Từ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNG

26.01.2021
Mộc Nhân

Từ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNG

Trâu là con vật hiền lành, là biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, từ bao đời nay là bạn tốt của con người: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ ngọn lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Không người Việt Nam nào là không thuộc lời ca dao thấm đượm nghĩa tình trong mối quan hệ đồng cam cộng khổ giữa người với trâu.

Người xưa đã mặc định giá trị về vật chất “Con trâu là đầu cơ nghiệp” vậy nên trong ba thứ đánh dấu bước lập nghiệp “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” thì con trâu được đưa lên hàng đầu. Thậm chí việc biết điều khiển một con trâu cũng là điều để đánh giá kĩ năng của trai tráng: “Trai thì cày ruộng khiển trâu/ Gái thì phải biết bổ cau têm trầu”.

Vậy nên cũng dễ hiểu khi con trâu đi vào lời ăn tiếng nói dân gian, đi vào các giá trị văn hóa đời sống, đi vào văn chương... mang những ý nghĩa thẩm mỹ, biểu tượng khá phong phú. Vậy nên từ con trâu đến mục đồng là một bước chuyển cùng những giá trị nhân bản của nó.

 

 Trong hầu hết các từ điển tiếng Việt đều giải nghĩa “mục đồng” là trẻ chăn trâu bò (mục: trâu bò, rộng hơn là gia súc; đồng: đứa trẻ); có sách còn chú thích thêm rành rẽ: Đây là từ cũ, hay dùng trong văn chương.

Vậy là đã rõ mười mươi, mục đồng là trẻ chăn trâu - ngày nay hay diễu nhại là “trẻ trâu”. Về nghĩa, ba từ mục đồng, trẻ chăn trâu và trẻ trâu là tương đồng tuy nhiên nó khác nhau về sắc thái. “Mục đồng” mang sắc thái trang trọng; “trẻ chăn trâu” mang sắc thái bình thường, trung tính; “trẻ trâu” mang sắc thái suồng sã, coi thường, giễu cợt. Tùy theo ngữ cảnh hoặc nhã hứng mà người ta tùy nghi nhả chữ.

Mục đồng luôn gợi nhớ tuổi thơ gắn với hình ảnh chú bé chăn trâu đội nón cời hay đầu trần tóc chỏm, ngồi trên lưng trâu đọc sách, phất cờ lau hay cầm diều, thổi sáo trên cánh đồng trong buổi hoàng hôn; các chú trâu bụng no tròn thả những bước chân chậm chạp trên đường đồng lối quê. Đó là những hình ảnh gần gũi, gắn với kỷ niệm tuổi thơ, trở thành biểu tượng của làng quê và cũng là cái thú đi vào văn thơ nhạc họa: “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chứ/ Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau/ Và miệng hát nghêu ngao” (Em bé quê - ca khúc Phạm Duy).

Những câu ca giản dị nhẹ nhàng như thế khiến người ta cảm thấy an yên, và dễ rưng rưng cảm xúc. Hình ảnh mục đồng cũng gắn liền với những bài thơ cổ điển nổi tiếng. Trần Nhân Tông có bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” (Ngắm cảnh Buổi chiều từ phủ Thiên Trường): “Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên/ Bán vô, bán hữu tịch dương biên/ Mục đồng địch lý ngưu quy tận/ Bạch lộ song song phi há điền.” Dịch nghĩa: (Trước thôn, sau thôn, cảnh mờ nhạt như khói phủ/ Bóng chiều tà nửa không, nửa có/ Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về/ Từng hàng cò trắng hạ cánh xuống đồng). Bài thơ là một bức tranh đẹp êm ả có hình ảnh mục đồng thổi sáo dẫn trâu về chuồng cùng tiếng sáo vẳng, có đôi cò trắng (bạch lộ) kiếm ăn giữa ruộng lúa đang lên xanh, một nét vui đồng ruộng ẩn giấu trong đó một niềm vui hạnh phúc tình yêu, hoặc cao hơn, một sự sinh sôi của sự sống. Lưu Giá - nhà thơ thời Đường có bài thơ “Mục đồng” khá hay: “Mục đồng kiến khách bái/ Sơn quả hoài trung lạc/ Trú nhật khu ngưu quy/ Tiền khê phong vũ ác”. Dịch nghĩa: (Trẻ chăn trâu thấy người lạ cũng biết vái chào/ Nó tiếc các trái cây rụng trong núi/ Hàng ngày lùa trâu về/ Gặp mưa to gió lớn trước suối).

Mục đồng không chỉ gắn với nét dễ thương hồn nhiên mà đó còn là những chú bé thông minh, chăm ngoan, chịu khó, giàu tình thương... thường xuất hiện trong truyện cổ tích hay các tác phẩm văn học như truyện Chú bé chăn trâu trong “Truyện cổ Grim” kể về một cậu bé chăn trâu thông minh, đối đáp giỏi, giải được ba câu đố khó của nhà vua khiến vua nể phục nhận làm con nuôi, túc trực bên vua trong cung điện. Nhà văn Pháp Le Clézio, Nobel Văn chương 2008 có tác phẩm “Lũ mục đồng” nói về những đứa trẻ với những cảnh ngộ khác nhau nhưng chúng đều mang theo những giấc mơ của mình trong sự huyên náo của đời sống, dấn mình vào những cuộc phiêu lưu kì thú trong thiên nhiên, qua đó nhắc người ta nhớ về những giấc mơ, thủy chung vẫn luôn nằm sâu trong kí ức con người, nhưng bấy lâu bị cố tình lãng quên, vùi lấp.

Trong Phật pháp và trong Thiền học, hình ảnh mục đồng trong “Thập Ngưu Đồ” (mười bức tranh về chú mục đồng và con trâu) mô tả những giai đoạn tu chứng để đi đến giác ngộ và vào đời giúp người. Ở đây con trâu biểu tượng cho bản ngã, cái tôi là cái chúng ta đang tìm kiếm. Trâu ví như vọng tâm điên đảo. Mười bức tranh vẽ trâu miêu tả quá trình thuần hóa trâu để cho nó trở thành hiền hòa và chịu phục tùng theo con người là một quá trình mang tính biểu tượng về mặt giáo hóa và chuyển hóa tâm linh. Bức 1: Mục đồng tìm trâu (tượng trưng cho người đi tìm bản ngã). Bức 2: Thấy dấu con trâu (tượng trưng cho người đã tìm thấy hướng đi trên đường tu tập). Bức 3: Thấy trâu (tượng trưng cho người đã tìm thấy mình, hiểu rõ về bản ngã, và thực tướng). Bức 4: Bắt trâu (tượng trưng cho người hiểu bản ngã nhưng không dễ gì tu tập vì còn vướng cuộc sống bản năng). Bức 5: Chăn trâu (tượng trưng cho người đã bắt đầu giác ngộ và giữ giới luật). Bức 6: Cưỡi trâu (tượng trưng cho người đã thuần hóa cái tôi, làm chủ được mình). Bức 7: Không còn bận tâm với con trâu (tượng trưng cho người an nhiên tự tại quên đi cái ngã trong mình). Bức 8: Quên người lẫn trâu (mọi phiền não, vướng mắc, đều để qua một bên, chỉ còn lại sự tĩnh lặng tuyệt đối, tức là bước vào cảnh giới vô ngã, vô thường và không). Bức 9: Trở về cội nguồn (tức là quay về “Bản tính thanh tịnh” ở ngay trong ta, giúp ta trở về cảnh giới giác ngộ). Bức 10: Thong dong vào đời: Chú mục đồng giờ đây có Phật tánh, đạt cảnh giới giác ngộ thăng hoa toàn diện về thể chất lẫn tinh thần).

 

Hiện nay ở làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) vẫn giữ được lễ hội dành riêng cho trẻ chăn trâu có một không hai ở nước ta đó là lễ rước Mục đồng. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa ở làng Phong Lệ có cụ già đi lạc đến làng, được các em chăn trâu yêu mến, mang cho cơm nước cùng ăn. Khi qua đời, cụ được mai táng tại một khu đất cồn ở làng. Điều lạ là kể từ đó, khu đất ấy chỉ có đám trẻ chăn trâu mới đến chơi được, còn ai vào cũng bị dính chặt chân vào đất khó mà dứt ra. Từ đó trở đi, cồn thần được cho là nơi chỉ có trẻ chăn trâu tập trung, chơi đùa, từ câu chuyện này, lễ hội độc đáo dành riêng cho trẻ chăn trâu đã ra đời và được gọi là lễ rước Mục đồng.

Lễ rước Mục đồng ngoài ý nghĩa tâm linh còn mang ý nghĩa văn hóa xã hội nhằm tôn vinh trẻ chăn trâu. Trân trọng các em cũng là trân trọng những người lao động nghèo khó, bởi chính họ là những người góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

 

Con trâu và mục đồng mang nhiều ý nghĩa đời sống, nhân văn, tâm, thiền, đạo... gắn với văn hóa, tín ngưỡng con người. Vậy cớ chi chúng ta lại kì thị, hạ thấp những giá trị bản thể của nó.

Đành rằng kiếp trâu “kéo cày trả nợ”, hoặc có những ví von: “Đầu trâu mặt ngựa”, “Đem đàn mà gảy tai trâu”, “Trâu chậm uống nước dơ/ Trâu ngơ ăn cỏ héo”.... nhưng đó là những ẩn dụ nhắn nhủ kĩ năng đối nhân xử thế hướng đến con người.

 Vậy nên đôi khi con vật cũng thúc đẩy nhận thức của con người bởi nó giúp ta có thể lĩnh hội được các mối quan hệ, nhìn thấy các giá trị qua tương hỗ, so sánh, liên hệ cần thiết cho hành trình văn hóa của nhân loại.

M.N

Bài viết khác cùng số

Đãi KIẾN một bữaBóng xuân xanhMột lần Tết quê ngoạiTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàTản mạn bên chén trà xuânDấu ấn thời gianKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Cuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtNói đi em...SayĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânNgày xuân nõnMãi mãi mùa xuânThơ cho mùa xuânCắt tóc cuối nămXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiĐóa xuân lòngCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngĐà Nẵng ân tìnhChiều Sơn TràLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Con trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố