Tống Phước Phổ và thơ - Nguyễn Thế Khoa
Tôi hết sức bất ngờ khi đọc 75 bài thơ của nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ do GS. Hoàng Chương sưu tầm và công bố trong cuốn sách “Tống Phước Phổ - cây đại thụ tuồng”. Giống như các bậc tiền bối lỗi lạc Nguyễn Diêu, Đào Tấn, bên cạnh khối di sản kịch bản tuồng đồ sộ, thơ cũng là khối di sản rất có giá trị của Tống Phước Phổ. Rõ ràng trước khi và trong khi là một nhà soạn tuồng lớn, Tống Phước Phổ đã là và còn là một nhà cách mạng quả cảm, một nhà thơ xuất chúng.
Đọc thơ Tống Phước Phổ, chúng ta thấy ngay rằng mấy chục bài thơ viết từ 1920 đến trước 1945 của ông là một phát hiện mới, rất đáng quý của thơ ca cách mạng Việt Nam thời tiền khởi nghĩa. Từ những năm 18-20 tuổi, người trai xứ Quảng này đã sẵn một ý chí bất phục, một tâm lý phản kháng trước thực tại vong quốc nô của đất nước. Ông đã sớm có những bài thơ sắc bén chế giễu đám quan lại tay sai và cảnh báo bọn thực dân xâm lược. Tống Phước Phổ coi các quan đầu tỉnh xứ Quảng thời ấy chỉ như những ông táo xó bếp “Nồi gạo lo toan ngày sợ hỏng/Hơi đồng liếm láp bữa ngồi trông/Uy quyền trong xó vui chi đó/Đè nén trên đầu có biết không?” còn với những tên sen đầm Pháp đắc ý trên xứ người chẳng khác phường mãi võ đầu đường góc chợ “Mắt thau, mũi lõ giắt song loan/Lục lạc reo vang, nhảy rộn ràng” thì Tống Phước Phổ không ngần ngại dằn mặt: “Tức nước vỡ bờ rồi sẽ biết/Ngồi trên núi lửa chớ vênh vang”. Từ năm 1921 mà đã viết được những câu thơ như “Ngồi trên núi lửa chớ vênh vang” là Tống Phước Phổ đã đi trước thời đại về cả tư tưởng và ngôn từ. Trong những tháng năm đen tối ấy, Tống Phước Phổ vẫn công khai bày tỏ sự cảm phục tấm gương của các chí sĩ Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ. Đối với ông, tuy Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh “Tìm đường cứu nước không ra nước”, nhưng hình ảnh lẫm liệt của những nhà yêu nước vĩ đại này đã là “Rìu búa, lời thơ dội xứ này”. Khi được ông chú Nguyễn Hiển Dĩnh cử đến giúp đoàn tuồng Ý Hiệp Ban của cụ Phạm Đệ năm mới 21 tuổi, Tống Phước Phổ đã có một bài thơ như một tuyên ngôn của ông về nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng. Với ông, nghệ thuật, sân khấu “Khóc cười gửi gắm niềm tâm sự/Hay dở phô bày chuyện thế gian” là để “lúc suy mong lúc thịnh” và “đem tiếng nhạc át lời than” với mục tiêu cao cả “Nhân nghĩa rồi ra thắng bạo tàn”. Đây là quan niệm rất nhân văn, rất toàn diện mà cũng rất mới mẻ rất cách mạng về nghệ thuật. Những phẩm chất của một nhà cách mạng bẩm sinh đó ở Tống Phước Phổ lý giải vì sao ông tham gia tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội từ năm 1925 và khi Đảng ta vừa thành lập, ông đã là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng từ năm 1930.
Thơ Tống Phước Phổ thời kỳ tiền khởi nghĩa gợi ta nhớ đến thơ Tố Hữu, Xuân Thủy, Sóng Hồng thời kỳ này. Đó là thơ của những chiến sĩ cộng sản tự nguyện dấn thân vào con đường cứu nước cứu dân bất chấp bao hiểm nguy, gian khó, hy sinh với niềm tin sắt đá vào sức mạnh dời non lấp biển của lý tưởng cách mạng. Tố Hữu viết: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/dấn thân vô là phải chịu tù đày/là gươm kề tận cổ súng kề tai”. Tống Phước Phổ viết: “Trước Đảng lời thề xin nhớ mãi/Trên vai gông tạ ngại ngùng chi/Cuộc đời cách mạng là như thế/Lối thẳng, đường ngay ta cứ đi”. Xuân Thủy viết: ”Này này đế quốc biết hay chăng/Người đã già nua ta trẻ măng/Trái đất người ôm ôm chẳng nổi/Trời kia ta với cả cung trăng”. Tống Phước Phổ viết: “Mở lối gánh đầy viên gạch đỏ/Giúp đời lấp sạch vũng bùn đen/Xưa đã vá trời nay vá đất/Ở đời có chí ắt làm nên”. Rất thú vị là các bài thơ Tống Phước Phổ làm khi thực hiện chủ trương vô sản hóa của Đảng, đi sâu “ba cùng” vào đời sống giai cấp công nhân và nhân dân lao động, lúc ở hãng gạch, khi ở hãng dệt, khi làm lao công trong hãng sắt, lúc làm phu kéo xe. Như trong bài thơ “Đi xe kéo”, trong thân phận một phu kéo xe nghèo hèn, vất vưởng, Tống Phước Phổ vẫn cảm nhận được việc làm của mình có ý nghĩa: “Ra sức đẩy nhanh xe lịch sử/Vững chân vượt khỏi lối phong trần/Vận đỏ làm nên tin tưởng chắc/Ngựa - người tẩy sạch kiếp trầm luân”. Giống như Tố Hữu, Xuân Thủy, Sóng Hồng, những năm 1931 – 1932, Tống Phước Phổ cũng từng bị giặc Pháp bắt tù cả ở Sài Gòn, Đà Nẵng và những bài thơ trong tù vừa ngời sáng chí khí bất khuất vừa đầy chất bi hài của ông là một đóng góp độc đáo vào kho tàng thơ ca trong tù của những chiến sĩ cộng sản tiền bối của Đảng ta. Đây là bài thơ ông tả cảnh nhà tù một ngày ngập lụt: “Bể đổi, dâu thay đến mức nào/Lao này bỗng chốc hóa cù lao/Một trời gào thét cơn phong vũ/Bốn mặt gầm vang ngọn thủy trào/Ngoài cõi mấy ai lo cứu vớt/Trong lồng một lũ chạy lao nhao/Anh em ta phải cùng chung sức/Vì nước khoanh tay chịu vậy sao?”. Còn đây là những câu thơ về việc những người cộng sản biến nhà tù thành trường học, thành nơi nung đức luyện tài: “Sóng quanh đảo cuồng lên ầm ĩ/Nhắc nhở ta nuôi chí kiên cường/Đức nung sắt đá can trường/Côn Lôn chốn ấy là làng tri âm”. Các nhà thơ Việt Nam viết về Côn Đảo khá nhiều nhưng chưa thấy ai gọi chốn “địa ngục trần gian” này là “làng tri âm” như Tống Phước Phổ.
Trong thơ tiền khởi nghĩa của Tống Phước Phổ, không thể không nói đến bài thơ “Cá ăn cá”. Bài thơ như sau: “Bể hận vơi vơi sóng bất bình/Cá mà ăn cá gẫm nên kinh/Nước bèo đã trải thân nương tựa/Nòi giống cùng chung kiếp hóa sinh/Mắc lưới đã không lo giúp sức/Nuốt nhau sao nỡ vội vô tình/Người đời e cũng như đàn cá/Lớn được phần hơn, nhỏ thiệt mình”. Bài thơ này có lẽ được Tống Phước Phổ làm với mục đích tuyên truyền vận động dân ta đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách theo chủ trương của Đảng, tránh bị kẻ thù dùng chính sách “chia để trị” đẩy vào cảnh “nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn”. Nhưng Tống Phước Phổ không theo cách vận động tuyên truyền bằng các khẩu hiệu dễ dãi, ông thuyết phục mọi người bằng nhận thức sâu sắc về sự tai hại của cuộc cạnh tranh sinh tồn tự phát, ích kỷ, tàn bạo, vô tình, bất chấp nòi giống, đồng loại theo cách “cá mà ăn cá gẫm nên kinh”, ông đặt ra một câu hỏi có vẻ nhẹ nhàng nhưng thăm thẳm xót xa, đầy sức cảnh tỉnh “Người đời e cũng như đàn cá?/Lớn được phần hơn, nhỏ thiệt mình”. Có thể nói, bài thơ “Cá ăn cá” thuộc loại thơ “hay đến rợn người” như cách xếp hạng của nhà thơ Xuân Diệu.
Nếu thơ Tống Phước Phổ thời tiền khởi nghĩa là thơ vận động tranh đấu, tiếng nói đanh thép tấn công trực diện kẻ thù thì sau ngày cách mạng thành công thơ ông chỉ như những thủ thỉ tâm sự dành cho riêng mình hoặc như một thú vui thanh tao thù tạc xướng họa với thân hữu. Chẳng có gì lạ khi ta biết đây là thời gian Tống Phước Phổ đã là một nhà soạn tuồng lớn của đất nước, nhưng oái oăm thay, đây cũng là thời gian người chiến sĩ cộng sản thuộc thế hệ sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam đó lại bị “hô biến” thành một nhân sĩ ngoài Đảng, một quần chúng của Đảng.
Bấy giờ, thơ đã như một cuốn nhật ký tâm tình riêng tư của Tống Phước Phổ. Ông có những bài thơ hết sức xúc động khóc vợ, khóc con, tưởng niệm mẹ, bày tỏ nỗi nhớ quê hương, ghi lại niềm vui qua được một cơn bệnh thập tử nhất sinh, được đón thêm một mùa xuân mới, được gặp thêm một người tốt hay thổ lộ nỗi buồn về những ước mơ khó thành hiện thực, về sự hoành hành lấn át của cái xấu cái ác. Xin giới thiệu hai bài thơ tuyệt hay trong rất nhiều bài thơ của Tống Phước Phổ về quê hương. Bài thứ nhất nói về nỗi nhớ quê: “Quê mẹ trông về dạ thiết tha/Đổi thay nhạn én mấy mùa qua/Sông hồ chưa lợt màu phiêu bạt/Kèn quyển thêm buồn nghiệp xướng ca/Muốn thẳng cánh chim về tổ cũ/E chùn vó ngựa vượt đường xa/Tiếng hơi, ai hỡi người tri kỷ/Một tấm u hoài…ngọn bút hoa”. Bài thứ hai nói về nỗi đau sau 21 năm xa cách mới trở về được làng An Quán chôn nhau thì ngôi làng thân yêu của ông đã bị lũ sông Thu Bồn cuốn mất: “Nổi tiếng phồn hoa khắp một vùng/Mà giờ chỉ có nước mênh mông/Nhà trôi, đất lở, người tan tác/Gió giục, mưa tuôn, cảnh lạnh lùng/Kèn trống xưa còn văng vẳng tiếng/Biển dâu, nay thấy xót xa lòng/Than ôi! Mảnh đất chôn nhau đấy/Giờ đã chìm sâu dưới đáy sông”. Còn đây là bài thơ mộc mạc mà sâu sắc nói về khát vọng sống, khát vọng viết kiên cường của nhà soạn tuồng ở tuổi 84: “Giường bệnh triền miên mấy tháng qua/Nghề xưa, nghiệp tổ khó lơ là/Tấn tuồng lịch sử lo tu sửa/Hội diễn đương mùa khó bỏ qua/Đời mãi đẻ thêm nhiều chuyện mới/Trời như để sót một ông già/Ta còn sống nữa, ta còn viết/Tơ thắm, tằm xuân lại nhả ra”.
Cần phải nói, Tống Phước Phổ gần như chỉ làm thơ cổ thể, thơ Đường luật, lại là một bậc túc nho, giỏi Hán học, nhưng rất kỳ lạ là thơ ông lại rất ít từ Hán Việt, không có điển tích và một số bài thực sự là những mẫu mực về sự trong sáng của tiếng Việt.
Rất đáng chú ý trong thơ Tống Phước Phổ giai đoạn cuối đời là những bài thơ suy ngẫm, chiêm nghiệm về chuyện đời, lẽ đời, về sinh, lão, bệnh, tử, về sợ, đau, danh, lợi…Hãy nghe Tống Phước Phổ nói về cái sợ: “Len lỏi đường trần mấy chục năm/Sợ gì hơn cái sợ nhân tâm/Sợ người thủ đoạn, tình như thật/Sợ kẻ gian hùng, kế quá thâm/Sợ chuốc ngoài môi lời mật rót/Sợ đầy trong ruột lưỡi dao găm”. Hay là cái đau: “Đau trông thế sự đầy mâu thuẫn/Đau thấy nhơn tình thiếu thủy chung/Đau lắng tiếng đàn hiềm thiếu bạn/Đau mòn khối óc chẳng nên công”. Hoặc là nỗi nhức nhối khi thấy cái bả danh lợi đã làm cho con người trở nên hèn hạ, đểu giả, lố bịch: “Mua danh trong bụng nhiều mưu kế/Tham lợi ngoài môi chuốc nghĩa tình/Đứa lợi vò vè mong dựa thế/Thằng danh dốt nát vẫn khoe mình”.
Nói về Tống Phước Phổ với thơ những năm cuối đời không thể không nói đến cuộc xướng họa thơ chuyện về hưu do ông tạo ra những năm 1980. Nhân chuyện mình và các bạn cùng thế hệ lần lượt về hưu, người cuối cùng là “ông bạn trẻ”Vũ Ngọc Liễn cũng đã về hưu năm 1983, Tống Phước Phổ cảm tác bài thơ “Tiễn bạn về hưu”:
Xích xiềng danh lợi hết vương mang
Hưu trước hưu sau cũng một đàng
Đi Bắc về Nam cùng vững chí
Vào sinh ra tử vẫn bền gan
Cắm dùi trụi lủi tôi không đất
Ngắm cúc say sưa bạn có vườn
Gắng sống để xem tuồng cải cách
Tấn trò thay đổi lớp vua quan
Nhận được thơ của Tống Phước Phổ như một bài xướng, các “hưu lão” nổi tiếng Mịch Quang, Yến Lan, Vũ Ngọc Liễn, cũng đang có nhiều tâm sự về đời về nghề, “được lời như cởi tấm lòng”, hết sức hứng khởi làm ngay các bài thơ họa gửi đến cho Tố Phong tiên sinh.
Bài họa của Yến Lan như sau:
Mặc người nấn ná kẻ hoang mang
Hát khúc “hoài qui” tớ thẳng đàng
Tiện có bút bi thì trải mật
Sẵn thừa giấy bút cứ phơi gan
Gió trăng hàng xóm không rào ngõ
Rau cải bà con biếu của vườn
Thỉnh thoảng ra chơi nhà hát huyện
Xem đào kép mới diễn vua quan
Còn đây là bài họa của Vũ Ngọc Liễn:
Không danh không lợi lấy chi mang
Hưu nghĩa là thôi kiếp ở đàng
Nhìn bác tuổi cao thương đứt ruột
Thấy nghề xơ xác nghĩ bầm gan
Dù sao thì cũng dòng con hát
Phải dọn cho xong cái góc vườn
Trời chửa gọi về ta cứ sống
Lạ gì tấn kịch đổi thay quan
Sau cùng là bài họa của Mịch Quang:
Cái nghề ca xướng trót đa mang
Hưu vẫn không xa được tiếng đàn
Dẫu đói cố gìn trong khúc ruột
Tuy nghèo không để nguội buồng gan
Trồng hoa trên giấy chi cần đất
Gieo hạt vào dân chẳng thiết vườn
Gắng học cụ Đào rèn ngọn bút
Làm gươm hát bội chém tham quan
Có thể thấy, đây là một cuộc xướng họa thơ hết sức độc đáo về đề tài “hưu nhàn” thời hiện đại. Bài xướng và các bài họa đều hay, mỗi bài mỗi vẻ, mang đậm khí chất phong độ mỗi tác giả và đều rất gan ruột, thâm thúy. Cái tâm trong veo, cái cao ngạo pha chút tủi phận về sự thanh bần, ước vọng trọn đời được đem ngòi bút phò chính trừ tà, phấn đấu cho sự chiến thắng của cái thật, cái đẹp, cái thiện của những nghệ sĩ chân chính mà Tống Phước Phổ là một tấm gương thể hiện rất rõ trong cuộc xướng họa thơ vô tình mà thành có một không hai này.
Nhân nói đến đề tài về hưu, có lẽ cũng cần nhắc đến bài thơ “Lãnh lương hưu”, một trong những bài thơ cuối cùng của Tống Phước Phổ:
Mỗi tháng trông mong được một lần
Nghe tin vội vã chạy chồn chân
Nhà ai gian chật hơi nồng nực
Sổ mấy chồng cao mắt ngó chừng
Các chị văn thư ngồi cúi mặt
Một bầy hưu lão đứng khom lưng
Chen nhau đã đổ mồ hôi hột
Lãnh được đồng lương khóc lại mừng
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn kể rằng một hôm ông đến thăm Tống Phước Phổ khi đã về hưu ở trong khu tập thể Nhà hát tuồng Đào Tấn tại Quy Nhơn, Bình Định, trong lúc trà dư tửu hậu được Tống Phước Phổ đọc nghe bài này. Vũ Ngọc Liễn bàng hoàng, bèn xin bác Phổ một bản thơ. Bác Phổ chép bài thơ cho ông Liễn và cẩn thận dặn rằng: đây là thơ mình làm cho vui, chỉ chép tặng ông, đừng để người ngoài đọc, người ta dễ hiểu nhầm. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn về, không nghe theo căn dặn của bác Phổ, mà chép lại nhiều bản gửi cho lãnh đạo tỉnh, thành phố Quy Nhơn và ngành lao động thương binh xã hội. Bài thơ rất hóm, rất buồn, cười ra nước mắt của nhà soạn tuồng cự phách, giải thưởng Hồ Chí Minh đã gây xúc động mạnh mẽ và chỉ trong một thời gian ngắn việc phát lương hưu tại Bình Định đã được cải tiến để không còn tình trạng “một bầy hưu lão đứng khom lưng…lãnh được đồng lương khóc lại mừng”.
Nghệ thuật chân chính của những tài năng lớn, những nhân cách lớn bao giờ cũng mang trong nó một nguồn năng lượng bùng nổ, một sức chinh phục to lớn, vĩnh cửu. Tuồng của Tống Phước Phổ, thơ của Tống Phước Phổ, một con người trọn đời “Lối thẳng, đường ngay ta cứ đi” với tâm niệm “Nhân nghĩa rồi ra thắng bạo tàn” thuộc bộ phận nghệ thuật vinh quang này...
N.T.K