Tản mạn bên chén trà xuân

25.01.2021
Bùi Công Minh

Tản mạn bên chén trà xuân

Nhiều người ở trong Nam ra, khó chịu nhất là sau khi ăn tô phở hoặc dùng bữa trưa xong, muốn có chén trà đậm vị để thưởng thức, phải cất công đi tìm hàng trà chén bán riêng. Thế thật bất tiện. Lúc đầu tôi cũng có cảm giác ấy, và nghĩ bụng chắc sau một thời gian, do giao lưu văn hóa ẩm thực, chắc thói quen ấy sẽ được điều chỉnh. Vậy mà mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất, Nam Bắc thông thương, bao nhiêu là sự điều chỉnh về sở thích, về phương tiện đi lại, hàng họ bán mua, riêng cái thói quen “ẩm thực bất phân” ấy không hề được điều chỉnh. Về sau nghĩ lại, hoá ra trong cái bảo thủ ấy chứa đựng một triết lý: Món trà tôi pha chế công phu không thể là thứ phụ cho bữa ăn chính của anh được; nó phải là một bữa tiệc trà đúng nghĩa, một cuộc uống trà chính thức, bình đẳng với cái bữa tiệc mặn kia. Phải! Có lẽ đấy là một quan niệm thật, một thứ niềm kiêu-hãnh-trà-chén!

Nào có cao sang gì đâu. Khách uống trà ngồi ngay trên vỉa hè ồn ào tấp nập người qua lại. Một cái bàn cáu bẩn bày lộn xộn những gói đậu phụng nhỏ xíu, một thẩu kẹo lạc, mấy chai nước ngọt rẻ tiền, và thể nào cũng có cái điếu cày móc bên cạnh bàn nước... Dù com-plê cra-vát hay bộ áo nhà binh giải nghệ, hoặc giả một tốp sinh viên túi xách đeo vai sau giờ lên lớp... tất cả đều ngồi thụp xuống mấy cái ghế gỗ long đinh, có nơi thì ghế nhựa, nhấm nháp chén trà con, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, một dự định riêng, một cảm xúc riêng.

Ngày tôi còn ở Hà Nội, trước cổng khu tập thể nhà tôi có quán nước của hai vợ chồng cán bộ về hưu. Năm giờ sáng cái bếp lò than đã được nhóm lên, khoảng ba mươi phút sau đã có khách. Mưa nắng, đêm ngày, vẫn đều đặn thế. Bà vợ quê gốc Thanh Trì ngoại thành Hà Nội, ông chồng người miền Nam, quê Quảng Ngãi. Nhà 4 con trai to khỏe, chỉ một mụn gái. Sau giải phóng, cả nhà gồng gánh dọn dẹp về quê hương, tâm trạng vừa thương cảm vừa náo nức, định bụng về định cư hẳn, dù sao cũng là quê hương bản quán, nhưng không hiểu sao một thời gian không sống được, lại phải gồng gánh trở ra, ngồi lại cái góc nhỏ ấy, lại mấy chén hạt mít, mấy viên kẹo lạc, cái điếu cày... Sau này có thêm ít chai nước giải khát loại bình dân. Tôi đi xa, về quê đã lâu, khi ở trong Nam người ta ít tiêu tiền giấy loại 200 đồng nữa, vậy mà quán nước của ông chủ người miền Nam vẫn giữ giá hai trăm đồng chẵn, trừ khi anh uống hai chén không có tiền thối lại, ông mới lấy tờ năm trăm, lại còn nài khách uống miễn phí thêm lưng chén. Tôi thường vẫn không quên dành lại những đồng tiền 200 mà thường khi mọi người lơ đãng không để ý đến để mỗi lần ra Hà Nội họp, lại ngồi vào đấy để tiêu nốt những đồng hai trăm lẻ. Nhưng thường thì cô chú - tôi vẫn gọi như thế, như hồi tôi còn bé tí xíu - không lấy tiền của tôi. Dù sao thì tôi vẫn trả cho bằng được, và thường thì tôi uống liền hai chén, trả hai tờ thành bốn trăm, còn lại đồng hai trăm nào tôi vét hết đưa cho cô chú. Hai người nhất quyết không nhận, nhưng tôi kiên quyết đứng lên nói thôi cho cháu gửi lại đấy lần sau cháu lại ra. Nhưng lần sau tôi lại có một lô những đồng tiền hai trăm không tiêu ấy, lại góp vào cho cái quầy chè chén của hai ông bà hưu trí. Những đồng tiền ấy được vuốt rất cẩn thận, rồi được kẹp bằng một cái kẹp mà ở các văn phòng người ta vẫn dùng để kẹp những tờ dự án trị giá mấy chục triệu Đô. Khổ thân cho cái kẹp tiền của vợ chồng người bán chè chén! Rồi bước sang Thiên Niên Kỷ mới, từ năm 2000 trở đi, chén chè đã lên 500 đồng, rồi 1 nghìn. Lúc ấy dễ thường quán chè chén của ông chú đồng hương đã tồn tại bốn mươi năm. Tôi nói vui với cô chú là ta nên kỷ niệm sinh nhật 40 năm quán chè chén, khách quen bốn mươi năm góp mỗi người một ít, chắc là sẽ có một bữa tiệc linh đình. Rồi cô mất. Ông chú đã già, thôi không ngồi quán nữa. Cậu con trai cả lại ngồi vào cái ghế ấy, đầu húi cua, hệt như ông lão ngày nào. Vậy mà cái bàn cáu bẩn bọc ni lông thì vẫn thế, vẫn mấy chai nước ngọt, bao thuốc Vina, cái điếu cày...

Bây giờ ra Thủ đô, thấy những hàng chè chén rất cơ động. Khách lạ đi ngang qua chỉ thấy một bà trung niên ngồi bên một cái khay hàng nho nhỏ, vài cái chén. Nhưng nếu cả một cái xe 15 chỗ ngồi đổ người xuống uống chè chén, cũng có ngay. Lúc ấy sẽ có những chiếc ghế nhựa xếp lồng vào nhau được bưng ra cho khách. Nhiều khi chén trà nhỏ được tính 1 đồng rưỡi 2 chén thay vì 5 hào một chén như thường lệ. 

Ấy là nói chuyện uống trà hè phố. Còn thì, trong mỗi gia đình, sớm sớm vẫn có bao nhiêu cuộc uống trà lặng lẽ, thanh tao. Độc ẩm, đối ẩm, nhưng thường lặng lẽ. Chỉ khi trà tam, rượu tứ thì may ra câu chuyện mới bắt đầu sôi nổi. Tôi nhớ hồi còn là anh cán bộ trẻ mới ra công tác có việc phải đến nhà một hoạ sĩ lão thành. Ông ta đã là người nổi tiếng, có tranh bày Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, đã nhận nhiều giải thưởng lớn. Khi tôi e dè bước vào căn phòng khách bày biện theo lối cổ, rất ngăn nắp và lịch sự, ông mời tôi ngồi xuống và tự tay ông trình diễn một lối pha trà trang trọng, như thể đón khách quý đến nhà. Bộ ấm chén sứ Giang Tây được ông tưới đẫm nước sôi, khói bốc nghi ngút. Âm thanh khe khẽ nhưng giòn tan của những nhánh trà móc câu chạm đáy ấm. Nước đầu tiên ông đổ đi, đó là nước rửa chè. Lại một đợt nước sôi chính thức được rót vào già lưng ấm. Đúng độ, không đặc quá mà không loãng quá, ông rót đều ra hai chén hạt mít, nước vẫn trong mà vị vẫn chát, hương trà ngát thơm. Tôi mê trà từ ngày ấy.

Ông bố vợ tôi năm nay đã 96 tuổi. Sáng nào hai cụ cũng dậy từ 5 giờ sáng, có hôm còn sớm hơn. Âm thanh đầu tiên trong ngày là tiếng ấm chén khẽ va nhau khi cụ tráng ấm, nghe quen thuộc đến dễ thương. Rồi tiếng rót nước đều đều nhẹ nhẹ. Tôi biết là cụ bắt đầu tuần trà sáng. Cụ tự tay pha trà. Những lần có tôi ra thăm, bao giờ cụ cũng pha thêm một ấm để sẵn trên bàn. Tôi dậy muộn. Khi ấy cụ đã dùng trà xong. Cụ mời tôi như khách. Thật áy náy. Dâu con rể khách mà.

Thời bây giờ thừa thãi bao nhiêu thứ uống. “Văn hóa” Cô-ca cô-la, Đốc-tơ Thanh, trà xanh không độ; rồi Líp-tông, Ô-long trà; rồi đủ loại trà thực-phẩm-chức-năng, trà giảm béo dành cho các bà các cô... vậy mà vẫn không thể từ bỏ thói quen trà mộc, ít hương mà đậm vị. Một ngụm trà mà thấm thía, ngân vang cả một quá khứ, một quãng đời vất vả mà thanh tao khó trở lại. Nhấp thêm một ngụm trà, lại nghĩ giận kẻ bất lương, nghe đâu trộn thêm cả bột gạo, bột sắn thậm chí là cả bùn và phân lân trong quá trình chế biến chè để làm cho cánh chè săn và mượt hơn. Mỗi lần uống trà, phải săm soi từng cánh nhỏ, như thể đấy không phải là những cánh trà thuần phác quen thuộc vốn gắn bó với thói quen ẩm thực từ thưở hàn vi. Đến một cánh trà nhỏ li ti vậy mà còn không ngờ ngợ không dám tin, huống chi chuyện lớn!

B.C.M

Bài viết khác cùng số

Đãi KIẾN một bữaBóng xuân xanhMột lần Tết quê ngoạiTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàTản mạn bên chén trà xuânDấu ấn thời gianKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Cuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtNói đi em...SayĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânNgày xuân nõnMãi mãi mùa xuânThơ cho mùa xuânCắt tóc cuối nămXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiĐóa xuân lòngCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngĐà Nẵng ân tìnhChiều Sơn TràLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Con trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố