Chăn dắt thiên tài - Dương Thị Nhụn

11.05.2015

Chăn dắt thiên tài - Dương Thị Nhụn

Thao vào nghề đã được mười lăm năm. Mười lăm năm ấy cũng đủ để cô tích lũy được khối kiến thức và kinh nghiệm kha khá. Từ một cô gái trẻ trung, yêu đời lúc nào cũng say nghề đến chết mê chết mệt nay Thao đã là một thiếu phụ chín chắn, chững chạc và tự tin. Mái tóc ngày xưa dài đến đầu gối giờ cắt ngắn đi theo mốt thời thượng. Làn da mịn màng nõn nà theo năm tháng có khô đi nhưng lại được thay bằng lớp son phấn mỏng đắt tiền nên trông Thao vẫn còn hấp dẫn lắm. Mấy cô giáo trẻ xuýt xoa:

- Lúc nào trông chị cũng như chưa có chồng vậy. Chúng em bằng tuổi chị ấy à? Có mà như bà lão.

 Thao cười:

- Thế chồng con làm mình xấu đi à?

- Chứ còn gì nữa. Chị thấy bao người phụ nữ đấy, thời con gái thì xinh đẹp tươi tắn như hoa, lấy chồng vào có khác nào mẹ mướp. Chúng em sợ lắm!

Thao cười:

- Các cô lấy chồng đi khắc biết. Gia đình là thiên đường hay địa ngục đều phụ thuộc vào người phụ nữ cả. Người vợ ngoài sự dịu dàng nhân hậu cũng có lúc phải vồng lên quyết liệt. Nghĩa là phải để cho chồng yêu thương và tôn trọng mình, các cô nhá!

Thao nháy mắt cười tinh nghịch rồi nói:

- Thôi tôi phải về đi chợ nấu cơm đây. Tôi phải về trông “mảnh ruộng phần trăm” của tôi đây.

Thao thấy vui vui trong lòng. Sáng nay chị hiệu trưởng nói với cô:

- Em chuẩn bị cho chị mười em xuất sắc để lập đội tuyển. Trường mình là trường chuyên nên nhất thiết phải giành được nhiều giải và đứng đầu thành phố. Điều ấy phụ thuộc vào em. Em có thể dạy ở trường, ở nhà đều được. Mọi chi phí chị sẽ lo.

Ngày mai Thao sẽ công bố danh sách các em được vào đội tuyển. Từng học sinh hiện rõ mồn một trong tâm trí cô. Sở thích, cá tính rồi khả năng của chúng cô thuộc như lòng bàn tay. Thằng Hòa nắm bắt vấn đề nhanh nhưng còn hấp tấp. Thằng Tín giỏi Hình nhưng Lượng còn phải cố gắng. Cái Hoa thì chín chắn, cẩn thận nhưng cần năng động hơn. Còn Minh, Quyết, Liên... mỗi đứa một vẻ nhưng chung quy chúng đều thông minh, ham học và xứng đáng thay mặt cả trường đi thi thố.

Vừa nấu ăn Thao vừa khe khẽ hát. Một bài hát tình yêu mới được công bố đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Các phương tiện thông tin đại chúng, trong phòng karaoke, cả những xe rong bán thuốc diệt chuột, diệt ruồi... , đâu đâu cũng thấy nó vang lên. Không biết giai điệu này còn tồn tại được bao lâu hay nó cũng nhanh chóng bị chìm vào quên lãng như bao bài hát khác. Thời kinh tế thị trường có khác, cái gì cũng có thể thương mại hóa được, kể cả nghệ thuật. Ca từ bây giờ cứ phải là "Yêu em, yêu anh, tình nồng tình thắm, nhớ nhung”... mới được giới trẻ yêu thích, bất kể giai điệu có nhấp nhô, khúc khuỷu thế nào đi nữa.

 Đang lan man Thao bỗng giật bắn người khi có tiếng “òa” sau lưng. Giọng Bình vui vẻ:

- Em đang mơ tưởng đến ông nào hay sao mà anh về cũng không biết thế?

- À! Em đang nghĩ đến bài hát “ Tình thế gian”. Chẳng biết nó hay ở chỗ nào nhưng nghe mãi rồi cũng thuộc, thỉnh thoảng hát vài câu cho vui.

Bình chép miệng:

- Ôi dào! Nhạc thị trường ấy mà! Riêng anh thì khác, có nghe suốt ngày cũng chả thuộc. Cái ấy dành cho các cô cậu mới lớn -  Bình nháy mắt - Mà em có tí tuổi đầu hát cũng được.

   Thao nguýt chồng:

- Anh lại chê em già và xấu chứ gì? Anh này! Cô Thuận gọi điện ra nói thằng Minh thi vào Mười bị thiếu mất nửa điểm. Anh xem có ai quen "chạy" cho nó với.

- Thằng này học dốt quá. Được vào rồi chắc gì theo kịp. Đi học chỉ để chiếm chỗ thì đi làm gì. Thà rằng để ở nhà giúp mẹ nó còn hơn.

- Nhưng không học hết phổ thông còn ra làm sao. Chỉ những đứa thế nào mới bỏ học giữa chừng.

Suy nghĩ một lát, Bình chép miệng:

- Ừ! Đấy cũng là một cách nghĩ hay. Thế đấy là ý của em hay là của cô Thuận?

- Của ai mà chả thế! Thấy con người ta được đi học, con mình ở nhà cũng xót ruột. Thôi dốt thì dốt vẫn phải cố.

- Để chiều anh đến chỗ anh Bằng xem sao. Chắc lại chơi kiểu làm đơn phúc tra đây. Anh nghĩ đủ điểm để nhập học thì không có vấn đề gì, chỉ lo nó học hành vớ vẩn quá.

Thao thở dài:

- Thời đại bây giờ nó thế. Anh xem con cái các ông bà có quyền chức nhiều khi học chẳng ra sao mà vẫn học sinh giỏi, thậm chí vào thẳng đại học ấy chứ. Thôi, em nấu cơm xong rồi, anh đi tắm, em sang ông bà đón con.

Sáng hôm sau, Thao vào phòng hiệu trưởng:

-  Chị xem có ý kiến gì với danh sách này để em còn thông báo với các em.

Chị hiệu trưởng đang ngồi viết lách sau cái bàn lớn. Một con người ham làm việc. Chị quan hệ rộng nên trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia ngay từ đợt đầu tiên. Thực ra một số giáo viên trong trường cũng không ưa chị lắm. Một hiệu trưởng ngoài việc ngoại giao giỏi còn đòi hỏi là người có chuyên môn vững vàng và sống có tình người. Chị Thành thiếu yếu tố thứ hai. Hôm nọ cô Hồng rỉ tai Thao: "Chị có biết bà Thành mới mua nhà mặt đường không? Bà ấy làm gì mà lắm tiền thế không biết? Chồng thì về mất sức, hai đứa con đang đi học". Thao cười: "Biết đâu nhà chị ấy được thừa kế tài sản." Hồng bĩu môi: "Nhà ba đời làm mõ có mà thừa kế chổi cùn rế rách. Hồi cải cách ruộng đất được chia quả thực từ cái cối đá đến nong nia dần sàng". Thao tròn mắt: "Sao em biết?". "Chị Hằng cùng làng với bà ấy. Ai chứ bà Thành ai chả biết. Chạy chọt tung giời mới được vị trí ấy. Bà ấy hơi bị mạnh tay đấy!". Hồng ngúng nguẩy, môi cong lên.

Chị Thành thấy Thao vào thì đon đả:

- Vào đây em! Để chị xem nào? Ừ! Nói chung chị đồng ý với ý kiến của em. Chị bổ sung hai em Bình và Hương nhé!

Thao giãy nảy:

- Không được đâu chị ơi! Hai em chỉ là học sinh khá trong lớp, nếu không muốn nói là trung bình. Còn nhiều đứa giỏi hơn nhiều.

Chị Thành cười nhạt:

- Nhưng đây là trường hợp đặc biệt, em cứ nên nhận.

Thao nhìn Thành. Ánh mắt của chị ta sắc lạnh đầy uy quyền. Chắc hai đứa này là con của VIP nào đó nằm trong mối quan hệ của chị Thành đây. Thao thấy không thể từ chối đành nói:

- Tùy chị! Em chỉ lo hai đứa này đi thi không được giải lại ảnh hưởng đến thành tích của trường.

Thành cười, tiếng cười khô khốc làm Thao khó chịu:

- Em khỏi lo đi! Rồi đâu sẽ vào đấy. Chỉ cần em cố gắng bồi dưỡng cho các em là được.

 - Nhưng em không chịu trách nhiệm cậu ấm cô chiêu ấy đâu.

- Đừng lo chuyện ấy. Chị tin em là người có kinh nghiệm và khả năng.

Nói xong chị Thành cúi xuống đống hồ sơ dày cộp. Thao nhìn mãi vào mái tóc uốn lượn cầu kỳ chờ lời nhượng bộ. Và sự im lặng nặng nề khiến Thao hiểu cô không còn sự lựa chọn nào khác.

Từ hôm ấy cô và trò đánh vật với những bài toán hóc búa. Thao muốn từ những bài toán mẫu, học sinh rút ra được từng dạng cần giải, từ đó kiến thức mới chắc. Mất thời gian nhất là Bình và Hương. Rõ ràng trong khi học, hai đứa còn xa mới theo kịp các bạn. Có lúc Thao bực quá vì giảng mãi chúng vẫn không hiểu, mặt cứ nghệch ra. Đáng lẽ các ông các bà ấy phải hiểu con mình, nhồi nhét lắm chỉ tổ làm chúng ì ra, đầu óc mụ mẫm hết cả. Thao cũng thấy tội nghiệp cho chúng. Hai đứa luôn chọn chỗ ngồi tận cuối lớp. Trong khi các bạn bàn tán sôi nổi bài Hình này, bài Đại nọ thì chúng chụm đầu rì rầm nói chuyện. Khoảng cách về kiến thức không cho phép chúng hòa đồng cùng các bạn. Chúng chỉ linh hoạt, vênh váo khi ra khỏi lớp. Hai đứa nhảy tót lên hai cái xe đời mới nhất, không thèm nhìn ai lao vút đi. Thao mỉm cười còn những đứa khác nhìn theo vẻ thèm muốn. Thao biết lũ học trò của mình nghĩ gì?

Đầu hè mà trời oi bức quá! Mới sáng ra nắng đã gay gắt. Từng chùm phượng nở sớm đỏ ối lấp ló sau vòm cây xanh. Chắc chỉ vài tuần nữa là đến mùa phượng nở. Lúc ấy cả thành phố như được dát bằng sắc đỏ. Những chùm phượng nở bừng lên trong nắng làm cảnh vật thêm rực rỡ. Mọi người cũng như vội vã hơn trên đường phố. Hè đến cũng là lúc kết thúc một năm học. Biết bao việc cần hoàn thành và thêm nhiều dự định mới. Chờ mãi rồi cũng đến ngày thi. Thao hy vọng ở các em nhiều lắm, tất nhiên trừ Bình và Hương. Buổi học cuối cùng Thao dẫn cả lớp ra quán chè thập cẩm đãi mỗi đứa một cốc. Chúng vui sướng hoan hô cô vang trời. Thao hứa nếu cả nhóm thi tốt cô sẽ thưởng các em một chuyến đi chơi dã ngoại, lên núi hay xuống biển tùy các em chọn.

Không khí trong phòng thi thật nặng nề. Thỉnh thoảng có tiếng ho hay lật giấy của em nào đó phá tan bầu không khí yên lặng. Những cái đầu nghiêng nghiêng, những đôi mắt nheo lại có vẻ suy nghĩ lung lắm. Học sinh của Thao không em nào ở hội đồng thi  này nhưng cô tin rằng các em có thể làm bốn bài đầu không mấy khó khăn. Chỉ có bài cuối đòi hỏi các em phải suy luận rồi làm theo phương pháp loại trừ để tìm ra nghiệm đúng. Khó là đương nhiên. Một cán bộ giám sát bước vào phòng thi khi Thao đang chăm chú theo dõi các em làm bài. Ông ta bước gần tới chỗ Thao và rỉ tai cô:

- Cô chú ý cho em Nguyễn Việt Cường, số báo danh 28. Trường hợp này là của ông Hoán bên ủy ban. Em đó nhất định phải được giải. Nếu không được trách nhiệm thuộc về cô đấy.

Ông ta nhìn Thao, cái nhìn thật giống với cái nhìn của chị Thành hôm nào. Chờ ông ta đi ra, Thao bước lại chỗ học sinh có số báo danh 28. Cậu ta hí hoáy nháp bài, nhưng nhìn vào, Thao biết đấy chỉ là hình vẽ sai. Trong tờ giấy nháp cậu ta còn vẽ một khuôn mặt mếu. ''Sao em không kẻ đường phân giác ở chỗ này, còn đây phải vẽ thêm đường chiếu...Cô đọc cho, viết nhanh lên''. Cậu ta làm theo lời Thao răm rắp. Có học sinh nghe cô giáo nhắc bài cho học sinh thì quay sang nhìn. Thao tránh ánh mắt ấy bởi nó có gì như trách móc, coi thường. ''Cậu ta có thể được giải nhưng không thể đoạt giải Nhất. Ta làm thế này là đánh mất phẩm chất của người giáo viên''. Thao tự nhủ.

Hết giờ Thao thu bài nộp xuống văn phòng rồi vội vã ra về. Đáng lẽ Thao không có tên trong danh sách giám thị coi thi nhưng không hiểu bằng cách nào chị Thành xoay xở được. Thao định từ chối nhưng mắt chị Thành đã xoáy vào:

- Em không đi thì học sinh biết xoay xở thế nào? Không ai hiểu học sinh bằng em đâu.

- Chị yên tâm! Em tin các em sẽ làm được bài.

-  Không thể nói trước được. Trong phòng thi sẽ xảy ra nhiều tình huống lắm. Ai xử lí được ngoài em?

- Nhưng em có coi học sinh trường mình đâu.

Chị Thành nắm tay Thao:

- Em suy nghĩ đơn giản quá. Coi chéo mà! Mình giúp người thì người lại giúp mình. Có đi có lại.

Thì ra chuyện chị Thành nói hôm qua là vậy. Thao thấy không còn mặt mũi nào ở lại để gặp gỡ, ăn uống cùng đồng nghiệp. Thấy Thao dắt xe, cô giáo coi thi cùng phòng nói:

- Chị không ở lại nhận tiền coi thi à? Chúng em xuống lấy đây.

- Thôi! Tôi có việc bận. Hôm nào chấm thi lấy một thể cũng được.

Thao đi trên đường mà đầu óc quay cuồng. Một cơn gió thổi tung mái tóc ngắn làm cô bừng tỉnh. Thao đã để quên mũ ở văn phòng. Thôi lúc nào mình mua cái khác cũng được. Giờ mình rẽ qua nhà trẻ đón bé Linh về cho nó đi ăn kem. Mình đã hẹn với con mấy hôm rồi mà chưa thực hiện được. Nó nhớ dai lắm. Hôm nào nó cũng nhắc: "Sao mẹ bảo cho con đi ăn kem". Mình không để làm mất lòng tin của con bé. Nó phải được dạy dỗ cẩn thận để trở thành người có nhân cách tốt.

Hằng ngày Thao vẫn lên lớp đều đặn nhưng cô đi về lặng lẽ, ít cởi mở hơn trước. Giờ ra chơi cô ngồi lì trong lớp xem bài hay đọc báo cho học sinh nghe. Các cô giáo nhìn nhau nhún vai.

Thao định không dự buổi trao phần thưởng cho học sinh đoạt giải nhưng chị Thành không nghe:

- Tất cả các em trường mình đều có giải. Em phải thấy đấy là một điều vinh dự chứ.

- Nói thật với chị, em thấy lạ là em Bình và em Hương lại được giải Nhất. Điều đó phản ứng không đúng sự thật. Sau này các em ấy học lên lớp trên em xấu hổ lắm.

Chị Thành cười nhạt :

- Em cũng có cái rất lạ là sống bao nhiêu năm ở thành phố mà không hiểu rằng: Người ta có thể biến không thành có và ngược lại. Em chỉ là người chăn dắt thiên tài. Một học sinh giỏi sẽ trở thành thiên tài hay bị thui chột đi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm.  Em đã thấy giáo viên nào chịu trách nhiệm về tương lai của học sinh chưa? Nhà trường không đóng vai trò quyết định trong việc thành bại của một con người. Thôi chị em mình đi kẻo muộn.

Các em giải Nhất đứng lên hàng đầu. Nguyễn Việt Cường cũng trong số đó. Rõ ràng hôm ấy mình chỉ giúp nó làm bốn bài đầu thôi mà. Tự nó không thể làm được bài cuối. Hay là... Mấy cô giáo ngồi cạnh Thao thì thầm:

- Em thấy cuộc thi này có trường hợp ở trường em phản ánh không đúng, chị có biết hiện tượng “gà bài” cho thí sinh không?

Thao vội vã:

- Không! Mình không biết!

Một cô khác chen vào:

- Còn hơn là “gà” ấy chứ. Chuyện rõ như ban ngày. Mình là người trong cuộc mà.

- Thế mà cứ khen tặng như đúng rồi ấy.

Lựa lúc không ai để ý Thao lặng lẽ ra ngoài. Cô thấy người rã rời, bước chân như nhũn ra. Thao chống tay ngồi xuống vỉa hè. Tại sao mình không thể quen với kiểu làm ăn này nhỉ? Những thành tích mà mình có được làm bao giáo viên trong trường thèm muốn. Mà nói cho cùng thì chức tước, tiền tài, địa vị nhiều khi phải nhờ có những mối quan hệ mềm dẻo, uyển chuyển và phải đổi bằng nhiều thứ (kể cả nhân cách) mới có được. Thế nên ngay trong một trường cũng có sự khác biệt của tập thể giáo viên. Có những người hiểu sở thích, cá tính của hiệu trưởng để rồi quan tâm một cách sâu sát hơn cả cha mẹ đẻ. Họ làm như vậy là để được phân công dạy lớp tốt. Thế mới có chuyện phụ huynh nhờ giáo viên dạy con mình ở nhà. Và chuyện hình thành phe nhóm là chuyện đương nhiên. Thỉnh thoảng ở trường lại có chuyện cãi vã nổ ra. Phe này chê phe kia là kênh kiệu, phe kia lại chê phe này là hèn hạ. Mà phe nào cũng vì lợi ích của mình. Rồi trong các cuộc họp người ta vạch vòi những chỗ yếu của nhau với mục đích hạ thấp năng lực, chuyên môn chứ không hề có ý thức xây dựng giúp nhau cùng tiến bộ. Những người trung lập thì cố thu mình lại, có tiết thì đến, hết tiết thì về để tránh động chạm với phe này, phe nọ. Chị Hà chép miệng: “Chúng ta sống trong môi trường giáo dục nhưng thật phi giáo dục.”

Thao đi như người mộng du giữa phố phường tấp nập. Từng đám học sinh tan trường vừa dàn hàng ngang vừa đùa nghịch. Tiếng xe máy phanh gấp nghiến ken két xen lẫn tiếng càu nhàu chửi rủa. Chợt một người đỗ xe chắn ngang trước mặt Thao. Cô giật mình bừng tỉnh:

- Ơ! Anh Bình!

- Xe đâu mà em đi bộ thế này? Sao em lại đi lung tung ra giữa đường thế?

- Em vừa dự lễ phát phần thưởng học sinh giỏi. Em thấy nhức đầu quá, ra đây cho thoáng.

Bình cười nắm vai vợ:

- Đau đầu lắm hả? Thôi mình vào đây làm ly cà phê cho tỉnh táo rồi anh đưa ra chỗ lấy xe.

Hai ly cà phê sữa đá được mang đến. Thao nhấp một ngụm. Bình nắm lấy tay cô:

- Anh biết em buồn vì chuyện ở trường. Nơi nào chả có người tốt, người xấu nhưng em phải tin rằng rồi có ngày mọi chuyện sẽ thay đổi. Em hãy sống bằng chính lương tâm và trách nhiệm của mình. Học sinh rất cần em. Phải lấy lại nghị lực và niềm say mê để dạy dỗ. Em yên tâm là bên em còn rất nhiều người tốt, có anh và cả các con nữa. Còn rất nhiều thiên tài thực sự đang chờ em.

Thao nghiêng đầu xoay xoay cái ly trong tay:

- Chị Thành bảo em chỉ là người chăn dắt thiên tài. Một giáo viên quèn làm sao có thiên tài cơ chứ.

- Thì cứ tự huyễn hoặc mình cho vui.

- Nhưng chị Thành lại tin là có thiên tài anh ạ.

- Vậy nên chị ấy mới được phụ huynh tin tưởng gửi gắm niềm hy vọng nhiều đến vậy. Cha mẹ nào chả tin con mình là thiên tài nếu được dạy dỗ cẩn thận. Vậy đấy.

Thao siết chặt tay Bình. Bàn tay ấm nóng của anh như truyền cho cô sức mạnh. Thao thấy người đỡ bải hoải. Có thể sang năm mình không được dạy lớp chọn. Nhưng chẳng hề gì. Mình sẽ đứng vững và dám nói lên sự thật mặc dù cái điều mình nói ra làm chị Thành và một số đồng nghiệp không hài lòng.

Bất chợt bài hát “Tình thế gian” từ cửa hàng bán băng hình bên kia đường vang lên. Tiếng ghi ta gỗ tỉa điệu slow nhẹ nhàng hòa cùng giọng hát của cô ca sĩ đang ăn khách làm cho không khí sôi động của thành phố như dịu đi. “Đời cứ vui và em cứ tươi lên”.

Thao và Bình nhìn nhau cười rồi dốc cạn ly cà phê một cách thoải mái.

 D.T.N