách mạng con đường dẫn đến sự nghiệp của nghệ sĩ là tự phát thì sau ngày giải phóng là tự giác, chủ động và có tổ chức. Nhận thấy văn nghệ sĩ cần được hiểu sâu sắc cuộc sống sinh động của đất nước, Đảng đã tổ chức cho nhiều người thâm nhập sâu thực tế, nên cuối năm 1958 Nguyên Hồng về Hải Phòng với ý định hết sức rõ rệt là để viết tiểu thuyết Sóng gầm, năm sau Nguyễn Viết Lãm tới cảng Hải Phòng và theo tàu ra Hạ Long, Bùi Huy Phồn đến huyện đảo Cát Hải. Nhân đó nhạc sĩ Trần Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng đã mời ba nhà văn giúp Hải Phòng mở Trại sáng tác và đó là Trại sáng tác đầu tiên của thành phố. Về phía Hải Phòng, tháng 4/1959 hai cây bút được cử đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất tại Hà Nội, đó là anh cán bộ Ty Thủy lợi Kiến An Nguyễn Quang Thân và anh công nhân Nhà máy Xi măng Nguyễn Hồng Quang; năm 1961 nhà giáo Nguyễn Thanh Toàn được giải nhì Cuộc thi thơ, năm 1962 Nguyễn Quang Thân được giải ba cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ. Cho đến năm 1962, bảy cây bút Hải Phòng đã có tác phẩm được xuất bản. Trước và sau năm 1961 các đoàn nghệ thuật liên tiếp được thành lập. Về âm nhạc, nhạc sĩ Trần Hoàn, người từng viết Sơn nữ ca nay lại viết Kể chuyện người cộng sản. Về hội họa, còn đây họa sĩ Nguyễn Văn Trường - người sinh viên cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và xuất hiện gương mặt mới Thọ Vân. Về nhiếp ảnh: Vũ Tín, Minh Sơn, La Thành đã lưu lại trên khuôn hình những sự kiện không thể lặp lại, La Thành đã ghi lại được sự kiện mang tính lịch sử, đó là bức ảnh Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Kiến An...
Những sự kiện, những tin vui liên tiếp cho thấy nỗi khát khao về sự tiếp nối và thay thế văn nghệ sĩ lớp trước không chỉ cháy bỏng, mà đã đến lúc cần được khẳng định và phát huy một cách chủ động. Vậy là, tháng 7/1962 Ban vận động thành lập Chi hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng ra đời với ba thành viên chủ chốt là nhà văn Nguyên Hồng, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm cùng đại diện một số ban, ngành và cán bộ Phòng Văn nghệ Sở Văn hóa, trong đó có thành viên hết sức tích cực là tác giả sân khấu Mạnh Thu. Ban vận động đã xuất bản Tập san Sáng tác văn nghệ Hải Phòng (tiền thân của Tạp chí Cửa Biển hiện nay), rồi triển lãm ảnh và phối hợp với Quân khu Tả ngạn mở trại sáng tác.
Một năm rưỡi sau, tất cả đã sẵn sàng và đã đủ điều kiện. Ngày 4 và 5/1/1964 Đại hội thành lập Chi hội văn học nghệ thuật Hải Phòng được tiến hành trọng thể tại Nhà hát lớn thành phố. Ngày vui ấy có mặt Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi - những người con năm nào của Hải Phòng, Tô Hoài - người trước Cách mạng từng có những ngày xuống Hải Phòng tìm việc làm. Rồi Nông Quốc Chấn từ Việt Bắc xuống, Xuân Hoàng từ Quảng Bình ra chia vui. Nhà văn Nguyên Hồng khai mạc đại hội bằng bài diễn văn xúc động, sau đó trở thành Chủ tịch đầu tiên của Chi hội. Ngày 15/1/1964 Ủy ban Hành chính thành phố Hải Phòng ra Quyết định cho phép Chi hội được chính thức hoạt động - ngày này được lấy làm ngày thành lập Hội. Như vậy, Hải Phòng trở thành địa phương có Chi hội văn học nghệ thuật trực thuộc Ủy ban hành chính thành phố vào loại sớm nhất. Sau Hải Phòng, đến lượt Hà Nội (năm 1966), Nghệ An (năm 1967)...
Sau ngày tổ chức Đại hội lần thứ nhất không lâu, xảy ra “Sự kiện vịnh Bắc bộ” ngày 5/8/1964. Từ đây, cùng với cả nước các văn nghệ sĩ Hải Phòng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tháng 9/1967 nhạc sĩ Trần Hoàn vào chiến trường Trị - Thiên. Nhiều hội viên cũng vào chiến trường miền Nam, nhất là anh em miền Nam tập kết ra Bắc. Những người ở lại hoặc tham gia quân đội, vào thanh niên xung phong hoặc bám trụ tại nhà máy, xí nghiệp vừa sản xuất vừa chiến đấu. Và họ viết, hào hứng sôi nổi và âm thầm lặng lẽ, trong bom đạn, trong những ngày căng sức và những đêm không ngủ bên than bụi dầu mỡ, bến phà bến cảng, trên những con tàu rà phá thủy lôi, trên đồng ruộng. Xuất hiện một thế hệ người viết lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa rời ghế nhà trường phổ thông đã góp vào đời sống văn nghệ “tiếng nói ríu rít của đông đảo các cây bút trẻ, tươi mát màu lá non là thơ của họ” - Chế Lan Viên đã nói như vậy về thơ của lứa chống Mỹ. Không chỉ thơ, văn xuôi và các lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy. Giờ đây sau bao nhiêu năm vẫn không phai nhòa trong bạn đọc thời ấy hình ảnh cô hàng xóm đêm đêm lặng lẽ gánh nước trong truyện ngắn Phần việc của người đi vắng mà tác giả là cô công nhân Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng Nguyễn Thị Ngọc Hải; cũng giờ đây vẫn thấy trên văn đàn và báo chí nhắc đến câu thơ trở thành đỉnh cao của thơ ca chống Mỹ “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây thì biếc như vặn mình để biếc” của anh cán bộ Sở Giao thông vận tải Thi Hoàng. Thơ Hải Phòng ngày đó là một hiện tượng giàu bản sắc, cùng với thơ Hà Nội và Quảng Ninh làm nên thế vững chắc của thơ ca miền Bắc. Trong tuyển tập Thơ chống Mỹ cứu nước (1965-1967), Hải Phòng có mặt 10 trong tổng số 112 tác giả, nghĩa là gần 1/10.
Những ngày chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Hải Phòng là điểm đến của nhiều nhạc sĩ, để lại nhiều ca khúc còn mãi với thời gian; các tác giả Hải Phòng cũng khẳng định mình với Bài ca đảo Bạch Long Vĩ của Vũ Ngọc Quang (thơ Mai Nam) và Thành phố Hoa phượng đỏ của Lương Vĩnh (thơ Hải Như)... Nhiều họa sĩ từ Hà Nội cũng xuống Hải Phòng, thành phố Cảng với biển, đảo, xóm chài, bến tàu, xưởng thợ, dãy phố cũ bên dòng Tam Bạc là đề tài cho rất nhiều bút vẽ. Tranh cổ động được đặc biệt chú ý, bất kỳ đâu - từ những panô vuông vức, những bức tường nguyên lành, các mảng tường còn sót sau trận bom; và bất kỳ ai - từ bàn tay thuần thục của họa sĩ hay từ nét vẽ vụng về của anh thông tin xã đều ngời sáng những bức cổ động cho cuộc chiến đấu và sản xuất. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hân xông xáo như chiến sĩ trên mặt trận với mũ sắt và chiếc máy ảnh ống kính chụp xa do Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng trang bị, đã ghi lại hình ảnh những trận chiến ác liệt. Vương Khánh Hồng gắn bó với bộ đội và dân công dọc đại ngàn Trường Sơn, Thế Đính trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào đã để lại những bức ảnh chiến trường có một không hai. Vũ Tín, Công Khoan lại tìm đến khoảnh khắc bình yên giữa hai trận đánh. Sân khấu Hải Phòng sôi động với nhiều vở diễn. Các đoàn nghệ thuật thường chia thành từng nhóm nhỏ phục vụ nhân dân và chiến sĩ tận thôn xóm và các trận địa. Những buổi diễn không thể nào quên đến nay vẫn để lại ấn tượng nhiều người mỗi khi nhớ đến và kể lại. Các diễn viên khóa đầu của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam như Ngọc Thủy, Ngọc Hiền, Anh Biên... và một số diễn viên trưởng thành từ phong trào quần chúng như Trần Vinh, Phạm Bốn, Lưu Thao, Lê Chức... giờ đây vẫn lưu lại tên tuổi trong tâm trí nhiều người. Không chỉ diễn viên sân khấu các nhà thơ cũng đến với công chúng, đọc thơ ngay bên lò nung Nhà máy Xi măng, tại các trường học và giữa công viên, đêm thơ nào cũng đông nghịt người nghe...
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất những ký ức nóng hổi về chiến tranh lúc này mới có điều kiện để ra đời các tác phẩm dung lượng lớn, như tiểu thuyết, trường ca. Năm 1976 Nguyên Hồng hoàn thành tập cuối của bộ tiểu thuyết 4 tập Cửa biển viết về Hải Phòng; sau đó ông về Bắc Giang nhiều hơn để viết bộ tiểu thuyết 3 tập về cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám. Giải thưởng văn học về đề tài văn học công nhân của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam là một giải thưởng lớn, năm nào Hải Phòng cũng có tác phẩm được giải, như các tiểu thuyết Những người mở đường của Vũ Hữu Ái, Biển xanh của Chu Văn Mười, Những ngày đã qua của Nguyên Bình, thơ có Vân Long, Thanh Tùng, Đào Cảng, Trần Lưu.
Ngày 2/5/1982 tin buồn đến từ Bắc Giang: nhà văn Nguyên Hồng qua đời. Trước đó ông còn gặp gỡ một số anh em Hải Phòng vừa dự Trại sáng tác, ngày 29/4 lên Hà Nội rồi về Bắc Giang, vậy mà hai hôm sau đã chia tay tất cả, để lại những trang Núi rừng Yên Thế còn dang dở. Văn học nghệ thuật nước nhà và Hải Phòng mất một nhà văn lớn và một nhân cách lớn. Ông ra đi nhưng đã góp phần gây dựng thế hệ nhà văn nhà thơ lứa chống Mỹ của Hải Phòng.
Những năm 1980, 1990 đất nước bước vào thời kỳ khó khăn và phức tạp. Tại Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) Đảng chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra với không ít hoài nghi về tương lai tiền đồ của đất nước. Bầu không khí những năm này không khác gì “cơn trở dạ của cách mạng” như Lênin từng nói. Văn học nghệ thuật bắt đầu xuất hiện cái nhìn nhiều chiều và góc cạnh. Văn học Hải Phòng trước đó cũng có lúc có tác phẩm ít nhiều làm dấy lên dư luận, nhưng nhìn chung đường đi là một mạch thẳng với âm hưởng chủ đạo là ngợi ca; nay sự phản ánh xuôi chiều không còn đáp ứng được đòi hỏi mới của cuộc sống và nhu cầu đa dạng của bạn đọc nên đã đến lúc cần phải đổi mới. “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật và Giải thưởng văn nghệ Thành phố Hoa phượng đỏ” của thành phố phát động trong hai năm 1984 - 1986 phản ánh mong muốn đó của công chúng.
Đầu năm 1987 Hội Kiến trúc sư Hải Phòng gia nhập đại gia đình Hội Văn học nghệ thuật thành phố. Từ sự lớn mạnh này, Hội Văn học Nghệ thuật đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, các Ban chuyên ngành trở thành Hội chuyên ngành, các Hội có Ban Chấp hành trực tiếp lãnh đạo hoạt động của Hội. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp được bầu từ BCH các Hội chuyên ngành. Tháng 5/1987 Đại hội lần thứ III Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật được tiến hành, từ đó trở đi đều đặn 5 năm, hãn hữu 6 năm một kỳ đại hội.
Tạp chí Cửa Biển phát triển song hành với sự trưởng thành của Hội. 25 năm đầu, từ 1964 đến 1989, Cửa Biển chỉ được phép xuất bản nhất thời và gọi là Tập sáng tác. Cuối năm 1989 được Bộ Văn hóa Thông tin cấp giấy phép hoạt động chính thức trở thành tạp chí, ra số 1 (bộ mới) vào đầu năm 1990. Cũng cần phải nhắc đến Cửa Biển thiếu nhi những năm 1980, một ấn phẩm thể hiện tính nhạy bén của cơ quan Hội, bởi những người thực hiện biết cho nó ra đời đúng thời cơ và cũng hiểu phải cho nó dừng lại đúng lúc.
Tháng 3/1997 Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng ra đời, tháng 11/1997 Hội Nghệ sĩ múa được thành lập. Tháng 12/2000 Hội thứ 9 và cũng là Hội cuối cùng gia nhập đại gia đình Hội Liên hiệp, đó là Hội Điện ảnh - Truyền hình.
Công cuộc đổi mới của đất nước đòi hỏi tất cả phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm. Với văn học nghệ thuật câu hỏi được đặt ra và cũng là mấu chốt của vấn đề, đó là: Thế nào là đổi mới và đổi mới thì phải thế nào? Để trả lời câu hỏi này, ngay những năm 1980 Hải Phòng đã tổ chức một số hội thảo, đi đầu là văn học; sân khấu sôi động với các vở diễn của Lưu Quang Vũ và các hoạt động thể nghiệm; nhiếp ảnh tổ chức các lớp học... Từ đó đến nay câu chuyện đổi mới trong văn học nghệ thuật vẫn tiếp tục với nhiều nội dung và hình thức. Hải Phòng thường xuyên tham dự các hội thảo tầm quốc gia, đặc biệt đều đặn mỗi năm hai kỳ từ năm 2009 khi tham gia “Nhóm hợp tác và phát triển văn học nghệ thuật phía Bắc” (VN8+2) và nhóm các Hội Văn học Nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng (SH9). Nội dung hội thảo càng ngày càng thiết thực, cụ thể, từ chuyện đào tạo người viết trẻ, bài vở cho tạp chí, về đề tài nông thôn, thể ký, đến sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử và gần đây là đề tài biển đảo, du lịch.
Nhiều tác giả dám đi vào những vấn đề gai góc của cuộc sống nhưng sâu lắng, thấm đượm. Chúng ta đã tham gia hầu hết các cuộc vận động sáng tác, các giải thưởng và đã đạt không ít thành tích, từ giải thưởng triển lãm khu vực đến triển lãm toàn quốc của mỹ thuật và nhiếp ảnh, từ giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đến giải thưởng của các Hội chuyên ngành Trung ương và các bộ ban ngành Trung ương. Riêng nhiếp ảnh còn tham gia một số cuộc thi quốc tế và cũng gặt hái thành công nhất định.
Về phía thành phố, sau hai kỳ Giải thưởng văn nghệ Thành phố Hoa phượng đỏ, từ năm 1991 được nâng lên thành Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giá trị Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm có năm cao đến mức làm xôn xao giới văn nghệ nhiều địa phương. Sau lần thứ 5, Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm tạm ngừng để đổi mới quy chế, trong thời gian chờ đợi, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật đã kiến nghị thành phố thành lập Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2 năm/ lần, sau đổi tên là Giải thưởng Nguyên Hồng. Ngoài ra, những nhiệm kỳ gần đây trong phạm vi của mình; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật còn mở nhiều cuộc thi sáng tác và đặt nhiều giải thưởng được đông đảo hội viên và cộng tác viên hưởng ứng, như: Giải thưởng các tác phẩm xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giải thưởng Tác phẩm hay hằng năm trên tạp chí Cửa Biển, giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn, ký, thơ. Tại các triển lãm nhiếp ảnh và mỹ thuật đều có giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc...
Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng đã trải qua chặng đường 50 năm, nay nhìn lại đã biết bao thay đổi và lớn mạnh, từ con người đến sáng tác và cả phong trào. Từ Nguyên Hồng, Trần Hoàn, Nguyễn Viết Lãm, từ hơn 10 người trong một cuộc họp ở Sở Văn hóa chuẩn bị cho sự ra đời của Ban vận động thành lập Chi hội Văn học Nghệ thuật, từ 22 ủy viên Ban Chấp hành khóa 1 cùng 57 hội viên được kết nạp đợt đầu năm 1964, nay Hội đã có 600 hội viên của 9 ngành văn học nghệ thuật, trong đó gần một nửa là hội viên các Hội chuyên ngành Trung ương.
50 năm qua rất nhiều điều làm chúng ta vừa lòng và vui lòng. Tất nhiên không tránh khỏi những điều chưa được như ý và cả những chuyện không vui. Chỉ riêng về con người, đông đảo lên nhưng cũng mất mát đi, các văn nghệ sĩ khai sáng hầu hết đều đã ra đi; chỉ một điều an ủi, một điều tự hào và cũng là điều lưu tâm, nhắc nhở, đấy là: Văn nghệ sĩ để lại cho đời những giá trị tinh thần. Không được như Văn Cao, Thế Lữ, Hoàng Quý, Nguyên Hồng, Trần Hoàn, Trần Văn Cẩn, Lê Đại Thanh, Hoàng Công Khanh mà tên tuổi đã lưu thành tên đường tên phố, chúng ta chỉ ước sao tác phẩm nhiều năm sau vẫn được bạn đọc nhớ đến. Và như thế đã là hạnh phúc.
Muốn vậy, được toàn thể anh em văn nghệ sĩ giao trách nhiệm trong ngày trọng thể này, được thay mặt Ban Chấp hành tôi xin nói lên điều mong muốn nhất của toàn thể chúng ta, đó là mong cho tâm hồn được mãi mãi trong sáng, ý tưởng được mãi mãi phong phú, sức khỏe và tâm trí mãi mãi dồi dào, để sáng tạo hơn nữa, đổi mới hơn nữa, cống hiến hơn nữa.
T.H.V