Góp vào cuốn sổ tay đường phố Đà Nẵng

25.01.2021
Bùi Văn Tiếng

Góp vào cuốn sổ tay đường phố Đà Nẵng

Với tốc độ và mật độ phát triển đô thị của Đà Nẵng trong hơn hai mươi năm qua, số đường phố được đặt tên ở Đà Nẵng đã lên tới hơn hai nghìn. Vì thế một cuốn sổ tay đường phố không chỉ là nhu cầu của du khách thập phương khi tham quan thành phố bên sông Hàn mà còn là nhu cầu tự thân của cư dân bản địa Đà Nẵng.

Sổ tay đường phố Đà Nẵng sẽ giúp mọi người đến đúng địa chỉ con đường cần tìm, biết được tiểu sử của danh nhân hay nguồn gốc của địa danh dùng đặt tên con đường ấy, đồng thời ở không ít trường hợp có thể hình dung trước khi con đường được mang tên như hiện nay, đã từng được mang những tên nào qua các thời kỳ lịch sử. Và cũng rất lý thú nếu như cuốn sổ tay đường phố Đà Nẵng giúp mọi người biết được mối quan hệ giữa các tên đường trong thành phố, thông qua danh mục tên đường phố mang tên danh nhân trên địa bàn từng quận huyện, từng phường xã; hoặc thông qua thông tin các danh nhân được đặt tên đường cùng tham gia một sự kiện lịch sử - như Văn Cao sáng tác quốc ca, Nguyễn Hữu Tiến vẽ mẫu quốc kỳ, Bùi Trang Chước vẽ mẫu quốc huy, cùng gắn liền với một địa danh - như Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Đỗ Bá liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam; hay thông qua quan hệ gia đình/ dòng tộc giữa các danh nhân được đặt tên đường. Để góp vào cuốn sổ tay đường phố ấy, người viết bài này xin giới thiệu mối quan hệ gia đình dòng tộc giữa các danh nhân được đặt tên đường hiện nay ở Đà Nẵng - chia thành hai nhóm: Nhóm những danh nhân ngoài đất Quảng và nhóm những danh nhân là người Quảng, bao gồm cả những người ngoài đất Quảng nhưng có quan hệ gia đình với người Quảng.

 

Về nhóm những danh nhân ngoài đất Quảng được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường phố, trước tiên có thể kể đến gia đình mang tính huyền thoại và được xem là Quốc tổ của người Việt - gia đình của Hùng Vương [1] cùng ông nội là Kinh Dương Vương, cha là Lạc Long Quân và mẹ là Âu Cơ (cũng có thể kể vào gia đình huyền sử này Mai An Tiêm - con rể Hùng Vương thứ XVII). Hay có thể kể đến gia đình Trưng Nữ Vương cùng với mẹ là Man Thiện, em gái là Trưng Nhị và chồng là Thi Sách. Cũng có thể kể đến Triệu Nữ Vương cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt; hay đến Lý Nam Đế cùng anh trai là Lý Thiên Bảo; hoặc đến Khúc Thừa Dụ cùng con trai là Khúc Hạo. Cũng có thể kể đến Ngô Quyền cùng cha vợ là Dương Đình Nghệ. 

Có thể kể đến gia đình Đinh Tiên Hoàng cùng cha là Đinh Công Trứ và vợ là Dương Vân Nga - Dương Vân Nga cũng là vợ của Lê Đại Hành (dòng dõi Đinh Tiên Hoàng về sau còn có Đinh Lễ - con bà Lê Thị Ngọc Thức chị ruột Lê Lợi - cùng Đinh Liệt là em trai Đinh Lễ). Có thể kể đến gia đình/ dòng tộc của Lý Thái Tổ - là chồng Lê Thị Phất Ngân con gái Lê Đại Hành và Dương Vân Nga, cùng con trai là Lý Thái Tông - cháu ngoại Lê Đại Hành và Dương Vân Nga, Lý Nhật Quang - con trai Lý Thái Tổ, em trai Lý Thái Tông, Đào Cam Mộc - con rể Lý Thái Tổ/ chồng An Quốc Công Chúa, Lý Thánh Tông - con trai Lý Thái Tông, Ỷ Lan Nguyên Phi - vợ Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông - con trai Lý Thánh Tông và Ỷ Lan Nguyên Phi.

Tiếp nữa là gia đình/ dòng tộc của Trần Thái Tông cùng các con trai là Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải - em trai Trần Thánh Tông, Trần Nhật Duật - em trai Trần Thánh Tông và con gái là An Tư Công chúa - em gái Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông - con trai Trần Thánh Tông, Trần Hưng Đạo - cháu gọi Trần Thái Tông là chú ruột và là cha vợ Trần Nhân Tông, Trần Bình Trọng - con rể Trần Thái Tông, Trần Anh Tông - con trai Trần Nhân Tông, Huyền Trân Công Chúa - con gái Trần Nhân Tông, em gái Trần Anh Tông, Trần Minh Tông - con trai Trần Anh Tông. Ngoài ra còn có thể kể thêm một số danh nhân được Đà Nẵng đặt tên đường là tông thất nhà Trần như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Toản, Trần Khát Chân và Trần Quý Khoách cháu gọi Trần Minh Tông bằng ông cố - Trần Quý Khoách là cháu nội Trần Nghệ Tông mà Trần Nghệ Tông là con trai Trần Minh Tông.

Cũng có thể kể đến Trần Nguyên Đán - dòng dõi Trần Quang Khải cùng con rể là Nguyễn Phi Khanh - chồng bà Trần Thị Thái, và cháu ngoại là Nguyễn Trãi - con trai Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái. Gia đình họ Hồ có Hồ Quý Ly cùng hai con trai là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương; đến anh em Hà Đặc và Hà Chương; đến cha con Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị; cha con Đặng Tất và Đặng Dung (hậu duệ của Đặng Dung về sau có cha con Đặng Chiêm và Đặng Minh Khiêm). Dòng dõi vua Lê có Lê Lợi cùng Lê Khôi - cháu gọi Lê Lợi là chú ruột và Lê Thánh Tôn - cháu nội Lê Lợi. Và không phải ngẫu nhiên mà dân gian có câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” nên có thể kể thêm Lê Lai và con trai là Lê Lộ. Tiếp nữa có thể kể đến Mạc Đăng Dung - cháu bảy đời của Mạc Đỉnh Chi và con trai là Mạc Đăng Doanh; đến Quang Trung (Nguyễn Huệ) và vợ là công chúa Ngọc Hân, cùng Nguyễn Lữ - em trai Quang Trung [2]; đến vợ chồng võ tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.

Ngoài ra có nhiều gia đình/ dòng tộc một số trí thức đương thời như gia đình Lê Quý Đôn chồng bà Lê Thị Trang cùng cha vợ là Lê Hữu Kiều, anh vợ là Lê Hữu Trác - cháu gọi Lê Hữu Kiều là chú ruột; hay như gia đình Ngô Thì Sĩ cùng các con trai là Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Hương - em ruột Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Trí - em ruột Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Hương và Ngô Thì Hiệu - con trai Ngô Thì Nhậm; hoặc như gia đình Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn - em ruột Phan Huy Ích, Phan Huy Chú - con trai Phan Huy Ích và bà Ngô Thị Thực, cháu ngoại Ngô Thì Sĩ, cháu gọi Ngô Thì Nhậm là cậu ruột, là chồng Nguyễn Thị Vũ/ con rể Nguyễn Thế Lịch và Phan Huy Thực - con trai Phan Huy Ích; hoặc như cha con Lương Đắc Bằng và Lương Hữu Khánh; hoặc như Dương Đức Nhan và con rể là Nguyễn Bỉnh Khiêm; hay như Hà Tông Huân cùng hậu duệ là Hà Tông Quyền; hay như Đào Công Soạn cùng hậu duệ/ cháu bốn đời là Đào Nghiễm.

Cũng có thể kể đến gia đình Bùi Xương Trạch cùng con trai là Bùi Vịnh, cháu nội là Bùi Bỉnh Uyên - con trai Bùi Vịnh (dòng tộc Bùi làng Thịnh Liệt Hà Nội của Bùi Xương Trạch về sau còn có Bùi Xương Tự cùng cháu nội là Bùi Huy Bích). Cũng có thể kế đến gia đình Nguyễn Du cùng cha là Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Hành - cháu nội Nguyễn Nghiễm, cháu gọi Nguyễn Du là chú ruột, Đoàn Nguyễn Thục - cha của Đoàn Nguyễn Thị Huệ là vợ Nguyễn Du, Đoàn Nguyễn Tuấn - con trai Đoàn Nguyễn Thục, anh vợ  Nguyễn Du; đến gia đình Nguyễn Huy Oánh cùng con trai là Nguyễn Huy Tự; đến anh em Nguyễn Gia Thiều và Nguyễn Huy Lượng - Nguyễn Gia Châu là ông nội Nguyễn Gia Thiều và là ông ngoại Nguyễn Huy Lượng; hay đến cha con Nguyễn Đình Chiểu và Sương Nguyệt Anh (Nguyễn Thị Khuê).

Một dòng tộc mở cõi về phía nam của Đại Việt là họ Nguyễn với Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng - con trai Nguyễn Kim, Nguyễn Phước Nguyên - con trai Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phước Lan - con trai Nguyễn Phước Nguyên, Nguyễn Phước Tần - con trai Nguyễn Phước Lan, Nguyễn Phước Thái - con trai Nguyễn Phước Tần, Nguyễn Phước Chu - con trai Nguyễn Phước Thái, Đoàn Quý Phi - con dâu Nguyễn Phước Nguyên, vợ Nguyễn Phước Lan, mẹ Nguyễn Phước Tần. Đến các hậu duệ của các chúa Nguyễn như Minh Mạng với hai con trai là Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương và con gái Mai Am; như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân (cũng có thể kể thêm vào đây Trương Đăng Quế là cha vợ của Tùng Thiện Vương - vợ Tùng Thiện Vương là Trương Thị Thứ; Đoàn Hữu Trưng là con rể của Tùng Thiện Vương/ chồng Công Nữ Thể Cúc; Hồ Đắc Di là cháu nội Công Nữ Thức Huấn con gái Tùng Thiện Vương; Phạm Ngọc Thạch là con trai Công Tôn Nữ Chánh Tín cháu nội Tuy Lý Vương). Cũng có thể kể đến những người mang họ Tôn Thất như Tôn Thất Thuyết cùng hai con trai là Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp, hay như Tôn Thất Tùng.

Có thể kể đến cha con Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích; đến cha con Trương Định và Trương Quyền; đến anh em song sinh Cao Bá Quát và Cao Bá Đạt cùng Cao Bá Nhạ - con trai Cao Bá Đạt; đến Trương Minh Giảng và Trương Minh Ký - cháu gọi Trương Minh Giảng bằng ông trong họ Trương làng Hạnh Thông Thành phố Hồ Chí Minh; đến Nguyễn Tri Phương cùng em trai là Nguyễn Duy và con trai là Nguyễn Lâm; đến anh em Phan Liêm và Phan Tôn - hai con trai của Phan Thanh Giản; đến anh em Dương Khuê và Dương Lâm; đến Nguyễn Thiện Thuật và em trai là Nguyễn Thiện Kế - anh rể của Tản Đà; đến Đặng Tử Kính và Đặng Thái Thân - cháu gọi Đặng Tử Kính là chú ruột; đến Doãn Uẩn và Doãn Khuê - em con chú ruột Doãn Uẩn.

Đến giai đoạn sau này, những dòng tộc có công giành độc lập cho nước nhà cũng có rất nhiều. Đầu tiên là vợ chồng Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan cùng con trai Nguyễn Tất Thành; hay có thể kể đến Lương Văn Can cùng hai con trai là Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến và Đào Trinh Nhất - chồng Lương Thị Hòa/ con rể Lương Ngọc Quyến và là con trai Đào Nguyên Phổ; hoặc có thể kể đến gia đình Dương Bá Trạc cùng hai em trai là Dương Quảng Hàm và Dương Tụ Quán, đến Dương Thị Xuân Quý - con gái Dương Tụ Quán và Dương Bích Liên - cháu gọi Dương Bá Trạc là bác ruột; có thể kể đến Nguyễn Hàng Chi và Nguyễn Đổng Chi - cháu gọi Nguyễn Hàng Chi là chú ruột; đến cha con Nguyễn Thức Tự và Nguyễn Thức Đường; đến cha con Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Nhược Pháp; đến cha con Nguyễn Đỗ Mục và Nguyễn Đỗ Cung.

Có thể kể đến vợ chồng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai; đến chú cháu Hồ Học Lãm và Hồ Tùng Mậu - Hồ Học Lãm gọi Hồ Bá Ôn ông nội Hồ Tùng Mậu là bác ruột; đến vợ chồng Nguyễn Thái Học và Cô Giang cùng Cô Bắc - em ruột Cô Giang; đến gia đình Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) cùng ông nội là Đặng Xuân Bảng và em họ là Đặng Xuân Thiều; đến hai cha con Hoàng Đạo Thành và Hoàng Đạo Thúy cùng con rể Hoàng Đạo Thúy/ chồng Hoàng Kim Oanh là Tạ Quang Bửu; đến gia đình Cao Xuân Dục, Cao Xuân Huy - cháu nội Cao Xuân Dục, Hoàng Tăng Bí - con rể Cao Xuân Dục/ chồng Cao Thị Thuyên, Hoàng Minh Giám - con Hoàng Tăng Bí/ cháu ngoại Cao Xuân Dục; đến gia đình Đặng Nguyên Cẩn (dòng dõi cha con Đặng Tất và Đặng Dung), Đặng Thai Mai - con Đặng Nguyên Cẩn, Võ Nguyên Giáp - con rể Đặng Thai Mai/ chồng Đặng Bích Hà; đến ba anh em Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh) và Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống); đến hai anh em Đào Duy Anh và Đào Duy Kỳ; đến Hoàng Xuân Nhị - cùng họ Hoàng Xuân ở Đức Thọ Hà Tĩnh với Hoàng Xuân Hãn.

Về nhóm những danh nhân là người Quảng, đầu tiên có thể kể đến cha con Phạm Hữu Kính và Phạm Thị Lam Anh; đến người Quảng xa quê Nguyễn Văn Thoại cùng vợ là Châu Thị Vĩnh Tế. Cũng có thể kể đến Nguyễn Tường Phổ với hậu duệ là Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) -  cháu gọi Nguyễn Tường Phổ là ông cố; hay Hoàng Diệu cùng cháu ngoại là Phan Khôi - con trai Hoàng Thị Lệ, con rể Lương Thúc Kỳ và Phan Thao - con trai Phan Khôi; hay Nguyễn Thông cùng con trai là Nguyễn Quý Anh và con rể là Lương Thúc Kỳ - cha vợ Phan Khôi. Cũng có thể kể đến Phạm Phú Thứ cùng cháu nội là Phạm Phú Tiết; đến Ông Ích Khiêm cùng cháu nội là Ông Ích Đường; đến anh em Phan Khoang và Phan Du.

Có thể kể đến Phan Châu Trinh cùng con rể là Lê Ấm - chồng Phan Thị Châu Liên, cháu ngoại là Phan Tứ (Lê Khâm) - con Lê Ấm và Phan Thị Châu Liên, Nguyễn Thúy - con rể Lê Ấm, chồng bà Lê Thị Kinh/ Phan Thị Minh, Lê Cơ - em con cậu ruột của Phan Châu Trinh/ cháu gọi bà Lê Thị Trung mẹ Phan Châu Trinh là cô ruột; đến cậu cháu Nguyễn Đình Tựu và Huỳnh Thúc Kháng - mẹ Huỳnh Thúc Kháng là Nguyễn Thị Tình em gái Nguyễn Đình Tựu; đến anh em Nguyễn Tạo và Nguyễn Thuật; đến anh em Dương Thưởng và Dương Thạc; đến cha con Lê Vĩnh Khanh và Lê Vĩnh Huy; đến Lê Bá Trinh cùng em rể là Phan Thúc Duyện - chồng Lê Thị Bằng em gái Lê Bá Trinh; đến Mai Dị và hậu duệ là Mai Thúc Lân; đến Phan Thành Tài cùng Bùi Thế Mỹ - con cháu tộc Bùi làng Vĩnh Trinh, con trai Phan Thị Duyên/ cháu gọi Phan Thành Tài là cậu ruột; đến Lê Đỉnh và hai con trai là Lê Đình Dương và Lê Đình Thám.

Có những gia đình chuyên hoạt động chính trị như anh em Đỗ Quang và Đỗ Quỳ; như vợ chồng Lê Văn Hiến và Thái Thị Bôi - cháu gọi Thái Phiên là chú ruột; như vợ chồng Phan Thanh và Lê Thị Xuyến - khi Thái Thị Bôi và Phan Thanh qua đời, Lê Thị Xuyến tục huyền với Lê Văn Hiến - và Phan Bôi em trai Phan Thanh (tộc Phan làng Bảo An còn có Phan Triêm và Phan Hạp bút danh là Xuân Tâm); như vợ chồng Võ Chí Công và Phan Thị Nễ; như ba anh em Hồ Nghinh, Hồ Thấu và Hoàng Bích Sơn (Hồ Liên); như hai anh em Nguyễn Đóa và Nguyễn Xuân Nhĩ.

Bên cạnh đó, có những gia đình chuyên hoạt động văn học nghệ thuật như Lưu Quang Thuận cùng vợ chồng con trai là Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh; như Bùi Giáng - hậu duệ của Bùi Tấn Diên thủy tổ tộc Bùi làng Vĩnh Trinh Quảng Nam; như vợ chồng Hằng Phương Nữ Sĩ và Vũ Ngọc Phan; như vợ chồng nghệ sĩ tuồng Nguyễn Lai và Ngô Thị Liễu.

Người Đà Nẵng cũng rất có ý thức đặt tên đường Trưng Nhị nối vào đường Trưng Nữ Vương, hay đặt tên đường Châu Thị Vĩnh Tế nối vào đường Nguyễn Văn Thoại, hoặc đặt tên đường Bùi Thị Xuân nối vào đường Trần Quang Diệu, hoặc đặt tên đường Nguyễn Sinh Sắc và đường Hoàng Thị Loan gần nhau và gần đường Nguyễn Tất Thành, và nữa và nữa... Thế nhưng do việc đặt tên đường kéo dài trong nhiều thập niên phát triển đô thị, dẫn đến không ít trường hợp được vinh danh qua việc đặt tên đường tuy cùng chung một gia đình/ dòng tộc, thậm chí là vợ chồng đầu ấp tay gối lại nằm trên các con đường cách xa nhau, có khi rất xa nhau. Vì thế với bài báo giới thiệu mối quan hệ gia đình/ dòng tộc giữa các danh nhân được đặt tên đường góp vào cuốn sổ tay đường phố Đà Nẵng, người viết những mong kéo gần khoảng cách khó tránh khỏi ấy trong tâm tưởng của cư dân bản địa cũng như của du khách thập phương.

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Dấu ấn thời gianMột lần Tết quê ngoạiNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaTản mạn bên chén trà xuân80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Nhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân SửuKý ức ngày XuânCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidXuân vềNụ xuân trên ánh mắtLên Vọng Hải ĐàiChiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhRiêng cho Đà NẵngMai về Trường SaCó một cuối năm ở Đà NẵngNgày xuân nõnMùa xuân mớiVới Đà NẵngCó về không em ơi!Khúc mộc tháng GiêngNguyên ĐánXuân tái sinhCắt tóc cuối nămThơ cho mùa xuânMãi mãi mùa xuânĐóa xuân lòngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân về trong ý mẹNói đi em...Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố