Một lần Tết quê ngoại

26.01.2021
Nguyễn Nhã Tiên

Một lần Tết quê ngoại

Mặc cho tiếng chị Niệm rối rít gọi đằng sau “Cún, quay về mẹ bảo!”. Cún vẫn cắm đầu chạy. Thoạt đầu, nó còn quay lui nói với chị Niệm “Con về nhà ngoại trước, mai mẹ với cả nhà về sau nghe”. Cũng có lúc Cún huơ huơ bàn tay ra dấu như ngầm bảo “Mẹ về đi, con không lạc đường đâu mà sợ”. Cún nhứt quyết chứng tỏ cho mẹ nó biết rằng: Nó đã lớn hung rồi, không việc gì lúc nào cũng phải nắm gấu áo mẹ, hoặc kè kè ngồi sau xe đạp cho mẹ đèo đến trường hay những dịp giỗ, tết về quê ngoại.

Từ hơn tháng nay, Cún đã làm được cái công việc đến lớp một mình. Đường từ nhà đến trường bấy lâu nay chưa bao giờ Cún thấy nó lạ lẫm như thế. Vẫn con đường đất rợp mát bóng tre qua ngã tư chợ, rồi tiếp một đoạn kênh thủy lợi là đến cổng trường. Thế mà những ngày đầu tập tễnh một mình đến lớp sao thấy xa dễ sợ. Mang chiếc cặp tung tăng trên lưng, khép nép bước đi bên lề đường, kiểu nào Cún cũng tưởng như có người nhìn theo trêu chọc mình. Cả những ngọn gió lơ thơ thổi dọc đường kênh, khi thấy Cún chân sáo trên đường cũng tông tốc đuổi theo như muốn hù dọa trẻ con.

Bây giờ thì Cún đã quá quen rồi. Thậm chí vừa đi trên đường, Cún vừa ngửa mặt huýt sáo véo von cùng lũ chim chóc bay nhảy trên những cành cây. Mấy đứa bạn của Cún, nào Nhím, nào Hột Mít, nào Tí sún, giờ đây cũng chẳng đứa nào đến lớp mà phải lẽo đẽo níu áo mẹ. Cũng không nên so bì với mấy đứa con gái: Trang, Liễu, Quỳnh Hương... “Con gái yếu đuối lắm”. Mẹ chẳng đã từng bảo chị Khuê như thế. Mà chị Khuê của Cún đâu có còn bé tẹo như mấy đứa bạn gái cùng lớp. Chị Khuê đã học đến lớp bảy, đứng cao hơn hẳn Cún một cái đầu. Thế mà lúc nào cũng bị mẹ chê là yếu đuối. “Làm con gái có khác”, Cún so đo chị Khuê với mình.

Suốt những ngày dài ngong ngóng nghỉ tết, chiều nào đi học về Cún cũng được mẹ khen “Năm mới đến, con trai của mẹ đã lớn rồi, trông oai hơn cả bố nữa đấy!”.

Biết là Cún đã lớn, đã oai, vậy mà đến mai là  ba mươi tết về cúng ngoại, mẹ cứ một hai bảo “Chờ bố mẹ đưa Cún và chị Khuê cùng về thắp hương ông bà". Cún đã nói với mẹ, về ăn tết nhà ngoại là phải ở lại với dì với cậu một hai hôm mới vui. Ai lại về thắp hương cúng ông bà xong rồi đi ngay thì chán không gì bằng. Nhưng mẹ đã không bằng lòng, lại còn hù dọa Cún “Đường về nhà ngoại phải đi qua nà mía kín đui, đi một mình dễ lạc đường, không chừng còn bị... ông kẹ bắt”. Con trai như Cún mà sợ gì. Vậy rồi để chứng tỏ... con trai, Cún chạy băng băng ra đường, làm cho mẹ đuổi theo mệt nhoài, ôm ngực ngồi thở dốc.

 

Cún thường khoe với các bạn cùng lớp “Không ở đâu đẹp bằng quê ngoại của Cún”. Xứ sở xanh ngát mía mật, mọi con đường mát rười rượi no say mùi hương mía. Ôi chao, còn cái cây ổi trước sân nhà ngoại, cành tỏa ra gần sát mặt đất, trái chín vàng ươm to như những chiếc bát. Cún và chị Khuê bao lần trèo lên đu ra cành ổi, rồi cả hai cùng nhảy dù lăn cù xuống mặt đất.

Nhà ngoại ai cũng cưng Cún nhiều nhất. Mỗi lần Cún về là cậu, dì tranh nhau dắt Cún đi chơi, bất cứ món quà nào cũng đều để dành cho Cún. Phía trước nhà ngoại còn có cả một cái bàu sen to đùng. Thích thú nhất là được ngồi trên chiếc ghe nan cho cậu Út chở đi. Cả ghe và người lẩn khuất trong những chiếc lá sen to đùng. Cậu Út bảo cậu đang chở Cún dạo chơi trong cổ tích...!

 

Chạy nhanh qua khỏi cuối con đường làng, Cún bắt đầu đi sâu vào nà mía. Bây giờ thì chẳng còn nghe tiếng mẹ rối rít gọi đằng sau nữa. Chắc mẹ đã quay về nhà. Về nhà ngoại một mình thì có gì là ghê gớm đâu mà mẹ cứ í ới gọi không cho Cún đi kia chứ.

Mía cao lều khều cứ chờm ra che khuất hết con đường. Trước mía, sau mía, chung quanh bốn bề toàn mía. Những lần tết trước, về nhà ngoại với mẹ, mía đâu có rối tung lên như thế này. Qua một ngã tư, một ngã ba rồi lại tiếp một ngã tư, đi thêm một hồi lại thấy một ngã ba nữa. Những lần về giỗ ngoại, đi với mẹ đâu có lắm ngã tư ngã ba như thế này. Cún thử nhảy lên cho cao hơn một tí, để nhìn thấy cho được cái hàng tre trước ngõ nhà ngoại. Nhưng, nhảy thế nào cũng chỉ thấy toàn mía với mía. Đến nỗi, nhìn trời, lá mía cũng đung đưa che kín con mắt. Nắng chiều vàng tươi lúc còn nhởn nhơ trên đường làng, giờ đã bị mía nuốt chửng, chỉ còn lại âm âm u u một màu xám sẫm và tiếng gió lào xào sột soạt nghe lành lạnh bàn chân.

Cún bước những sải dài cho thật nhanh để chóng vượt qua nà mía, sao đi mãi đi hoài vẫn chưa thể nào vượt qua được. Giá như có một loại cây gì đó to lớn hơn cây mía, Cún sẽ trèo lên quan sát con đường còn bao nhiêu xa. Nhưng làm sao có được. Những cây mía thì tong teo còn nhỏ hơn tay chân của Cún thì trèo lên sao được. Cún bắt đầu cảm thấy ngại ngùng con đường trước mặt. Hay là quay lui về, ngày mai cùng đi với bố mẹ, với chị Khuê. Nếu thế, mẹ lêu lêu cho ê cả mặt. Còn chị Khuê nữa, có dịp để chị chứng tỏ cho bố mẹ biết “Cún là dóc không ai bì ”.

Không thể quay lui, làm con trai mà nhút nhát sẽ “yếu đuối” như con gái mất. Vậy là hai bàn chân Cún hùng hổ nện từng bước thình thịch xuống mặt đường. Hình như chính lúc đó, Cún nghe có tiếng bước chân ai đó đuổi theo phía đằng sau mình. Quay lại nhìn lui, Cún chỉ thấy cơ man là mía và vô khối những âm thanh lao chao không rõ một tiếng gì. Bây giờ thì Cún không đủ can đảm để nện từng bước thình thịch xuống mặt đường nữa. Nhưng quái lạ, bước thật khẽ rồi mà sao Cún vẫn cứ nghe như có ai đang rượt đuổi phía sau mình. Cún nghe thấy lạnh khắp người, và rồi dồn hết sức vào đôi bàn chân mà chạy. Đường về quê ngoại sao vắng vẻ dễ sợ thế này. Chạy mãi, chạy mãi, mỗi lúc lại thấy một xa hơn. Đôi chân Cún đã bắt đầu quýnh quáng, tiếng thở phì phò ùa ra cùng nước mắt nước mũi. Cún mệt phờ, khóc không thành tiếng. Đôi mắt nhòe nhoẹt nước mắt mà lá mía rối tung với gió cứ xoắn lấy mặt mũi tóc tai thành muôn hình thù lờn vờn trêu chọc. Bỗng, Cún vấp ngã chúi mũi xuống đường, tay chân quýnh quáng không còn một chút sức lực nào để đứng dậy. Chính lúc đó mẹ nhân từ hiện ra cùng các cậu các dì...

 

Thì ra sau khi chạy theo Cún một đoạn đường dài, thấy Cún vẫn cắm đầu cắm cổ chạy vào con đường băng qua nà mía, chị Niệm tức tốc quay về nhà lấy xe đạp theo con đường tắt đạp nhanh về nhà ngoại, đang lúc mọi người đang tất bật lo tết. Cậu Út đang lau dọn bàn thờ, dì Ba dì Tư lo gói bánh chưng bánh tét... Tất cả chưng hửng khi nghe tiếng chị Niệm gọi oang oang từ ngoài sân “Mọi người ơi, thằng Cún về nhà ngoại nó chạy lạc vào nà mía rồi, các dì cậu giúp tôi đi tìm nó với”. Vậy là mọi người chẳng ai bảo ai, tất cả chạy ra đường rồi băng ngang nà mía đi tìm Cún.

Lèm nhèm mặt mũi, Cún ùa vào lòng mẹ khóc hả hê. Mọi người đứng chung quanh được một trận cười thỏa thích. Mặc, Cún cứ khóc. Còn mẹ thì lại xoa đầu vỗ về rồi bế Cún lên xe đạp chở đi. Có điều rất lạ là, Cún khóc nhè như thế mà mẹ thì tỉnh bơ bảo “Về nhà tắm rửa, chưng diện đồ mới vô cho đẹp rồi mẹ chở về ngoại ăn tết”.

Ngồi sau xe ôm sát lưng mẹ, Cún cố nén tiếng thút thít hỏi mẹ “Về ngoại một mình sao đường xa thế hở mẹ?”. Mẹ vừa đạp xe vừa chuyện trò với Cún mà như mẹ nói với ai ở tận đẩu tận đâu “Mọi con đường thiếu bóng mẹ đều xa xôi và gập ghềnh như thế cả con ạ”!

N.N.T

Bài viết khác cùng số

Góp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngTết, nhớ nhàNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Tản mạn bên chén trà xuânBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaMột lần Tết quê ngoạiCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidDấu ấn thời gianTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGCắt tóc cuối nămBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹĐóa xuân lòngMãi mãi mùa xuânXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiNgày xuân nõnCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngThơ cho mùa xuânChùm thơ HaikuMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônNhững mạch gạch Tháp xuânNói đi em...Chiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhLời nhắn nhủLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hình tượng con trâu trong văn học Việt NamCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhNgày xuân nhớ Xuân DiệuThơ là những tình khúc“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Trâu và senChào xuân Tân SửuXuân về trên phốChờ xuânHương xuân