Bóng xuân xanh
Linh về làm hiệu phó phụ trách cấp một ngôi trường vùng trung du này đã hơn một năm. Đất nghèo. Dân rất nghèo. Trường chưa có nhà tập thể, giáo viên phải ở những nhà dân gần trường. Linh được phân ở nhà bà cụ Bòng. Hai con trai và dâu của bà đều là liệt sĩ. Nhà chỉ còn hai bà cháu. Thằng cháu nội bà là Khế, học sinh lớp tám. Nhà bà thuộc diện đặc biệt nghèo, phải thường xuyên trợ cấp. Nhưng bà vẫn cố gắng cho Khế cắp sách đến trường. Khế học khá.
Linh phụ trách cấp một nhưng do thiếu giáo viên nên phải dạy thêm mấy tiết sử lớp tám lớp chín. Với lối dạy tích hợp, nhờ văn dạy sử nên giờ dạy của Linh hấp dẫn học trò. Học sinh hiểu nhanh nhớ lâu, thích thú trông đến giờ học sử. Hằng đêm, Linh còn chịu khó phụ đạo cho đám học sinh cấp hai về cách giải các bài tập, về câu chuyện giảng văn. Nhẹ nhàng pha chút khôi hài, gợi ý khéo léo... làm cho học sinh cảm thấy không bị áp lực mà vẫn hiểu được bài một cách cặn kẽ. Đám học trò cấp hai rất mến thầy Linh. Thầy trò trở nên rất gần gũi.
Chiều. Buổi chiều cuối tháng mười một âm lịch. Sau cơn mưa của những ngày cuối đông, trời xanh thẳm. Nắng nhẹ trải lên cánh đồng ven chân đồi làm buổi chiều nhà quê thêm yên ả. Nắng vàng, mênh mang, nên thơ một cách khó tả. Linh gọi ấy là nắng chiều trung du.
Đang ngồi chấm mấy bài tập làm văn của lớp bổ túc văn hóa, chợt có tiếng xôn xao ngoài cổng:
- Thầy Linh ơi! Thầy có đi đánh cuốc với bọn em không?
- Có thầy nào cùng đi đó không các em?
- Có tôi đây anh Linh. Vinh đây. Cùng đi đi cho vui. Kiếm ít con về cải thiện. - Tiếng thầy Vinh dạy lớp Năm.
- Được, chờ tôi với.
Linh xếp vội mấy bài tập lại và tham gia trò chơi vui nhộn nầy. Khoảng chừng mười em học sinh lớp tám, lớp chín cùng hai thầy giáo. Mỗi người một cây sào ra đồng đuổi bắt cuốc. Cuốc tức là chim quốc quốc, còn gọi là đỗ quyên. Sống thành đôi và rất mực thủy chung. Nếu một con bị chết con còn lại không ăn uống gì, kêu than suốt ngày đêm cho đến chết. Xác treo khô trên cành. Người ta bảo rằng ai nhặt được đem về làm bùa ngải sẽ khiến cho người mình thương phải thương mình và thương suốt đời. Chúng thường làm tổ trong các bụi tre rậm rất khó bắt. Sau những cơn mưa chiều chúng rủ nhau ra tìm thức ăn. Chúng chạy rất nhanh, rất khó đuổi kịp. Nhưng thầy trò vẫn quyết tâm để làm bữa cải thiện.
Nhưng có lẽ đùa vui là chính. Tiếng cười reo vang cả cánh đồng chiều đang trơ chân rạ, thâm thấp nước. Lớ ngớ như cày đường nhựa. Cả nửa buổi chiều. Ướt như chuột lột. Kết quả là hai chú cuốc... khổng lồ to bằng nắm tay!
Tối ấy, mười một thầy trò xúm xít quanh nồi cháo. Hai con cuốc và nửa lon gạo - nhà Khế chỉ còn có chừng ấy gạo! Mười một cái bụng đói cồn cào sau nửa buổi chiều dầm nước. Mười một con người với một nồi cháo loãng. Cũng may là nhờ có Liễu nấu giúp nên mùi vị cũng không đến nỗi nào.
Liễu là hàng xóm của thầy Linh. Không, đúng hơn là hàng xóm của Khế. Nhà sát cạnh nhà Khế. Cha là liệt sĩ, nhà chỉ có hai mẹ con. Trong kháng chiến, Liễu làm giao liên từ lúc còn thiếu niên. Rồi sau đi thanh niên xung phong. Bây giờ làm ở Hội nông dân xã. Liễu đang học lớp tám bổ túc văn hóa dành cho cán bộ xã. Liễu đẹp. Cái đẹp chân chất hồn nhiên của một thôn nữ. Thân với Khế. Từ ngày Linh về ở, Liễu càng hay sang chơi. Chiều nay, Liễu tham gia nấu cháo. Hành, tiêu, mì chính nàng mang sang. Nồi cháo ngọt thơm hương vị.
Đang ăn ngon lành, bỗng Linh, Liễu, Khế và vài người nữa dừng lại. Mặt thoáng niềm vui. Miếng thịt. Thời thiếu thốn, được miếng thịt là quí lắm! Lạ quá. Thầy Linh đã bảo bằm cho thật nhuyễn, bằm to chia không đều. Cả nồi cháo và trong từng bát, gạo không thấy hạt, cũng chẳng thấy tăm hơi bóng dáng con cuốc. Làm gì có miếng thịt. Hay là tụi học trò làm ẩu. Mà thịt sao lại cứng vậy. Không, không phải. Là miếng thớt. Miếng thịt thớt. Bằm nhuyễn quá. Bằm cật lực. Sức trai, mạnh mẽ. Bằm luôn cả thớt. Linh cười. Ngậm ngùi. Sao cực quá vậy. Đời sống sao cơ cực quá vậy. Xót xa. Trong mắt Liễu và mọi người như có nước. Liễu nhìn Linh, chớp chớp, thẹn thùng. Ba người lớn dừng bữa, cả ba đều trầm ngâm. Linh nhớ những bữa cơm cùng ở cùng ăn với dân. Hạt cơm hiếm họa trong chén đầy sắn lát. Những lát sắn tây đen phơi chưa kịp khô vào những ngày gió bấc mưa phùn kéo dài. Hạt cơm tím sẫm. Thức ăn chỉ có rau và mắm. Hòa bình rồi, ăn muối cũng sướng chăng! Đất nước rộng dài, rừng vàng biển bạc, người dân cần cù. Sao nghèo đói đến vậy. Phải có cách làm khác chăng.
Linh tiếp tục chấm xấp bài dở dang khi chiều. Bài của Liễu đã khá hơn, đã biết dùng các từ hình tượng, đã giàu tưởng tượng hơn nhiều. Liễu thông minh, nhí nhảnh, hay cười. Nụ cười của em như làm lớp học sáng lên. Nhớ hồi cuối lớp bảy, chương trình tập làm văn có phần tập làm thơ. Linh đã ra đề bài: Anh (chị) hãy làm một bài thơ về tấm gương chiến đấu quả cảm hay gương lao động cần cù mà anh (chị) biết. Trong khi tất cả các học viên - mà hầu hết đã tham gia kháng chiến đều nói về tấm gương chiến đấu thì bài của Liễu lại viết về một người thầy giáo miệt mài lao động, gần gũi học trò, được dân tin yêu. Bài thơ lục bát. Ảnh hưởng lối thơ bài chòi. Tuy còn vụng về, vần gieo còn lỗi nhưng tình ý chân thành, cảm xúc lắng sâu. Bài thơ như gởi gấm một điều. Liễu nói về người thầy giáo nào đây? Linh ý tứ không tuyên dương bài Liễu trước lớp dù bài đạt điểm cao nhất.
Tối ấy, Khế sang nhà bà ngoại làng bên ở lại. Nhà chỉ còn bà cụ Bòng ngủ trong buồng. Linh chấm bài, thỉnh thoảng dừng lại. Nhớ một cái gì đó. Và trăn trở. Bỗng cánh cửa hông khép hờ bật mở. Gió. Không phải gió mà là người. Liễu xuất hiện với chiếc áo cánh trắng - chiếc áo thường mặc khi lên lớp học. Và mùi bồ kết tỏa ra từ mái tóc xõa. Liễu nhìn đăm đắm. Đêm tối. Người con gái đẹp. Linh bỗng nhớ đến câu chuyện liêu trai. Một nữ hồ ly xinh đẹp, dịu dàng và một nho sinh giữa đêm trường thanh vắng...
- Chắc thầy bất ngờ. Em sang để hỏi thầy một chuyện. Liễu ngượng nghịu.
- Vâng, em có gì thắc mắc cứ hỏi. Nhưng mà em ngồi xuống đã. Linh vừa nói vừa ngồi tránh vào trong. Nhà không có ghế. Linh kê bàn sát giường, lấy giường làm ghế.
- Bài thơ tập làm của em ngày ấy, thầy không tuyên dương. Em chưa hiểu ý thầy khen chê.
- Chân thật, giàu cảm xúc. Đầy ngụ ý. Mà người thầy giáo nào được em để ý vậy?
- Câu hỏi cũng là câu tự trả lời rồi đó thầy ạ!
Linh không nghĩ là Liễu mạnh dạn thế. Một thoáng bàng hoàng. Cả hai nhìn nhau, im lặng. Một lúc lâu, Liễu lên tiếng:
- Nghe nói thầy làm thơ hay lắm, thầy đọc cho em nghe đi!
- Thơ của tôi chủ yếu là về quê hương và nghề nghiệp. Đọc trong không khí này e không phù hợp lắm. Để tôi đọc cho em nghe một câu ca dao nhé!
Thò tay bứt ngọn lá ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.
Tội nghiệp cho chàng trai, đứt ruột yêu thương mà vì hoàn cảnh không thể nói thành lời. Không biết cô gái có hiểu cho không! Theo tôi đây là câu ca dao hay nhất. Em thấy thế nào?
- Khó hiểu mà…
- Mà thế nào em nói đi!
- Mà dễ... cảm. Liễu trả lời sau phút giây im lặng.
Khộng gian chùng xuống. Thời gian ngừng trôi. Nghe từng nhịp thở. Tim Liễu đập nhịp không bình thường. Đã lâu rồi hình ảnh người thầy giáo dạy văn lịch thiệp, giọng nói ngọt ngào, chữ viết bay bướm, lời giảng thành thơ đã khắc sâu vào trái tim Liễu... Lâu, rất lâu. Nàng đứng dậy ra về. Loạng choạng thế nào nàng ngã chúi. Linh kịp thời đưa bờ vai ra đỡ.
Trong vòng tay Linh. Tim Liễu đập những nhịp càng hổi hả. Ngực nóng hổi, căng tròn, mờ mờ sau làn áo mỏng. Mắt nàng tha thiết. Má ửng hồng. Bờ môi hé mở, mấp máy Anh...! Lòng Linh dào dạt yêu thương. Linh cúi xuống, cúi dần xuống... tìm bờ môi. Bỗng nhói lên trong Linh: Không, không được. Mình là thầy giáo. Mình đã có gia đình. Đứa con đầu lòng của mình vừa tròn tháng. Cô ấy còn nguyên trinh... Tình yêu này có bù đắp nổi cho một đời hối tiếc?
Một nụ hôn bỏ lỡ...!
Liễu đứng lên. Thẹn thùng. Khép cửa, nàng ngoái lại. Nhìn Linh sâu thẳm.
Vụ đông xuân được mùa. Lúa trĩu hạt. Nhà nhà vui đón Tết. Nhà nào cũng gói bánh tét, dù là bánh tét sắn. Người ta bào sắn thành sợi, trộn với đậu đen, gói lại rồi đem nấu. Cúng giao thừa, cúng tổ tiên, đãi khách cũng bánh tét ấy. Các loại bánh của Tết năm ấy cũng đều bằng sắn. Vẫn nghèo nhưng đã vui. Kiệt ngõ xóm làng đâu đâu cũng rộn màu cờ đỏ, xôn xao màu cờ phướng trong gió xuân với cổng chào Chúc mừng năm mới. Ủy ban xã cử đoàn cán bộ mang theo mấy đòn bánh tét nếp đến chúc Tết sớm Ban giám hiệu và thầy cô giáo. Riêng đoàn các lớp bổ túc văn hóa do Liễu cùng hai học viên đến, có khác hơn là thêm một bó hoa. Đó là sáng kiến của Liễu, tặng chung mà cũng để riêng tặng thầy Linh.
- Thầy ơi! Ra Tết em vào tỉnh học trường bổ túc công nông. Học tập trung. Chủ nhật mới được nghỉ. Em xin tạm biệt thầy.
Xuân đang đến, rộn ràng. Mọi người đang vui. Nhưng tin ấy quả thật là ngược lại. Liễu cố ra vẻ tự nhiên nhưng giọng nàng run run xúc động...
Ra Tết, Liễu đi thật.
Nắng trung du vẫn vàng. Nhưng lớp học thì bỗng dưng trống trải. Giọng giảng bài của Linh có lúc ngập ngừng, thiếu chất men say. Trên đời, có lúc dừng lại kịp thời để không phải hối tiếc nhưng cũng để lại trùng trùng nuối tiếc!
Ba mươi năm sau.
Phong trào họp mặt nở rộ. Người ta họp mặt kỷ niệm ngày tốt nghiệp, ngày khai giảng. Kỷ niệm cấp hai, cấp ba, và cả ngày học vỡ lòng trường làng.
Lớp bổ túc văn hóa ngày ấy cũng tổ chức họp mặt. Đây là lần đầu nên rất đông vui. Buổi họp mặt tổ chức tại trường. Ngôi trường đã được xây dựng lại khang trang. Đổi mới. Xóm làng đã thay da đổi thịt. Đường sá đã rộng rãi hơn, tất cả đã bê tông hóa. Nhà ngói đã mọc lên nhiều. Dãy chợ lụp xụp ngày xưa đã thành khu phố chợ sầm uất.
Những học viên ngày ấy có nhiều người thành đạt. Nhưng tiếc rằng không có em nào hiển đạt. Vì cái nền là trình độ văn hóa có hạn. Có người gặp thời cơ nhưng không biết luồn cuối nên không chịu hiển vinh. Khế cũng đã là một doanh nhân.
Sắp vào tiệc nhưng vẫn không thấy Liễu đâu. Linh hỏi Khế:
- Chị Linh sao không thấy, em?
- Hôm trước, chỉ hỏi gặp mặt có mời thầy Linh không. Em bảo có. Chị ấy nói chắc là hôm ấy chị không đến được.
- Chị ấy bây giờ ra sao, em? Linh nén cảm xúc để hỏi tiếp.
- Ba mươi tư tuổi chị Liễu mới lấy chồng, lấy anh thương binh chiến trường Cam pu chia. Hai người không con, sống bằng nghĩa vợ chồng. Cách đây mấy năm chị ấy chủ động chia tay. Giờ sống một mình. Thầy ơi, thầy còn nhớ chiều hôm đánh cuốc ấy không. Em và chị Liễu mang miếng thịt thớt ấy theo suốt cuộc đời.
Nước mắt không thành giọt lệ nhưng trước mắt mờ sương. Tóc Linh đã bạc. Bụi phấn và sương khói cuộc đời! Cuộc đời như chiếc bóng. Thời dạy học ở vùng trung du ấy. Tình yêu của ta của người. Và cả một thời trai trẻ. Hết thảy đã thành chiếc bóng. Bóng xuân xanh.
L.H.H