Cuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch Covid

27.01.2021
Mai Hữu Phước

Cuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch Covid

Chuông điện thoại reo vang. Tôi bắt máy. Tên bà hiện lên: Donka Alexandrova. Bà đang sống ở Sofia, thủ đô của đất nước Bulgaria xa xôi. Bà là một Giáo sư chuyên ngành Ngữ âm học.

Hơn 11 năm trước tôi tình cờ gặp bà tại Kolkata, Ấn Độ trong một dịp tham dự Festival thơ Quốc tế. Đó là Festival thơ Quốc tế lần thứ III của Ấn Độ. Kolkata có tên cũ là Calcuta, thành phố này có đến 15 triệu dân, một thời được chọn làm Thủ đô. Số điện thoại bà cho, tôi vẫn lưu trong máy. Và số tôi cho, cũng được bà giữ lâu như thế.

Đây là cuộc gọi đầu tiên giữa bà và tôi sau chừng đó thời gian. Thật ra, thỉnh thoảng, tôi và bà cũng có email qua lại thăm hỏi nhau, nhất là dịp Lễ Giáng sinh và năm mới. Bà là một giáo sư, tuổi tác tuy đã cao nhưng hãy còn nhanh nhẹn, vui tính. Dáng vẻ sang trọng và quý phái.

Bà gọi tôi để thăm hỏi sức khỏe vì đọc thấy tình hình dịch Covid-19 đang lan rộng tại Đà Nẵng. Bà gọi tôi là “my son” (con trai). Tôi gọi bà là “adopted- mother” (mẹ nuôi). Vì sao gọi là mẹ nuôi và con trai? Chuyện như vầy...

Từ Sài Gòn, chúng tôi bay sang Kolkata vào những ngày cuối cùng của năm cũ âm lịch. Ở Việt Nam, khắp nơi đang chuẩn bị đón chào năm mới. Đoàn Việt Nam bốn người, gồm các nhà thơ Trần Hữu Dũng, Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Nho Khiêm và tôi. Chúng tôi được bố trí ở cùng một khách sạn với bà. Tôi và nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm được xếp ở chung một phòng. Phòng bà ở đối diện và hơi chéo một chút trước phòng ở của chúng tôi.

Buổi sáng ngày thứ nhì hoặc thứ ba, nghe tiếng gõ. Tôi ra mở cửa. Trên tay bà cầm vật gì đó. Bà bảo: Help me, please! (Vui lòng giúp tôi). Tôi nhìn kỹ, hoá ra trên tay bà là một máy cassette mini. Bà bảo máy mới mua, hôm qua còn chạy tốt, sao hôm nay chết ngắt mất rồi!

Tôi bảo bà đưa máy tôi xem. Tôi cầm máy quan sát. Thấy, nút “play” đang ở chế độ hoạt động nhưng máy lại im như thóc. Đèn hiệu sáng trưng không thể là hết pin. Tôi xem kỹ mặt trước, mặt sau và xung quanh máy như một gã khù khờ. Liếc nhìn, thấy bà dường như mất kiên nhẫn để tin tưởng.

Thật tình, tôi vọc máy cassette mini cũng nhiều. Đến nay trong tủ vẫn còn giữ lại 2 cái làm kỷ vật và dần trở thành cổ vật. Có cái hồi đó mua giá ngang một chỉ vàng là cả một gia tài mà tôi có được lúc bấy giờ.

Tôi phát hiện ra một cái chốt rất nhỏ nằm bên cạnh máy mà những máy khác tôi chưa từng thấy bao giờ. Thoáng nghĩ, có thể nguyên nhân là đây chăng? Tôi ấn chốt. Một điệu nhạc êm ái vang lên...

Bà reo vui. Khen tôi quá giỏi. Bà khen rối rít với một thái độ rất thành thật, cứ như tôi vừa mới phát hiện ra Châu lục thứ sáu vậy. Những ngày sau đó, tham gia một số hoạt động và đi tham quan theo từng nhóm. Tôi nhớ nhóm này có các nhà thơ Việt Nam, Bulgaria, Iceland và tất nhiên là có các nhà thơ Ấn Độ đi theo hướng dẫn. Nhờ đó, tôi có dịp chuyện trò với bà nhiều hơn và chụp nhiều tấm ảnh lưu niệm.

Bà bảo, bà chỉ có một thằng con trai duy nhất, lại làm việc xa nhà. Thành ra, bà là một người cô đơn hoặc cô độc cũng thế. Đột nhiên, vui vui, tôi buột miệng hỏi, bà muốn có thêm một thằng con trai thứ hai nữa không?

Vậy là, tôi gọi bà “adopted-mother” (mẹ nuôi) và bà gọi tôi “my son” (con trai). Cách đây mấy năm, con trai bà đến Hà Nội trình bày tại một hội nghị gì đó, có liên lạc với tôi. Nhưng rất tiếc lúc đó tôi không thể bay ra được vì đang bận công việc. Vậy là tôi để vụt qua mất cơ hội gặp người anh em của mình.

Vài năm trước, có lần bà bảo, hãy mua vé đến Sofia chơi. Bà sẽ tiếp đón long trọng trong khoảng thời gian hai tuấn. Nhưng thu xếp để đi ra nước ngoài dài ngày đâu phải là chuyện dễ dàng. Nhiều thủ tục pháp lý liên quan cần phải thực hiện. Đó là chưa kể đến chuyện tài chính.

Cuộc đời này có những chuyện tưởng chừng như không có phải không? Tôi vẫn thường hay nghĩ như vậy. Và đây là ví dụ điển hình nhất của tôi. Cảm ơn cuộc sống đã ban tặng cho những điều kỳ diệu, vừa như thật, vừa như mơ. Nhờ đó mà cảm thấy cuộc sống thật là thú vị và đáng yêu biết nhường nào...

M.H.P

Bài viết khác cùng số

Dấu ấn thời gianMột lần Tết quê ngoạiNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaTản mạn bên chén trà xuân80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Nhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân SửuKý ức ngày XuânCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidXuân vềNụ xuân trên ánh mắtLên Vọng Hải ĐàiChiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhRiêng cho Đà NẵngMai về Trường SaCó một cuối năm ở Đà NẵngNgày xuân nõnMùa xuân mớiVới Đà NẵngCó về không em ơi!Khúc mộc tháng GiêngNguyên ĐánXuân tái sinhCắt tóc cuối nămThơ cho mùa xuânMãi mãi mùa xuânĐóa xuân lòngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân về trong ý mẹNói đi em...Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố