Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hình

27.01.2021
Huỳnh Thạch Hà

Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hình

Năm mới Tân sửu sắp đến khiến hình ảnh con trâu gần gũi thân thương đối với mỗi người nông dân Việt Nam lại được nhắc đến nhiều hơn. Khi còn bé thì chăn trâu cắt cỏ, lớn lên thì cày bừa, lao động cùng trâu, về già thì lại phụ con cháu chăn trâu. Trâu gắn bó với người trong cuộc sống, trong lao động sản xuất. Từ cuộc sống đời thường, con trâu được các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam lựa chọn để sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật. Vậy hình tượng con trâu được người Việt sử dụng trong nghệ thuật tạo hình từ khi nào?

 

Thuở xưa, người ta bắt trâu ăn thịt, sau được thuần dưỡng, sử dụng lấy sức kéo, phân bón và làm vật hiến sinh trong nghi lễ nông nghiệp hội mùa. Hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ còn được khắc chạm trên trống đồng và vẫn còn sống động trong lễ hội mùa xuân của nhiều dân tộc như Cơtu, Bana... ở Tây Nguyên. Theo nhiều câu chuyện lịch sử, trâu còn được dùng trong chiến trận. Đinh Bộ Lĩnh và bầy trẻ mục đồng trong thung lũng Hoa Lư cưỡi trâu, rước cờ lau tập trận. Lê Đại Hành lùa trâu cùng quân sĩ đứng dày đặc trên hai bờ sông Hoàng Long để đón chào và dọa dẫm sứ thần nhà Tống. Trâu được cho uống rượu say và lùa xô vào húc phá đội hình quân địch. Và trâu còn được buộc mồi lửa sau đuôi, lùa sang trại giặc trong nhiều trận hỏa công... Theo Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng, “hình tượng con trâu bằng đất nung đã được giới khảo cổ tìm thấy trong các di chỉ Tiên Hội, Đồng Đậu... có niên đại hơn 3.000 năm trước. Vật trang sức hình đầu trâu bằng đá quý, mài nhẵn bóng, đã tìm thấy ở di chỉ Đình Chàng - Hà Nội, cũng có tuổi trên dưới 3.000 năm”. Hình tượng con trâu dù chạm trên đá, khắc trên gỗ hay vẽ trên giấy, chúng rất thực nhưng cũng rất hư được biểu hiện bằng nhiều sắc thái. Tuy nhiên, trong nghệ thuật nó luôn là một chân giá trị lôi cuốn, làm rung động óc mỹ cảm mọi người. Hình tượng con trâu tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt.

 Thời nhà Lý, chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xây dựng năm 1057 có cặp tượng trâu to bằng trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa khá sống động. Con trâu luôn gắn với đời sống của người nông dân Bắc Giang. Thành ngữ con trâu là đầu cơ nghiệp nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu đối với nhà nông. Thời Lê Trung Hưng con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh dựng năm 1647, tại lan can đá ở Thượng Điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Ở tấm bia đá chùa Cảnh Phúc (Nam Định) dựng năm 1695 cũng có hình chạm con trâu đang nằm nghỉ. Trâu còn hiện diện trong điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ XVII, XVIII... như đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) có cảnh con trâu kéo cày, đình Liên Hiệp (Hà Tây) lại chạm cảnh chọi trâu rất căng thẳng, hai con ghìm lấy nhau, các mảng khối đều căng phồng. Ở Văn Miếu cũng có phát hiện có hình ảnh trang trí hình trâu trên diềm của tấm bia chạm năm 1653, đối diện với cảnh cầu hiền là cảnh cày tịch điền có ba lớp hình là trâu xoay ngang, đứng yên vững chãi, một bên chân co lên và ở đằng sau nó là hai viên quan mũ cao áo dài chững chạc, chắp tay thi lễ nhìn xuống con trâu. Đây là dấu ấn của một nền nông nghiệp lúa nước coi trọng vị trí của con trâu trong đời sống người người dân.

Vào thế kỷ 17 - 18, hình tượng con trâu cũng hiện diện khá nhiều trong tranh dân gian đặc biệt, ở dòng tranh Đông Hồ. Con trâu tượng trưng cho sự cần cù, chất phác, có sức khỏe và chịu thương chịu khó, với những nét ngộ nghĩnh chân quê lột tả được cái tinh nghịch tiềm ẩn của con người thôn dã. Tranh có con trâu làm nhân vật chính thường gắn với sinh hoạt làng quê, có những chú bé chăn trâu tóc còn để chỏm thổi tiêu trên lưng trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng, hay bên những lũy tre xanh có những con trâu được nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả. Con trâu mang một nét văn hóa đồng quê bình dị, hay trong thôn xóm mộc mạc, gắn liền với tuổi thơ của trẻ em tại nông thôn qua hình ảnh những sinh hoạt chăn trâu hay len trâu thì rất gần gũi, vui đùa với trâu, tắm trâu, cưỡi trên lưng trâu, thả diều, bên lũy tre đầu làng, bên những vựa lúa chín vàng. Bố cục tranh thường hài hòa, vừa chặt chẽ lại vừa phóng khoáng. Màu sắc đơn giản với đen, xanh, hồng, đỏ, nâu, trắng có tính cách điệu cao. Đường nét to, chắc khỏe nhưng không bị khô cứng.  Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng lấy ý tưởng từ bức "Mục đồng chăn trâu thổi sáo" của tranh Đông Hồ để sáng tác những tượng gốm với hình tượng này gắn với các đồ gia dụng như gạt tàn thuốc lá, chân đèn... cũng rất sống động và phong phú cả về khối lẫn màu.

Trong ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình của một số tộc người, hình ảnh con trâu cũng được sử dụng làm chủ đạo. Người Sán Chay được xây dựng nhà ở hình dung như một con trâu thần (thuỷ ngưu). Bốn cột chính tượng trưng cho 4 chân, rui mèn như là xương sườn, nóc là sống lưng. Thùng cám được đặt ngay chân cột chính, cạnh cửa ra vào chính là dạ dày của trâu thần, người và gia súc bám vào đó mà sống. Bởi vậy, đó là chỗ linh thiêng trong nhà, là nơi thờ thần nuôi của gia đình. Đối với người Cơ Tu, trâu cũng là một hình tượng chủ đạo trong mô típ trang trí truyền thống. Hình tượng trâu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn biểu tượng của niềm hy vọng đạt đến cuộc sống sung túc, giàu có. Chi tiết hình ảnh con trâu ta sẽ thấy ngay trên hai đầu bậc cấp bằng gỗ khi bước lên Gươl. Hai đầu trâu nhìn chính diện với cặp sừng cong, gờ nổi cao ở hai bên, cái đầu hơi cúi xuống, đôi mắt buồn bên cạnh hai tai được cách điệu cặp xuống. Trên nóc nhà Gươl (nhà cộng đồng), cặp sừng trâu được đặt ở đầu hồi. Ngôi nhà là biểu tượng cho hình ảnh con trâu với toàn bộ cấu trúc ngôi nhà là sự mô phỏng hình dáng con trâu với bốn chân cao có đế vững, mình tròn, sóng lưng oằn xuống với những đốt gai sống nhấp nhô. Bộ xương là hình ảnh của bộ sườn nhà với sống lưng là đòn nóc, các xương sườn là hệ thống vì kèo. Trên đỉnh của ngôi nhà có hai vòng cùng hướng vào nhau như hai cái sừng. Trên các tấm ván thưng dọc liên kết khung nhà, ở hai đầu tấm ván, người ta thường tạc hình sừng trâu, đầu kỳ đà với đường nét tạo hình uyển chuyển. Kiểu kiến trúc này một lần nữa được lặp lại khi người Cơ Tu dựng nhà mồ cho những người đã khuất. Như vậy, con trâu, với người Cơ Tu, còn là biểu tượng cho sự hoàn hảo, mong ước vươn đến cuộc sống an lành, giàu sang, no ấm.

Hình ảnh con trâu đi vào hội họa Việt Nam hiện đại với các tác phẩm trâu của nhiều họa sĩ như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm và sau này là Thành Chương, Nguyễn Tiến Chung, Trần Vĩnh... Họa sỹ Thành Chương là người vẽ nhiều bức tranh về trâu, cách tạo hình giản đơn với nhiều hình kỷ hà bằng nét gợi và hòa sắc mạnh đã tạo cho người xem một lối đi riêng của anh rất mỹ cảm, như trong bức "Ký ức tuổi thơ". Nói về hình tượng con trâu, Thành Chương lý giải: “Tôi sinh ra ở nông thôn, từng có tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ nên trong tiềm thức lúc nào cũng hiện lên hình ảnh trong sáng, đẹp đẽ của con trâu và cánh đồng. Đối với người Việt thì con trâu là một thành viên trong gia đình nông dân Việt Nam. Khi tôi vẽ con trâu tôi luôn cố gắng thể hiện tinh thần gần gũi, gắn bó mật thiết ấy”.

Ở bức ký họa thuốc nước "Chọi trâu" của danh họa Nguyễn Tiến Chung cho ta thấy sự khỏe đẹp và sức mạnh của con trâu qua cách tạo hình của ông. Vẽ cảnh hai chú trâu đang húc diễn, thường được tổ chức trong các lễ hội mừng ngày mùa bội thu của nhà nông. Nhà điêu khắc, họa sỹ Trần Vĩnh cũng có nhiều duyên nợ với hình tượng con trâu Việt. Anh vẽ trâu với nhiều kỷ niệm thời ấu thơ, được sống cùng với gia đình nông dân trong thời kỳ sơ tán chiến tranh. Họa sĩ Nguyễn Văn Cường cũng là người có hơn 20 năm chuyên thả hồn qua hình ảnh con trâu, Cường có tới 12 triển lãm tranh trong và ngoài nước của riêng mình. Đến gần đây nhất thì họa sĩ Lê Đình Nguyên đã tạo ra hình ảnh con trâu đầy mới lạ và sống động. Trâu của Nguyên biết di chuyển, phát ra tiếng động đặc trưng, âm thanh vui nhộn, trong trẻo hay chậm rãi kiên nhẫn của một đời sống thực. Hàng trăm tác phẩm Trâu với Trâu đèn, Trâu giàn, Trâu Pháo, Trâu xay, Trâu kẻng bom, Trâu đồng hồ, Trâu Vespa đã làm nên một thương hiệu Nguyên Trâu mới. Điều đặc biệt là anh đã mang nghệ thuật vào với cuộc sống, đưa đời sống vào với nghệ thuật.

Hội họa Đà Nẵng cũng có nhiều họa sĩ vẽ trâu. Một trong số đó là họa sĩ Nguyễn Tiến Việt với bức Hơi ấm vùng cao với chất liệu khắc gỗ phá bản đạt giải Nhì của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2020. Con trâu trong bức họa được thể hiện với một khuôn mặt hiền lành, bên cạnh cảnh sinh hoạt mùa đông ở những tộc người vùng cao. Bằng những đường nét đậm nhạt, uyển chuyển, cách miêu tả cực thực, Nguyễn Tiến Việt đã tạo nên bức tranh trâu rất gần gũi, ấn tượng.

Có thể thấy rằng, dù trong thời đại nào thì hình tượng con trâu cũng có ý nghĩa vô cùng thiết thân với con người. Con trâu luôn được nghệ thuật hóa bằng nhiều hình ảnh đa dạng bằng điêu khắc và hội họa. Nó hiện diện trong đời sống người nông dân như một người bạn để chia sẻ lao động, thành quả lao động và cả những tình cảm, những biến chuyển trong cuộc sống.

H.T.H

Bài viết khác cùng số

Góp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngTết, nhớ nhàNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Tản mạn bên chén trà xuânBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaMột lần Tết quê ngoạiCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidDấu ấn thời gianTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGCắt tóc cuối nămBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹĐóa xuân lòngMãi mãi mùa xuânXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiNgày xuân nõnCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngThơ cho mùa xuânChùm thơ HaikuMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônNhững mạch gạch Tháp xuânNói đi em...Chiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhLời nhắn nhủLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hình tượng con trâu trong văn học Việt NamCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhNgày xuân nhớ Xuân DiệuThơ là những tình khúc“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Trâu và senChào xuân Tân SửuXuân về trên phốChờ xuânHương xuân