Tấm ảnh - Đỗ Như Thuần
Đại tá Mai Phước Liệu – Cựu chiến binh phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, vừa được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi may mắn được gặp anh vào mùa khô năm 1988 tại chiến trường Đông Bắc Campuchia, lúc đó tôi làm trợ lý thanh niên Mặt trận 579, còn anh là Sư phó chính trị Sư đoàn 315 đóng quân tại Đầm Rây thuộc tỉnh Prét Vihia đến nói chuyện với 200 thanh niên của Sư đoàn về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.
Ở Đầm Rây về mùa khô, lòng suối xác xơ đá sỏi, những giếng đào ở sư đoàn bộ cạn kiệt nước. Bộ đội phải đào giếng cạnh suối chắt từng thùng nước nhỏ, gạn lọc đủ sinh hoạt. Tôi thấy lạ, giữa mùa khô này những giỏ phong lan được bộ đội công phu kiếm từ rừng về cắt tỉa gọn gàng treo lủng lẳng quanh hội trường. Những bồn hoa đủ màu xinh xắn được trồng trong các thùng đạn. Những cành cây khô nỏ ở rừng được đem về tạo dáng công, dáng phượng thật đẹp mắt. Nếu không có chiến tranh, những bàn tay tài hoa của người lính Sư đoàn 315 đáng quý biết bao.
Hội trường chật ních người, sau một giờ, anh Liệu xuất hiện. Theo mạch kể của anh, trước mặt tôi hiện lên hình ảnh chàng trai đất Quảng mười tám tuổi từng trải, dũng cảm, xông xáo một thời đạn bom trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Hồi ấy quận lỵ Điện Bàn được địch bố phòng nghiêm ngặt. Có máy bay từ sân bay Đà Nẵng và căn cứ Nước Mặn, Chu Lai ngày đêm hỗ trợ. Bên trong có xe tăng, xe bọc thép và hỏa lực mạnh. Từ đây địch thực hiện những cuộc hành quân càn quét, bắn giết, bắt bớ, giam cầm, khảo tra những người cách mạng. Nhiều gia đình tan nát, ly tán...
Phải "Nhổ" Chi khu quân sự Điện Bàn trả thù cho đồng bào, đồng chí bị địch sát hại. Thiếu úy Mai Phước Liệu, Đại đội phó Đại đội 1 huyện đội Điện Bàn được giao nhiệm vụ trinh sát trận địa, đánh giá tình hình, xác định quyết tâm, lập phương án tác chiến. Phương án tác chiến được cấp trên chấp nhận.
Trận đánh diễn ra bất ngờ vào đầu xuân Mậu Thân. Đại đội của anh phối hợp với các đơn vị của Mặt trận 4 Quảng Đà diệt gọn quận lỵ Điện Bàn. Riêng anh bắn rơi một máy bay, bắn cháy một xe tăng, diệt hai mươi tên Mỹ, được bầu dũng sĩ cấp ưu tú.
Tháng 11 năm 1968, chia tay đồng đội và quê hương "Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ", anh Liệu cùng ba mươi anh hùng, dũng sĩ miền Nam theo đường dây 559 ra Bắc học tập.
Đường đi thật lắm gian nan, mới đến dốc "Ông Thủ" phía trên Hòn Tàu bị bom tọa độ của Mỹ làm hai người hy sinh, một người bị thương. Sau hai tháng đi bộ mới đến làng Ho (Quảng Bình) có xe giao liên đón về trường Văn hóa Quân đội an dưỡng, học tập.
Trường Văn hóa Quân đội được mang tên anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đóng trên quả đồi cao cạnh bến phà Trung Giã thuộc tỉnh Hà Tây cũ nay là Thủ đô Hà Nội bốn bề lộng gió. Lần đầu được ra miền Bắc, nguyện vọng của đoàn được điều trị vết thương và được gặp Bác Hồ. Biết tin Bác có ý định lên thăm, cả đoàn mừng lắm, ai cũng ao ước "Gặp Bác Hồ để có nghị lực sau này trở về miền Nam kể lại cho đồng bào, đồng chí yên tâm đánh giặc".
Và điều mong ước đã trở thành hiện thực. Anh Liệu kể:
Chiều 16 tháng 1 năm 1969, chiếc xe Gát 69 của Tổng cục Chính trị lên đón chị Thanh, anh Quang - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, anh Gừng và tôi - Dũng sĩ diệt Mỹ, về Hà Nội gặp Bác. Đó là một buổi chiều tuyệt đẹp, trời Hà Nội se lạnh, con đường vào Phủ Chủ tịch rợp bóng cây xanh. Dưới ngôi nhà sàn nơi Bác ở có mặt Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Vũ Kỳ và chị Xuyến, cô Hiền cán bộ miền Nam tập kết.
Bác mặc bộ đồ ka-ki, đi dép cao su, tay chống gậy. Biết Bác vừa ốm dậy ai cũng thương, cả đoàn xuống xe liền chạy tới sà vào lòng Bác. Chị Thanh thấy Bác ốm nên khóc nhiều. Bác động viên thăm hỏi từng người, đến lượt tôi Bác hỏi:
- Cháu là người nhỏ tuổi nhất diệt được nhiều Mỹ. Ra Bắc chưa quen khí hậu có lạnh không. Học có khó không?
Biết tôi là người Điện Bàn, Bác xúc động hỏi thăm tình hình đồng bào, đồng chí rồi căn dặn thêm:
- Ở Điện Bàn có gương chị Lý, anh Trỗi anh hùng lắm. Cháu đã theo gương anh Trỗi tham gia cách mạng, cố học thật tốt, sớm về giải phóng quê hương.
Tôi xúc động thưa với Bác: “Quê cháu ngày đêm mong Bác khỏe, vào thăm miền Nam”.
Bữa cơm chiều hôm ấy đạm bạc mà ấm áp vô cùng. Cơm gạo Tám thơm ăn với cá trích kho khô, rau muống luộc chấm tương, một đĩa cà và ít đậu phụng, tôi thấy ngon và nhớ mãi. Bác ăn rất ít, luôn gắp thức ăn cho tôi và các anh chị cùng đi. Bác hỏi han, dặn dò rất nhiều.
Đó là những giây phút quý giá, thiêng liêng của cuộc đời tôi được gặp Bác.
Nhớ lời Bác dặn, năm 1971 tôi trở lại chiến trường thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 1, tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào và chiến dịch Quảng Trị, bắn cháy một xe tăng, bắn rơi một máy bay HU.1A và bắt sống một tên trung tá phi công Mỹ lái chiếc F.4H, bị đơn vị bắn rơi, cùng đơn vị tham gia giải phóng miền Nam và làm tròn nghĩa vụ Quốc tế.
* * *
Cuối tháng ba năm nay trời Đà Nẵng mưa nặng hạt, tôi tìm đến nhà riêng của anh ở số nhà 32 - Đặng Đình Vân thuộc phường Thanh Khê Đông. Đã hơn 40 năm trận mạc, qua nhiều vùng bom đạn và chất độc hóa học của kẻ thù... Người anh gầy gò, đã đi điều trị ở nhiều bệnh viện lớn của quân đội. Hiện nay anh vẫn đang tiếp tục chữa bệnh. Cặp mắt anh vẫn sáng, lanh lợi như ngày nào tôi gặp ở Đầm Rây. Anh không muốn nói về mình mà kể nhiều chiến công của anh hùng Trần Dưỡng đặc công Quân khu 5, gương chiến đấu của chị Thanh ở Điện Hòa và nhiều đồng đội cùng thời với anh, ai mất, ai còn...
Tôi nghe chị Trịnh Thị Ngọc Bích vợ anh, trước đây là "Lính" của huyện đội Điện Bàn kể: "Vợ chồng anh chị mới về K9 - ở Ba Vì Thủ đô Hà Nội, nơi Hồ Chủ tịch từng ở sát sông Đà để thắp hương viếng Bác".
Trong ồn ào náo nhiệt của thành phố đang chuyển mình đi lên, bất chợt tôi thấy giữa nhà anh có một tấm ảnh phóng to chụp "Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam".
Tấm ảnh đó đã theo anh suốt hơn bốn mươi năm, qua nhiều chiến trường và còn đồng hành với anh mãi mãi.
Đ.N.T