Thơ là những tình khúc

27.01.2021
Bùi Xuân

Thơ là những tình khúc

Tình khúc nhớ thương là tập thơ thứ hai của tác giả Trầm Tích, gồm chín mươi bài thơ, trong đó có bốn mươi bốn bài thơ tình. 

Thơ là suối nguồn vi diệu trong tâm hồn của Trầm Tích chảy ra, lúc chậm rãi lúc ào ạt, nhưng bao giờ cũng gắn với quan niệm của nhà thơ về tính nhân văn, thấm đẫm tình yêu nước non quê nhà, yêu người yêu đời, và được bọc trong lớp vỏ ngôn ngữ trong sáng, giản dị, buồn man mác - một nỗi buồn của tình yêu, vang ngân lên thành những tình khúc nhớ thương, da diết, sâu đằm.  

Chúng ta hãy nghe nhà thơ giả định, lập luận về tình yêu với chữ “nếu” đứng ở đầu mỗi câu thơ:

Nếu như không có mùa đông

Làm sao biết được mênh mông

nỗi buồn

Mưa Ngâu không rả rích buông

Sao em hiểu hết ngọn nguồn chia xa

Để rồi đưa ra “quan niệm” về tình yêu và nỗi đau:

Tình yêu không có nỗi đau

Sao em hiểu hết tháng ngày cô đơn

(Nếu như)

Trong Tình khúc nhớ thương có đến 6 bài thơ mang nhan đề là Tình khúc (từ Tình khúc 1 đến Tình khúc 6), mỗi bài là một tâm trạng, một hình bóng, một nỗi buồn, nhưng nỗi buồn thấm thía nhất có lẽ là khi nhà thơ - chủ thể trữ tình - nhìn người yêu - nhân vật trữ tình - “lỡ bước sang ngang” (chữ của nhà thơ Nguyễn Bính), để lại nỗi cô đơn, trống vắng trong lòng nhà thơ:

Mưa buồn giăng kín bầu trời

Chỉ còn anh với tình đời xót xa

(Tình khúc 5)

Ngoài những bài mang tên Tình khúc trên, còn có nhiều bài thơ tình khác của Trầm Tích, theo tôi nghĩ cũng có thể mang tên là Tình khúc, cũng đề cập đến tình yêu, nhưng êm đềm và ngọt ngào hơn. Trong những ngày này, tôi đang cặm cụi dịch thơ của nhà thơ nữ người Mỹ Louise Gluck, vừa đoạt giải Nobel văn chương năm 2020; tôi thấy trong thơ của bà có rất nhiều loài hoa: hoa giọt tuyết, hoa diên vĩ dại, hoa ly vàng, hoa ly trắng, hoa ly bạc... và tôi chợt nhận ra, trong thơ của Trầm Tích cũng nhắc nhiều đến hoa: hoa sen trắng, hoa xoan, hoa bằng lăng tím, hoa trang trắng, hoa đuốc, hoa muống biển..., trong đó hoa bằng lăng tím được anh nhắc nhiều nhất. Hoa trong thơ của Louise Gluck là ẩn dụ về sự sống và cái chết, về sự tái sinh, đậm tính triết lý; còn hoa trong thơ Trầm Tích gắn với lòng yêu và vẻ đẹp của tình yêu:

Em về, dáng liễu yêu kiều  

Áo bằng lăng tím nhuộm chiều

hoàng hôn

(Em về)

Không yêu hoa nhiều khó lòng viết được câu thơ như thế.

Ngoài chủ đề về tình yêu, trong Tình khúc nhớ thương, Trầm Tích đã khắc họa nhiều hình ảnh khác, tình cảm khác, cũng sâu đậm như mấy mươi bài thơ tình. Khi viết về công cha, nghĩa mẹ, thiên nhiên, mùa màng... nhà thơ chúng ta cũng viết với giọng điệu ngọt ngào, tha thiết như viết những Tình khúc, cộng hưởng cùng ơn sâu nghĩa nặng với đấng sinh thành và tình cảm quê hương, như các bài thơ: Tình mẹ, Nhớ thương cha, Em gái tháng Giêng, Chia tay mùa hạ, Biển đẹp... Có thể nói Trầm Tích là nhà thơ gắn với hai từ Tình khúc. Dường như với anh thơ là những Tình khúc.

Nhà anh ở gần biển. Biển và đời sống của ngư dân được anh khắc họa thật chi tiết:

Một cánh cò lạc bầy sau bão

Vỗ cánh rã rời về phía trời xa

Và:

Tôi lặng lẽ đứng nhìn mê mải

Buổi sáng chuyển mùa trên biển

quê tôi

 (Biển quê tôi)

Anh tả cảnh quê hương mình:

Trời xanh chim yến say mê

Líu lo hát khúc xuân về cùng anh.

 (Ca khúc xuân về) 

Anh viết mẹ, kể về những vất vả, lo toan, khổ đau của mẹ, nhất là khi cha mất, mẹ một mình nuôi anh em của anh khôn lớn. Khổ sở, cơ hàn là thế nhưng Mẹ chưa bao giờ “than van, kể lể”. Mẹ sống một đời vì các con. Mẹ là ánh trăng sáng, là suối nguồn yêu thương:

Suối chan hòa trong ánh trăng

bát ngát

Con hạnh phúc trong tình mẹ bao la,

dào dạt, nồng nàn.

(Tình khúc về Mẹ)

Anh viết về người cha đã khuất núi của mình, hứa với cha sẽ mãi là người con hiếu thảo với mẹ hiền:

Ở tận cõi vĩnh hằng xa xăm ấy

Cha có biết chúng con bao giờ

vẫn vậy

Nỗi nhớ về cha, hiếu thảo với

mẹ hiền

(Tình khúc về cha)

Anh còn viết nhiều về đời sống của con người, về mái trường xưa, về cuộc đời nhà giáo, về em - người chiến sĩ áo trắng, cuộc đời của một người đàn bà bất hạnh, về cây sầu đông trước ngõ nhà anh, “nở trắng một vuông trời”...

Trong 90 bài thơ của Tình khúc nhớ thương, theo tôi, bài Tình chết có vị trí đặc biệt, và là bài hay nhất trong tập thơ. Bài này, anh viết vào năm 1972, khi anh mới học xong Đệ Nhất, tức lớp 12 Trung học Phổ thông hiện nay và thi đỗ Tú tài 2, bài thơ đã được đăng trên một tờ báo văn nghệ hồi bấy giờ. Nội dung bài thơ là tâm trạng chung của tuổi trẻ đô thị một thời, khi đất nước còn chia cắt; họ cảm thấy mình “đứng bơ vơ”, “đứng lạc loài” và đã nảy nở một ý thức mới: “Ngắt từng nỗi buồn thả bay lên núi”.

Ta cắm cây tình trên dòng sông chết

Mây đen đùn về phủ một vầng tang

Ngắt từng nỗi buồn thả bay lên núi

Gió tiếp buồn ta trôi nổi mênh mang.

(Tình chết)     

Tôi giới thiệu bài này ở cuối bài viết, thứ nhất vì theo tôi đây là một bài thơ đặc sắc trong tập thơ này, thứ đến là để khẳng định rằng, nhà thơ Trầm Tích làm thơ đã lâu, tính từ bài thơ đăng báo đầu tiên đến nay đã gần chẵn 50 năm.

Với tất cả sự yêu mến, tôi xin giới thiệu tập thơ Tình khúc nhớ thương của Nhà thơ Trầm Tích với bạn đọc gần xa.  

B.X

Bài viết khác cùng số

Dấu ấn thời gianMột lần Tết quê ngoạiNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaTản mạn bên chén trà xuân80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Nhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân SửuKý ức ngày XuânCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidXuân vềNụ xuân trên ánh mắtLên Vọng Hải ĐàiChiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhRiêng cho Đà NẵngMai về Trường SaCó một cuối năm ở Đà NẵngNgày xuân nõnMùa xuân mớiVới Đà NẵngCó về không em ơi!Khúc mộc tháng GiêngNguyên ĐánXuân tái sinhCắt tóc cuối nămThơ cho mùa xuânMãi mãi mùa xuânĐóa xuân lòngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân về trong ý mẹNói đi em...Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố