Ngày xuân nhớ Xuân Diệu

27.01.2021
Huỳnh Văn Hoa

Ngày xuân nhớ Xuân Diệu

Đến Xuân này, 2021, Xuân Diệu tròn 105 năm sinh. Ông sinh ngày 2-2-1916, mất 18-12-1985, là nhà thơ lớn của dân tộc.

Trong bài thơ Nguyên Đán, Xuân Diệu viết :

Xuân của đất trời nay mới đến

Trong tôi xuân đến đã lâu rồi ...

Đó là những câu thơ in trong tập Thơ Thơ (Đời nay, 1938). Với Xuân Diệu, cuộc sống bao giờ cũng là xuân đầu, xuân không mùa. Ông là nhà thơ khát thèm sự sống và rất sợ cô đơn. Một đời sáng tạo, thi sĩ đã đem phấn thông vàng của hồn mình rải khắp thế gian. Trong Lời đưa duyên, Xuân Diệu viết: “Tôi sợ mất sự sống của tôi, tôi không muốn nó rơi rớt, chảy trôi theo tháng ngày, tôi đã ráng bỏ từng mảnh đời tôi trong hàng chữ, để gửi đi, gửi cho người, cho người bốn phương”. Và, cũng chính vì thế mà thế giới sáng tạo của ông ngập tràn cảm xúc thanh tân, mới mẻ. Xuân Diệu sợ sự trôi tuột của thời gian, sợ nắng lỡ chiều hôm, sợ trăng tà chếch bóng. Trước sau, nói như Nguyễn Đăng Mạnh: "Xuân Diệu là nhà thơ của niềm giao cảm hết mình giữa con người và con người, một phát hiện về niềm hạnh phúc tuyệt vời mà cuộc sống trần thế này đã ban phát cho nhân loại". Nhà thơ từng phát biểu :

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn ...

(Vội vàng )

Trong cuộc sống cũng như trong văn chương, chưa khi nào Xuân Diệu thấy đủ cả, lúc nào cũng thấy thiếu, cần thêm nữa. Dường như, đối với thi sĩ, tất cả thanh sắc trần gian phải được ôm, được riết, được uống, được cắn, ông không chịu được sự nguội lạnh, thờ ơ:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm ...

(Giục giã)

Xuân Diệu tha thiết với cuộc đời, muốn tỏa lòng mình ra, chào mời tất cả “đây là quán tha hồ muôn khách đến“ (Cảm xúc). Cũng chính từ niềm yêu như thế, Xuân Diệu nhạy cảm với sắc màu, hình thể, âm thanh, đường nét của cuộc sống. Thơ ông luôn ở xu hướng vận động. Tạo vật thường được nhìn dưới khía cạnh đa chiều :

Một tối bầu trời đắm sắc mây

Cây tìm nghiêng xuống nhánh

hoa gầy

Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ

Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy

 Những lời huyền bí tỏa lên trăng

Những ý bao la rủ xuống trần

Những tiếng ân tình hoa bảo gió

Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân ...

(Với bàn tay ấy)

Xuân Diệu muốn vĩnh cửu hóa thời gian, sợ cô độc, có lúc quay về  mơ xưa, thuở “hạc theo trăng, tiên còn lẫn với người”. Những bài thơ viết khoảng 1940, 1942, 1943 ở Gò Công, Mỹ Tho, nhà thơ coi mình như kẻ đi đày, như người lính nơi ải quan xa, bó gối, lạnh lẽo, mong có chút lửa đời để sưởi, lòng mơ đến một nơi chốn nào:

Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù

Đốt điếu thuốc chiêu hồn sương

quá khứ

Mỗi khi thu đưa gió vàng lưỡng lự

Có buồn chăng, lòng bận ở đâu xưa?

(Mơ xưa, Gò Công 1942)

Thế là, ông bỏ cuộc sống của một viên chức Sở Đoan Mỹ Tho (1943), ra Hà Nội với Huy Cận, bí mật tham gia Mặt trận Việt Minh. Hiểu vậy, mới thấy việc Xuân Diệu nhiệt tình đón chào Cách mạng tháng Tám, tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc, viết Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông như tất yếu trong sống và sáng tạo. Nhập với đời, vẫn tấm lòng khát khao, giao hòa ấy, Xuân Diệu đi với nhân dân:

 Tôi cùng xương thịt với nhân dân

của tôi

 Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu

 Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

 Của triệu người yêu dấu gian lao.

 (Những đêm hành quân)

Ý thức công dân đã hướng ngòi bút của ông phục vụ cho đời, Xuân Diệu viết nhiều thể loại, từ thơ ca, ký sự đến tiểu luận, phê bình hay nói chuyện thơ, cũng vì thế. Ông ca ngợi Tổ quốc bằng những vần thơ chân thành, cảm động. Ông quan niệm cái gì có ích thì nên làm, tự xem mình “Tay siêng làm lụng, mắt hay kiếm tìm”. Cái nhìn tích cực đó một mặt vừa chống chọi lại bi kịch bản thân, một mặt vừa khẳng định sự có mặt của mình trên trần gian này. Chỗ này làm nên chất triết luận trong thơ Xuân Diệu.

Nói như Thế Lữ trong Lời giới thiệu tập Thơ thơ: "Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian". Lòng yêu đời, trước kia, đôi khi có cái nhìn khinh bạc, kiêu ngạo, muốn đứng trên tất cả :

Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất

Không có chi bè bạn nổi cùng ta

(Hy Mã Lạp Sơn)

Từ sau 1945, trái tim nóng bỏng, nhiệt thành đó hòa cùng biển lớn cuộc đời. Xuân Diệu từng mong được cám ơn cuộc đời và tâm niệm đó đã góp phần thúc đẩy sức sáng tạo trong ông. Nửa thế kỷ sáng tác với gần 50 tác phẩm, đủ đề tài, loại thể, Xuân Diệu xứng đáng là cây đại thụ trong nền văn học đương đại Việt Nam.

Con người từng van vỉ cuộc đời:

Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ

Một giây cũng cam, một chút

cũng đành

...........

Thơ tôi đó, gió lùa đem tỏa khắp.

Và lòng tôi, mời mọc bạn chia nhau ...

(Lời thơ vào tập Gửi hương)

 Thế nhưng, Xuân Diệu đã không được tình yêu, hạnh phúc riêng tư mỉm cười. Sinh thời, ông sống cô đơn. Vào những ngày tết nhất, khi thiên hạ bận bịu lo toan, sắm sanh các thứ, khi gia đình quây quần bên nhau, Xuân Diệu lại một thân một mình với chiếc bàn viết. Trong bài viết Tết với nhà thơ Xuân Diệu, Hoàng Cát kể lại, tại Hà Nội, Xuân Diệu có hai người em ruột cùng cha khác mẹ, bà Ngô Xuân Như với ông Ngô Xuân Huy. Bữa cơm chiều 30 Tết, ông ăn tại nhà người em gái Xuân Như. Những bữa sau, vào các ngày mồng 1, mồng 2 Tết ông ăn tại nhà người em trai, ông Ngô Xuân Huy. Dĩ nhiên, trong những ngày Tết, năm nào cũng vậy, gia đình nhà thơ Huy Cận cũng mời Xuân Diệu một bữa. Hai ông là bạn tri âm tri kỷ hồi còn học ở Quốc học - Huế. Thời gian còn lại, Xuân Diệu lặng lẽ và riết róng, miệt mài và cặm cụi với chữ nghĩa, tất cả hiến dâng cho đời những trang viết sâu nặng cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Xuân Diệu vẫn biết mùa xuân đang đứng bên ngoài.

Tình yêu văn chương và ý thức cống hiến ở Xuân Diệu là vô cùng lớn lao và đẹp đẽ. Bao nhiêu năm, ông hoàng của tình yêu cũng chỉ là một đôi đũa lệch trong mâm cơm hạnh phúc. Song, ông đã chiến đấu với năm đẩy, tháng dồi ấy bằng một nghị lực, ý chí vô song và cao cả.

Trong bài thơ Khung cửa sổ, ta nghe một tiếng nói chân tình, cô đơn của Xuân Diệu. Xuân Diệu thèm một mái ấm, một bàn tay, nhưng nào được. Một nỗi sợ lan tỏa, trống vắng, với nhiều cái "không" đè nặng lên tâm hồn, lên cuộc sống:

Anh có nhà có cửa

Nhưng không vợ không con

Sợ cái bếp không lửa

Sợ cái cửa không đèn.

 

Những đêm đi xa về

Tận xa nhìn cửa đóng

Không ánh sáng đón mình.

Không có ai trông ngóng...

 Thương quá! Những dòng thơ thật cảm động. Xuân Diệu đã đi xa. Giở từng trang viết của ông, ta vẫn thấy bồi hồi sự sống. Nhớ Xuân Diệu, đọc những dòng thơ ông viết năm 1939 trong Tình mai sau, ta càng yêu nhà thơ hơn:

 Ngày thuở ấy, lâu rồi tôi đã chết

Tháng ngày qua chôn lấp mộ

hoang tàn

Hòa với đất, mình tôi thôi đã hết.

Nhưng hương hồn còn luyến ở

không gian ...

 

Đi sao được khi mặt trời vẫn nở

Bỏ sao đang những mái ngói yên buồn

Đường rất lặng với hàng cây hay nhớ

Xa sao đành mắt đẹp của hoàng hôn...

H.V.H

Bài viết khác cùng số

Dấu ấn thời gianMột lần Tết quê ngoạiNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtBóng xuân xanhĐãi KIẾN một bữaTản mạn bên chén trà xuân80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Nhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân SửuKý ức ngày XuânCuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidXuân vềNụ xuân trên ánh mắtLên Vọng Hải ĐàiChiều Sơn TràĐà Nẵng ân tìnhRiêng cho Đà NẵngMai về Trường SaCó một cuối năm ở Đà NẵngNgày xuân nõnMùa xuân mớiVới Đà NẵngCó về không em ơi!Khúc mộc tháng GiêngNguyên ĐánXuân tái sinhCắt tóc cuối nămThơ cho mùa xuânMãi mãi mùa xuânĐóa xuân lòngKỷ vậtKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhSayBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân về trong ý mẹNói đi em...Hình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhCon trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân SanhNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố